logo

Phân tích Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ tài giỏi và là một nhà thơ gần gũi với quần chúng nhân dân, thiên nhiên cảnh vật. Ông được mệnh danh là Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. Dưới đây là bài văn mẫu Phân tích Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây. 


Dàn ý Phân tích Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. 

Mở bài: 

Giới thiệu về nhà thơ đó.

+ Tên.

+ Phong cách thơ.

Nêu được lí do tại sao gọi là Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. 

Thân bài:

Phân tích Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam

Phân tích phong cách thơ của tác giả đó.

Nói qua về một vài tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ đó. 

Kết bài: 

Khẳng định lại vấn đề.

Đánh giá chung về Nhà thơ. 


Phân tích Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. 

      Kho tàng thơ ca Việt Nam rất đồ sộ với đủ các thể loại thơ viết về quê hương, đất nước, con người, thiên nhiên,... Thế nhưng nhà thơ được mệnh danh là Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam không ai khác chính là tác giả Nguyễn Khuyến. Cái tên này chính là do nhà thơ Xuân Diệu định danh cho ông, và cái tên này cũng theo ông từ năm 1971 cho đến nay, nhắc đến nhà thơ Nguyễn Khuyến là nhắc đến thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam.

      Bởi lẽ, ông được định danh với cái tên này là vì ông thường viết về những người nông dân, quê hương. Đây là những hình ảnh hết sức gần gũi và chân thực của làng cảnh Việt Nam. Thiên nhiên làng quê trong thơ Nguyễn Khuyến giàu hình ảnh, gần gũi và có nét đặc trưng riêng của quê hương Việt Nam. Để làm sáng tỏ định danh Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam, tác giả Xuân Diệu bắt đầu từ ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến đó là: Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh. Đây là ba bài thơ viết về mùa thu rất hay của ông, mùa thu của Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và mùa thu của quê hương Việt Nam nói chung. 

Phân tích Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam

      Ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến người đọc cảm nhận được ba tầng không gian được tác giả miêu tả rất chi tiết. Bài Thu vịnh là tầng đầu tiên tầng trên cao với bầu trời thu xanh mát. 

       Bài “Thu vịnh"

                                           Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

                                           Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

                                           Nước biếc trông như tầng khói phủ,

                                           Song thưa để mặc bóng trăng vào.

                                           Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

                                           Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

                                           Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

                                           Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

 

     Bài thơ này được viết khi Nguyễn Khuyến về quê ở ẩn. Bài thơ là bức tranh cảnh vật mùa thu của Việt Nam thời thực dân phong kiến. Dưới cái nhìn đầy chất thơ ca của ông, ông đã khắc họa lên bức tranh mùa thu với tầng mây cao trong xanh trên bầu trời, với chiếc cầu trúc lơ phơ gió và màu nước xanh biếc. Cảnh vật đẹp và nên thơ như vậy nhưng qua bài thơ cũng đã thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả cho ta thấy một tâm sự u hoài, một nỗi buồn khó nói thành lời của tác giả. 

     Tiếp theo là bài thơ “ Thu ẩm” cảnh vật thiên nhiên mùa thu như được hạ xuống một tầng, tầng ở giữa. 

      Bài “Thu ẩm"

Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ trúc đêm sâu đóm lập loè.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Rượu tiếng là hay, hay chẳng mấy,

Độ năm ba chén đã say nhè.

 

      Cả bài thơ chẳng nhắc đến một chữ “thơ” nào thế nhưng bức tranh cảnh vật mùa thu lại được hiện lên rất rõ nét. Nếu như ở bài Thu vịnh là cảnh vật mùa thu trên cao thì ở bài thơ này cảnh vật mùa thu như hạ xuống một tầng. Với những hình ảnh như năm gian nhà, ngõ trúc, làn ao lóng lánh. Trong sáu câu thơ đầu thì có tới năm câu là có màu sắc. Màu sắc của mùa thu với màu khói nhạt, màu xanh ngắt, đã tô điểm thêm cho bức tranh cảnh vật. Ở những câu thơ cuối là hình ảnh đôi mắt đỏ hoe của ông lão, của thi sĩ đang ngồi ngâm thơ giữa cảnh vật mùa thu. 

      Cuối cùng là bài thơ Thu điếu. 

