logo

Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng (dàn ý + bài mẫu)

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng (dàn ý + bài mẫu). Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!


Dàn ý bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng

Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng (dàn ý  + bài mẫu) (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

Nữ sĩ Xuân Quỳnh dành cho tình yêu một khoảng trời yêu thương lớn lao, để khi viết về nó, mỗi chữ, mỗi lời từ cây bút ấy đều khiến người đọc rung động, và "Sóng" là một bài thơ như thế.

2. Thân bài

- Thời gian vẫn vậy, vẫn luôn khiến lòng người khắc khoải một nỗi lo, một nỗi sợ vấn vương.

- Cuộc đời tuy có dài, có rộng đó thôi, nhưng làm sao dài rộng như thời gian cơ chứ.

- Biển có rộng, có dạt dào sự bao dung, có ngày đêm vỗ sóng đợi chờ tình yêu thì mây kia vẫn bay đi, bay về những chân trời xa lắm, nơi đó chắc gì đã có biển, đã có sóng, có " em".

- Tác giả lo âu, nghĩ suy nhưng không vì thế mà ngừng yêu, ngừng nhớ. Trái tim vẫn đập mãnh liệt khi yêu và được yêu, vẫn muốn sống hết mình cho tình yêu của hôm nay, của hiện tại.

- Tác giả ước làm sao để có thể tan thành từng con sóng, từng con sóng ngày đêm vỗ về hạnh phúc tình yêu.

- Bởi thế mà trăm con sóng ngày đêm vỗ về nơi biển lớn của tình yêu ấy là trăm con sóng lòng xốn xang, dâng trào.

3. Kết bài

Qua bài thơ, Xuân Quỳnh đã nói lên tâm sự của bao người trong đó, đặc biệt là những thế hệ trẻ hôm nay.


Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng - Bài mẫu 1

Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng (dàn ý  + bài mẫu) (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

"Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi"

     Tình yêu đối với mỗi con người luôn là điều kỳ diệu và thiêng liêng, là tình cảm cao quý và rất đáng trân trọng. Nữ sĩ Xuân Quỳnh dành cho tình yêu một khoảng trời yêu thương lớn lao, để khi viết về nó, mỗi chữ, mỗi lời từ cây bút ấy đều khiến người đọc rung động. Nếu trong " Tự hát" Xuân Quỳnh viết về một trái tim yêu đầy mãnh liệt, trường tồn dẫu cho cả khi tim có ngừng đập đi nữa thì đến với "Sóng", nhà thơ đã cho ta cảm nhận được những cung bậc cảm xúc, những nỗi nhớ những thiết tha, lòng chung thủy lớn lao của người con gái khi yêu. Và không chỉ vậy, hai khổ thơ cuối bài còn cho ta thấy được cả những nỗi trăn trở và khát khao trong tình yêu:

"Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa"

     Hạnh phúc rồi sẽ ra sao, có đến được bến bờ của tình yêu hay rồi sẽ phải chịu lưng chừng, khoảng cách. Liệu rồi, hạnh phúc có mỏng manh, có để tan vỡ như bình pha lê đẹp đẽ nhưng lỡ rớt rồi sẽ mãi chẳng thể vẹn nguyên. Thời gian vẫn vậy, vẫn luôn khiến lòng người khắc khoải một nỗi lo, một nỗi sợ vấn vương bởi nó cứ vô tình lướt qua, chẳng chờ đợi ai, cứ chảy trôi như thế. Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa cứ theo vòng tuần hoàn đến rồi đi, dửng dưng trước trái tim bao kẻ tiếc nuối bởi thời gian. Cuộc đời tuy có " dài" đấy nhưng rốt cuộc thì nó vẫn là hữu hạn, vẫn không thể sánh bước mãi mãi cùng thời gian, bởi vậy mà lúc này đây, Xuân Quỳnh đang lo lắng, đang trăn trở cho tình yêu, cho " năm tháng qua đi" sẽ không thể trở lại, tình yêu trào dâng mới hôm nay rồi sẽ thành xưa cũ của hôm qua mà thôi. Người con gái càng yêu nhiều, càng thương bao nhiêu thì càng lo sợ bấy nhiêu, đó là lẽ tự nhiên bởi ai khi yêu mà chẳng hoài nghi, chẳng nghĩ suy về tương lai cơ chứ? Và Xuân Quỳnh cũng thế, cũng lắng lo cho tình yêu như áng mây kia, biển có rộng, có dạt dào sự bao dung, có ngày đêm vỗ sóng đợi chờ tình yêu thì mây kia vẫn bay đi, bay về những chân trời xa lắm, nơi đó chắc gì đã có biển, đã có sóng, có " em".

