logo

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Sang thu

Thi phẩm Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh đã miêu tả một cách tinh tế, rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên lúc giao mùa với những biến chuyển đầy nhẹ nhàng và tinh tế. Đồng thời, tác phẩm còn gửi tới bạn đọc một bài học nhân văn vô cùng sâu sắc. Để hiểu hơn về bài thơ, mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo các mẫu Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Sang thu dưới đây.


Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Sang thu - Bài số 1

         Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh giúp người đọc thấy được sự biến chuyển đầy tinh tế của cảnh vật trong không gian cuối hạ đầu thu. Mùa thu được nhà thơ cảm nhận qua từng giác quan như khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình). Từ đó, những tín hiệu đặc trưng nhất của mùa thu cũng lần lượt xuất hiện. Dưới mặt đất, dòng chảy của con sông trở nên chậm hơn, không cuồn cuộn như lúc hè về. Trên bầu trời, từng đàn chim sải cánh bay bắt đầu trở nên vội vã, âu lo tìm về phương nam tránh cái lạnh. Đám mây của mùa hạ nay đã “vắt nửa mình sang thu”, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa lại nghiêng về mùa thu. Dường như, những sự vật thiên nhiên trong bài thơ đã được tác giả thổi vào đó những hành động của con người. Ở hai khổ thơ đầu, tác giả bộc lộ cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thì đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Những hiện tượng thiên nhiên như “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Triết lí mà nhà thơ muốn gửi gắm là những con người từng trải khi gặp phải sóng gió sẽ biết cách đối diện, đương đầu một cách bình thản, trưởng thành hơn. Như vậy, bài thơ đã gợi lên những cảm nhận tinh tế về sự chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Và từ những tín hiệu của mùa thu đến khung cảnh thiên nhiên lúc vào thu, tác giả đã có những suy tư sâu sắc về cuộc đời.


Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Sang thu - Bài số 2

        Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành từ trong quân đội. "Sang thu" là một thi phẩm đặc sắc của ông. Với con mắt nghệ sĩ, tâm hồn nhạy cảm và ngòi bút tài hoa, Hữu Thỉnh đã có những cảm nhận mới mẻ trước sự biến chuyển của thiên nhiên đất trời lúc cuối hạ sang đầu thu. "Sang thu" ở đây là chớm thu, là lúc thiên nhiên giao mùa. Mùa hè vẫn chưa hết và mùa thu tới có những tín hiệu đầu tiên. Trước những sự thay đổi tinh vi ấy, phải nhạy cảm lắm mới cảm nhận được. Ở bài thơ, có hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ .Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu là “hương ổi”. Mùi hương quê nhà mộc mạc “phả” trong gió thoảng bay trong không gian .Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ : “bỗng nhận ra” một sự bất ngờ mà như đã chờ đợi sẵn từ lâu lắm. Và không chỉ có thế ,cả sương thu như cũng chứa đầy tâm trạng,thong thả, chùng chình giăng mắc trên khắp nẻo đường thôn :

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về 

        Sương thu đã được nhân hoá ,hai chữ “chùng chình” diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu. Nếu ở câu thơ đầu tiên nhà thơ “bỗng nhận ra” thu về khá bất ngờ và đột ngột thì sau khi cảm nhận sương thu ,gió thu, thi sỹ vẫn ngỡ ngàng thốt lên lời thầm thì như tự hỏi: Hình như thu đã về? Tâm hồn thi sĩ nắm bắt những biến chuyển nhẹ nhàng, mong manh của tạo vật trong phút giao mùa cũng êm đềm, bâng khuâng như bước đi nhỏ nhẹ của mùa thu.Hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ tinh tế, giọng thơ êm đềm và những rung động man mác ,bâng khuâng của tác giả trong buổi giao mùa đã tạo nên một dấu ấn không dễ phai mờ trong lòng bao độc giả. Có lẽ vì vậy mà sau khi đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh ta càng thấy yêu hơn mùa thu thiết tha, nồng hậu của quê nhà.


Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Sang thu - Bài số 3

         Nếu mùa xuân là mùa của hội tụ của những ngòi bút tài hoa thì mùa thu lại bước vào thơ ca thật gần gũi. Trước đây Nguyễn Khuyến nổi tiếng với chùm thơ thu, Xuân Diệu được nhiều người biết đến hơn vì bài thơ “đây mùa thu tới” thì nay hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài mùa thu với bài “sang thu” . Hình như Hữu Thỉnh đã để ý rất lâu, quan sát tỉ mỉ về tiết thu mới có thể viết được bài thơ đặc sắc đến vậy. Nét độc đáo của bài thơ này không chỉ là những dòng thỏ hay mà còn thể hiện qua những cảm nhận tinh tế bằng nhiều giác quan, nhiều góc độ, nhiều hình ảnh mới lạ... những đám mây trời vắt nửa mình sang thu. Đây cũng là những hình ảnh gợi lên bài thơ sang thu một nét độc đáo. Không những thế, tác giả còn cảm nhận thu từ xa đến gần, từ vô hình đến hữu hình. Thật biết ơn nhà thơ đã mang đến cho chúng ta một bài thơ khác lạ so với những bài thơ thu trước đó.

        Đã có rất nhiều nhà thơ viết về đề tài mùa thu nhưng hải đến “Sang thu” của Hữu Thỉnh chúng ta mới thấy hết được sự tinh tế của nhà thơ khi cảm nhận thời khắc giao mùa hạ -thu. Cái độc đáo của và tinh tế ấy không chỉ được thể hiện qua các hình ảnh mới lạ “hương ổi, gió se, sương, dòng sông” mà còn thể hiện qua cách đón nhận thu bằn những giác quan như : thính giác, khứu giác, thị giác. hơn nữa nhà thơ còn cảm nhận mùa thu từ xa (hương ổi) đến gần (sương) từ cái vô hình (gió se, hương ổi) đến cái hữu hình (dòng sông). thưa các bạn, tôi thì tôi cho rằng nếu không phải là một người yêu thiên nhiên, quan sát tỉ mỉ sự biến chuyển của thiên nhiên có lẽ Hữu Thỉnh khó có thể viết được một bài thơ độc đáo đến như vậy. ôi, cảm ơn nhà thơ đã cho chúng ta biết và hiểu thêm một bài thơ đặc sắc đến vậy.


Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Sang thu - Bài số 4

      Thi phẩm Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh đã miêu tả một cách tinh tế, rõ nét những biến chuyển của thiên nhiên khi sang thu. Mùa thu đến mang theo hương ổi thoang thoảng tỏa thơm ngát cả không gian. “Sương chùng chình qua ngõ” như hãy còn nuối tiếc, muốn níu kéo mùa hạ. Dòng chảy của sông dường như cũng chậm lại, thong thả hơn. Cánh chim lại có chút vội vã bay về phương Nam tránh rét. Đặc biệt hơn cả là hình ảnh của những đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” nửa nghiêng về mùa hạ, nửa còn lại thì nghiêng về mùa thu. Thu tới thực sự đã làm cho nhịp sống trở nên chậm lại. Qua những hình ảnh trên đã thể hiện cho bạn đọc thấy sự quan sát nhạy bén, tinh tế của thi nhân trước những chuyển động của thiên nhiên. Ở hai khổ thơ đầu, nhà thơ bộc lộ xúc cảm trước vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. Đến với khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy đã được chuyển sang suy tư, triết lí, suy nghĩ về hân sinh. Hiện tượng tự nhiên như “nắng”, “mưa”, “sấm” chính là biểu tượng tượng trưng cho những biến cố mà con người sẽ gặp phải trong cuộc sống này. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” như những con người từng trải, đã bước qua thời thanh xuân tươi đẹp và trẻ khỏe. Trải qua thời gian, con người sẽ dần trưởng thành và vững vàng hơn khi đứng trước những khó khăn, thách thức. Một bài học nhân văn sâu sắc mà chúng ta có thể cảm nhận được sau khi thưởng thức tác phẩm. Bài thơ đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng đẹp về cảnh sắc thiên nhiên lúc giao mùa với những biến chuyển đầy nhẹ nhàng và tinh tế.

---/---

Trên đây là một số bài Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ Sang thu mà Toploigiai đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 06/06/2021 - Cập nhật : 23/08/2023