logo

Cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang

          Đọc Bà Huyện Thanh Quan chúng ta không gặp những nỗi buồn tái tê hay những bi kịch về kiếp người đầy nghiệp chướng bởi lẽ dường như cuộc đời bà suôn sẻ, hạnh phúc, không có bi kịch riêng. Tuy vậy từ đáy sâu tâm hồn ấy vẫn cứ dồn về những nỗi ai hoài đối với nước cũ và Qua đèo ngang đã thể hiện điều ấy thật giản dị mà sâu sắc.


Cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang

Cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang | Văn mẫu 7 hay nhất

      Đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan, nỗi buồn về một buổi chiều tà được vẽ lên bởi những cảm xúc nghệ thuật hết sức tinh tế và trau chuốt, vẫn là những viên ngọc lung linh tạo nên những mĩ cảm trong tâm hồn nhiều thế hệ độc giả:

“Bước tới đèo ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

        Khi vừa đặt chân đến, tác giả đã đặt mình vào một khoảng không với thời gian rõ ràng, chi tiết qua cụm từ “bóng xế tà”, khi ánh mặt trời còn những tia yếu ớt đang gắng gượng. Dường như buổi chiều nhá nhem ấy càng khiến tâm sự thêm nặng lòng, càng khiến nỗi buồn như trĩu nặng, giống ca dao có câu:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

        Khi bầy chim về tổ,  đàn trâu về đàn, con người khao khát hơn cả hơi ấm của tình thương và sẻ chia thì tác giả lại đặt bước chân cô độc của người lữ khách ở một địa danh heo hút, vắng lặng. Câu thơ đã mở ra không gian tự nhiên heo hút vừa bao la, vừa hoang dại và thiếu vắng bàn tay con người.

        Hành trình tới đèo ngang còn được gợi mở cụ thể hiện khi có hình bóng con người:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

        Tất cả đều nhỏ nhoi, mờ nhạt, chẳng hề nô nức, náo nhiệt mà còn cũ kĩ trong tầm mắt. Dưới chân núi, hình ảnh con người lao động nhỏ bé giữa thiên nhiên hoang sơ, bên dòng sông nhỏ gần như khô cạn, vài nhà chợ rêu phong nằm lác đác. Như vậy, bốn câu thơ đầu, bằng những nét chấm phá, tác giả đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên đèo ngang khơi gợi bao nỗi buồn, bao tâm sự miên man.

       Con người xuất hiện nhưng không đủ sức khơi dậy hơi ấm cho bức tranh thiên nhiên để từ đó dẫn đến hai câu luận:

 “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

             Âm thanh vang lên từ hai loài chim là chim cuốc và chim đa đa – hai loài chim nhỏ bé thường chỉ xuất hiện những nơi đồi núi, heo hút. Cách tác giả chơi chữ để trên là tiếng nước, dưới là tiếng nhà để tạo kết cấu sóng đôi hai câu thơ đối nhau rất căn chỉnh. Tiếng kêu nhỏ nhoi vừa da diết, vừa khắc khoải vang trong không gian lặng mình càng kéo nỗi buồn thêm lê thê. Một bức tranh có không gian, thời gian, có hình ảnh, âm thanh với cái đẹp thấm với nỗi sầu, với âm thanh hòa với sự trầm lặng, với hoang vu trải dài đến mãi mãi.

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta”

        Tác giả nhớ về triều đình buổi xa xưa dưới thời vua Lê. Khi nhà Lê suy tàn thì trái tim của nhân vẫn còn đó, luôn đau đáu về một triều đại đã qua. Nỗi nhớ ấy không đau đớn, dằn vặt hay giàn giụa trong nước mắt mà thấm đẫm trong suy tư, trong tất cả ai hoài về một triều đại cũ. Đến đây, khung cảnh mở rộng đến vô vàn đó là trời, non, nước. Nếu như ở trên gợi ra không gian ba tầng được ngăn cách thành những khối riêng lẻ như khối tâm sự đang đè nặng trên đôi vai nhà thơ. Đặc biệt khép lại bài thơ là cụm từ “ta với ta”, hai tiếng ta chỉ một người, lại là chính tác giả bởi vậy mà sự cô đơn, lẻ bóng càng nhân lên gấp bội.

        Như vậy, ta thấy trải dài trong bài thơ là nỗi niềm hoài cổ, sự trông ngóng về quá khứ một mối tâm tình không thể gỡ bỏ và chính nó đã hòa mình để thấm nhuần trong từng câu thơ làm toát lên cả một tâm hồn đầy trang trọng nhưng dạt dào tình cảm đã dệt nên phong cách, phong cách Bà Huyện Thanh Quan.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021