     Tác giả lo âu, nghĩ suy nhưng không vì thế mà ngừng yêu, ngừng nhớ. Trái tim vẫn đập mãnh liệt khi yêu và được yêu, vẫn muốn sống hết mình cho tình yêu của hôm nay, của hiện tại:

"Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Của biển lớn tình yêu

Để ngàn năm vẫn vỗ"

     Phải làm sao, làm sao để có thể tan thành từng con sóng, từng con sóng ngày đêm vỗ bờ, cất lên tiếng lòng của tình yêu, cất lên khúc nhạc của những thương yêu. " Làm sao" hai từ ấy thôi mà chứa đựng cả một khát khao đầy cháy bỏng, một mong muốn đầy thiết tha là có được tình yêu vẹn tròn, say đắm. Khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc luôn luôn tồn tại trong trái tim mỗi người, khát vọng ấy càng lớn lao, dữ dội khôn cùng trong trái tim bao kẻ đang yêu. Bởi thế mà trăm con sóng ngày đêm vỗ về nơi biển lớn của tình yêu ấy là trăm con sóng lòng xốn xang, dâng trào. Trăm con sóng ấy vẫn vỗ dẫu cho qua bao nhiêu năm nữa, dẫu cho thời gian có vô tận thì cũng không bao giờ khoả lấp đi biển kia được, khoả lấp đi được tình yêu kia được bởi đó mãi luôn vĩnh cửu, trường tồn.

     Tác giả nói lên tâm sự của bao người trong đó, đặc biệt là những thế hệ trẻ. Người ta bảo, khi yêu con trai phải là người chủ động, nhưng với Xuân Quỳnh, nhà thơ đã vượt qua biên giới đó, chủ động làm chủ tình yêu, nói lên tiếng nói khát khao tự trái tim mình, mang đến một quan niệm tình yêu hết sức mới mẻ và đầy nhân văn. Có những thứ như tình yêu không dễ gì có được nhưng lại có thể dễ dàng mất đi nếu ai đó thay lòng, bởi vậy, trong tình yêu bao giờ cũng cần sự thủy chung, cần sự vun đắp và cả những lăng lỡ cho tình yêu ấy. Để có thể có một tình yêu thật đẹp, thật thơ, mãi mãi thế hệ sau còn trân trọng và gợi nhắc như tình yêu của thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.


Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng - Bài mẫu 2

     Bên cạnh những nét đa tài của Xuân Quỳnh, chắc hẳn nhà thi sĩ còn ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi nét thơ giàu tình cảm, chân thành, đằm thắm của một tâm hồn mộng mơ. Trong kho tàng thơ ca đồ sộ của mình, bài thơ “Sóng” nổi bật lên xuyên suốt tác phẩm với hình ảnh “thuyền” và “biển” để thể hiện tình yêu nồng say giữa những con người trẻ tuổi. Đặc biệt qua hai khổ thơ cuối, nhà thơ càng nhấn mạnh niềm khao khát được một tình yêu trọn vẹn, đong đầy dù trong bất cứ một khoảng không gian, thời gian bao lâu.

