Phan Bội Châu chuyển từ chủ trương “Quân chủ lập hiến” sang chủ trương “Cộng hòa dân quốc” là do: Ảnh hưởng của chủ nghĩa “Tam dân “ của Tôn Trung Sơn.
Năm 1911, cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc nổ ra đã lật đổ triều đình Mãn Thanh, thành lập Chính phủ Dân quốc, thi hành hàng loạt các chính sách tiến bộ.
Trước ảnh hưởng của cách mạng Tân Hợi, tháng 6-1912, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Phan Bội Châu cùng với một số người cùng chí hướng trong nước sang đã tuyên bố giải tán Duy tân hội và thành lập Việt Nam Quang phục hội.
Vậy Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa Tam dân như nào lại ảnh hưởng đến chủ trương của Phan Bội Châu và quá trình chuyển hướng từ quân chủ lập hiến sang cộng hòa dân quốc như thế nào, hãy cùng Top lời giải tìm hiểu nhé:
Tôn Trung Sơn (Tôn Văn, Tôn Dật Tiên, 1866 - 1925), là nhà cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc. Ông sớm tham gia vào hoạt động cứu nước.
Năm 1894, ông thành lập Hưng Trung Hội, là Hội cách mạng đầu tiên của giai cấp tư sản Trung Quốc để chuẩn bị các cuộc khởi nghĩa Quảng Châu (1895), Huệ Châu (1898) nhưng không thành công. Năm 1905, Tôn Trung Sơn hợp nhất Hưng Trung hội với một số tổ chức trong nước lập thành Trung Quốc Đồng minh hội do ông làm Tổng lý. Trên tờ Dân báo, cơ quan ngôn luận của Hội, ông đã công bố chủ nghĩa Tam Dân: "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc".
Cùng với nền tảng lý luận của mình, ông đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Tân Hợi (1911). Cuộc cách mạng đã chấm dứt chế độ chuyên chế phong kiến hơn 2000 năm, lập nên nước Trung Hoa dân quốc và có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh của các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á. Chủ nghĩa Tam Dân có những tác động tích cực đến phong trào cách mạng Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thời điểm đang khủng hoảng về đường lối cứu nước, một số sỹ phu yêu nước đã coi đây là nền tảng lý luận quan trọng cho việc hình thành tư tưởng cứu nước.
Chủ nghĩa tam dân bao gồm ba yếu tố cơ bản nhất là: dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.
Trong đó, dân tộc độc lập có ý nghĩa rằng các dân tộc trên đất nước Trung Hoa không bị thế lực ngoại lai xâm chiếm. Tôn Dật Tiên cho rằng, để thực hiện được điều này, người Trung Hoa phải hình thành một tinh thần Trung Hoa, không phân biệt dân tộc riêng lẻ. Năm tộc lớn là người Hán, người Mông Cổ, người Tây Tạng, người Mãn Châu, và người Duy Ngô Nhĩ phải đồng lòng, và sử dụng một lá cờ gồm có 5 màu (lá cờ cộng hòa của Trung Quốc sử dụng trong giai đoạn 1911-1928)
Dân quyền tự do chính là một “chính quyền của dân”. Người dân có bốn quyền lợi chính trị căn bản: tuyển cử (選舉), bãi miễn (罷免), sáng chế (創制), và phức quyết (複決). Nó tương ứng với quyền công dân ở phương Tây. Đối với Tôn Dật Tiên, điều này có thể hiện thực hóa bằng một chính phủ có hiến pháp, giống như chính phủ Mỹ quốc. Chính phủ “ngũ quyền phân lập” so với “tam quyền phân lập” ở phương Tây. Nó được thể hiện ở 5 viện chịu trách nhiệm: lập pháp, hành pháp, tư pháp, kiểm sát và thẩm tra.
Dân sinh hạnh phúc có hàm ý về phúc lợi xã hội. Ý tưởng này của Tôn Dật Tiên được ảnh hưởng bởi nhà tư tưởng Henry George, chủ yếu tập trung vào phương pháp cải cách thuế. Tôn Dật Tiên cũng phân chia dân sinh hạnh phúc thành 4 lĩnh vực: quần áo, thức ăn, nhà cửa và y tế. Điều đáng tiếc là Tôn Dật Tiên qua đời trước khi ông kịp giải thích cặn kẽ cái nhìn của mình về 4 lĩnh vực này.
