Nằm trong chùm thơ thu, bài thơ Thu điếu (câu cá mùa thu) đặc tả cảnh câu cá trên một chiếc thuyền câu bé. Qua đó gợi cuộc sống bình yên, giản dị ở làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật tuân thủ khá chặt chẽ về niêm, luật nhưng đã có sự phá cách ở thi liệu. Hãy cùng với Toploigiai Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất với em trong bài thơ Thu điếu để thấy rõ được sức hấp dẫn từ tác phẩm này nhé.
Thu điếu (Câu cá mùa thu) là một trong ba bài thơ thu đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh Nguyễn Khuyến về quê nhà Bình Lục, Hà Nam ở ẩn. Vui với thú điền viên, thanh sạch nơi quê nhà ông đã sáng tác nên những vần thơ trác tuyệt:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Hai câu đề đã để lại trong em những ấn tượng sâu đậm nhất. Hai câu thơ mở ra cảnh câu cá mùa thu trên một không gian nhỏ hẹp quen thuộc. Đó là chiếc ao thu lạnh lẽo với làn nước trong veo. Từ láy lạnh lẽo kết hợp với tính từ trong veo gợi một không gian tĩnh lặng, bình yên đến tuyệt đối. Vì là tiết trời thu nên không khí chỉ hơi chớm lạnh nhưng lại thêm lạnh lẽo thì có cảm giác cô quạnh, đìu hiu hơn. Nổi bật trên cái ao thu lạnh ấy là một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Ao thu nhỏ nên thuyền câu cũng tương xứng “bé tẻo teo” gợi ra sự hài hoà giữa người và cảnh. Âm “eo” được gieo khá đắt trong từ veo, tẻo, teo. Đây được xem là âm vận rất khó để gieo vần trong bài thơ. Vậy mà dưới đôi tay tài hoa của thi sĩ câu thơ đã trở nên thật linh hoạt, uyển chuyển nhờ cách gieo vần độc đáo này.
Trong ba bài thơ thu Thu ẩm, Thu vịnh thì Thu điếu được đánh giá là bài thơ đặc sắc hơn cả. Bài thơ đã gợi ra một không khí rất quen thuộc của làng quê Bắc Bộ trong những ngày thu với ao thu, nước trong, ngõ trúc… qua đó thấp thoáng bóng dáng của một thi sĩ say sưa với cuộc sống điền viên, xa lánh thế tục, hoàn toàn hòa mình vào cuộc sống dân giã nơi vườn tược. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật trong đó hai câu thơ cuối cùng có tác dụng kết thúc bài thơ và mở ra một bầu trời tâm trạng.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Ở trên là hình ảnh ao thu, thuyền câu bé tẻo teo, ngõ trúc quanh co vắng khách. Còn ở đây kết thúc bài thơ là hình ảnh người ngồi câu cá “tựa gối ôm cần” chờ mãi mà chẳng thấy cá đớp mồi. Câu thơ cuối cùng có thể gợi ra nhiều cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là có cá đớp mồi ở dưới chân bèo nên khiến khách câu cá giật mình. Cách hiếu thứ hai là cá không có đớp dưới chân bèo (vì ở trên nước trong, ao thu thì bé thì làm gì có cá). Dù hiểu theo cách nào thì chúng ta cũng thấy một không yên tĩnh đến lạ lùng, cái động của tiếng cá đớp dù rất nhỏ nhưng cũng đủ để người thi sĩ lắng nghe thấy rõ. Đây chính là thủ pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc trong thơ cổ. Tả mùa thu Nguyễn Khuyến đã thoát khỏi sử dụng các thi liệu ước lệ tượng trưng như tùng, cúc, trúc, mai mà chọn những thứ bình dị trong cuộc sống như ao thu, ngõ trúc, thuyền câu… tất cả đã đi vào trong thơ ông với một vẻ đẹp dung dị, gần gũi, rất làng quê.
-----------------------------------------
Như vậy Toploigiai đã trình bày xong một số mẫu Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất với em trong bài thơ Thu điếu. Đây là một trong những bài thơ tả làng cảnh Việt Nam đặc sắc nhất trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến.