logo

Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lý Đọc hiểu

Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lý Đọc hiểu

ĐỀ BÀI ĐỌC HIỂU TUỔI 25 - TỐ HỮU

Đọc đoạn thơ  sau và thực hiện các yêu cầu:

           … Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lí

               Óc nghĩ suy không thể mượn vay

               Bạch Đằng xưa, Cửu Long nay

               Tắm gội lòng ta chẳng bao giờ cạn.

               Ta tin ở sức mình, vô hạn 

               Như ta tin ở tuổi 25

               Của chúng ta là tuần trăng rằm

               Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái.

               Ta tin ở loài người thúc nhanh thời đại

               Những sông Thương bên đục, bên trong

               Chảy về xuôi, càng đẹp xanh dòng

               Lịch sử vẫn một sông Hồng vĩ đại...

                                                         (Trích Tuổi 25 của Tố Hữu, sách Tố Hữu Từ ấy và Việt Bắc, NXB văn học, tr332)

Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lý Đọc hiểu

Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?

Câu 2: Tác giả đã gửi gắm niềm tin của mình vào những đối tượng nào?

Câu 3: Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ 2. Hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ ấy?

Câu 4: Anh/chị cảm nhận gì về hai câu thơ sau:

Bạch Đằng xưa, Cửu Long nay

Tắm gội lòng ta chẳng bao giờ cạn.

Câu 5: Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ “Của chúng ta là tuần trăng rằm/ Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái”?

Câu 6: Theo anh/chị, tác giả nhắc đến những dòng sông quê hương là nhằm mục đích gì?

Câu 7: Nhà thơ đã tâm sự gì qua đoạn thơ trên?

Đáp án 

Câu 1: Thể thơ của đoạn thơ trên là thể thơ tự do.

Câu 2: Tác giả gửi gắm niềm tin của mình vào những đối tượng: bản thân (sức mình), tuổi trẻ (tuổi 25), loài người.

Câu 3: Những biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ 2 là:

  • So sánh: “ Như ta tin ở tuổi 25; tuổi 25 Của chúng ta là tuần trăng rằm”.
  • Điệp ngữ: Ta tin
  • Liệt kê: Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái
     

- Hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ ấy là: Nhấn mạnh và biểu đạt sâu sắc, sinh động, gợi cảm sức mạnh, niềm tin của tuổi trẻ vào hành động, lý tưởng và ước mơ.

Câu 4: Học sinh cần làm rõ hai vấn đề: giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:

– Nghệ thuật đối : Xưa…nay; liệt kê: Bạch Đằng, Cửu Long

– Lòng dũng cảm và truyền thống yêu nước; niềm tin vào sức mạnh của lịch sử lâu đời tiếp sức cho bao thế hệ.

Câu 5: Có thể hiểu câu thơ “Của chúng ta là tuần trăng rằm/ Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái” là: Hai câu thơ nói lên sức mạnh của tuổi trẻ:

- Tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất của con người vì có nhiều ước mơ cao đẹp.

- Sự chủ động hành động để thực hiện những lí tưởng cao đẹp của mình để phục vụ đất nước đất nước….

Câu 6: Tác giả nhắc đến những dòng sông quê hương là nhằm mục đích: ngợi ca vẻ đẹp của những dòng sông, vẻ đẹp của lịch sử, vẻ đẹp của quá khứ,…

Câu 7: Qua đoạn thơ:

– Nhà thơ đang tâm sự về tuổi trẻ của mình và thế hệ mình: mang tất cả sức mạnh tâm huyết, niềm tin của tuổi trẻ để dâng hiến đấu tranh, bảo vệ tổ quốc …

– Từ tâm sự cá nhân, nhà thơ nhắn gửi tới thế hệ trẻ sống phải có lí tưởng cao đẹp, có niềm tin vào chính mình và mọi người để tạo nên những trang sử hào hùng của dân tộc…

Ngoài ra, các em cùng Top tài liệu tìm hiểu thêm bài nghị luận về tuổi trẻ nhé!

Người Việt Nam thường nói: "tre già măng mọc", "con hơn cha là nhà có phúc". Vấn đề truyền thống là mạch ngầm trong lòng dân tộc, là sức sống diệu kỳ trong hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cha ông ta trao cho con cháu ngọn lửa thiêng liêng của nền văn hóa, văn hiến và hơn ai hết tuổi trẻ của thế hệ hôm nay phải có sứ mệnh thắp sáng hơn, đưa ngọn lửa thiêng liêng ấy đến đài vinh quang trong tương lai.

