logo

Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn thơ thứ 3

Có rất nhiều tác phẩm viết về đề tài người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nước ta, một trong những tác phẩm nổi bật nhất là bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng ra đời năm 1948. Toploigiai sẽ cùng các bạn tìm hiểu rõ hơn về bài thơ qua bài Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn thơ thứ 3 dưới đây


1. Dàn ý Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính tây tiến trong đoạn thơ thứ 3

Mở bài:

- Giới thiệu qua về bài thơ Tây Tiến và nội dung đoạn thơ thứ 3 của bài là hình ảnh người lính Tây Tiến

Thân bài:
- Hai câu thơ đầu đoạn 3: Ngoại hình của những người lính Tây Tiến (không mọc tóc, xanh xao)

=> Do điều kiện chiến đấu khắc nghiệt, bị bệnh sốt rét

- Hai câu thơ tiếp theo: Sự lãng mạn của những người lính Tây Tiến (Khát vọng chiến thắng quân thù, giành lại độc lập và nhớ về người thương nơi quê nhà)

- Còn lại: Sự hi sinh bi tráng của những người lính Tây Tiến (Không tiếc tuổi xuân, mạng sống của mình để giành lại độc lập, nơi ngã xuống chính là mồ chôn họ, áo lính hóa thành “áo bào”)

=> Họ hi sinh nhưng trở thành bất tử, hóa vào hình hài non sông, đất nước.

Kết bài:

- Tổng kết lại hình ảnh người lính Tây Tiến: Hiên ngang, dũng cảm, lãng mạn và hóa thành bất tử

>>> Tham khảo: Cảm xúc chủ đạo của bài thơ Tây Tiến


2. Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính tây tiến trong đoạn thơ thứ 3

Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn thơ thứ 3

Mẫu 1:

Để dành lấy cho chúng ta cuộc sống hòa bình, tự do như hiện nay, cha anh đi trước đã phải đánh đổi mọi thứ mà họ có. Biết bao người đã bỏ cả tuổi xuân, tính mạng của mình ở lại chiến trường vì hai từ Tổ quốc. Chính vì vậy, những người lính đã trở thành đề tài sáng tác bất tận cho thơ ca. Một trong số những tác phẩm nổi bật viết về đề tài này, không thể không nhắc đến bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng được sáng tác cuối năm 1948. Cả bài thơ là nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về Tây Tiến, về đồng đội. Và đoạn thơ tác giả dành để khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến, đồng đội của mình rõ nét nhất, chính là đoạn thơ thứ 3: 

“Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Nếu ở đoạn 1 tác giả nhớ về đường hành quân lên Tây Bắc hùng vĩ mà nguy hiểm, đoạn 2 nhớ về cảnh sinh hoạt và bức tranh tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc thì đoạn 3 tác giả không còn tập trung vào gợi tả nỗi nhớ thiên nhiên hay bức tranh bao quát nữa, mà ở đây, hiện lên nỗi nhớ trực tiếp của tác giả về những người đồng đội của mình. Ở nơi chiến trường, đa số những người lính Tây Tiến cạo đầu để dễ chống chọi với sự nóng bức, thiếu nước để sinh hoạt, không chỉ có vậy, đầu họ còn bị rụng tóc do bệnh sốt rét nên Quang Dũng đã gọi họ là “đoàn quân không mọc tóc”. Chỉ với một câu thơ đầu tiên, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự khốc liệt của chiến trường và sự gan góc, không màng khó khăn của những người lính Tây Tiến, họ có thể chịu đựng tất cả chỉ cần đất nước được toàn vẹn, thống nhất. Bệnh sốt rét và điều kiện sống thiếu thốn mọi thứ không chỉ làm cho những người lính Tây Tiến từ những chàng thanh niên với mới tóc đen lãng tử biến thành “không mọc tóc” mà còn khiến cho họ nhìn xanh xao, hiện lên qua biện pháp tả thực của nhà thơ Quang Dũng “quân xanh màu lá”. Nhưng dù khó khăn, bị bệnh tật hoành hành, họ vẫn giữ vững khí thế của một người lính cụ Hồ, không hề lộ ra vẻ yếu ớt mà vẫn “dữ oai hùm”. 

