logo

Viết bài văn nghị luận về lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch

Cha ông ta đã có những câu ca dao, tục ngữ đúc kết về việc học ăn nói của con người. Chẳng hạn như câu tục ngữ “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thật vậy việc học ăn học nói là rất quan trọng, học nói cũng là việc học suốt đời của mỗi con người, nhất là với học sinh trên ghế nhà trường. Với đề bài viết bài văn nghị luận về lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch dưới đây các em sẽ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc học nói của học sinh hiện nay.


Dàn ý nghị luận về lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch

1, Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận.

2, Thân bài

- Giải thích ngôn ngữ là gì, khẳng định ngôn ngữ là tài sản vô giá của con người.

- Học sinh văn minh thanh lịch có đặc điểm gì và có ngôn ngữ như thế nào?

- Những hiện tượng học sinh ăn nói vô văn hóa, tục tĩu gây ra nhức nhối trong xã hội và những nguyên nhân của nó.

- Giải pháp để có lời ăn tiếng nói phù hợp với hoàn cảnh, thể hiện là người học sinh văn minh, thanh lịch.

3, Kết bài

- Khái quát tầm quan trọng của vấn đề nghị luận. 

Viết bài văn nghị luận về lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch

Bài văn nghị luận về lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch

      Học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường là lứa tuổi hiếu động và đang trong quá trình hình thành nhân cách. Do đó việc rèn luyện từ những điều nhỏ nhặt nhất như lời ăn tiếng nói hàng ngày là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp cho các em dần hình thành được thói quen trong việc ăn nói, thể hiện được tư cách của một học sinh văn minh, thanh lịch. Vậy đâu là lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch?

      Tôi còn nhớ nhà khoa học Xốt Xuya đã từng nói “Ngôn ngữ nói với chúng ta rằng nên chọn thứ này chứ không phải thứ kia” Ngôn ngữ vốn là tài sản vô giá và hoàn toàn sẵn có ở mỗi người. Nó tồn tại chính là một công cụ giao tiếp hiệu quả nhất hiện nay. Người ta có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hoàn toàn tự nhiên, sẵn có mà không cần phải xin phép ai. Cũng chính nhờ ngôn ngữ mà con người thấu hiểu được nhau, biết được mình muốn gì và cần gì. Cũng chính ngôn ngữ trở thành một trong những thước đo quan trọng đánh giá phẩm chất, tư cách của một con người.

       Chính vì ngôn ngữ là hoàn toàn sẵn có nên mới nảy sinh ra vấn đề là làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp có hiệu quả nhất? làm thế nào để phát huy được thế mạnh của ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, nhất là với học sinh sinh viên hiện nay.

        Một học sinh văn minh, thanh lịch là học sinh được đánh giá có vẻ bề ngoài sạch sẽ, gọn gàng, có phẩm chất tư cách đạo đức tốt và đặc biệt có giao tiếp ngôn ngữ văn minh, phù hợp với phẩm chất, đạo đức của xã hội. Những học sinh đó luôn ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi khi nhìn thấy thầy cô, cán bộ và người lớn tuổi trong nhà trường hoặc trong bất cứ đâu. Học sinh cũng biết đưa ra những lời nói hòa nhã với bạn bè cùng trang lứa, không văng tục chửi bậy. Và không chỉ có như vậy một học sinh văn minh, thanh lịch còn biết lựa chọn những ngôn ngữ giao tiếp làm sao cho thật tinh tế, phù hợp với mọi hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Với bố mẹ thì như thế này, với thầy cô thì như thế khác, với bạn bè cùng trang lứa thì cũng khác nhau. Điều đó sẽ giúp học sinh đó luôn ghi điểm trong mắt bạn bè, luôn được mọi người yêu mến.

       Song bên cạnh những học sinh văn minh, thanh lịch luôn biết ăn nói, cư xử hòa nhã, lễ phép, gây thiện cảm ở người đối diện thì cũng có những học sinh vô văn hóa, ăn nói tục tĩu, yếu kém trầm trọng về ngôn ngữ giao tiếp. Học sinh xưng mày tao bừa bãi với bạn bè, nhìn thấy thầy cô thì không thèm chào hoặc lời chào cũng thiếu sự lễ phép, chân thành. Chưa kể sẵn sàng văng tục, chửi bậy ở bất cứ đâu, không nề hà môi trường giao tiếp đó có những ai, hoàn cảnh giao tiếp như thế nào, chửi bậy ngay cả trước mặt giáo viên… Vậy nguyên nhân đến từ đâu?

Viết bài văn nghị luận về lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch

       Trước hết là ở tâm lý lứa tuổi. Như trên đã nói lứa tuổi học sinh đang trong quá trình định hình nhân cách, hành vi nên các em chưa có nhận thức đúng đắn về ngôn ngữ của mình. Các em sử dụng ngôn ngữ một cách bừa bãi, thích thì nói, nói mà không suy nghĩ đến hậu quả. Chưa kể lứa tuổi của các em là tuổi muốn thể hiện mình, muốn khẳng định cái tôi của mình. Vì thế các em sẵn sàng nói những ngôn ngữ không phù hợp với mình, biết là không hay nhưng vẫn nói ra để khẳng định cá tính của mình trước mặt bạn bè. Thậm chí một số em còn sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp, gây khó hiểu ở nhiều người. Sau cùng là do gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục và uốn nắn các em. Bố mẹ chưa dành thời gian sửa lỗi trong giao tiếp cho các em… chưa nghiêm khắc khi các em văng tục, chửi bậy, nói những lời vô văn hóa trước mặt người lớn tuổi.

       Vậy có cách nào để trở thành một học sinh văn minh, thanh lịch, có lời ăn tiếng nói phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội? Hoàn toàn có thể, các cụ có nói rằng “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” mỗi người và mỗi học sinh luôn luôn phải xác định việc học ăn nói cần thiết giống như bất kỳ việc học nào khác. Trước khi phát ngôn nên suy nghĩ thật kỹ, chỉ nói những điều mình chắc chắn, chỉ nói những lời hay ý đẹp, không văng tục chửi bậy để thành quen mồm. Không chỉ hướng tới việc nói đúng những điều cần nói, lên nói, học sinh cần rèn luyện cho mình thói quen diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, trúng vấn đề, tránh tình trạng ông nói gà bà nói vịt. Nhất là hạn chế tối đa việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp, gây khó chịu ở người khác, khó hiểu nội dung cuộc nói chuyện.

       Lời ăn tiếng nói của học sinh văn minh thanh lịch thể hiện phẩm chất, tư cách, giá trị của các em. Giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình. Vì thế mỗi học sinh chúng ta nên học ăn nói gói mở, phát ngôn đúng hoàn cảnh để lời nói thật sự mang đến giá trị.

-----------------------------------------

Như vậy Toploigiai đã trình bày xong bài văn mẫu Nghị luận về lời ăn tiếng nói của một học sinh văn minh, thanh lịch. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 08/05/2023 - Cập nhật : 01/07/2023