    Bài thơ ra đời năm 1967, trong giai đoạn này mặc dù chủ đề tình yêu là nguồn cảm xúc của rất nhiều tác giả, thế nhưng lại có rất ít các tác phẩm được tạo nên bởi các nhà thơ nữ. Chính vì lẽ đó, Sóng của Xuân Quỳnh càng trở nên đáng quý. Viết về sóng, thuyền và biển, ta có thể kể tới bài Biển của Xuân Diệu, còn với hồn thơ của Xuân Quỳnh, thuyền và biển mang tâm tư nỗi lòng của những người đang yêu tha thiết nhưng trong lòng vẫn không tránh những điều băn khoăn, day dứt. Xuân Quỳnh thể hiện rõ phong cách tình cảm: thẳng thắn, rõ ràng khi yêu thì cháy hết mình.

    Khi con người ta đang đắm chìm vào những cung bậc cảm xúc nồng cháy của con tim, ắt hẳn ta chỉ mơ tới những ngày tháng đẹp tươi, hạnh phúc mà xua tan đi hết những nỗi lo toan chồng chất. Thế nhưng, Xuân Quỳnh tin rằng, tất cả sẽ đều có thể đạt được hạnh phúc nếu có sự kiên nhẫn, sức mạnh được tạo nên bởi ý chí con người.

    Nhà thơ đã chắp bút cho khổ thơ:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”

    Tình yêu tuy lãng mạn nhưng chẳng thể tránh khỏi những điều thực tế. Đôi khi, con người ta thường yêu mất lý trí, nhưng nó sẽ không thực sự đẹp, đúng nghĩa nếu nó xa vời với những lý lẽ cuộc đời. Mà thường, cuộc đời vốn nhiều nỗi trái ngang cản trở, chỉ khi ta đồng cam cộng khổ cùng nhau vượt qua mọi giông bão khó khăn thì tình yêu của đôi ta mới càng trở nên vững bền, tỏa sáng. Đó cũng là khát vọng hướng tới của tất cả những ai đang yêu, muốn yêu và được yêu.

    Cuộc đời chẳng biết bao nhiêu là dài, nhưng ắt hẳn đối với tình yêu, yêu hết mình qua bao nhiêu ngày tháng thì chắc hẳn là rất dài. Trước mắt đây sẽ là biết bao khó khăn, hình ảnh của biển được nhà thơ sử dụng để bổ sung cho từ “dài” của cuộc đời ấy. Rất dài và rất rộng, thế nhưng mây vẫn trôi, vạn vật vẫn sinh tồn và tình yêu đôi ta cũng sẽ được trường tồn theo thời gian.

    Con sóng được Xuân Quỳnh ví như tình yêu “bồi hồi trong ngực trẻ”, để rồi bà tiếp tục có những mong ước thật táo bạo:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

    Một câu hỏi nhẹ nhàng “Làm sao” như thay lời muốn nói của biết bao cặp nam thanh nữ tú. Khi yêu, con người ta sẽ có hàng trăm ngàn câu hỏi, lý do và thật khó để tìm câu trả lời. Tình yêu của Xuân Quỳnh phải thật to lớn tới nhường nào mới có được mong ước “tan ra” như vậy. Mong ước được biến mình thành trăm ngàn “con sóng nhỏ” để hòa vào bể đời rộng lớn, vứt bỏ những lo toan, băn khoăn để hòa tan trong hương vị ngọt ngào của tuổi trẻ, tình yêu và niềm hạnh phúc. Dù mai sau có ai biết được “tình ai có đổi thay”, nhưng ngày hôm nay ta sẽ sống như chưa từng được sống, sống để mang tình yêu đến muôn nơi, không phân biệt khoảng cách giới hạn. Tác giả sẽ mang bầu nhiệt huyết, khát vọng tình yêu mãnh liệt chia sẻ với mọi người để tình yêu sẽ tồn tại đến ngàn vạn năm sau.

