Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tuổi thơ của chúng ta ai chẳng được nghe kể về những câu chuyện cổ tích thú vị và Thạch Sanh là một truyện rất hay mà em luôn nhớ rõ.
Chuyện kể về đôi vợ chồng già nhưng chưa có con, họ rất tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Thấy thương cảm Ngọc Hoàng phái Thái tử đầu thai làm con, gọi là Thạch Sanh. Hai vợ chồng tuổi cao sức yếu đã sớm qua đời chỉ còn Thạch Sanh vừa khôn lớn phải sống một mình cạnh gốc đa hành nghề kiếm củi.
Một hôm người hàng rượu Lý Thông thấy Thạch Sanh khỏe như voi nên đã gạ kết nghĩa anh em. Thạch Sanh cảm động, vui vẻ đồng ý.
Bấy giờ có con chằn tinh, có nhiều phép lạ, chuyên ăn thịt người, mỗi năm phải cúng mạng người cho nó. Lần này đến lượt Lý Thông, hắn bèn lừa Thạch Sanh đi canh miếu thờ thay mình. Thạch Sanh thật thà nhận lời, đến đêm thì chằn tinh xuất hiện, bằng tài nghệ chàng dễ dàng hạ nó. Nó chết để lại một bộ cung tên bằng vàng. Chàng chặt đầu nó và nhặt bộ cung tên xách về. Lý Thông thấy vậy liền cướp công, nhà vua phong hắn chức Quận công.
Vua mở hội kén rể cho công chúa, đột nhiên nàng bị đại bàng bắt đi. Thạch Sanh thấy đại bàng quắt người bèn lấy cung bắn nó bị thương, lần theo vết màu tìm được hang ổ. Lý Thông lại tìm đến nhờ Thạch Sanh dẫn đường đi cứu công chúa. Khi cứu được người, hắn ta sai người lấp hang nhốt chàng hòng cướp công. Ở trong hang, chàng lại cứu được con vua Thủy Tề, nhà vua tặng cho cây đàn thần. Chàng lại trở về gốc đa.
Hồn chằn tinh và đại bàng báo thù Thạch Sanh bằng cách ăn cắp của cải mang đến gốc đa, chàng bị bắt vào ngục.
Công chúa từ khi về cung bỗng bị câm, không ai chữa khỏi được. Trong ngục tối Thạch Sanh lấy đàn ra gảy, công chúa lập tức khỏi bệnh. Chàng được minh oan, mẹ con Lý Thông được tha cho về quê làm ăn nhưng trên đường về bị sét đánh hóa thành thạch bọ hung.
Lễ cưới công chúa và Thạch Sanh diễn ra long trọng. Hoàng tử các nước chư hầu thấy thế rất tức giận đem quân đến đánh. Thạch Sanh mang đàn ra đánh, đẩy lùi được quân 18 nước chư hầu. Thiết đãi cơm niêu thần ăn mãi không hết khiến người người cúi lạy. Về sau, nhà vua không có con trai đã nhường ngôi cho Thạch Sanh, chàng và công chúa sống hạnh phúc bên nhau.
Đây là một câu chuyện kết thúc có hậu, và nó còn dạy cho em bài học: ở hiền thì gặp lành, ác giả thì ác báo - một bài học mà ông cha muốn truyền cho con cháu sau này.
Sọ Dừa là câu chuyện cổ tích đầu tiên em được đọc, và đó cũng là câu chuyện em yêu thích nhất.
Chuyện kể về một người đàn bà, vì uống nước trong cái gáo dừa, mà mang thai và sinh ra đứa con có ngoại hình xấu xí, kì lạ. Thế là bà đặt tên cho con là Sọ Dừa. Tuy vẻ ngoài xấu xí, đi lại bất tiện, nhưng Sọ Dừa vẫn rất chăm chỉ, chịu khó. Chàng đã nhờ mẹ xin cho được đi chăn bò của nhà phú ông. Đáp lại sự nghi ngờ của mọi người, chàng không chỉ trông được đàn bò, mà còn chăm chúng béo tốt. Trong thời gian ấy, con gái út của phú ông không ngại vẻ ngoài của Sọ Dừa, mà vẫn mang cơm đến cho chàng. Cảm động, chàng nhờ mẹ đến hỏi cưới cô. Ngày cưới, Sọ Dừa trở về hình dáng bình thường, khôi ngô tuấn tú, lại có nhà rộng, gia nhân tấp nập khiến ai cũng ngạc nhiên. Không chỉ thế, sau khi kết hôn, Sọ Dừa còn chăm chỉ dùi mài kinh sử, thi đỗ Trạng Nguyên. Điều đó khiến cho hai chị gái của vợ chàng hết sức ghen ghét.