Thời kì nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, tuổi trẻ là nguồn tài nguyên vô giá và là nhân vật chính tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho Tổ quốc, cho dân tộc. Tuổi trẻ là thế hệ măng đã sắp thành tre, là những con người đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận thức vị trí của mình trong cuộc đời đối với chính mình và xã hội.

Tuổi trẻ của đất nước hôm nay là bạn, là những anh chị hơn mình tuổi tác đang có mặt trong các giảng đường Đại học, Cao đẳng, đang hoạt động bằng tâm huyết của mình để cống hiến nhiều nhất sức trẻ với sự đam mê, hăng say, nhiệt tình bốc lửa.

Nhiệm vụ của tuổi trẻ thời nào cũng có những mục đích rất cụ thể. Thời kì chống Pháp, chống Mĩ, hàng triệu thanh niên đã ngã xuống, đem lại độc lập, tự do cho đất nước. Giờ đây, hàng triệu Thanh niên Việt Nam cần phải thấm nhuần lời dạy của Bác là phải: "Học tập tốt, lao động tốt". Hơn bao giờ hết chúng ta cần suy ngẫm tới những lời nói vàng ngọc xuất phát tự đáy lòng của Bác trong "Thư gửi học sinh Việt Nam" nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

"Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm Châu được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các cháu".

Ngay những ngày đầu mở nước, Bác đã quan tâm diệt giặc dốt. Bác coi loại giặc này còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Với kinh nghiệm từng trải, với việc chứng kiến nhiều nền văn minh khác nhau trên thế giới Bác đã hiểu rằng: "Một dân tộc dốt nát, dân trí thấp thì trước sau cũng chỉ là nô lệ cho thế lực bên ngoài".

Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói tới việc học hành. Tuy nhiên, có người coi chuyện học hành như một việc khổ sai. Việc học là sự thúc ép của cha mẹ, của thầy cô. Việc học không tự giác đã dẫn tới lười biếng, cẩu thả. Chính mình tự đầu độc mình bằng...học. Người ta coi học tập là ngày hội, thì một số người coi học tập là nỗi nhọc nhằn phải chịu đựng. Kiến thức các bộ môn cứ y như cỏ rơm mà con người phải nhai lại vậy.

Có người coi chuyện học tập, chuyện thi cử chỉ là hình thức. Bởi họ cần bằng cấp không cần kiến thức. Có bằng cấp họ lại được "sắp", "xếp" vào những vị trí như mong muốn của bản thân, thậm chí theo như ý của các ông bố, bà mẹ. Vị trí của họ sớm đã được xác định nên dẫn tới một bộ phận thanh niên không đem hết tài sức để phấn đấu. Thật nguy hại cho lối học cơ hội này bởi lối học đó sẽ tạo nên những nhân cách cơ hội, phương cách làm giàu "kiểu chụp giật may rủi" chúng chẳng những không đưa nước ta sánh vai với các cường quốc mà ngược lại chúng làm dân tộc ta tụt hậu, lụn bại.

Thời đại của tri thức, của khoa học công nghệ. Ai nắm được tri thức công nghệ, người ấy sẽ nắm chiếc đũa thần để tạo bước đi thần diệu cho đất nước. Nhiệm vụ của tuổi trẻ phải có chiếc đũa thần ấy. Bất cứ ai ở tuổi ăn học, phải tạo mọi điều kiện, tiếp cận với tri thức. Chỉ có tri thức dồi dào, đạo đức nhân tâm trong sáng, khát vọng sống, lao động cống hiến mãnh liệt trong tầng lớp tuổi trẻ thì tương lai của dân tộc mới sáng lạn, lấp lánh hào quang.

Tuổi trẻ Việt Nam không phải không có nhân tài. Nhưng tất cả tuổi trẻ Việt Nam phải biết hóa thân cho "dáng hình xứ sở". Mọi người phải là anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân ngày nào.

"Đoàn vệ quốc quân một ngày ra đi
Nào có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi..."

Chúng ta phải học tập với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Phải coi chuyện học tập hằng ngày của chúng ta là những chiến công. Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thanh niên ta hiện nay cần phải lập những Điện Biên Phủ mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên huy hoàng, ấm no, hạnh phúc.

"Thành công là do 99% tài năng và 1% may mắn". Tôi, bạn và những người lắng nghe dòng tâm sự này hãy cố gắng nỗ lực hết mình để Việt Nam mãi trường tồn với thời thời gian, vĩnh cửu trên thế giới.

icon-date
Xuất bản : 21/12/2021 - Cập nhật : 19/11/2022