logo

Vì sao có hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau trên Trái Đất?


Vũ trụ. Hệ quả các chuyển động của Trái Đất

Câu 22: Vì sao có hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau trên Trái Đất?

Lời giải

Có hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau trên Trái Đất là do:

Vì Trái Đất có dạng hình cầu và luôn tự quay quanh trục nên có hiện tượng luân phiên ngày đêm trên Trái Đất.
Trong khi chuyển động quanh Mặt Trời thì trục Trái Đất luôn nghiêng với mặt phẳng quỹ đạo một góc 66 độ 33 ‘ và không đổi phương, do vậy nên:

– Từ ngày 21-3 đến ngày 23-9, Bắc bán cầu ngả về phía Mặt Trời, đường phân chia sáng tối nằm ở phía sau Địa Cực Bắc và phía trước Địa Cực Nam, do vậy nửa cầu Bắc có góc nhập xạ lớn hơn, nhận được nhiều nhiệt hơn nửa cầu Nam, nên Bắc bán cầu là mùa nóng, có ngày dài hơn đêm. Còn ở Nam bán cầu là mùa lạnh, có đêm dài hơn ngày. Vào ngày 22-6, hiện tượng trên đạt tới cực đại.

– Từ ngày 23-9 đến ngày 21-3 năm sau, Nam bán cầu ngả về phía Mặt Trời, hiện tượng diễn ra ngược lại. Nam bán cầu là mùa nóng, có ngày dài, đêm ngắn; còn Bắc bán cầu là mùa lạnh, có ngày ngắn, đêm dài. Vào ngày 22-12, hiện tượng trên đạt tới cực đại.

– Ở Xích đạo, quanh năm có độ dài ngày đêm bằng nhau và bằng 12 giờ.

– Càng xa Xích đạo, độ dài ngày và đêm càng chênh lệch nhiều. Từ vòng cực về phía cực, có hiện tượng ngày hoặc đêm dài 24 giờ (ngày địa cực, đêm địa cực). Càng gần cực, số ngày, đêm địa cực càng tăng, ở hai cực, số ngày hoặc đêm dài 24 giờ kéo dài suốt sáu tháng.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021