logo

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong văn bản Lá cuối năm

Truyện ngắn “Lá cuối năm” mang đến cho ta giá trị về tình cảm gia đình, tình cảm cao quý và đáng trân trọng nhất của mỗi con người. Trong bài viết này Toploigiai xin chia sẻ đến bạn đọc bài văn mẫu phân tích đánh giá ngắn gọn giúp các bạn hiểu thêm về tác phẩm.

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong văn bản Lá cuối năm của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy

LÁ CUỐI NĂM

   Đó là buổi chiều đẹp nhất của năm. Ông ngoại tôi bảo vậy. Chiều 30 Tết. Tất cả mọi công việc phải hoàn tất trước khi trời tối. Bánh chưng đã gói xong. Nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ. Điều mà ngoại bắt buộc mọi người phải làm vào chiều cuối năm là gom hết lá khô vào một góc sân, đốt lên rồi cả gia đình ngồi quây quần quanh đó để…chẳng làm gì cả. Ngoại gọi đó là buổi chiều của những đứa con đi xa trở về, của những người đã khuất qua hồi ức người còn sống. Người lớn ngồi trầm ngâm. Bọn trẻ con bấm tay nhau cười khúc khích trước vẻ nghiêm trang mà theo chúng là rất vô lý.

   Gió se se lạnh. Lửa ấm áp nổ lách tách. Khói thơm nồng mùi lá khô. Cái thú của chúng tôi là hít hà và đoán xem đó là mùi của lá nào. Lá xoài cháy hăng hăng. Lá ổi thơm nhẹ nhẹ…

  Bao giờ cũng vậy, ngoại chỉ lên tán lá xanh trên đầu và hỏi một đứa cháu:

    – Vòm cây không thay đổi nhưng những chiếc lá thì thay đổi. Trên đó không còn chiếc lá nào của năm trước, phải không cháu?

  Sau đó thì chắc chắn là đến phần “nghi thức” của chiều cuối năm.

    – Con đã làm được gì trong một năm qua? – Ông ngoại hỏi mẹ tôi.

    – Con đi dạy một ngày hai buổi. – Mẹ nghiêm trang trả lời. – Học trò của con năm nay không có đứa nào cá biệt. Chúng chăm học và rất ngoan. Con cũng đã quét vôi lại ngôi mộ của mẹ.

     – Vậy là tốt. – Ông nói rồi quay sang tôi. – Còn cháu?

  Tôi khẽ khàng:

     – Cháu chẳng làm gì cả. Cháu chỉ đi học thôi.

     – Vậy là tốt. Cháu biết rằng cháu đang đi học. Thế là tốt…

  Cứ thế, lần lượt từng người một nói cho ông biết mình đã làm được gì. Lúc nhỏ, tôi vẫn nghĩ những câu hỏi của ông thật buồn cười. Tôi cũng không hiểu lắm câu chuyện những chiếc lá và vòm cây mà ông luôn kể mỗi chiều cuối năm.

  Ngày ông hấp hối, tôi đứng cuối chân giường và khóc. Ông vẫy tôi lại, thều thào:

    – Này cháu, những chiếc lá thay đổi, nhưng vòm cây vẫn không thay đổi. Phải không?

  Tôi mếu máo gật đầu và trong khoảnh khắc đó tôi hiểu ra tất cả. Không có chiếc lá nào xanh trọn 365 ngày trong một đời lá. Những chiếc lá khô đi và rụng xuống nhưng vòm cây vẫn giữ nguyên vẻ mát xanh vững chãi. Hãy bình tâm sau mỗi lần mất mát dù rằng chỉ những chiếc lá ở cạnh nhau mới thấy đau với khoảng trống khi chiếc lá ngay cạnh mình rơi xuống.

  Từ khi ông mất, những chiều cuối năm không còn ai ngồi quanh đống lửa. Song, dù ở đâu, chúng tôi vẫn luôn nhớ quay về góc vườn cũ, thăm lại những hàng cây. Bao nhiêu mùa lá khô rơi nhưng vòm cây vẫn xanh và rì rầm trong gió. Tôi biết rằng trong vòm cây nguyên lành như chưa bao giờ biến đổi kia, có một chiếc lá đã rơi và để lại khoảng trống không gì bù đắp nổi. Chiếc lá ấy vẫn trở về trong trái tim những chiếc lá khác – vào mỗi chiều cuối năm.

(Đặng Nguyễn Đông Vy – Hạt giống tâm hồn,

NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh,2019, tr51-53)


Dàn ý Nghị luận về văn bản Lá cuối năm của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nêu vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

* Tóm tắt nội dung tác phẩm

* Đánh giá chủ đề

- Nói về sự nâng niu trân trọng tình cảm gia đình, một tình cảm cao quý và thiêng liêng của mỗi con người.

- Cần luôn biết cách giữ gìn phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp.

