logo

"Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


"Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói - Bài mẫu 1

“Tôi tư duy nên tôi tồn tại” là câu nói nổi tiếng của Rene Descartes, một nhà toán học vĩ đại thời cổ đại. Đúng như Descartes, con người phải có sự tư duy thì mới có thể tồn tại và có đầu óc tốt thôi vẫn chưa đủ, quan trọng là phải biết sử dụng nó… Vậy thì làm thế nào mới là tốt nhất là câu hỏi mà các bạn trẻ quan tâm tới và tôi sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề này, bởi vì tôi vừa đọc được một quyển sách hướng dẫn về cách để kích hoạt tư duy trong mỗi chúng ta!

Lebert Hubbard từng nói: “Làm việc bằng cả trái tim, bạn sẽ thành công mà ít phải cạnh tranh nhất.” Vậy thì tư duy là gì mà chúng ta cần phải học cách để kích hoạt nó nhỉ? Tư duy là phạm trù triết học dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem những cảm giác của người ta sửa đổi và cải tạo thế giới thông qua hoạt động vật chất, làm cho người ta có nhận thức đúng đắn về sự vật và ứng xử tích cực với nó.

Nhưng mà tại sao con người lại cần phải tư duy? Bởi vì khi tư duy, ta có thể sản sinh ra rất nhiều ý tưởng mới, lạ. Tư duy giúp ta sắp xếp lại các ý tưởng hoặc các suy nghĩ đã đề ra trước đó. Ví dụ như khi ta làm một đoạn văn và nghĩ ra rất nhiều ý tưởng hay cho bài viết của mình nhưng lại sắp xếp vị trí, trình tự của các ý tưởng không hợp lý. Điều đó dễ dẫn đến việc ta không đạt được mục đích của bản thân mặc dù đã tư duy, nhưng lại tư duy chưa tới vì chúng ta không chịu xem lại lần nữa và dùng tư duy để sắp xếp bố cục, ý tưởng một cách hợp lý.

Không những thế, từ việc giúp ta sắp xếp ý tưởng một cách hợp lý, nó còn giúp ta có một thần thái và sự tự tin tuyệt đối khi trình bày ý kiến của mình vì những ý kiến đó đã được sắp xếp một cách tốt nhất từ trước.

Để bắt đầu một quá trình tư duy thì việc ta nên làm đầu tiên đó là suy nghĩ. Và khi bạn thấy vốn từ của mình đã cạn hãy nghĩ tới những từ gợi ý. Sau đó các bạn hãy tìm mối liên quan với những suy nghĩ hay những ý tưởng đã đề ra. Giống như câu nói của ông Henry David Thoreau : “Cũng như một bước chân đơn độc không thể tạo nên đường mòn trên mặt đất, một ý nghĩ đơn độc không thể tạo nên con đường của tư duy”.

Để xây dựng con đường hằn sâu xuống đất, chúng ta phải đi qua đi lại rất nhiều lần. Để xây dựng con đường hằn sâu trong trí óc, chúng ta phải nghĩ đi nghĩ lại.”, vì vậy bước tiếp theo của chúng ta đó là xác định mục đích rõ ràng (suy nghĩ, tìm giải pháp cho vấn đề mình đang hướng đến); sau đó thì hãy viết lại vấn đề ra giấy rõ ràng, ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nhất có thể nhé (theo như sách hướng dẫn thì chúng ta nên tập hợp, xây dựng, phân tích và mở rộng ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau).

Samuel Johnson từng nói “Ngôn ngữ là y phục của tư duy” vì vậy, việc lồng ghép sơ đồ, mô hình (hình ảnh), số liệu, các ví dụ và ngôn ngữ cơ thể cũng là một phần khá quan trọng trong việc minh họa cho người nghe hay người đọc dễ hiểu. “Đầu chúng ta tròn để tư duy có thể thay đổi phương hướng” là câu nói của Allen Ginsberg khiến tôi hiểu ra rằng mỗi người chúng ta cần phải có một tư duy sáng tạo của riêng mình.

Vậy tư duy sáng tạo là gì? Rất đơn giản thôi, tư duy sáng tạo tức là mỗi người chúng ta không nhất thiết phải đi theo lối mòn của một ai đó hay của một định lý gì đó mà chúng ta cần phải có chính kiến, chủ ý của riêng mình,… vì mỗi chúng ta là một cá thể nhưng lai khác nhau về tính cách, sở thích, hình hài. Vì vậy tư duy mỗi người đương nhiên là sẽ khác nhau và đó là đặc trưng riêng của mỗi người nên các bạn không cần quá lo ngại ý tưởng đó là dở, vì không ai có quyền chê bai hay đánh giá quá nhiều về một ý tưởng của người khác.