Nhân lúc Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị rủ cô em ra biển chơi, rồi đẩy cô xuống nước, hòng cướp đoạt vị trí vợ Trạng Nguyên. Nhưng may mắn, nhờ vào hòn đá lửa, con dao và mấy quả trứng gà Sọ Dừa dặn mang theo, mà cô em gái sống sót được. Cuối cùng, khổ tận cam lai, hai vợ chồng đoàn tụ được với nhau, sống hạnh phúc đến cuối đời. Còn hai cô chị xấu xa thì tủi hổ mà bỏ đi biệt xứ.
Qua câu chuyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã gửi gắm chúng ta bài học về cách đối nhân xử thế, không nên quan trọng vẻ bề ngoài, mà phải chú trọng đến phẩm chất. Một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng, thông minh thì mới là người đáng quý.
Ở trước nhà em có trồng rất nhiều tre. Khi rảnh rỗi, em thường ngồi đếm các đốt của từng cây tre. Mỗi lần như vậy em lại nhớ về truyện cổ tích Cây tre trăm đốt mà mẹ từng kể.
Chuyện kể về một anh chàng đầy tớ nghèo khó nhưng chịu khó làm lụng. Anh làm việc cho lão phú ông trong làng, và được ông ta hứa là nếu chịu khó làm thì lão sẽ gả cô con gái xinh đẹp của mình cho. Nghe vậy, anh vui lắm, nên ra sức làm những việc phú ông yêu cầu, không quản mệt nhọc, vất vả.
Tuy nhiên, đời nào mà lão phú ông lại gả con gái của mình cho một kẻ nghèo khổ, đi làm thuê cơ chứ. Đến khi cô con gái đủ tuổi kén rể thì ông ta đã vội vàng đồng ý, gả cô cho tên nhà giàu ở làng bên.
Vì để dấu diếm chàng đầy tớ nhà mình, phú ông nói với chàng trai rằng, hãy tìm cho được một cây tre trăm đốt về làm sính lễ thì mới gả con gái cho. Thế là chàng trai vội vàng lên rừng tìm kiếm cây tre trăm đốt. Thế nhưng chàng tìm mãi, tìm mãi vẫn không tìm được cây tre trăm đốt nào cả. Quá mệt mỏi và tuyệt vọng, chàng ngồi xuống bật khóc tức tưởi. Đúng lúc đó bụt hiện lên, bảo anh hãy chặt một trăm đốt tre và dạy cho anh hai câu thần chú. Câu thần chú “Khắc nhập, khắc nhập” để một trăm đốt tre tự gắn lại với nhau tạo thành cây tre trăm đốt. Câu thần chú “Khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tự rời nhau ra.
Thế là chàng trai mừng rỡ mang tre về nhà. Về đến nơi, chàng thấy trên sân là đám cỗ linh đình thì nhận ra là mình bị lừa. Thế nhưng chàng vẫn gọi phú ông ra xem cây tre trăm đốt. Khi lão ta vừa lại gần, chàng đọc ngay thầ chú “Khắc nhập, khắc nhập” khiến lão bị dính luôn vào cây tre. Cả nhà hỗn loạn, đầy tờ tìm mọi cách vẫn không gỡ lão ra được. Mãi sau, lão đồng ý gả con gái cho chàng đúng như đã hứa. Chàng không tin ngay, mà bắt lão thề thốt nhiều lần mới thả cho lão xuống.
Từ đó, mọi người ai càng nể phục chàng. Chàng cưới được cô vợ xinh đẹp, chung sống bên nhau hạnh phúc.
Cổ tích là những câu chuyện quen thuộc đối với mỗi đứa trẻ. Những câu chuyện cổ tích là một phần trong tuổi thơ trẻ em Việt Nam. Ngày còn bé, bà hay kể cho em nghe truyện cổ tích Cây khế, em nghe bà kể đi kể lại mà không hề biết chán.
Ngày xưa có hai anh em nhà nọ cha mẹ mất sớm để lại cho một ngôi nhà ngói và một số ruộng vườn.Mấy năm sau, hai anh em đều lấy vợ. Vốn tham lam, người anh giành hết ruộng vườn nhà cửa, chỉ chia cho người em một mái nhà gianh và một cây khế. Cây khế được người em chăm sóc cứ thế lớn dần, năm ấy bỗng sai trĩu quả. Vì vậy người em mừng lắm.
