Đáp án cho câu hỏi Trình bày vấn đề xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (bản chất, điều kiện lịch sử hình thành, mục tiêu, đặc trưng, xây dựng con người) chính xác, dễ hiểu nhất. Trả lời câu hỏi Trình bày vấn đề xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ngắn gọn, nhanh nhất.
Định nghĩa: con người là một sinh thể tự nhiên có tính người cho nên con người trước hết là sản phẩm của tự nhiên có nguồn gốc từ động vật. Nó thống nhất giữa các yếu tố sinh vật và các yếu tố xã hội.
- Con người là một thực thể của sinh vật: vì dù phát triển đến đâu thì con người cũng là một động vật. Giống như những động vật khác, con người là một bộ phận của tự nhiên có thể nói “giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người, đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên”, nhưng con người khác với động vật vì con người còn là một thực thể xã hội.
- Con người là một thực thể xã hội: vì các hoạt động xã hội, trước hết và quan trọng nhất là hoạt động lao động sản xuất, đã làm cho con người trở thành con người với đúng nghĩa của nó. “Người là giống vật duy nhất có thể bằng lao động mà thoát khỏi trạng thái thuần túy là loài vật”. Như vậy, con người là một thực thể tự nhiên có tính người vì khi sống trong môi trường xã hội đã tạo ra tính người ấy, không có con người xã hội. Trong 2 mặt sinh vật và xã hội thì mặt xã hội là mặt nổi trội của con người.
- Con người là chủ thể của lịch sử: con người không chỉ là sản phẩm của lịch sử với tư cách là sản phẩm quá trình tiến hóa lâu dài của tự nhiên, mà con người còn là chủ thể của lịch sử. C.Mác còn khẳng định: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Nó đặt ra hai vấn đề:
- Muốn biết bản chất của con người phải xem xét tất cả các mối quan hệ xã hội mà con người đó sinh sống và học tập.
- Đưa con người vào trong những mối quan hệ xã hội cụ thể, trong những điều kiện cụ thể mà ở đó những mặt khác nhau tạo nên bản chất của con người sẽ được bộc lộ rỏ ra ở những mức độ cụ thể, từ đó xây dựng một môi trường xã hội văn minh.
Con người Việt Nam hình thành dưới sự tác động đa dạng của các điều kiện tự nhiên và xã hội như sự tác động của môi trường địa lý, đời sống kinh tế, lịch sử giữ nước, sự tác động của môi trường văn hóa.
- Sự tác động của môi trường địa lý: tổ tiên người Việt nhiều nghìn năm sống trên vùng đất mới được bồi đắp, nằm giữa một bên là núi và một bên là biển nên phù sa của sông ngòi, nắng lắm, mưa nhiều vừa là điều kiện lý tưởng cho trồng trọt và chăn nuôi vừa là thử thách đối với con người qua dông, bão, lũ, lụt. Về địa lý, Việt Nam nằm ở Đông Nam Á châu Á - khu vực vừa có vị trí chiến lược, vừa là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa nên người Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau.
- Đời sống kinh tế: nền kinh tế tiểu nông với những đơn vị sản xuất gia đình và cộng đồng làng xã để hợp lực chống thiên tai, giúp đỡ lẫn nhau. Nền kinh tế tiểu nông và kết cấu kinh tế, tổ chức làng xã đã hình thành ở người Việt Nam nhiều phẩm chất đạo đức, năng lực, quan điểm, quan niệm và tầm nhìn tương ứng.
- Lịch sử giữ nước: Việt Nam là một trong những quốc gia bị nhiều thế lực lớn, mạnh hơn về tiềm lực kinh tế và quân sự xâm chiếm, đô hộ. Vì vậy, lịch sử dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những phẩm chất và năng lực của những con người thường xuyên phải chiến đấu trong thế trận không cân sức để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và sự sống của mình.
- Môi trường văn hóa: chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, các hệ tư tưởng như Nho giáo, Phật giáo. Đầu thế kỷ XX, qua hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập thì nó đã trở thành hệ tư tưởng định hướng cho cách mạng Việt Nam.
