logo

Bình giảng đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc..." học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay, nâng cao Bình giảng đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc..." học sinh giỏi. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn tại các lớp chuyên và thi học sinh giỏi. Cùng tham khảo nhé! 

Bình giảng đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc..." - Bài mẫu

   Khắc hoạ hình ảnh của những người lính trong kháng chiến có biết bao bài thơ hay. Từ “Đồng chí” của Chính Hữu, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi đến “Tây Tiến” của Quang Dũng. Mỗi bài thơ lại chạm đến những nét đẹp khác nhau của hình tượng người lính. Và có lẽ “Tây Tiến” của Quang Dũng vẫn là bài thơ để lại trong tôi nhiều cảm xúc hơn cả, đặc biệt là đoạn thơ:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

     Bao trùm cả bài thơ là nỗi nhớ của Quang Dũng về một thời Tây Tiến. Với ngòi bút tài hoa, bằng tình cảm sâu nặng, tha thiết, cảm hứng vừa hiện thực vừa lãng mạn, Quang Dũng đã tái hiện bức tranh rừng núi Tây Bắc hoang vu, hiểm trở, dữ dội nhưng vẫn có nét duyên dáng, thơ mộng. Trung tâm nổi bật của bức tranh thiên nhiên ấy chính là hình ảnh người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp vừa oai hùng, dũng cảm, can trường lại vừa lãng mạn hào hoa, đúng chất nghệ sĩ.

Bình giảng đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc..." học sinh giỏi

   Từ cảm hứng nỗi nhớ về một thời oai hùng với anh em, đồng chí, với dòng sông Mã hiền hoà, yêu dấu “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi” Đến đây nhà thơ tập trung khắc họa bức tượng đài bất tử về đoàn binh Tây Tiến.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

   Những nét vẽ cận cảnh lột tả những gì “trần trụi”, “ nghiệt ngã” nhất của chiến tranh tàn phá lên cơ thể của những người lính. Không mọc tóc, da xanh như màu lá là hậu quả của căn bệnh sốt rét để lại. Sốt rét là một trong những căn bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người lính. Trong thơ của Chính Hữu cũng có nhiều lần nhà thơ nhắc đến căn bệnh ấy 

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”

   Trong “Tây Tiến” nhà thơ Quang Dũng không hề che giấu hiện thực tàn khốc, những khó khăn gian khổ ấy. Chỉ có điều qua trang thơ của ông hiện thực ấy lại là cái cớ để vút thành lãng mạn, bi tráng. Dù đầu có trọc không còn lấy một sợi tóc, da xanh xao vì đói ăn, sốt rét, thiếu thốn, dù trông có xấu xí, tiều tụy nhưng những người lính vẫn không hề mặc cảm vì cái xấu, cái tiều tuỵ ấy mà trái lại họ thấy mình oai phong, dữ dằn như chúa sơn lâm ở chốn rừng thiêng nước độc. Người lính Tây Tiến “dữ oai hùm” là tư thế mạnh mẽ, làm chủ thiên nhiên, chế ngự mọi khắc nghiệt, đạp bằng mọi gian khổ để chiến đấu. Cách nói “không mọc tóc” chứ không phải “không mọc được tóc” cũng thể hiện cái khẩu khí kiêu ngạo, tếu táo, sự ngang tàng, oai hùng, chủ động của người lính trước mọi hoàn cảnh. Đẹp làm sao cái tư thế chủ động ấy và cũng đẹp làm sao cái dáng vẻ:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

   “Mắt trừng” là mắt mở to, với cái nhìn dữ dội, ý chí mạnh mẽ, ngùn ngụt tinh thần sẵn sàng chiến đấu với quân thù. Đôi mắt ấy “gửi mộng qua biên giới” đó là mộng giết giặc lập công, ước mộng hòa bình, độc lập, không chỉ độc lập tự do của đất nước mình mà còn vì độc lập tự do của nước bạn. Dù chiến tranh có khốc liệt đến dường nào, dù thiếu thốn đủ thứ về vật chất lẫn tinh thần nhưng người lính vẫn giữ vẹn nguyên cái hào hoa, lãng mạn của những chàng trai thành thị. Vẫn không thôi mơ về “dáng kiều thơm Hà Nội”.

Bình giảng đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc..." học sinh giỏi

   Trước đây có rất nhiều ý kiến phê phán về chi tiết  “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” rằng đó là mộng rớt tiểu tư sản, làm nhụt tinh thần và ý chí chiến đấu của người lính. Điều đó là không đúng, giấc mơ về dáng kiều thơm ở đây là những suy tư rất thật, rất đời của người lính. Điều đó chẳng những không ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của người lính mà còn là động lực giúp họ chiến đấu và giành chiến thắng. Chính cảm xúc lãng mạn ấy đã giúp cân bằng tâm hồn người lính giữa những nghiệt ngã chiến tranh, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để họ thực hiện lí tưởng cao đẹp của mình. 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

   Quang Dũng đã nhìn thẳng vào sự nghiệt ngã của chiến tranh, không hề trốn tránh hiện thực để miêu tả về cái chết của người lính. Viết về cái chết của người lính tác giả đã sử dụng những từ ngữ được sắp xếp theo hướng tăng dần của sự bi thảm: đã “rải rác”, rồi lại rải rác tận nơi biên cương, tận vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, rải rác tận nơi viễn xứ, thậm chí tận nơi nước người. Những người lính Tây Tiến đã ngã xuống, nằm lại nơi chiến trường, trên những nấm mộ sơ sài, đau xót làm sao nhưng đó là sự thực của chiến tranh. Phải có máu, nước mắt mới có ngày hòa bình, độc lập. Điều đó làm chúng ta càng phải trân quý hơn những gì của ngày hôm nay.

  Với bút pháp nghệ thuật lãng mạn kết hợp hiện thực, hình ảnh thơ đa dạng và sáng tạo, ngôn từ chắt lọc, đoạn thơ đã tạc vào trong văn học tượng đài đẹp về người lính Tây Tiến. Đó là vẻ đẹp của sự bi tráng, hào hùng và hào hoa, lãng mạn. Hai sắc thái tưởng như đối lập nhau nhưng lại làm hài hoà và tôn lên vẻ đẹp cho nhau.

  Đoạn thơ tuy ngắn nhưng đủ để khẳng định tài hoa của nhà thơ Quang Dũng. Qua đó cũng cho thấy vẻ đẹp trong tâm hồn của ông, đó là tình cảm yêu thương, trân quý dành cho đồng đội, trân trọng những năm tháng gian khổ mà hào hùng của binh đoàn Tây Tiến.

---/---

Trên đây là bài văn mẫu Bình giảng đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc..." học sinh giỏi mà Toploigiai đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 15/11/2022