logo

Axit nucleic có mấy loại

Axit nucleic là những phân tử cho phép sinh vật chuyển thông tin di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vậy Axit nucleic có mấy loại? Hãy cùng Toploigiai tìm hiểu qua bài viết dưới đây!


Axit nucleic có mấy loại?

Axit nucleic là những phân tử cho phép sinh vật chuyển thông tin di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các đại phân tử này lưu trữ thông tin di truyền xác định các tính trạng và làm cho quá trình tổng hợp protein có thể thực hiện được.

Axit nucleic có 2 loại đó là: axit đêôxiribônuclêic (ADN) và axit ribônuclêic (ARN)


Axit đêôxiribônuclêic

a. Cấu trúc của ADN

* Cấu trúc hoá học

- ADN là một đại phân tử, cấu trúc theo nguyên tắc đa phân gồm nhiều đơn phân là các nuclêôtit (viết tắt là Nu).

- Đơn phân của ADN là Nucleotit, cấu trúc gồm 3 thành phần:

+ Đường đêoxiribôza: C5H10O4

+ Axit phốtphoric: H3PO4

+ Bazơ nitơ: 1 trong có 4 loại bazo nito là A, T, G, X.

- Các Nu liên kết với nhau theo một chiều xác định tạo nên một chuỗi polinuclêotit.

Mỗi trình tự xác định của các nuclêôtit trên phân tử ADN mã hóa cho một sản phẩm nhất định (prôtêin hay ARN) được gọi là một gen. Một phân tử ADN thường có kích thước rất lớn và chứa rất nhiều gen.

Mỗi phân tử ADN gồm 2 chuỗi (mạch) pôlinuclêôtit liên kết với nhau bằng các liên kết hiđrô giữa các bazơ nitơ của các nuclêôtit. Sự liên kết này là rất đặc thù, A liên kết với T bằng 2 liên kết hiđrô và G liên kết với X bằng 3 liên kết hiđrô (kiểu liên kết như vậy được gọi là liên kết bổ sung). Mặc dù, các liên kết hiđrô là các liên kết yếu nhưng phân tử ADN gồm rất nhiều đơn phân nên số lượng liên kết hiđrô là cực lớn làm cho ADN vừa khá bền vững vừa rất linh hoạt (2 mạch dễ dàng tách nhau ra trong quá trình nhân đôi và phiên mã).

Hai chuỗi pôlinuclêôtit của phân tử ADN không chỉ liên kết với nhau bằng liên kết hiđrô mà chúng còn xoắn lại quanh một trục tưởng tượng tạo nên một xoắn kép đều đặn giống như một cầu thang xoắn. Trong đó, các bậc thang là các bazơ nitơ còn thành và tay vịn là các phân tử đường và các nhóm phôtphat (hình 6.1).

Ở các tế bào nhân sơ, phân tử ADN thường có cấu trúc dạng mạch vòng, ở các tế bào nhân thực, phân tử ADN có cấu trúc dạng mạch thẳng.

b) Chức năng của ADN

ADN có chức năng mang, bảo quản và truyền đạt thông tin di truyền.

Thông tin di truyền được lưu trữ trong phân tử ADN dưới dạng số lượng, thành phần và trật tự các nuclêôtit. Trình tự các nuclêôtit trên ADN làm nhiệm vụ mã hóa cho trình tự các axit amin trong chuỗi pôlipeptit (prôtêin). Các prôtêin lại cấu tạo nên các tế bào và do vậy quy định các đặc điểm của cơ thể sinh vật. Như vậy, các thông tin trên ADN có thể quy định tất cả các đặc điểm của cơ thể sinh vật.

Thông tin di truyền trên phân tử ADN được bảo quản rất chặt chẽ. Những sai sót trên phân tử ADN hầu hết đều được hệ thống các enzim sửa sai trong tế bào sửa chữa.

Thông tin trên ADN được truyền từ tế bào này sang tế bào khác nhờ sự nhân đôi ADN trong quá trình phân bào. Thông tin di truyền trên ADN (gen) còn được truyền từ ADN —> ARN —> prôtêin thông qua các quá trình phiên mã và dịch mã.

>>> Xem thêm: Ý nghĩa của quá trình nhân đôi ADN?