      Bài “Thu điếu"

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

      Cảnh vật mùa thu như được đẩy hết xuống dưới. Với hình ảnh ao thu lạnh lẽo, chiếc thuyền câu bé tẻo teo, sóng biếc, lá vàng, tầng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co; tất cả những hình ảnh này đều là đặc trưng của mùa thu. Trong bức tranh thu hiện lên hình ảnh con người đang ngồi câu cá, hình ảnh con người trong bài thơ này không để lại ấn tượng gì nhiều chỉ đơn giản điểm thêm cho bức tranh cảnh vật trời thu, êm đềm, bình yên. Ngồi lắng đọng giữa khung cảnh êm đềm đó, khung cảnh thật nên thơ làm sao. Trong bài thơ này Nguyễn Khuyến đã miêu tả khung cảnh trời thu từ tận trên bầu trời bao la xanh ngắt kia cho đến dưới nước sâu. Bao trùm được toàn bộ cảnh vật mùa thu. 

      Chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến đã trở thành những tác phẩm bất hủ, tác giả đã khắc họa lên bức tranh thiên nhiên cảnh vật trời thu với đủ các tầng không gian, từ trên cho xuống dưới, với đủ các màu sắc và trong bức tranh đó cũng đã xuất hiện hình ảnh con người. Hay nói cách khác đó cũng là hình ảnh của thi sĩ, khi ngắm nhìn cảnh vật, thiên nhiên trời thu. Cảnh  vật mùa thu của quê hương Việt Nam dưới ngòi bút của thi sĩ thật đẹp và làm xao xuyến lòng người. Qua ba bài thơ tác giả cũng đã thể hiện những suy tư, cảm xúc của bản thân mình khi về quê ở ẩn, từ bỏ vinh hoa phú quý để trở về với cuộc sống bình dân, có thời gian ngâm thơ, ngắm nhìn thiên nhiên cảnh vật một cách bao quát, chi tiết hơn. 

      Ngoài những bài thơ về cảnh vật mùa thu, Nguyễn Khuyến cũng đã có những bài thơ rất hay về con người, cuộc sống ở thôn quê, cảnh lụt lội. 

“Quai mễ thanh liêm đã lở rồi

Vùng ta âu cũng lụt mà thôi

Gạo dăm ba bát cơ còn kém

Thuế chỉ vài nguyên dáng vẫn đòi

…Đi đâu cũng thấy người ta nói

Mười mấy năm nay cát lại bồi.”

      Chỉ bằng vài câu thơ nhưng cũng thể hiện được sự lo âu của tác giả về vùng quê của mình, sắp bị ngập lụt. Ta có thể thấy Nguyễn Khuyến rất quan tâm đến quê hương của mình, quan tâm đến con người nơi đây, nên ông mới có những tâm tư, lo âu như vậy. Thiên tai, lũ lụt làm cho cuộc sống của người dân trở nên cùng cực, khổ sở, cuộc sống đã vốn khổ sở giờ bị thiên tai bão lũ lại càng khổ sở hơn gấp nhiều lần. Ông đã cùng sống, cùng trải qua những gian khổ, mất mát mà con người nơi đây phải gánh chịu. 

      Nguyễn Khuyến sống cùng con người nơi đây nên ông thấu hiểu được những vất vả và gian khổ mà con người nơi đây phải gánh chịu. 

 

“Anh em làng xóm xin mời cả

Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là

Chú Đáo làng bên lên với tớ

Ông Từ xóm chợ lại cùng ta”

      Tình cảm làng xóm thân thiết, hữu tình có gì cũng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Đây cũng là một đức tính rất quý của con người Việt Nam ta, cùng nhau chia sẻ với những người anh em làng xóm của mình. Qua thơ của ông ta cũng cảm nhận được rằng tuy cuộc sống có thiếu thốn nhưng con người vẫn rất ấm áp, quý mến, đoàn kết với nhau. 

      Thơ của Nguyễn Khuyến cảm nhận một cách rất chân thực về thiên nhiên, làng cảnh của Việt Nam.

 

“Tháng tư đầu mùa hạ

Tiết trời thật oi ả

Tiếng dế kêu thiết tha

Đàn muỗi bay tơi tả.”

 

       Những hình ảnh thơ này không phải là thứ gì đó cao sang, xa lạ, mà đơn giản chỉ là cái nắng chói chang, oi ả của mùa hè. Tiếng dế mèn kêu âm vang và những đàn muỗi bay tơi tả. Những hình ảnh này rất gần gũi với con người. Tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, dễ hiểu, thân thương. 

      Nguyễn Khuyến là một nhà thơ tài ba, với phong cách thơ chân thực, gần gũi với con người. Nguyễn Khuyến là nhà thơ sống hòa nhập với thiên nhiên, con người, cũng chính vì vậy mà những vần thơ của ông mới gần gũi với thiên nhiên và con người như vậy. Vì thế, Nguyễn Khuyến trở thành nhà thơ tài về quê hương và làng cảnh Việt Nam.

-----------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã mang đến cho các bạn Bài văn mẫu Phân tích Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. Hi vọng bài viết này giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 24/02/2023 - Cập nhật : 03/07/2023