Trong thời kỳ đầu hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu vẫn còn loay hoay với tư tưởng quân chủ. Mặc dù sớm nhận ra sự suy thoái của chế độ phong kiến, song lúc bấy giờ vì “chưa có chủ nghĩa nào khác”, chưa tìm ra hướng đi tươi sáng hơn cho dân tộc lúc bấy giờ, nên ông vẫn trung thành với chính thể quân chủ, thể hiện tinh thần trung nghĩa của bậc Nho học “Còn trời, còn đất, còn vũ trụ. Còn vua, còn chúa, hãy còn tôi” (Chương Thâu, 2000a). Thời gian đầu tiến bước trên con đường hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu không tránh khỏi lúng túng, hoang mang. Ông trăn trở, đắn đo lựa chọn hướng đi đúng đắn cho dân tộc. Phan Bội Châu xác định, muốn đánh đuổi giặc cứu nước, tất phải có lực lượng, mà lực lượng chính theo Phan Bội Châu là “liên kết với dư đảng Cần Vương”, tập hợp những người trung nghĩa, phải tìm “người trong hoàng thân lập làm minh chủ”. Phan Bội Châu nhận định, tuy triều đình phong kiến đã đầu hàng, bán nước cho giặc, song ý thức hệ phong kiến nói chung vẫn còn đậm nét trong đầu óc của một bộ phận sĩ phu, quan lại và hào phú có tinh thần yêu nước. Đây cũng chính là lực lượng yêu nước cuối cùng của phong kiến Việt Nam. Nếu như tập hợp được lực lượng này, sẽ tranh thủ được sự ủng hộ nguồn lực vật chất rất lớn cho phong trào cách mạng.
Tư tưởng về việc xây dựng hình thức thể chế nhà nước của Phan Bội Châu tiếp tục có những chuyển hướng rõ ràng khi nhà cầm quyền Nhật Bản và Pháp cấu kết với nhau khiến phong trào Đông Du tan rã, Phan Bội Châu chuyển địa bàn hoạt động sang Trung Quốc. Tại đây đã đánh dấu mốc lớn trong nhận thức về chính thể nhà nước của Phan Bội Châu chuyển từ quân chủ lập hiến sang mô hình cộng hòa. Ông tuyên bố từ bỏ tư tưởng quân chủ lập hiến của Duy Tân hội để thành lập tổ chức Việt Nam Quang phục hội với tôn chỉ “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Nam, thành lập cộng hòa dân quốc”. Sự chuyển biến này là kết quả của một quá trình trải nghiệm thông qua các nấc thang nhận thức khác nhau của Phan Bội Châu.
Thực ra, việc xây dựng mô hình nhà nước cộng hòa đã bắt đầu ấp ủ trong tâm tưởng Phan Bội Châu từ trước đó. Ngay từ giai đoạn hoạt động cách mạng trong nước trước năm 1905, Phan Bội Châu đã có ít nhiều tiếp xúc với tư tưởng cộng hòa của các nước Âu Mỹ thông qua Tân thư. Nhưng khi chuẩn bị thành lập Duy Tân hội, Phan Bội Châu lại chọn chính thể quân chủ bởi “Phải hiểu dân trí và tập quán của dân nước nhà, không thể nào bắt chước làm theo châu Âu cho được” (Chương Thâu, 2000b).