Khi nói về vị trí của con người trong cách mạng cụ thể đó là mục tiêu của sự nghiệp giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh quan niệm cuộc sống của nhân dân là mục tiêu của mọi hoạt động cách mạng, lợi ích phải là của dân, hạnh phúc phải là của dân. Quan điểm này còn cho thấy độc lập, tự do chưa đủ mà còn xây dựng một xã hội một nhà nước của dân, vì dân. Như vậy, xác định nhân dân lao động là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng và hướng tới toàn bộ hoạt động của mình nhằm đạt đến mục tiêu đó là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá vừa ở góc độ chính trị, tư tưởng, vừa ở góc độ đạo đức đối với đời sống của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội.
Con người là động lực của cách mạng, phát triển của xã hội đo đó Bác Hồ nêu phải đào tạo thế hệ nối tiếp cho đời sau. Khi xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giải phóng con người bằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người chủ nghĩa xã hội”. Nói tóm lại, phải tin về con người; hiểu về con người; quan tâm đến con người; công bằng đối với con người.
Có thể nói tư tưởng “con người vừa là mục tiêu của cách mạng” là tư tưởng sự nghiệp cách mạng, thành quả cách mạng của dân, do dân và vì dân.
Phẩm chất và năng lực của người Việt Nam hình thành trong môi trường tự nhiên, những điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nên có nhiều mặt tích cực và hạn chế.
- Những mặt tích cực của con người Việt Nam trong lịch sử được coi là một phần bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của các cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là: lòng yêu nước nòng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết; ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa, tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống.
- Những mặt hạn chế của con người Việt Nam trong lịch sử bộc lộ qua:
+ Những hạn chế của truyền thống dân chủ làng xã: do cuộc sống tiểu nông tự cung, tự cấp tạo ra cùng với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Điều này thường dẫn đến tư tưởng bình quân chủ nghĩa, can thiệp vào cuộc sống riêng tư và quá trình phát triển của từng cá thể; thiếu tinh thần tự giác, coi thường luật pháp,...
+ Tập quán sản xuất tiểu nông: là tập quán của nền sản xuất tiểu nông tồn tại lâu dài nên dẫn đến khả năng hạch toán kinh tế kém, nặng về lợi ích trước mắt, thiếu kỹ thuật,...
+ Đề cao thoái hóa kinh nghiệm: xem kinh nghiệm là sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, đặc biệt là nền sản xuất nhỏ, manh mún. Điều này dẫn đến xem thường lý luận, xem thường tuổi trẻ, quyền lực thuộc về những người lâu năm, nhiều tuổi,...
+ Tính hai mặt của một số truyền thống: sống giản dị, ghét cầu kỳ, xa hoa là phẩm chất tốt, song dễ dẫn đến sự hạ thấp nhu cầu trong khi nhu cầu là một động lực phát triển của xã hội; truyền thống giỏi chịu đựng gian khổ cũng là phẩm chất tốt nhưng cũng dẫn đến sự cam khổ, thỏa mãn, bằng lòng với các hiện có,...
Đồng thời với việc kiên trì đấu tranh chống thoái hóa, biến chất, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoan hiện nay là hình thành và phát triển ở con người những đức tính cơ bản sau:
- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa tôn trọng kỹ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực. Để đạt được điều này người Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư vào những lĩnh vực chủ yếu nhất của xã hội như:
- Trên lĩnh vực kinh tế: thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Trên lĩnh vực chính trị: khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trên nền tảng của chủ nghĩa nhằm nâng cao tính tích cực chính trị của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia nhiều hơn vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
- Trên lĩnh vực xã hội: giải phóng con người ra khỏi xã hội lỗi thời, kế thừa truyền thống tốt đẹp, xây dựng hệ thống những chuẩn mực quan hệ mới.
- Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo - khoa học, công nghệ: coi đây là “quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, “là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
- Trên lĩnh vực văn hóa: “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được coi vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. Mọi hoạt động của văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, quan hệ hoài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”.