Một buổi sáng tinh mơ, có con chim Đại Bàng ở đâu bay đến cây khế. Chim ăn hết quả chín này đến quả chín khác. Vợ chồng người em lo lắm, than thở với chim.
Thật không ngờ, chim lạ đáp lại “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”.Biết là con chim thần, người vợ may cho chồng một cái túi ba gang. Mấy ngày sau, đại bàng lại bay đến, người em mang theo cái túi ba gang leo lên mình chim. Đại bàng vỗ cánh bay lên cao.Đại Bàng bay mải miết, Đến trưa, chim đậu xuống một hòn đảo lấp lánh giữa biển. Người em chọn một ít châu báu bỏ vào cái túi ba gang. Vợ chồng người em trở nên giàu có từ đó. Người em dùng số châu báu để giúp đỡ người dân khó khăn trong làng.
Thấy vậy, người anh đổi nhà, ruộng vườn của mình để lấy cây khế của người em. Năm ấy cây khế cũng sai trĩu quả chim lạ cũng đến ăn. Người anh cũng than thở khóc lóc. Chim đáp lại và hứa mang đi lấy vàng.
Người anh liên bảo vợ may túi sáu gang để đựng được thật nhiều vàng. Mấy hôm sau chim lạ đến đón, người anh đã lấy đầy chặt vàng bạc trên đảo vào chiếc túi sáu gang mình mang đi.
Trên đường trở về, vì phải chở nhiều vàng bạc lại bay ngược gió, chim lạ mỏi cánh. Chim giục người anh vứt bớt vàng đi nhưng người anh nhất quyết không nghe.Chim phượng hoàng bực tức, không chịu nổi sức nặng nó nghiêng cánh hất người anh tham lam cùng vàng bạc xuống biển.
Đến bây giờ khi đọc lại, em vẫn cảm thấy đây là một câu chuyện rất hay, là một câu truyện về bài học đền ơn đáp nghĩa, ăn một quả khế trả một cục vàng.Đời người ngắn ngủi, mỗi con người hãy cố gắng sống sao cho thật đẹp đẽ, không để những bản tính xấu xa bôi nhọ nhân cách của ta.
Từ thời xa xưa đến bây giờ, ông bà ta luôn truyền tai nhau về việc người Việt Nam đều mang chung một dòng máu, đều là những con rồng cháu tiên. Tôi vẫn nhớ như in truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” mà từ nhỏ tôi hay được bà kể lại.
Câu chuyện kể về hai vị thần tiên là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Là con trai của thần Long Nữ, sinh sống ở thuỷ cung, thuộc vùng đất Lạc Việt thuở xưa.Lạc Long Quân là vị thần tài năng, có nhiều phép lạ, sức khỏe phi thường. Lạc Long Quân thường hay lên cạn giúp dân lành trồng trọt chăn nuôi, đặc biệt là diệt trừ bọn yêu quái như Ngư Tinh, Mộc Tinh, Hồ Tinh, mang lại cuộc sống bình yên cho người
Âu Cơ là nàng tiên xinh đẹp, thuộc dòng dõi Thần Nông, trú ngụ ở vùng núi cao. Nàng thích ngao du đây đó, tìm kiếm những thứ mới lạ, những nơi phong cảnh đẹp. Nghe nói vùng đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ, Âu Cơ liền xuống đấy dạo chơi. Tại đây, nàng và Lạc long Quân tình cờ gặp nhau, tình yêu bén nở và kết duyên vợ chồng
Không lâu sau, Âu Cơ mang thai. Nhưng kỳ lạ Âu Cơ lại sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra ra 100 người con. Những đứa con mới sinh ra đã hồng hào, lớn nhanh như thổi mặc dù chẳng cần bú mớm. Đàn con nhanh chóng lớn lên và khỏe mạnh như thần.
Lạc Long Quân luôn nhớ về biển cả, không thể sống lâu trên cạn, nên đành từ biệt Âu Cơ và các con để trở về chốn thuỷ cung. Âu Cơ một mình nuôi con, chờ chồng. Ngày qua ngày không thấy Lạc Long Quân đâu, nàng oán trách và than thở. Lạc Long Quân đề nghị chia 50 người con xuống biển, 50 người con ở lại trên núi, mỗi người nuôi dạy các con và cùng nhau cai quản bốn phương, bảo vệ bờ cõi. Người con cả của Âu Cơ theo mẹ lên núi và được tôn làm vua, xây dựng nên nhà nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương.
Truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” đã giúp em hiểu rõ được giống nòi của mình, hiểu thêm về lịch sử dựng nước đầy hào hùng của dân tộc ta
---/---
Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!