     Kết thúc bài thơ mà lời thơ còn vang mãi, khổ thơ năm chữ với tiết tấu nhanh, mạnh hơn càng thể hiện ý chí mãnh liệt, thôi thúc được yêu của tác giả. Dù bể lớn cuộc đời có muôn ngàn khó khăn, thì tình yêu sẽ còn sống mãi. Sóng của biển cũng là hình ảnh của những cơn sóng gió cuộc đời, sẽ có lúc mưa lặng gió ngừng để tình yêu lan tỏa.

    “Sóng” mãi là tác phẩm nổi trội khi được sáng tác để truyền tải đề tài tình yêu lứa đôi. Qua những áng thơ của Xuân Quỳnh, người đọc có thể cảm nhận được những tình cảm chân thật, tuyệt vời của những con người đương yêu. Dù trải qua bao thăng trầm sóng gió, thì Xuân Quỳnh vẫn luôn sống hết mình cho cuộc đời. Thơ của bà sẽ còn in đậm mãi hôm nay và mai sau.


Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng - Bài mẫu 3

“Yêu là chết ở trong lòng một ít

Bởi vì mấy khi yêu mà đã chắc được yêu”

      Tình yêu vốn là một chủ đề muôn thuở trong thơ ca Việt Nam. Nếu Xuân Diệu trong tình yêu luôn vội vàng, cuống quýt và hối hả thì tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh lại rất đỗi kín đáo, mang nhiều trăn trở nhưng cũng vô cùng say đắm. “Sóng” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh, mượn hình ảnh sóng để nói lên tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Đặc biệt hai khổ thơ cuối của bài thơ Sóng đã nói lên tâm trạng lo lắng khi yêu cùng niềm khát khao mãnh liệt muốn sống hết mình vì tình yêu của đời mình.

     Trong tình yêu, người phụ nữ có nhớ có mong, có tương tư và hi vọng. Không những thế, sự lo âu về hạnh phúc mong manh cũng luôn thường trực trong tâm hồn người phụ nữ. Điều đó đã được Xuân Quỳnh thể hiện qua bốn câu thơ:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa.”

       Từ sự lo lắng cho tình yêu, hạnh phúc, nhà thơ suy tư đến cuộc đời và năm tháng. “Cuộc đời” “tuy dài” nhưng nữ sĩ lo âu “năm tháng” “vẫn đi qua”. Qua đó tác giả nhấn mạnh cuộc đời dù có dài nhưng so với sự trôi đi của bánh xe thời gian vô tận thì cuộc đời vẫn thật nhỏ bé và trôi nhanh lắm. Nhà thơ đã rất khéo léo khi mượn hình ảnh ẩn dụ “biển” và “mây” để nói lên cảm xúc lo âu của mình. Trong thơ ca viết về tình yêu, biển là một hình ảnh quen thuộc và mang giá trị biểu cảm lớn, ta đã bắt gặp khá nhiều hình ảnh của biển như:

“Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu”

       Đối với Xuân Quỳnh, dù biển kia có “rộng” lớn bao nhiêu, bao dung đến mấy như tình yêu của người thi sĩ thì áng mây là tình yêu nhỏ bé mong manh vẫn có thể “bay về xa” mãi mãi. Tâm hồn người phụ nữ khi yêu là thế, dù có đang hạnh phúc bao nhiêu, say đắm bao nhiêu vẫn mang một chút trắc trở và hoài nghi về sự bền vững của tình yêu. Bởi thế, những lo âu thấp thỏm thường trực trong tâm hồn nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng là một điều dễ hiểu.