- Cuộc sống là một vòng tuần hoàn, sẽ có những lúc chúng ta mất đi những điều đáng quý nhất trong cuộc đời đặc biệt là người thân.

- Những kỷ niệm đẹp về ông vẫn luôn giữ trọn trong trái tim những người ở lại.

- Bình thản đón nhận những mất mát như một quy luật tất yếu của cuộc sống.

* Đặc sắc về hình thức nghệ thuật

- Cốt truyện đơn giản theo trình tự thời gian 

- Không gian: xoay quanh khu vườn nhỏ với vòm cây và những chiếc lá vào chiều 30 tết

- Nhân vật kể truyện xưng tôi 

- Xây dựng những nhân vật gần gũi

3. Kết bài

- Khái quát giá trị tác phẩm


Nghị luận về văn bản Lá cuối năm của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy

      Đặng Nguyễn Đông Vy vừa là nhà báo vừa viết văn và đã mang đến cho độc giả những sáng tác vô cùng sâu lắng thú vị và độc đáo. “Lá cuối năm” là tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ phong cách sáng tác của nhà văn. Tác phẩm mang đến cho ta giá trị về tình cảm gia đình, tình cảm cao quý và đáng trân trọng nhất của mỗi con người.

      Tác phẩm kể về một buổi chiều đẹp nhất của năm. Đó là chiều 30 tết khi mọi người đang tất bật chuẩn bị đón một năm mới. Truyện được tái hiện lại qua lời kể của nhân vật “tôi”- người cháu của ông ngoại. Ông là người luôn lưu giữ và truyền lại những phong tục tốt đẹp của gia đình. Ngoại gọi đó là buổi chiều của những đứa con đi xa trở về, của những người đã khuất qua hồi ức người còn sống. “Lá cuối năm” nói về sự nâng niu trân trọng tình cảm gia đình, một tình cảm cao quý và thiêng liêng của mỗi con người. Cần luôn biết cách giữ gìn phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp đó. Đó là những ngày ông ngoại còn sống, mọi người quây quần ngồi bên nhau dưới tán lá xanh trên đầu,...

Viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong văn bản Lá cuối năm của tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy

Cuộc sống là một vòng tuần hoàn, sẽ có những lúc chúng ta mất đi những điều đáng quý nhất trong cuộc đời đặc biệt là người thân. Mặc dù ông ngoại đã không còn hiện diện nhưng đối với con cháu trong gia đình, ông vẫn luôn trong trái tim họ với những kỷ niệm tuyệt vời nhất. Nhân vật tôi đã nhận ra rằng “không có chiếc lá nào xanh chọn 365 ngày trong một đời lá. Những chiếc lá khô đi và rụng xuống nhưng vòm cây vẫn giữ nguyên vẻ mặt xanh vững chãi”. Từ khi ông mất những chiều cuối năm không còn ai ngồi quanh đống lửa. Đó là khoảng trống không gì bù đắp nổi. Thế nhưng chiếc lá ấy vẫn trở về trong trái tim những chiếc lá khác vào mỗi buổi chiều cuối năm. Ông vẫn luôn dõi theo, những kỷ niệm đẹp về ông vẫn luôn giữ trọn trong trái tim những người ở lại. Vì vậy chúng ta cần biết quan tâm yêu thương và trân trọng những gì mình đã và đang có. Hãy biết cách trao đi yêu thương, trân trọng những người cạnh mình. Quy luật đời người ai cũng một lần sinh ra và chết đi vì vậy hãy học cách bình thản đón nhận những mất mát như một quy luật tất yếu của cuộc sống.

Nhà văn đã xây dựng cốt truyện đơn giản theo trình tự thời gian vào một buổi chiều đẹp cuối năm. Truyện chỉ xoay quanh khu vườn nhỏ với vòm cây và những chiếc lá vào chiều 30 tết. Mọi người quây quần sum vầy chờ đón một năm mới. Gợi trong ta cảm giác tự nhiên, như nhìn thấy mình qua những lời văn. Nhân vật kể truyện xưng tôi kể lại những kỉ niệm tuổi thơ bên ông ngoại đầy ấm áp. Nhờ đó mang đến cho ta một sự gần gũi chân thực, tái hiện lại những cảm nhận thực tế gây lên những ấn tượng mạnh mẽ nơi độc giả. Nhà văn đã xây dựng những nhân vật gần gũi, tạo dựng lên một mái ấm gia đình với đầy tình yêu thương. Tạo sự đồng cảm của người đọc giúp ta rút ra được nhiều bài học trong cuộc sống: bài học về tình yêu thương về tình cảm gia đình.

      “Chiếc lá cuối năm” là tác phẩm để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Truyện tuy ngắn nhưng đã đem đến cho ta nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống. Dạy con người cách yêu thương trân trọng những gì mình đang có. Luôn giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

icon-date
Xuất bản : 18/03/2024 - Cập nhật : 18/03/2024