Cho đến khi trải qua thời gian sống ở Nhật Bản, Phan Bội Châu có nhiều điều kiện nghiên cứu kỹ hơn mô hình quân chủ lập hiến. Xuất phát từ thực tế, cụ nhận thấy sự khác biệt cơ bản của người Nhật Bản và Việt Nam trong mối quan hệ quân – thần. Ở Nhật Bản, mối quan hệ giữa Nhật hoàng với dân chúng rất tốt đẹp, gần gũi “Người Nhật Bản vốn tôn trọng đức Thiên hoàng, tức là trợ tán thành chính thể quân chủ” (Chương Thâu, 2000a). Nghĩ về Việt Nam, ông mong ước “Dân ta bao giờ được … như thế” bởi “Nguyễn Triều Việt Nam là một phường chó chết” (Chương Thâu, 2000c). Ông dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các sách dân quyền tự do ở phương Tây, ông nói “Được nghiên cứu nguyên nhân cách mạng nước ngoài và chính thể các nước, thì rất say sưa với lý luận của Lư Thoa” (Chương Thâu, 2000c), “Càng nhận được lý luận của Lư thoa là tinh đáng lắm” (Chương Thâu, 2000c). Ngoài ra, từ khi Nhật Pháp cấu kết trục xuất phong trào Đông Du đã khiến Phan Bội Châu thất vọng tràn trề, biết rằng các “chính trị gia Nhật Bản tất thảy giàu về phần dã tâm mà nghèo về phần nghĩa hiệp”, cho nên “công việc của mình không thể trông cậy vào Nhật Bản nữa” (Chương Thâu, 2000c). Đáng quý hơn, trong thời gian ở Nhật Bản, Phan Bội Châu được tiếp xúc với Tôn Trung Sơn, cuộc gặp đó đã tác động không nhỏ đến tư tưởng của Phan Bội Châu “nên trong đầu óc đã xếp tư tưởng quân chủ vào một xó” (Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Ngữ, 1973). Trước đó, Tôn Trung Sơn kịch liệt công kích chủ trương quân chủ lập hiến của Duy Tân hội, yêu cầu cách mạng Việt Nam tham gia giúp đảng cách mạng Trung Quốc, sau khi cách mạng Trung Quốc thành công sẽ giúp cách mạng Việt Nam “Ông Tôn vì đã đọc qua bản Việt Nam vong quốc sử, ông biết trong óc tôi chưa thoát khỏi tư tưởng quân chủ, nên ông hết sức bài bác đảng quân chủ lập hiến là hư ngụy” (Chương Thâu, 2000c).
Chính sự tác động mạnh mẽ từ nhiều nhân tố cộng với ảnh hưởng trực tiếp từ cách mạng Tân Hợi
– Trung Quốc năm 1911 đã khiến Phan Bội Châu tiến hành dứt khoát cuộc cách mạng về tư tưởng chính thể “Từ lâu, chủ nghĩa quân chủ đã được đặt ra sau ót. Sở dĩ chưa dám xướng to lên, là vì lúc đầu tôi mới xuất dương, vẫn đã tiêu ngọn cờ quân chủ mà thủ tín với người…Bây giờ thì cục diện đã thay đổi rồi, tôi mới đề xuất nghị án ra trước công chúng là đổi quân chủ chủ nghĩa làm dân chủ” (Chương Thâu, 2000c)
Lúc này, ông tán dương “Chính thể dân chủ cộng hòa là một chính thể rất tốt đẹp” (Chương Thâu, 2000a). Cụ thể, ngay trong lời tuyên thệ đầu tiên của Việt Nam Quang Phục hội, Phan Bội Châu đã xác định hai nhiệm vụ lớn của hội là “Một là khu trừ dị tộc, khôi phục quốc quyền; hai là phá bỏ tận gốc nền chuyên chế, lập nên một chính thể hoàn thiện” (Chương Thâu, 2000a), nguyên lý cơ bản của nhà nước ấy là “Nước lấy dân làm chủ” (Chương Thâu, 2000a). Ở nhà nước cộng hòa, “quyền bính của nước là của chung toàn thể dân, do dân quyết định”, không còn sự tồn tại của chế độ quân chủ nữa “vì đó là một chính thể rất xấu xa” (Chương Thâu, 2000a). Và chỉ có chính thể cộng hòa dân chủ mới thực sự thể hiện được quyền lợi cuả nhân dân một cách triệt để nhất.
