logo

Trong số hơn 83 triệu dân từ 5 tuổi trở lên tại thời điểm 1/4/2014

Trong số hơn 83 triệu dân từ 5 tuổi trở lên tại thời điểm 1/4/2014, trong vòng 5 năm trước thời điểm điều tra có 1,7% tương ứng với 1,4 triệu người di cư trong huyện; 2,0% tương ứng 1,6 triệu người di cư giữa các huyện; 3,1% tương ứng 2,6 triệu người di cư giữa các tỉnh, và có một tỷ lệ rất nhỏ chiếm 0,1% tương ứng 65,7 nghìn người nhập cư quốc tế.

Trong giai đoạn từ 1999 - 2009 có sự tăng mạnh ở luồng di cư từ nông thôn đến thành thị (từ 27,1% trong 5 năm trước 1/4/1999 lên 31,4% trong 5 năm trước 1/4/2009). Tuy nhiên, đến giai đoạn di cư 2009-2014 tỷ trọng luồng di cư này lại giảm xuống 29%, thay vào đó là sự tăng lên của dòng di cư từ thành thị đến thành thị, di cư từ thành thị đến nông thôn. Điều này là do sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dẫn đến một bộ phận không tìm kiếm được việc làm ở khu vực thành thị sẽ về quê, một bộ phận khác chuyển đến những khu vực thành thị khác phát triển hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Có 4 tỉnh có tỷ trọng luồng di cư thành thị - nông thôn cao nhất là Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương và Cần Thơ. Điều đặc biệt phải nói đến ở đây là đối với Bình Dương, một tỉnh có tốc độ đô thị hóa khá nhanh nhưng luồng di cư chủ yếu lại là từ thành thị vào nông thôn (chiếm 72,8%). Điều này là do các khu công nghiệp mới hình thành và tập trung chủ yếu ở những vùng nông thôn, chính vì vậy đã thu hút phần lớn lao động di cư từ khu vực thành thị ở những tỉnh khác đến.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, tuổi trung vị của người không di cư năm 2009 là 30 tuổi, có nghĩa là một nửa dân số không di cư có độ tuổi từ 30 trở xuống, còn tuổi trung vị của người di cư ít hơn khoảng 5 năm, hay nói cách khác có một nửa số người di cư có độ tuổi từ 25 trở xuống. Kết quả phân tích số liệu Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 cung cấp thêm những bằng chứng khẳng định các phát hiện trước đây cho thấy người di cư thường là những người trẻ tuổi.

(Nguồn: NXB Thông tấn Hà Nội, 2016)

Câu 1. Theo bài đọc, năm 2014 số người di cư nội địa chiếm khoảng bao nhiêu?

A. 5,6 triệu người. 

B. 4,2 triệu người. 

C. 6,27 triệu người.

D. 4,87 triệu người.

Giải thích:

- Theo bài đọc: “Trong số hơn 83 triệu dân từ 5 tuổi trở lên tại thời điểm 1/4/2014, trong vòng 5 năm trước thời điểm điều tra có 1,7% tương ứng với 1,4 triệu người di cư trong huyện; 2,0% tương ứng 1,6 triệu người di cư giữa các huyện; 3,1% tương ứng 2,6 triệu người di cư giữa các tỉnh, và có một tỷ lệ rất nhỏ chiếm 0,1% tương ứng 65,7 nghìn người nhập cư quốc tế”.

- Di cư nội địa nghĩa là di cư giữa các xã, các huyện và các tỉnh với nhau. Vậy, di cư nội địa nước ta là: 1,4 + 1,6 + 2,6 = 5,6 triệu người.

Câu 2. Theo bài đọc, giai đoạn di cư 2009-2014, dòng di cư từ thành thị đến thành thị và từ thành thị đến nông thôn tăng lên là do

A. Các khu công nghiệp di chuyển về nông thôn.

B. Chính sách chuyển cư, phân bố nguồn lao động.

C. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế.

D. Môi trường đô thị ô nhiễm ngày càng nặng.

Giải thích:

Theo bài đọc có đoạn: “do sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dẫn đến một bộ phận không tìm kiếm được việc làm ở khu vực thành thị sẽ về quê, một bộ phận khác chuyển đến những khu vực thành thị khác phát triển hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm”. 

Như vậy, giai đoạn di cư 2009 - 2014, dòng di cư từ thành thị đến thành thị và từ thành thị đến nông thôn tăng lên là do sự tác động, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Câu 3. Theo bài đọc, tỉnh/thành phố nào dưới đây có luồng di cư khác với các tỉnh còn lại?

A. Vĩnh Phúc. 

B. Bình Dương.

C. Thừa Thiên - Huế. 

D. Cần Thơ.

Giải thích:

Theo bài đọc ta thấy: “Có 4 tỉnh có tỷ trọng luồng di cư thành thị - nông thôn cao nhất là Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương và Cần Thơ. Điều đặc biệt phải nói đến ở đây là đối với Bình Dương, một tỉnh có tốc độ đô thị hóa khá nhanh nhưng luồng di cư chủ yếu lại là từ thành thị vào nông thôn (chiếm 72,8%)”. 

Như vậy, ta thấy Bình Dương một tỉnh có dân di cư từ thành thị vào nông thôn; còn các tỉnh Vĩnh Phúc, Cần Thơ và Thừa Thiên - Huế dân cư di cư từ nông thôn vào thành thị.

icon-date
Xuất bản : 01/02/2023 - Cập nhật : 02/02/2023