logo

Văn học Việt Nam đổi mới theo hướng nào?

Trả lời chi tiết, chính xác câu hỏi “Văn học Việt Nam đổi mới theo hướng nào?” và phần kiến thức tham khảo là tài liệu cực hữu dụng bộ môn Ngữ văn 11 cho các bạn học sinh và các thầy cô giáo tham khảo.


Trả lời câu hỏi: Văn học Việt Nam đổi mới theo hướng nào?

       Nhìn lại tiến trình văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay, chúng ta có thể thấy ba xu hướng vận động chính ở ba giai đoạn phát triển. Từ đầu thế kỉ XX đến 1945, văn học vận động theo hướng hiện đại hóa, và đó là đặc điểm bao trùm toàn bộ nền văn học giai đoạn này, làm nên sự thay đổi cơ bản về phạm trù văn học từ trung đại sang hiện đại. Trong ba mươi năm tiếp theo - từ 1945 đến 1975, có thể nói đại chúng hóa và cách mạng hóa là xu hướng vận động cơ bản của nền văn học cách mạng trong hoàn cảnh chiến tranh. Còn từ sau 1975, nhất là từ giữa những năm 1980 trở đi, dân chủ hóa là xu thế lớn của xã hội và trong đời sống tinh thần của con người, cũng đã trở thành xu hướng vận động bao trùm của nền văn học.

Văn học Việt Nam đổi mới theo hướng nào?

Kiến thức tham khảo về Văn học Việt Nam đổi mới


1. Bức tranh chung

- Ở giai đoạn đầu, văn học đương đại chịu tác động “đa chiều” của bối cảnh chính trị, xã hội, sự pha trộn giữa thời bình và thời chiến; giữa cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp và cơ chế thị trường; giữa cái cũ, cái quen thuộc và cái mới,... khiến những người sáng tạo văn học, nghệ thuật khó tránh khỏi những ngỡ ngàng và cả sự háo hức trước những điều mới lạ, phong phú, phức tạp của đời sống xã hội.

- Ngày 28-11-1987, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 05-NQ/TW, “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”. Với Nghị quyết này, tinh thần dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được coi trọng, các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích, giao lưu văn hóa được mở rộng...

- Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị khóa X ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết nhấn mạnh: văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Nghị quyết cũng khẳng định phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn hóa, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn áp đặt, “xâm lăng” văn hóa của các thế lực thù địch.

- Trong số các nhà văn đi tiên phong trong đổi mới văn học, không ít người đã có thành tựu quan trọng từ thời kháng chiến, như Tô Hoài, Chế Lan Viên... Các nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp vẫn tiếp tục những bước cách tân vững chắc: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Trần Dần, Lê Đạt. Các nhà văn sớm khẳng định được tên tuổi của mình trong kháng chiến chống Mỹ đã có những sáng tạo mang tính đột phá cả về nội dung tư tưởng và bút pháp thể hiện, như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu... Tiếp bước họ, đội ngũ của những người viết văn giai đoạn mới dần dần trưởng thành. Bên cạnh các tác giả tiếp tục viết về đề tài truyền thống là một đội ngũ các nhà văn mới xuất hiện và ngay lập tức đã có được những dấu ấn, kết quả nổi bật, đó là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy... Văn học các dân tộc cũng có sự khởi sắc với Y Phương, Lò Ngân Sủn, Cao Duy Sơn, Inrasara...

- Các nhà văn, nhà thơ có ý thức hơn trong việc đổi mới tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo. Ý thức về sự hội nhập với văn học khu vực và thế giới thể hiện trong mọi phương diện sáng tác, lý luận, phê bình, nghiên cứu, dịch thuật và trao đổi trực tiếp... Các phương tiện, phương thức truyền thông ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn; cộng đồng người Việt yêu nước ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh. Thêm vào đó, việc mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa... với các nước trên thế giới đã tạo nên những môi trường, không gian thuận lợi, làm cho sự giao lưu văn học giai đoạn này mang tính sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện hơn.

- Các quan niệm nghệ thuật không còn thuần nhất như trước mà trở nên đa dạng, tạo nên những “sắc màu” khác nhau trong sáng tác. Nền văn học giai đoạn này, về cơ bản, vận động theo tinh thần dân chủ, nhân văn. Người sáng tác mạnh dạn tạo nên sự bứt phá về bút pháp, dám nói, dám phản ánh những hiện thực trước đây được coi là “nhạy cảm”, thậm chí là “vùng cấm” và mạnh dạn thực hành những thủ pháp nghệ thuật mới, tiếp cận và hội nhập với văn hóa thế giới đương đại. Đã xuất hiện trong giai đoạn mới một đội ngũ nhà văn, nhà thơ với cách tư duy mới, cách viết mới, góp phần tạo nên một giai đoạn văn học với những thành tựu đa thanh, đa sắc.

- Bên cạnh những thành công, văn học đương đại cũng đứng trước các thách thức không nhỏ. Sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường khiến không ít nhà văn, nhà thơ sa đà vào lối viết dễ dãi, dung tục, thương mại hóa nghệ thuật, đi quá xa những chuẩn mực văn hóa và đạo đức xã hội. Những mâu thuẫn giữa hội nhập với yêu cầu tiếp thu có chọn lọc văn hóa ngoại lai và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc... đã tạo nên sự “dùng dằng” hay “lạc lối” của không ít văn nghệ sĩ.   


2. văn học sau năm 1986 - Nền văn học đổi mới 

- Khi nói đến văn học Việt Nam từ sau năm 1986, mọi người mặc định đây là thời kỳ văn học đã thực sự có những đổi mới sâu sắc và toàn diện. Thậm chí, có khi chỉ cần nhắc đến khẩu hiệu “nhìn thẳng vào sự thật”, nói thật của nhà văn lúc bấy giờ, độc giả đã thấy văn học khác trước rất nhiều. Xu hướng ca ngợi một chiều, rập khuôn, thu mọi sự đánh giá về “văn học Đổi mới” vào thứ hình dung mặc định, đã và đang đưa đến rất nhiều ngộ nhận về giai đoạn văn học đặc biệt này. Đã gần ba mươi năm trôi qua, nghĩa là chúng ta đã có một độ lùi thời gian cần thiết, để nhìn lại và nhận điện, lý giải đúng hơn văn học sau 1986.

- Năm 1987, báo Văn nghệ (số 49 và 50) đăng bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu. Phải nói rằng, đây là một mốc quan trọng đánh dấu sự đổi mới về tư duy văn học, sự thay đổi trong lời nói, trong cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa văn học và chính trị, trong cách tiếp cận và phản ánh hiện thực của nhà văn. Sự thay đổi ấy có nguyên nhân trực tiếp từ sự điều chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, phản ánh nhu cầu và không khí thay đổi đang diễn ra trong xã hội. Nguyễn Minh Châu xuất hiện như người mang đến dấu chấm hết cho giai văn học minh họa, nhưng kể từ “lời ai điếu” của ông, văn học sẽ phải đi theo con đường nào? Nỗi ám ảnh lớn nhất của Nguyễn Minh Châu là phải viết minh họa, rào đón, giả dối, che chắn, xoay trở, vặn vẹo cây bút; khao khát lớn nhất, cụ thể của nhà văn, bởi thế, là môi trường sáng tác thay đổi, không bị o ép, được nói sự thật, phản ánh sự thật, khẳng định “cá tính và tính trung thực” khi phản ánh hiện thực. Một giai đoạn văn học và văn nghệ mới, theo Nguyễn Minh Châu hình dung, phải là giai đoạn có những đặc điểm như thế. Trước kia, do yêu cầu của thời đại, người viết chỉ phản ánh mặt tốt, ca ngợi một chiều, nay được phản ánh cả xấu lẫn tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rằng, dù người viết đòi hỏi “cởi trói” để được phản ánh theo chiều nào đi nữa thì văn học cũng vẫn nằm trong cái khung phản ánh hiện thực. Quan điểm của Nguyễn Minh Châu về thứ văn học cho ra văn học, thứ văn học thoát khỏi mặc cảm “giả dối”, công thức, sơ lược, một chiều, trên thực tế hoàn toàn chưa đi ra ngoài hệ hình phản ánh. Đòi hỏi của Nguyễn Minh Châu là đòi hỏi nới rộng hiện thực phản ánh; hạn chế lớn của văn học minh họa theo nhãn quan của ông cũng chính là quan niệm chật hẹp về phản ánh: “chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn”, thích nghi với văn học minh họa, theo đó, trở thành một kiểu thích nghi với một thứ hiện thực giản lược hóa, được quy chế hóa, là bằng lòng phản ánh một chiều hiện thực mà thôi.

- Trước thời điểm Nguyễn Minh Châu “đọc lời ai điếu” 8 năm, trong bài “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (Văn nghệ số 23, 6/1979) Hoàng Ngọc Hiến cũng có nhiều nhận xét, đánh giá táo bạo về giai đoạn văn học trước 1975. Nay bình tĩnh nhìn lại, ta thấy cũng không phải mới, nếu nhìn từ hệ hình phản ánh. Mở đầu bài viết của mình, Hoàng Ngọc Hiến dẫn ý kiến của Nguyễn Minh Châu bàn về hiện thực trong văn học chiến tranh. Theo Hoàng Ngọc Hiến có hai phương thức miêu tả trong nghệ thuật: miêu tả sự vật như nó vốn tồn tại, đang tồn tại và miêu tả sự vật như nó phải tồn tại. Ông phê phán “trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại. Và chúng tôi tán thành ý kiến của Nguyễn Minh Châu cho rằng sự lấn át này đương là một trở ngại ‘trên con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực’, đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống cho phải đạo, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo… Sự lấn át của bình diện cái phải tồn tại đối với bình diện cái đang tồn tại trong sự phản ánh nghệ thuật là một đặc trưng của cái cao cả (le sublime) như là một phạm trù mỹ học. Với ý nghĩa này, có thể nói rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở ta trong giai đoạn vừa qua mang khá đậm dấu ấn của cái cao cả.”. Như thế, thực chất trong bài viết nổi tiếng một thời của Hoàng Ngọc Hiến, vẫn là chuyện văn học phản ánh hiện thực, rằng nhà văn cần phải phản ánh hiện thực sao cho chân thật, phù hợp với bản thân cuộc sống, rằng quy luật phát triển của nền văn nghệ hiện thời là phải đi từ cái cao cả đến cái đẹp - tức là miêu tả cân bằng, hài hòa giữa cái đang tồn tại và cái phải tồn tại.

icon-date
Xuất bản : 18/03/2022 - Cập nhật : 18/03/2022