logo

Vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây?

Không phải tất cả côn trùng đều có hại như chúng ta nghĩ. Có một số côn trùng có lợi trong việc thụ phấn cho cây nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua bài viết vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây sẽ làm rõ hơn vai trò của côn trùng.


Côn trùng thụ phấn cho cây như thế nào?

Côn trùng thụ phấn thường là ong, bướm, bọ cánh cứng. Để duy trì sự sống, chúng phải kiếm ăn từ những bông hoa bằng cách hút mật. Trong quá trình hút mật, phấn hoa được bám vào thân, khi chúng di chuyển từ bông hoa này đến bông hoa khác sẽ giúp cho hoa được thụ phấn.

Vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây?

Vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây

Thực tế cho thấy, do việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà các loài côn trùng đã bị tiêu diệt đáng kể. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình thụ phấn cho cây. Chúng ta phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây vì:

- Một số loài thực vật không thể tự thụ phấn hoặc thụ phấn tự nhiên thành công không cao. Khi đó phải nhờ đến các loài côn trùng như ong, bướm thụ phấn để đạt năng suất cao hơn và duy trì nòi giống cho cây. Nhất là các loài cây công nghiệp, cây ăn quả.

- Nếu không có côn trùng thụ phấn, chúng ta sẽ phải sử dụng những cây lương thực thụ phấn nhờ gió như lúa mạch, ngô, lúa mì,... Bữa ăn sẽ kém dinh dưỡng vì thiếu hoa quả từ một số cây do không có côn trùng thụ phấn như: táo, lê, dâu tây, cà chua,…và nhiều thực phẩm khác.


Mô hình trồng cây ăn quả và nuôi côn trùng

Để làm rõ được lí do vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây, chúng ta hãy theo dõi mô hình trồng cây ăn quả và nuôi côn trùng.

- Vai trò của côn trùng trong thụ phấn cho cây sầu riêng: Sầu riêng được trồng nhiều ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nước ta. Sầu riêng thuộc loài hoa lưỡng tính, tức là có cả nhị đực và nhụy cái trong cùng một hoa. Tưởng rằng như vậy hoa sầu riêng sẽ tự thụ phấn được, nhưng lại hoàn toàn phải nhờ vào côn trùng do nhị đực và nhụy cái không nở cùng một lúc (tự bất tương hợp). Tỉ lệ thụ phấn tự nhiên của sầu riêng chỉ đạt khoảng 20%, đối với cây mới ra trái lần đầu càng thấp hơn. Vì vậy, các nhà vườn phải tiến hành thụ phấn chéo để cây sầu riêng cho năng suất cao, trái đẹp. Cách thuận tiện nhất đó là nhờ côn trùng và việc nuôi ong dưới gốc cây sầu riêng được nhiều nhà vườn lựa chọn. Theo tập tính tự nhiên, ong sẽ đến hút mật ở những bông hoa và phấn hoa được dính trên thân, cánh, chân của ong rồi di chuyển đến những bông hoa khác. Các hạt phấn rơi vào nhụy hoa và thụ tinh tạo thành quả. Nhờ vậy mà năng suất sầu riêng được tăng cao, cho ra trái đẹp giúp tăng thu nhập cho chủ vườn.

- Mô hình nuôi ong hoa nhãn: Đây là một mô hình hiệu quả, ong vừa giúp hoa nhãn thụ phấn cho năng suất cao, ngược lại mật ong hoa nhãn cũng đạt chất lượng tốt, vàng óng, sóng sánh, ngọt lịm đem lại thu nhập cao cho người dân.

Trong tự nhiên có khoảng 75% cây trồng thụ phấn nhờ các loài côn trùng như ong, ruồi, bướm, chim hoặc thậm chí là dơi. Nhiều tài liệu thống kê trên thế giới đã tính toán được hoạt động thụ phấn nhờ côn trùng đã mang lại 14,6 tỷ USD/năm cho Hoa Kỳ và 440 triệu bảng/năm cho nước Anh. Thế nhưng, thực trạng côn trùng đang bị suy giảm, có những loài đang gần tuyệt chủng do thiếu môi trường sống và con người lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều khiến chúng bị tiêu diệt. Riêng tại nước Anh đã mất đi 3 loài ong nghệ bản địa và 6 loài nữa cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trên toàn châu Âu, có đến 4 loài ong nghệ đã tuyệt chủng và đang suy giảm về số lượng các loài ong ở Bắc Mỹ và Trung Quốc.


Các biện pháp bảo vệ côn trùng thụ phấn

- Duy trì môi trường hoang dã cho côn trùng: Các loài côn trùng thường chọn nơi yên tĩnh để làm tổ và ăn các loại hoa cỏ dại vào những mùa cây chưa ra hoa. Do đó một giải pháp đơn giản là đảm bảo được môi trường sống hoang dã cho chúng bằng cách trồng nhiều loài hoa dại ở những trang trại, cánh đồng; trồng nhiều loại hoa khác nhau để thu hút côn trùng làm tổ.

Vì sao phải bảo vệ một số loài côn trùng thụ phấn cho cây?

- Hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu gây hại. Điều này rất khó thực hiện bởi nếu bảo vệ được côn trùng thụ phấn thì các sâu bệnh gây hại lại có cơ hội phát triển. 

- Loại bỏ chế độ độc canh, gieo trồng đa dạng các loại cây để thu hút côn trùng. Ví dụ: trồng cây hoa hướng dương kết hợp với cây làm gia vị và hạt có dầu; Hay mô hình tiêu biểu nhất là nuôi ong trong các vườn nhãn, vải, xoài để ong thụ phấn cho cây. Điều này vừa tăng năng suất cho cây mà lại thu được mật ong đem lại giá trị kinh tế cao.

icon-date
Xuất bản : 04/05/2023 - Cập nhật : 03/10/2023