Anh/Chị có đồng tình với quan điểm khách hàng là thượng đế không? Vì sao? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và nghị luận về vấn đề này nhé.
MẪU BÀI 1:
Để có được thành công, sự phát triển to lớn của các công ti, doanh nghiệp thì khách hàng là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong kinh doanh, có một quan điểm phổ biến đã trở thành kim châm nam cho nhiều doanh nghiệp: “Khách hàng là thượng đế”. Sự thành công hay thất bại của một công ty đều phụ thuộc vào sự hài lòng của khách hàng. Khi khách hàng hài lòng với sản phẩm và dịch vụ, họ sẽ quay lại và tiếp tục mua hàng, đồng thời giới thiệu sản phẩm đến những người khác. Do đó, việc coi khách hàng là "thượng đế" thể hiện sự coi trọng, tôn trọng và cần phải đáp ứng các nhu cầu của họ một cách tận tâm, chu đáo. Để xứng đáng với câu nói "Khách hàng là thượng đế", các doanh nghiệp không chỉ cần lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn phải cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là cam kết lâu dài đối với khách hàng. Những sản phẩm kém chất lượng hoặc dịch vụ không tận tâm sẽ làm khách hàng thất vọng và có thể gây thiệt hại lớn cho thương hiệu. Khách hàng không chỉ đến và đi, mà là những đối tác dài hạn của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp biết lắng nghe và tôn trọng khách hàng sẽ nhận được lòng trung thành và sự ủng hộ dài lâu. Việc đặt khách hàng ở vị trí trung tâm giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng. Có thể dẫn chứng như trường hợp một khách hàng tên Đ. đã yêu cầu hủy hợp đồng ngay tại phòng công chứng chỉ vì phía chủ đầu tư đề nghị đưa thêm một vài chi tiết nhỏ vào hợp đồng. Sau đó, đại diện phía chủ đầu tư đành phải chấp nhận chiều “thượng đế” bằng cách rút lại các đề nghị!. Tuy nhiên, quan điểm “Khách hàng là thượng đế” cũng có những giới hạn nhất định. Trong thực tế, không phải lúc nào khách hàng cũng đúng. Có những khách hàng đòi hỏi vô lý hoặc có hành vi ảnh hưởng đến nhân viên và môi trường làm việc. Việc đáp ứng tất cả yêu cầu mà không có nguyên tắc sẽ dẫn đến việc đánh mất giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Hơn nữa, tâm lý coi khách hàng là thượng đế đôi khi khiến nhân viên cảm thấy bị coi thường, gây ra áp lực và điều kiện làm việc kém hiệu quả. Do đó, thay vì đặt khách hàng lên làm “thượng đế”, doanh nghiệp nên coi khách hàng là đối tác quan trọng. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng cần được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau và đôi bên ủng hộ. Doanh nghiệp có thể lắng nghe đóng góp, đáp ứng nhu cầu hợp lý và đồng thời duy trì nguyên tắc của mình. Nhân viên cũng cần được coi trọng như yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ. Quan điểm “Khách hàng là thượng đế” có ý nghĩa khi nhấn mạnh tầm quan trọng của khách hàng, nhưng nó không phải lúc nào cũng được hiểu một cách cứng nhắc. Thành công của doanh nghiệp chắc chắn gắn liền với sự hài lòng của khách hàng, nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải có cái nhìn linh hoạt. Sự hài hòa giữa nhu cầu khách hàng và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và dài lâu.