Hiện nay, các bạn trẻ rất rất lười tư duy vì ngày nay đã có các thiết bị điện tử nên chúng ta chỉ cần lên mạng tìm kiếm gì thì có đó mà không cần phải động não. Điều này khiến thế hệ trẻ ngày càng mải mê vào công nghệ mà quên lãng kiến thức từ việc tư duy. Điển hình như việc các bạn chép văn từ trên mạng xuống mà không tự mình suy nghĩ điều đó làm ảnh hưởng rất nhiều tới việc tư duy sau này của cá bạn ấy.

Trong mỗi chúng ta thì ai cũng muốn bản thân mình giỏi hết. Vậy nên mỗi người phải tự tìm đường lối riêng cho bản thân, tìm một lối tư duy logic và đầy sáng tạo cho riêng mình để tạo một sự ấn tượng cho người nghe và đọc những ý tưởng của mình. Vì vậy các bạn cần phải đọc sách nhiều hơn và tìm hiểu kĩ càng về tư duy để tiếp cận nó một cách hiệu quả nhất nhé.

Sự sống của loài người sẽ ngừng lại nếu một ngày nào đó con người thôi tư duy. Tư duy để tồn tại, tư duy để đi tới. Tôi tư duy, tôi tồn tại khẳng định sức mạnh của tư duy và sự nhận thức về ý nghĩa sự tồn tại của chính mình trong thế giới này.


"Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói - Bài mẫu 2

Nói đến Descartes, lập tức người ta nghĩ đến 4 sản phẩm tư tưởng độc đáo của ông, có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với tư duy của nhân loại trong thời cận đại và hiện đại, thậm chí đến nay vẫn là nền tảng tư tưởng của tư duy khoa học và tư duy duy lý:

“Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Cogito ergo sum), câu châm ngôn nổi tiếng nhất thế giới“Luận văn về Phương pháp” (Discours de la Méthode), tác phẩm triết học nền tảng của tư duy duy lý.“Hình học Giải tích” (Géometrie Analytique), một cuộc cách mạng trong nhận thức toán học, một đóng góp vĩ đại cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật từ thế kỷ 17 tới nay“Luận thuyết về ý thức” (Thèse sur la conscience), chỉ ra sự bất lực của khoa học vật chất trong sự hiểu biết về ý thức, đưa ra luận cứ logic đối với sự hiện hữu của thế giới phi vật chất

Câu châm ngôn la-tinh “Cogito ergo sum” là một mệnh đề triết học của René Descartes, được dịch ra tiếng Anh là “I think, therefore I am”, và tiếng Việt là “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Nhưng nó được người đời biết đến nhiều nhất bằng tiếng Pháp, “Je pense, donc je suis”, trong tác phẩm “Luận văn về phương pháp” của ông. Câu nói đậm dấu ấn triết học nhận thức này đã được các học giả bình luận theo rất nhiều cách khác nhau, từ nghĩa hẹp đến nghĩa rộng, nhưng chính Descartes đã giải thích nó trong cuốn “Những nguyên lý triết học” (Les Principes de la Philosophie) của ông rằng “ Chúng ta không thể ngờ vực sự tồn tại của chúng ta trong khi chúng ta đang ngờ vực… ”.

Trong cuốn “Suy niệm thứ hai” (Deuxième méditation), ông giải thích rõ hơn:

“ Tôi đã tự thuyết phục mình rằng tuyệt đối chẳng có cái gì trên thế gian, không có bầu trời, không có trái đất, không có tư tưởng, không có thể xác. Phải chăng từ đó suy ra tôi cũng không tồn tại? Không! Nếu tôi làm cho bản thân tôi nhận thấy một cái gì đó thì tôi ắt phải tồn tại ”

Theo Bách khoa toàn thư triết học của Đại học Stanford (Stanford Encyclopedia of Philosophy), Descartes cũng từng giải thích tư tưởng của ông như sau:

“ Tiếp theo tôi đã kiểm tra cẩn thận xem tôi là cái gì. Tôi thấy trong khi tôi có thể giả vờ cho rằng tôi không có thể xác, và rằng không có thế giới và cũng chẳng có một chỗ nào cho tôi tồn tại, nhưng tôi không thể vì tất cả những cái giả vờ đó mà giả vờ cho rằng tôi không tồn tại ”.

