logo

Bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống SGK 7 trang 37, 38, 39

Hướng dẫn Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống SGK 7 trang 37, 38, 39 ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 7 chi tiết.


Mục lục nội dung

Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 37 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

Xác định đề tài

Đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.

Thu thập tài liệu

Để xác định đúng yêu cầu của đề bài, em có thể:

- Tìm đọc những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống

- Chọn một câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em tâm đắc hoặc gợi cho em nhiều suy ngẫm

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Liệt kê bất cứ suy nghĩ nào của em về câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em đã chọn

Lập dàn ý

Đọc lại các ý tìm được, đối chiếu với yêu cầu của đề và cân nhắc, lựa chọn, sắp xếp các ý tiêu biểu thành dàn ý (có thể tham khảo sơ đồ dàn ý đã học ở bài 6)

Dàn ý cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Lí lẽ phong phú, lập luận xác đáng giúp người đọc hiểu vì sao mình lại có những quan điểm như vậy về câu tục ngữ/ danh ngôn này.

- Làm rõ những lý lẽ nêu ra qua các bằng chứng thuyết phục.

- Sắp xếp các lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lý.

Bước 3: Viết bài

Khi viết bài, em cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Mỗi đoạn văn chỉ nên trình bày một ý. Các ý phải tập trung vào chủ đề là câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống mà em đã chọn.

- Cần sử dụng các từ ngữ có chức năng chuyển ý để tạo liên kết trong bài.

- Có thể sử dụng những câu chuyện có thật trong cuộc sống, trích dẫn từ sách, báo… để tăng tính thuyết phục.

Bài mẫu: 

Từ ngàn đời nay, ông cha ta luôn đúc kết ra nhiều bài học từ những điều đơn giản nhất, bình dị, gần gũi nhất qua các câu ca dao tục ngữ để lại cho con cháu sau này. Mỗi câu tục ngữ đều là những lời khuyên răn khác nhau, trong đó có câu tục ngữ “"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Đây chính là lời dạy của ông cha ta để lại với ngụ ý cho chúng ta biết tầm quan trọng của môi trường sống cũng như những người xung quanh đối với nhân cách, đạo đức của một con người.

“Mực” có màu đen, tượng trưng cho những cái xấu xa, những điều không tốt đẹp. Tay khi bị dính mực thì sẽ dính màu đen của mực. Vậy nên “gần mực thì đen” tức là khi ta tiếp xúc với những điều xấu thì sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng, bị tiêm nhiễm theo những thói hư tật xấu ấy. Và ngược lại “đèn” là một vật phát ra ánh sáng khiến cho mọi thứ xung quanh trở nên rõ ràng hơn, soi đường dẫn lối đến những điều tốt đẹp hơn. Vậy nên, “Gần đèn thì sáng” ý muốn nói đến việc ta được sống trong môi trường lành mạnh thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tích cực hơn và sống có ích hơn. Như vậy, cả câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chính là lời nhắc nhở cho chúng ta phải biết lựa chọn những cái tốt, cái phù hợp với bản thân để phát triển, không được học theo những thói hư tật xấu đó.

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” được ông cha ta để lại từ chính những kinh nghiệm sống từ ngàn đời. Nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh mình. Nếu con người được sống trong một môi trường lành mạnh nhiều điều tích cực thì con người sẽ có điều kiện tiếp thu những điều tốt đẹp, phát huy được sở trường của mình. Còn nếu con người sống trong môi trường toàn những điều xấu xa thì con người đó sẽ trì trệ, không phát triển và thậm chí sẽ làm nguy hại đến chính bản thân, gia đình và xã hội. 

Gia đình luôn là cái nôi, là tế bào của xã hội vì vậy, để con cháu của mình được phát huy tốt nhất thì những người lớn trong gia đình chính là tấm gương, là bài học cho con cháu noi theo. Những người lớn trong gia đình là tấm gương sáng thì chắc chắn những đứa trẻ trong gia đình đó sẽ có một nhân cách tốt. Một gia đình luôn hòa thuận yêu thương nhau thì con cái nhất định sẽ hiếu thảo, lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới.

Trong xã hội, vẫn còn đâu đó những thành phần cá biệt, là "mực", là những điều xấu. Vậy nên mỗi con người cần chú ý tu tập, rèn luyện đạo đức thật tốt để có thể hướng tới những điều tốt đẹp, một ngọn "đèn" rạng chứ không phải một viên "mực" đen. Qua câu tục ngữ trên, mỗi chúng ta hãy tự rút ra bài học cho chính mình, phải biết học hỏi bạn bè, cũng như biết cách chọn lấy những người bạn tốt, những môi trường tốt để rèn luyện, tránh xa những cái xấu, cái không lành mạnh và phải luôn rèn luyện thật tốt để trở thành một người có ý nghĩa cho xã hội và là tấm gương cho con cháu sau này, xứng đáng với những gì cha ông ta đã để lại.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Sau khi viết xong, em chỉnh sửa và kiểm tra theo tiêu chí trong bảng.

>>> Xem trọn bộ: Soạn Văn 7 Chân trời sáng tạo

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Soạn bài Hướng dẫn Soạn bài bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống SGK 7 trang 37, 38, 39 ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 7 chi tiết. trong bộ SGK Chân trời sáng tạo theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Toploigiai đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 24/10/2022 - Cập nhật : 26/12/2022