Người lính Tây Tiến tuy hiên ngang, oai hùm với kẻ thù nhưng bên trong họ vẫn là những chàng trai lãng mạn, với nhiều mộng mơ. Hình ảnh “mắt trừng” lại được đặt trong câu có từ “mộng”, nghe thật đặc biệt, bởi mắt trừng là hành động của một người khi thức, còn từ mộng xuất hiện khi ngủ. Người lính Tây Tiến luôn theo dõi kẻ thù, không bao giờ mất cảnh giác, căm thù chúng sâu sắc, đồng thời vẫn không ngừng gửi những ước vọng hòa bình đến với mọi người trên cả nước, mong muốn đuổi được hết kẻ thù ra khỏi biên giới nước mình. Mỗi đêm về, những chàng trai đó vẫn có một “dáng kiều thơm” nơi quê nhà là thủ đô Hà Nội để mơ về, để ước mong khi nào đánh hết giặc được đón nàng về chung một nhà, có một tổ ấm hạnh phúc. Và họ hiểu, để được như vậy, họ phải luôn vững tâm, giành lại được hòa bình cho đất nước. 

Nhưng cái giá của hòa bình thật sự rất đắt, nhiều người lính Tây Tiến đã phải hi sinh, một cách thật bi tráng: 

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Tác giả Quang Dũng không trực tiếp nhắc đến cái chết, mà dùng biện pháp ẩn dụ để tránh đi cảm giác đau thương. Những người lính Tây Tiến đã ngã xuống vì độc lập, nằm lại “rải rác” nơi chiến trường xa xôi. Nhưng họ vẫn không bao giờ tiếc cuộc đời mình, không bao giờ tiếc tuổi xuân xanh còn mơn mởn ấy. Bởi họ biết, sự hi sinh của họ không phải là chấm hết, mà là sự nối tiếp cho cuộc sống của những người ở sau, chỉ khi dành được hòa bình, cuộc sống ấy mới có thể tiếp diễn. Sự ra đi của họ thật bi thương nhưng cũng thật hùng tráng, khi họ ra đi, nơi ngã xuống chính là nơi chôn họ, áo họ mặc không còn là áo lính bình thường, mà đã trở thành “áo bào”, áo giành cho những vị kiệt tướng thời xưa. Người lính Tây Tiến tuy hi sinh nhưng là bất tử, vì họ hóa vào đất mẹ, hóa thành hình hài đất nước độc lập. Hình ảnh sông Mã khi họ mới hành quân qua lại hiện lên với họ lần cuối, để gầm lên “một khúc độc hành” tiễn họ.

Qua đoạn thơ thứ ba trong bài thơ Tây Tiến, hình ảnh người lính Tây Tiến được tác giả Quang Dũng tái hiện thật rõ nét. Họ là những người lính dũng cảm, mạnh mẽ, chấp nhận mọi khó khăn vì giành lại độc lập cho đất nước, đồng thời họ cũng là những chàng trai có tâm hồn lãng mạn. Và họ sẵn sàng cống hiến hết mình cho Tổ quốc kể cả tuổi xanh và mạng sống của mình. Chính vì vậy, dù họ hi sinh nhưng vẫn là tượng đài bất tử trong lòng mọi người.

Mẫu 2:

Nhà thơ Quang Dũng là một nhà thơ vừa cầm súng, vừa cầm bút đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1947, có một đoàn binh được thành lập tên là Tây Tiến, tác giả Quang Dũng cũng nằm trong đoàn binh đó, nhưng sau đó ông chuyển công tác đến đơn vị khác. Năm 1948, với nỗi nhớ da diết Tây Tiến, ông đã sáng tác bài thơ Tây Tiến tại Phù Lưu Chanh. Cả bài thơ là nỗi nhớ của tác giả dành cho kỉ niệm chiến đấu và đồng đội Tây Tiến của mình. Hình ảnh những người lính Tây Tiến, được tác giả Quang Dũng khắc họa rõ nhất qua đoạn thơ thứ ba của bài.

