Câu hỏi: Viết một đoạn văn kể chuyện em nuôi con heo đất
Bài tham khảo 1:
Nhân ngày sinh nhật, chị Minh Anh tặng em con lợn đất để đựng tiền tiết kiệm. Em thích món quà của chị vô cùng và đặt ngay ngắn vào một ngăn trên giá sách. Con lợn được làm bằng đất nung, bên ngoài tráng lớp men bóng loáng màu vàng. Cặp mắt của nó đen long lanh với hai hàng mi dài, cong vút. Cái mũi nó tròn xoe và mõm nở nụ cười tươi rói. Trông gương mặt nó thật ngộ nghĩnh và đáng yêu. Thân lợn tròn xoe với bốn chiếc chân ngắn, vững chắc. Trên lưng nó có một rãnh nhỏ để em nhét tiền vào. Cái đuôi lợn xoắn tít, còn tai lúc nào cũng vểnh lên như nghe ngóng điều gì. Chị Na dặn: "Em đừng quên mất nhiệm vụ cho lợn ăn đấy nhé !". Vì thế, tiền mừng tuổi của ông bà, bố mẹ hay anh chị cho, em đều bỏ vào cho lợn "ăn" hết. Lợn đất không béo thêm chút nào nhưng bụng chú thì cứ đầy dần. Món tiền tiết kiệm ấy em sẽ dành để mua một chiếc xe đạp tới trường. Cảm ơn lợn đất đã giữ gìn cẩn thận kho báu ấy cho em.
Bài tham khảo 2:
Năm ngoái khi đạt danh hiệu học sinh Xuất sắc, em đã được bố mẹ tặng cho một chú gấu trúc dùng để đựng tiền tiết kiệm. Toàn thân gấu đều mầu trắng, chỉ có xung quanh mắt là màu đen, trông rất ngộ nghĩnh. Khi được tiền mừng tuổi, hay tiền tiêu vặt em cho gấu trúc ăn. Em rất thích chú gấu trúc này. Nhờ có gấu trúc mà em đã tiết kiệm được tiền để mua sách vở và đồ dùng học tập. Như vậy em có thể học tập tốt hơn, đạt thành tích cao trong học tập.
>>> Xem trọn bộ: Giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 3: Niềm vui của em
Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục nuôi heo đất
- Heo đất có từ bao giờ?
Từ xa xưa, con nguời đã biết để dành tiền trong những chiếc bình, lọ, rương nhưng chỉ đến thế kỷ XVI, XVII thì hình ảnh những chú lợn đất mới xuất hiện và thay thế những chiếc bình giản dị bằng đất sét. Hiện nay ở Trung Quốc vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn những chú lợn đất có niên đại từ hơn 100 năm trước.
Còn ở phương Tây, lợn đất được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như “piggy bank” (ngân hàng lợn con), “penny bank” (ngân hàng tiền xu, tiền lẻ) hay “money box” (hộp đựng tiền). Có thể nói, lợn đất là một trong những món đồ gắn liền với tuổi thơ của mỗi đứa trẻ. Nếu bố mẹ của chúng thường gửi tiền tiết kiệm vào những ngân hàng để lấy lời thì trẻ em cũng có ngân hàng riêng của chúng, chỉ khác là ngân hàng này không sinh lời và được bày hết sức trang trọng trong tủ. Chính vì vậy, lợn đất còn được gọi là “still bank” (ngân hàng không sinh lời).
Ở Việt Nam, phong tục bỏ tiền vào heo đất cũng đã gắn bó với người dân từ xa xưa, nhưng ngày đó chỉ là những tiền xu, tiền hào, những đồng tiền lẻ với mong muốn tích cóp, tiết kiệm cho những dự định trong tương lai. Miền quê gọi là “lợn đất “, ở các thành phố gọi là “heo đất”, dù những cái tên được đặt khác nhau ở mỗi miền nhưng cùng là người bạn thân của mỗi đứa trẻ nhỏ.
- Ý nghĩa của phong tục nuôi heo đất
Heo đất tượng trưng cho lối sống tiết kiệm, quản lý chi tiêu. Gia đình cùng nhau để dành một khoản tiền vào đó với những mục tiêu mang tính có kế hoạch. Ba mẹ thường dắt trẻ đi mua heo đất ngày đầu năm mới, sinh nhật của con.
Chú heo đất với số tiền tiết kiệm bắt đầu những khoản nhỏ sẽ đầy dần theo thời gian. Đến lúc chú heo được ăn no, số tiền để dành dùng để làm những việc ý nghĩa như mua món đồ mới, đóng học phí, đi du lịch, quyên góp từ thiện...