Hy sinh suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, nhưng sự lớn chưa thành. Cuối đời Phan Bội Châu vẫn không nguôi hy vọng, mong mỏi vào thế hệ trẻ nối tiếp sẽ đưa tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa mới tượng hình trong tâm tưởng cụ, phát triển đúng hướng và thẳng tiến đến thành công. Bên cạnh đó, tư tưởng canh tân của cụ, cùng các chủ trương cụ thể về canh tân đất nước đã tiến hành và đạt được những thành quả nhất định trong phong trào giải phóng dân tộc, đó được xem là tài sản quý báu, để cho thế hệ sau bảo tồn, gìn giữ và phát huy tích cực trong điều kiện mới. Hiện nay, không những chỉ cần độc lập dân tộc, mà còn cần phải vận động, đổi mới từng ngày mới có thể bắt nhịp với thế giới. Chính yêu cầu đó của lịch sử đã khẳng định vai trò quan trọng của phong trào duy tân đổi mới và cải cách đã từng được Phan Bội Châu ấp ủ và khởi xướng. Quan điểm về duy tân đất nước, về mô hình nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa là đóng góp to lớn cho sự phát triển của Việt Nam hiện tại, đặc biệt khi đất nước đang cùng nhau tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội như hiện nay.
Trong suốt quá trình chuyển biến tư tưởng cứu nước, Phan Bội Châu kịch liệt phê phán sự mê muội, yếu hèn của người dân cam chịu trước sự đàn áp của kẻ thù. Cụ đặc biệt nêu cao chủ trương nâng cao dân trí, đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân. Thông qua giáo dục, người dân tự tin vào năng lực và sức mạnh của mình, ý thức rõ vai trò và giá trị của bản thân, từ đó có đủ tinh thần và nghị lực, ý chí, bản lĩnh, đồng tâm đứng lên bảo vệ và phát triển nước nhà. Nói cách khác, từ quá trình chuyển biến tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu đã khơi dậy và xây dựng cho con người Việt Nam thế hệ ngày nay có một “não chất độc lập”, có ý thức, có giác ngộ, hiểu biết, có can đảm, dám muốn, dám làm, dám đấu tranh cho độc lập, tự do của mỗi con người, của nhân dân và dân tộc, không cầu ở lực lượng thần bí nào, không run sợ trước bất cứ cường quyền, áp bức nào
Với sự từng trải sau thời gian bôn ba hoạt động cách mạng, qua lựa chọn này, có thể nhận thấy Phan Bội Châu thực sự đã vượt qua giới hạn chính thể quân chủ để tiến tới chính thể cộng hòa. Mặc dù không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, nhưng với tư tưởng về chính thể cộng hòa dân chủ, Phan Bội Châu đã để lại giá trị rất lớn cho cách mạng Việt Nam, cho lịch sử tư tưởng Việt Nam. Về điểm này lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam đã ghi nhận đóng góp to lớn của Phan Bội Châu vào công cuộc tìm hướng đi giải phóng dân tộc. Nhà nghiên cứu Chương Thâu cũng đã từng nhận xét “Công lao của Phan Bội Châu cho cách mạng Việt Nam chủ yếu là trong giai đoạn này” (Chương Thâu, 2012).
Tóm lại, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu chế độ phù hợp với đất nước. Trải qua nhiều nấc thang nhận thức khác nhau, tư tưởng Phan Bội Châu chuyển từ lập trường quân chủ sang lập trường dân chủ cộng hòa và cuối đời đã tiến gần với hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội mặc dù chỉ mới bằng cảm tính. Phan Bội Châu đã phác họa mô hình nhà nước trong tương lai đặt lợi ích nhân dân lên trên hết: đó là một nhà nước được thiết lập thông qua con đường bầu cử của nhân dân, không phân biệt giàu nghèo, gái trai; chính phủ không thể làm những việc gì trái với ý nguyện của nhân dân; nhân dân có nghĩa vụ giám đốc chính phủ, có quyền quyết định vua nên để hay truất, dưới là quan nên thăng hay nên giáng; nhà nước đó phải có hiến pháp, chủ quyền thực sự hoàn toàn cả về đối nội, đối ngoại, phải đề cao vấn đề dân quyền… Quan điểm về chính thể nhà nước trong tư tưởng của Phan Bội Châu hết sức tiến bộ. Và với quan điểm này, Phan Bội Châu có đóng góp thiết thực, định hướng đúng đắn cho mô hình nhà nước ta và cho đến ngày nay tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị.