logo

Từ chỉ đặc điểm là gì?

Trong cuộc sống, chúng ta sử dụng rất nhiều từ chỉ đặc điểm để miêu tả con người hoặc sự vật, đồ vật. Thế nhưng, với vốn từ ít ỏi của các bé thì rất khó để hiểu được từ chỉ đặc điểm là gì? Và đặt câu ra sao cho đúng. Để giải quyết thắc mắc này, Toploigiai đã tổng hợp trong bài viết dưới đây


Từ chỉ đặc điểm là gì?

Từ chỉ đặc điểm là những từ chỉ những nét riêng biệt, đặc trưng hoặc vẻ đẹp của người, sự vật, đồ vật hay một hiện tượng nào đó. Những đặc điểm này có thể là bên ngoài hoặc bên trong con người, sự vật, đồ vật.


Ví dụ từ chỉ đặc điểm

- Từ chỉ đặc điểm hình dáng của con người: nhỏ, to, béo, gầy, cao, thấp, mũm mĩm, tròn xoe,…

- Từ chỉ đặc điểm màu sắc của vật: xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, đen, trắng, hồng phấn, xanh biếc, trắng ngần, đen xì,…

- Từ chỉ mùi vị: chua, cay, mặn, ngọt, chát, đắng, thơm, hôi,…

- Từ chỉ tính cách: thông minh, hiền hậu, nết na, ngoan ngoãn, hung ác, nóng giận, nghiêm khắc,…

- Từ chỉ kích thước: rộng, hẹp, dài, ngắn, to, nhỏ, lớn, bé, bao la, bát ngát, thêng thang…

Từ chỉ đặc điểm là gì - Ảnh 1

Phân loại từ chỉ đặc điểm

- Từ chỉ đặc điểm bên ngoài là những cái mà chúng ta có thể nhận biết trực tiếp thông qua hoạt động mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ,… Hay nói cách khác, từ chỉ đặc điểm bên ngoài là những từ chỉ nét riêng của sự vật thông qua các giác quan của con người như hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị

Ví dụ: Cô ấy có nước da trắng và tóc đen. 

=> Ở đây “trắng” và “đen” là từ chỉ đặc điểm bên ngoài do mắt nhìn thấy được.

- Từ chỉ đặc điểm bên trong không thể nhận biết ngay được mà phải thông qua quá trình tiếp xúc lâu dài, qua cảm nhận, quan sát, suy luận,…mới có thể nhận biết được.

Ví dụ: Bác Minh là người rất vui tính và dễ gần.

=> “Vui tính” và “dễ gần” là từ chỉ tính cách. Đặc điểm này được kết luận qua quá trình quan sát, tiếp xúc và đưa ra nhận xét về tính cách bên trong con người.


Đặt câu với cấu trúc ai thế nào?

Cấu trúc “Ai thế nào?” được dùng để miêu tả đặc điểm, tính chất, tính cách hoặc trạng thái của người, vật. Cấu trúc này sẽ sử dụng những từ chỉ đặc điểm để đặt câu. Ví dụ:

- Bà em là người rất hiền hậu.

- Chị Yến rất nhút nhát.

- Mẹ em rất đảm đang.

- Bố của Quang rất tốt bụng.

- Em Chi rất ngoan ngoãn.

- Anh Toàn rất thông minh.

- Chú chó đang chạy nhảy ở ngoài sân.


Bài tập về từ chỉ đặc điểm lớp 2

Bài 1. Dựa vào tranh và trả lời câu hỏi :

Em quan sát đặc điểm của sự vật trong 4 bức tranh và trả lời câu hỏi.

Từ chỉ đặc điểm là gì - ảnh 2

Trả lời:

a) Em bé thế nào? (xinh, đẹp, dễ thương,...)

- Em bé rất đáng yêu.

b) Con voi thế nào? (khỏe, to, chăm chỉ,...)

- Con voi trông thật khỏe.

c) Những quyển vở thế nào? (đẹp, nhiều màu, xinh xắn,...)

- Những quyển vở rất xinh xắn.

d) Những cây cau thế nào? (cao, thẳng, xanh tốt,...)

- Cây cau rất cao và thẳng.

Bài 2. Tìm những từ chỉ đặc điểm của người và vật.

Em hãy phân biệt các từ ngữ chỉ tính tình, hình dáng và màu sắc.

Trả lời:

a) Đặc điểm về tính tình của một người : thật thà, hài hước, vui vẻ, ngoan ngoãn, hiền hậu, đanh đá, keo kiệt, …

b) Đặc điểm về màu sắc của một vật : xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, đen, trắng, xanh biếc, xanh lam, xanh dương, đo đỏ, đỏ tươi, vàng tươi, tím biếc, trắng tinh, trắng ngần, …

c) Đặc điểm về hình dáng của người, vật : cao lớn, thấp bé, lùn, béo, mũm mĩm, gầy gò, cân đối, vuông vắn, tròn xoe, …

Bài 3. Chọn từ thích hợp rồi đặt câu với từ ấy để tả:

Em hãy tìm tên sự vật ứng với từng đặc điểm để tả. Ví dụ: mái tóc hoa râm, đôi tay mũm mĩm,...

a) Mái tóc của ông (hoặc bà) em : bạc trắng, đen nhánh, hoa râm , …

b) Tính tình của bố (hoặc mẹ) em : hiền hậu, vui vẻ, điềm đạm,…

c) Bàn tay của em bé : mũm mĩm, trắng hồng, xinh xắn,…

d) Nụ cười của anh (hoặc chị ) em : tươi tắn, rạng rỡ, hiền lành,…

Trả lời:

Ai (cái gì, con gì)

Thế nào ?

Mái tóc ông em đã ngả màu hoa râm.
Mái tóc bà dài và bồng bềnh như mây.
Bố em rất hài hước.
Mẹ em là người phụ nữ hiền hậu.
Bàn tay bé Na mũm mĩm và trắng hồng.
Nụ cười của chị em lúc nào cũng tươi tắn.

Các lỗi thường gặp khi làm bài tập liên quan đến từ chỉ đặc điểm

- Không phân biệt được đâu là từ chỉ đặc điểm: Từ chỉ đặc điểm thường là những từ chỉ vật nên các bé rất dễ nhầm lẫn với các từ khác.

-> Khắc phục: Hướng dẫn cho bé hiểu đâu là từ chỉ đặc điểm dựa vào khái niệm và phân loại từ chỉ đặc điểm. Dưa ra danh sách, ví dụ những từ chỉ đặc điểm cho bé dễ dàng ghi nhớ. Ngoài ra, có thể cho con thực hành nhiều hơn, ứng dụng các từ chỉ đặc điểm trong cuộc sống hàng ngày để tăng khả năng ghi nhớ, sáng tạo và làm bài tập chính xác.

- Vốn từ vựng ít làm bé không biết có những từ chỉ đặc điểm nào. Với độ tuổi của bé còn non nớt, tiếp xúc xã hội ít nên vốn từ Tiếng Việt khá ít. Do đó mà bé không nhận biết được từ chỉ đặc điểm là từ nào.

-> Khắc phục: cha mẹ thường xuyên trò chuyện với con, đọc cho con nghe các câu chuyện cổ tích, rèn thói quen đọc sách và cho con tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài. Có thể tổ chức các trò chơi miêu tả đặc điểm của vật để bé đoán xem đó là đồ vật nào? Từ đó sẽ nâng cao được vốn từ vựng cho bé.

- Do không đọc kĩ yêu cầu của đề bài nên đưa ra đáp án sai.

-> Khắc phục: đọc thật kĩ yêu cầu đề bài, không hấp tấp, vội vàng, chủ quan.

--------------------

Như vậy, từ chỉ đặc điểm là những từ chỉ những nét riêng biệt, đặc trưng hoặc vẻ đẹp của người, sự vật, đồ vật hay một hiện tượng nào đó. Khi làm bài tập liên quan đến từ chỉ đặc điểm, các con sẽ gặp một số lỗi. Vì vậy, cha mẹ cùng thầy cô cần đưa ra biện pháp để hỗ trợ các con phân biệt từ chỉ đặc điểm cho đúng và đạt được điểm cao.

icon-date
Xuất bản : 05/07/2021 - Cập nhật : 23/08/2023