      Từ sự lo âu về sự bền vững trong tình yêu mong manh, nhà thơ bày tỏ niềm khát khao mãnh liệt muốn sống hết mình với tình yêu vĩnh hằng:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

      Hai từ “làm sao” mở đầu câu thơ vang lên như một câu hỏi tu từ cho thấy nhà thơ đang mong mỏi tìm kiếm một phép màu để có được tình yêu chân thành, hạnh phúc vô ngần. Từ những con sóng lòng trong tình yêu, nhà thơ Xuân Quỳnh khát khao “được tan ra” thành “trăm con sóng nhỏ”. Điều đó cho thấy từ những trăn trở, nữ sĩ trở nên khao khát một cách mãnh liệt và cháy bỏng vô cùng, ao ước một tình yêu trọn vẹn, tròn đầy. Đối với trái tim đang yêu của người thi sĩ, dường như một con sóng vẫn chưa đủ, một con sóng quá nhỏ bé so với “biển lớn tình yêu” mênh mông, lớn lao. Bởi thế ước muốn tan ra thành “trăm con sóng nhỏ” của nhà thơ là hi vọng, là khát vọng vô cùng chính đáng. Nhà thơ không chỉ ước muốn tan thành trăm con sóng mà còn khát khao “ngàn năm còn vỗ”. Hình ảnh “ngàn năm còn vỗ” cho thấy khát khao tột cùng được sống hết mình muôn đời mãi mãi trong tình yêu. Đọc câu thơ, người đọc hình dung ra những con sóng đang xôn xao vô đập trên biển lớn, từng con sóng cứ dồn dập nối tiếp nhau vào bờ. Đó cũng chính là nhịp tim, là tiếng sóng lòng của thi sĩ Xuân Quỳnh vẫn đang thiết tha, khao khát và đắm say được sống với tình yêu vĩnh hằng.

        Hai khổ thơ chỉ với tám câu thơ ngắn gọn, hình ảnh thơ đặc sắc có chọn lọc đã có sức gợi lớn đối với người đọc, người nghe. Nhịp thơ khi nhịp nhàng, lúc dồn dập tựa như tiếng sóng vỗ đập lúc nhanh, lúc chậm mang cho người đọc cảm giác như được hòa mình vào bài thơ, được sống trong những phút giây dạt dào hạnh phúc của tâm hồn một người đang yêu. Đó là một trong những đặc sắc nghệ thuật tạo nên dấu ấn riêng cho bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh.

     Gấp trang thơ lại mà hình ảnh những con sóng đang xôn xao đua nhau xô vào bờ vẫn như hiện lên trong tâm trí người đọc. Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh cũng như hai khổ thơ cuối đã diễn tả thành công tâm trạng của người phụ nữ khi yêu luôn thấp thỏm lo âu về sự mong manh trong tình yêu, đồng thời cũng nhấn mạnh khát khao mãnh liệt và vô cùng cháy bỏng của nữ sĩ muốn sống hết mình trong tình yêu vĩnh hằng. Bằng việc sử dụng hình ảnh “sóng” để nói lên tiếng lòng của mình, bài thơ trở thành một tác phẩm xuất sắc đã và sẽ để lại nhiều dư vang trong trái tim bạn đọc và đặc biệt là những tâm hồn đang say đắm trong tình yêu.


Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng - Bài mẫu 4

     Có những vần thơ tình đẹp như thế, như giọng chim ríu rít đa điệu đa thanh giữa mùa xuân. Có những vần thơ nói lên niềm tin và mong ước về tình yêu hạnh phúc đẹp như thế:

“Cuộc đời tuy dài thế

… Để ngàn năm còn vỗ”

       Đây là hai khổ thơ cuối bài thơ ngũ ngôn trường thiên - một bài thơ tình tuyệt tác viết về nỗi khát vọng tình yêu của thiếu nữ.

       Từ thương nhớ đợi chờ: “Cả trong mơ còn thức” tâm hồn thiếu nữ ánh lên một niềm tin mãnh liệt trong tình yêu. “Năm tháng” nhất định sẽ “đi qua” cuộc đời “dài”. “Mây” trên bầu trời nhất định sẽ vượt qua biển “rộng” để “bay xa”. Thời gian dài dằng dặng gian rộng mênh mông, cũng như tình yêu là vô cùng mãnh liệt:

“Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”.