MẪU BÀI 2:
Có lẽ câu nói: “khách hàng là thượng đế” đã không còn xa lạ với mỗi người chúng ta dù bạn ở cương vị là người bán hay người mua. Hầu hết mọi doanh nhân của các quốc gia trên thế giới đều nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của khách hàng bởi xét cho cùng “ tiêu dùng là đích đến cuối cùng và mục tiêu của mọi ngành sản xuất.” Nói đến Thượng đế, chúng ta đều nghĩ ngay đến một vị thần quyền năng nắm trong tay quyền lực vĩ đại. Vậy khách hàng thực sự có quyền năng như một vị thần tối cao ? Đối với kinh doanh thì đúng là như vậy. Trong lĩnh vực kinh doanh, các nhà kinh doanh dù lớn hay nhỏ đều đi đến cái đích cuối cùng là mang các sản phẩm, dịch vụ của mình đến được tay người tiêu dùng-khách hàng. Số lượng khách hàng của một doanh nghiệp hay cửa hàng quyết định thành bại trong sự phát triển của nó. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một cửa hàng có rất ít khách hàng, thậm chí là không có khách, có thể tồn tại được lâu ? Mục đích của kinh doanh chính là lợi nhuận. Lợi nhuận của thể giúp các doanh nghiệp, thương buôn,… phát triển, đi cùng với đó là cơ hội kiếm thêm thu nhập của rất nhiều con người. Lợi nhuận được sinh ra từ đâu? Không khó để chúng ta hiểu rằng nguồn khách hàng tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Chính vì thế, chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của khách hàng. Không chỉ có vậy, khách hàng là thước đo chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Số lượng khách hàng và sự phản hồi, bình luận được đóng góp từ phía khách hàng vừa là lời động viên, vừa là sự phê bình, vừa là những giải pháp giúp các nhà kinh doanh tự hoàn thiện một cách tốt nhất. Hiểu sâu sắc được điều này, đa phần các doanh nghiệp cho rằng : khách hàng là ưu tiên số một. Là một người bán hàng, chúng ta nên nhìn từ góc nhìn của khách hàng, quan tâm đến mong muốn của khách hàng, luôn suy nghĩ cho khách hàng .Nếu có thể làm tốt điều này, họ nhất định sẽ được khách hàng tin tưởng, sự nghiệp của họ nhất định sẽ có nền tảng vững chắc. Một minh chứng rõ ràng cho việc coi khách hàng như thượng đế phải kể đến, đó là các doanh nghiệp Nhật Bản. Ở Nhật Bản, đối với người tiêu dùng, chỉ cần họ muốn mua hàng là có thể mua được ở bất kì đâu, và bất kì lúc nào. Chương trình mua trả góp được áp dụng với những khách hàng không đủ tiền mua sản phẩm, nếu khách hàng quá bận rộn sẽ có người đưa đến tận nơi, nếu không biết sử dụng, chỉ cần một cú điện thoại là chủ cửa hàng sẽ cử người đến tận nơi lắp đặt, chạy thử và hướng dẫn cách sử dụng. Ông Yoshida Tadao, người sáng lập công ty khóa kéo YKK đã từng nói: “ Không suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì không thể làm ăn phát đạt.” Trên thế giới hiện nay, các phương thức chăm sóc khách hàng chu đáo như của người Nhật vẫn đang được phát triển và mở rộng. Nhà kinh doanh ở châu Âu gọi khách hàng là vua, “ Thần Tài”là cách người Trung Quốc gọi khách hàng, các doanh nghiệp vẫn luôn thể hiện với khách hàng sự toàn tâm toàn ý và luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng. Khách hàng luôn được ưu ái và coi trọng là thế, vậy nên khi ở cương vị là một khách hàng được hưởng rất nhiều quyền ưu đãi từ doanh nghiệp và sự nhún nhường từ các nhân viên bán hàng, hãy là một nhà tiêu dùng thông minh và lịch sự. Thực tế chứng minh rằng, các “thượng đế” biết mình được đối xử như thượng đế mà có những thái độ và hành vi không mấy tích cực. “Khách hàng là Thượng đế” không có nghĩa là khách hàng luôn đúng. Việc bạn sử dụng tiền để mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ không đồng nghĩa với việc bạn được quyền cư xử thô lỗ và quá đáng với những người cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đó. Hành động của chính khách hàng đối với nhà cung cấp đôi khi còn thể hiện họ có thực sự là một “thượng đế” hay không? Khi khách hàng và doanh nghiệp xảy ra mâu thuẫn, người tiêu dùng luôn chiếm lợi thế hơn về mình và được bảo vệ bởi nhiều hiệp hội, trong khi doanh nghiệp lại ít được bảo vệ bởi các cơ quan chức năng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho các nhà kinh doanh khi không làm theo mọi yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp, các nhà bán hàng hay nhân viên có thực sự có lỗi chỉ vì khách hàng không biết tắt một chiếc máy tính bị nhiễm vi rút ? Việc máy tính bị nhiễm vi rút là do chất lượng của sản phẩm hay do bản thân người tiêu dùng bất cẩn. Đó là chưa kể đến việc họ sử dụng ngôn từ không mấy thiện cảm, thái độ gay gắt để chỉ trích người bán hàng dù cho rất nhiều sai sót bắt nguồn từ phía họ. “Khách hàng là thượng đế” là câu nói từ lâu đã in sâu vào văn hóa thương mại. Doanh nghiệp lấy khách hàng làm trọng, luôn đặt những lợi ích và sự hài lòng của khách hàng lên trên hết. Quan niệm này đúng nhưng vẫn chưa thật hoàn thiện. Khách hàng còn là bạn đồng hành cùng doanh nghiệp. Chỉ như vậy, đôi bên mới cùng có lợi và kinh doanh mới có thể thành công.