Axit ribônuclêic

[CHUẨN NHẤT] Axit nucleic có mấy loại

a. Cấu trúc hóa học của ARN

- Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân. Đơn phân là các ribônuclêôtit.

- Cấu tạo của một ribônuclêôtit: Đường ribôzơ (C5H10O5), Axit phôtphoric (H3PO4), một trong 4 loại bazơ nitơ (A, U, G, X).

- Các nuclêôtit liên kết với nhau theo một chiều xác định (3’ – 5’) tạo thành chuỗi pôliribônuclêôtit.

- Chuỗi pôliribônuclêôtit có các liên kết hóa trị giữa đường và axit phôtphoric.

b. Cấu trúc không gian ARN

- Gồm một mạch pôliribônuclêôtit.

- ARN gồm có 3 loại: mARN, tARN, rARN.

* ARN thông tin - mARN

- ARN có trong nhân, tế bào chất, được cấu tạo là một mạch pôlynuclêôtit.

- Kích thước và số lượng đơn phân phụ thuộc vào sợi đơn ADN khuôn.

- mARN thường có thời gian sống ngắn từ 2-3 phút đối với tế bào chưa có nhân chuẩn và từ 3-4 giờ đối với tế bào có nhân chuẩn.

- Chức năng: mARN là khuôn trực tiếp trong quá trình dịch mã, truyền thông tin từ ADN đến prôtêin.

* ARN vận chuyển - tARN.

- tARN được cấu tạo từ một mạch pôlynuclêôtit, có những đoạn có sự liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung đã tạo ra các thùy tròn. Trong các thùy có thùy chứa bộ ba đối mã (anticodon). Đầu 3’ – XXA đối diện mang axit amin.

- Chức năng: mang axit amin đặc hiệu đến ribôxôm để tham gia quá trình dịch mã.

* ARN ribôxôm - rARN

- rARN là thành phần chủ yếu của ribôxôm địa điểm sinh tổng hợp chuỗi pôlypeptit, chứa 90% tổng hợp ARN của tế bào và 70-80% loại prôtein.

c. Chức năng của ARN

Trong tế bào thường có tất cả 3 loại ARN là mARN, tARN và rARN. Mỗi loại ARN thực hiện một chức năng nhất định.

- mARN làm nhiệm vụ truyền thông tin từ ADN tới ribôxôm và được dùng như một khuôn để tổng hợp prôtêin.

- rARN cùng với prôtêin cấu tạo nên ribôxôm, nơi tổng hợp nên prôtêin.

- tARN có chức năng vận chuyển các axit amin tới ribôxôm và làm nhiệm vụ như người phiên dịch, dịch thông tin dưới dạng trình tự nuclêôtit trên phân tử ADN thành trình tự các axit amin trong phân tử prôtêin.

Các phân tử ARN thực chất là những phiên bản được “đúc" trên một mạch khuôn của gen trên phân tử ADN nhờ quá trình phiên mã. Sau khi thực hiện xong chức năng của mình, các phân tử ARN thường bị các enzim của tế bào phân hủy thành các nuclêôtit.

Ở một số loại virut, thông tin di truyền không được lưu trữ trên ADN mà trên ARN.


So sánh ADN với ARN

a. Giống nhau

- Có cấu trúc đa phân, được cấu tạo từ nhiều đơn phân

- 1 đơn phân có 3 thành phần

+ H3PO4

+ Đường 5C

+ Bazơ nitríc

- Các đơn phân liên kết với nhau bằng liên kết hoá trị tạo thành mạch

b. Khác nhau:

ADN

ARN

- Đường Đêôxiribôza (C5H10O4) - Đường ribôza (C5H10O5)
- Có 4 loại Nu: A, T, G, X - Có 4 loại Nu: A, U, G, X
- Gồm 2 mạch poliNu - Gồm 1 mạch poliNu
- Dài, nhiều đơn phân - Ngắn, ít đơn phân
- Thời gian tồn tại lâu - Thời gian tồn tại ngắn

---------------------------------

Trên đây Top lời giải đã cũng bạn tìm hiểu những kiến thức về Axit nucleic. Chúng tôi mong rằng đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích, chúc bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 26/05/2022 - Cập nhật : 23/12/2022