     Câu 1, 2 song hành đối xứng với câu 3, 4 làm cho giọng thơ, âm điệu thơ tha thiết, ngọt ngào. Cấu trúc chính - phụ được sử dụng đắc địa: “tuy… vẫn…“, “dẫu… vẫn”, ý thơ được khẳng định mạnh mẽ. Điệp từ “vẫn” biểu lộ một niềm tin về tình yêu: “Năm tháng vẫn đi qua”, “Mây vẫn bay về xa”. “Năm tháng” và “mây” là hai ẩn dụ nói về tình yêu, một tình yêu đẹp hướng tới hạnh phúc.

     Tình yêu như con sóng trên biển: “Dữ dội và dịu êm – Ồn ào và lặng”. Có lúc “em” lại cảm thấy cô đơn trong xa cách:

“Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói

Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em”.

                            (“Chỉ có sóng và em”)

        Lại có lúc tràn ngập nỗi nhớ khắc khoải chờ mong:

“Còn hiện tại của em là nỗi nhớ

Thời gian ơi sao không đổi sắc màu”.

                              (“Thời gian trắng”)

      Còn ở khổ thơ này là niềm tin, một niềm tin mãnh liệt: Con thuyền tình nhất định cập bến bờ hạnh phúc. Nữ sĩ đã lấy độ dài của thời gian, chiều rộng của không gian để đo niềm tin về tình yêu hạnh phúc. Các từ ngữ: “vẫn đi qua”, “vẫn bay về xa” là sự kết đọng “đinh ninh lời thề” của một tình yêu đẹp.

      Khổ cuối bài thơ là lời nguyện cầu của em về một tình yêu thủy chung bền vững. Hình tượng sóng hội tụ bao cảm xúc nồng hậu:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

      Hai tiếng “làm sao” gợi lên một niềm mong ước cháy bỏng tâm hồn “em”. Sóng trên đại dương trường tồn bất diệt. “Trăm con sóng nhỏ” rì rào vỗ, xôn xao reo “giữa biển lớn tình yêu” mang vẻ đẹp nhân văn cao quý của tình yêu. Đó là niềm ước mong của thiếu nữ được sống trong hạnh phúc bền vững như những con sóng vỗ mãi trên “biển lớn tình yêu” đến ngàn năm sau. Con số “ngàn năm”, “nghìn năm”, hơn một lần đã từng làm ta xúc động:

“Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề”

                               (“Thề non nước” – Tản Đà)

      Tình yêu không hề làm cho em trở nên nhỏ bé ích kỉ; trái lại tình yêu của em sẽ mãi mãi chan hòa trong tình thương của đồng bào, xã hội. Một ý tưởng rất đẹp, rất mới trong tình yêu. Một trái tim đa tình và nhân hậu biết bao!

       Nói đến thơ là nói đến nhạc điệu, vần điệu. Đoạn thơ trên đây có điệu thơ nhẹ nhàng, đằm thắm. Vần thơ phong phú, nhạc điệu dư ba. Sự phối hợp giữa vần bằng và vần trắc, giữa vần liền và vần cách rất tinh tế, nhịp nhàng. Từ “qua” bắt vần với “xa” và “ra”; chữ “nhỏ” hiệp vần với “vỗ”, đọc lên nghe rất thú vị.

        Đoạn thơ hội tụ bao vẻ đẹp, một ý tưởng đẹp: niềm tin về tình yêu hạnh phúc. Lời thơ đẹp: thanh tao, ý vị. Giọng thơ nồng nàn, ngọt ngào. Hình tượng “con sóng nhỏ” và “biển lớn tình yêu” rất sáng tạo. Đoạn thơ mang vẻ đẹp nhân văn sáng giá.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Bình giảng 2 khổ cuối bài Sóng (dàn ý + bài mẫu) do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021