Mở đầu đoạn thơ, tác giả Quang Dũng mang đến ngoại hình thật khác lạ của những người lính Tây Tiến:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Phải chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt, rừng thiêng, nước độc, lại thiếu thốn đủ điều nên những người lính Tây Tiến mắc phải nhiều bệnh nguy hiểm, nhiều nhất là bệnh sốt rét. Chính vì vậy nên đầu của họ bị rụng hết tóc và trở nên xanh xao, tác giả Quang Dũng đã sử dụng biện pháp tả thực ở đây để khắc họa rõ nét nhất những khó khăn mà người lính Tây Tiến phải chịu đựng. Tuy khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng họ vẫn không bị lép vế trước kẻ thù, vẫn khí chất và hiên ngang, khiến kẻ thù khiếp sợ vì “dữ oai hùm”.

Những người lính Tây Tiến không chỉ dũng cảm, hiên ngang mà còn rất lãng mạn:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Với đôi “mắt trừng” thể hiện lòng căm thù giặc và quyết tâm chiến thắng, những người lính Tây Tiến gửi ước vọng hòa bình của mình đến nơi xa, mong muốn đuổi hết được quân thù ra khỏi biên giới đất nước. Đêm đến, họ vẫn mơ về người thương “dáng kiều thơm” nơi quê nhà, ước kháng chiến nhanh chóng thành công để được gặp lại người trong mộng. Để rồi mỗi lần như vậy, họ lại càng quyết tâm hơn để bảo vệ Tổ quốc vì Tổ quốc có cả người họ nhớ, có cả người thân và hơn cả là toàn thể dân tộc, sứ mệnh của những chàng trai trẻ thật lớn lao làm sao.

Để hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy, cái giá phải trả chắc chắn rất đắt, những người lính Tây Tiến biết điều ấy, nhưng họ vẫn bước thật chắc ra chiến trường:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Họ đã đi mà không tiếc tuổi xuân của mình, vì tình yêu đất nước. Sự hi sinh của họ thật bi tráng làm sao. Họ ra đi nơi biên cương xa xôi mà không được gặp lại gia đình, người mình nhớ mong, nơi họ nằm xuống là mồ của họ. Nhưng những người lính Tây Tiến không hề hối tiếc, bởi họ biết họ đang góp phần bảo vệ được những người, những thứ họ muốn bảo vệ. Sự ra đi của họ là bất tử, áo của họ hóa thành “áo bào” của những vị tướng anh dũng. Họ đã hóa thân vào non sông, đất nước. Ở đoạn đường cuối, sông Mã thuở nào lại “gầm lên khúc độc hành” để chào họ, một khúc ca hào hùng, bi tráng.

Nhà thơ Quang Dũng đã mang đến cho người đọc hình ảnh những người lính Tây Tiến thật hiên ngang, anh dũng và cũng đầy thơ mộng. Tuy nhiều người đã hi sinh, nhưng sự hi sinh của họ không phải là chấm hết mà là để tiếp tục cuộc sống cho tương lai những người ở lại, một cuộc sống độc lập, hòa bình và ấm no. Họ sẽ là những người anh hùng trong lòng nhân dân cho đến mãi về sau.

-------------------

Trên đây Toploigiai đã mang đến cho các bạn bài Cảm nhận của anh chị về hình ảnh người lính tây tiến trong đoạn thơ thứ 3. Hi vọng qua bài văn mẫu này các bạn đã hiểu rõ hơn về tác phẩm. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 30/10/2022 - Cập nhật : 15/11/2022