Câu hỏi: Cá nhân và cộng đồng cần có các hành động thiết thực nào để bảo vệ môi trường?
Lời giải:
Những hành động thiết thực của cá nhân và cộng đồng để bảo vệ môi trường:
- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất, chất thải gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt hằng ngày như rác thải nhựa, hóa chất tẩy rửa, … nên sử dụng các loại dụng cụ, chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, sản phẩm tái chế để bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.
- Sử dụng tiết kiệm điện, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời và những nguồn năng lượng sạch, …
- Trồng nhiều cây xanh, hạn chế chặt phá rừng, giúp môi trường không khí trong lành.
* Trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng và gây ra nhiều hệ lụy lớn. Chính vì thế, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân nào mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, ngay cả những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em cần được biết rõ vai trò và trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Bảo vệ môi trường cần nỗ lực của đội ngũ các chuyên gia, những quy định chặt chẽ của pháp luật, cần sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình trong xã hội. Mỗi công dân nâng cao ý thức trách nhiệm, có kiến thức và hành động đúng đắn vì môi trường sống, dù là ngay từ những việc nhỏ trong nếp sinh hoạt, lao động mỗi ngày. Cụ thể như việc giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi quy định; không ngắt phá cây xanh nơi công cộng; tiết kiệm điện nước ở mọi lúc, mọi nơi; hạn chế dùng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần; rèn thói quen tiết kiệm giấy, tái sử dụng đồ dùng.
Bảo vệ môi trường không chỉ đơn thuần là công việc của Đảng, Nhà nước, của một cơ quan hay tổ chức nào mà đó là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, do đó mọi đối tượng trong xã hội từ người già đến trẻ nhỏ, từ tổ chức đến cá nhân, từ người sản xuất đến người tiêu dùng đều có quyền và nghĩa vụ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quy định này ghi nhận quyền và nghĩa vụ về bảo vệ môi trường của công dân, tạo cơ sở hiến định cho việc xác lập quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường vì lợi ích của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
* Luật Bảo vệ môi trường về nguyên tắc bảo vệ môi trường
1. Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
2. Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
3. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
4. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.
5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
6. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
7. Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
>>> Tham khảo: Dựa vào chiều quay của Trái Đất, hãy thảo luận để rút ra kết luận về chiều chuyển động và sự mọc, lặn của Mặt Trời hằng ngày