Lập luận của ông rất logic: Bất kể sự vật có tồn tại hay không, nhưng nếu tôi đang tư duy, nghi vấn về sự tồn tại của các sự vật đó, thì chính tôi phải tồn tại. Vậy bản thân sự NGHI VẤN là bằng chứng của sự TỒN TẠI ─ điều kiện để nhận thức sự tồn tại của bản thân mình là TƯ DUY. Với lập luận thuyết phục đó, vai trò của tư duy được tôn lên vị trí cao quý nhất.

Bản thân câu châm ngôn bất hủ của Descartes đã là một tư duy lập luận, và sự tư duy mà ông đề cập đến trong câu châm ngôn này, tự nó, cũng ám chỉ tư duy lập luận. Vì thế, câu châm ngôn này trở thành tuyên ngôn của chủ nghĩa duy lý ─ chủ nghĩa đề cao tư duy lập luận, tư duy logic, tư duy lý lẽ như một dạng nhận thức cao nhất và duy nhất đúng.

Cuốn “Khát vọng Chân – Thiện – Mỹ” của Lê Công Sự cũng cung cấp cho chúng ta một cách giải thích sáng sủa và dễ hiểu về câu châm ngôn của Descartes:

“ Descartes kết luận rằng, có một điều không thể hoài nghi – đó là ông đang hoài nghi. Điều này có nghĩa là muốn hoài nghi thì phải có một cái Tôi chủ thể, tức là kẻ đang hoài nghi. Dù cái Tôi đó đang bị người khác đánh lừa như thế nào chăng nữa thì trước hết nó vẫn phải hiện hữu để bị lừa… Descartes viết: Kết luận, tôi tư duy, vậy tôi tồn tại là điều kiện đầu tiên và chắc chắn nhất trong mọi điều nảy sinh cho ai làm triết học một cách có trật tự ” .

Nhưng tại sao Descartes phải băn khoăn trăn trở về sự tồn tại nhiều như thế? Đơn giản vì trong huyết quản của ông, ông là một người duy lý. Ông không chấp nhận sự cả tin. Ông đòi hỏi mọi thứ phải được giải thích rõ ràng. Ngay cả sự vật mà ta cho rằng đang tồn tại trước mắt cũng có thể nghi ngờ: liệu chúng có tồn tại thực sự hay không, hay đó chỉ là một ảo giác?

Ông không thỏa mãn với những gì ông đã được học ở nhà trường. Tri thức của xã hội đương thời không đủ làm ông thỏa mãn. Triết học đương thời còn đầy rẫy những chân lý mập mờ. Bộ não quá nhạy cảm của ông làm cho ông ngờ vực tất cả. Ông coi ngờ vực là nguồn kích thích khám phá: “ Ngờ vực là nguồn gốc của trí khôn ngoan ” , ông nói.

Theo ông, một người thực sự khao khát chân lý ắt phải có lúc biết nghi ngờ: “ Nếu bạn là một người thực sự theo đuổi tìm kiếm chân lý, thì ít nhất có một lần trong đời bạn phải nghi ngờ mọi thứ, hết mức có thể ”

Nếu toán học là một khoa học dạy cho chúng ta biết nghi ngờ thì Descartes là một nhà toán học xuất chúng. Càng ngờ vực bao nhiêu, ông càng đòi hỏi chân lý phải được trình bày rõ ràng bấy nhiêu. Trong những thứ tri thức đương thời, Descartes chỉ tin cậy vào toán học. Theo ông, chỉ có toán học mới có những phương pháp phân tích, chứng minh rõ ràng đủ thuyết phục, trong khi các khoa học khác, kể cả vật lý, đều không đạt được tính chân lý rõ ràng như thế. Thật vậy, Descartes không ngần ngại đề cao toán học như công cụ tư duy mạnh nhất. Ông tuyên bố:

“ Toán học là công cụ nhận thức mạnh hơn bất kỳ một công cụ nhận thức nào khác đã được truyền cho chúng ta qua môi giới trung gian là con người ”.

Có lẽ chủ nghĩa sùng bái toán học như ông hoàng của các khoa học mà hiện nay chúng ta vẫn đang chứng kiến trong các nhà trường và ngoài xã hội đã bắt nguồn từ Descartes. Quan điểm này đến nay đã và đang lộ ra những thiếu sót, đặc biệt kể từ khi Định lý Gödel ra đời. Nhưng vào thời của Descartes, nó đã đóng vai trò thúc đẩy tư duy toán học phát triển mạnh mẽ, làm cơ sở cho mọi tư duy khoa học phát triển.

Thực tế kể từ Descartes, toán học phát triển mạnh mẽ chưa từng có ở Châu Âu, trở thành một công cụ đắc lực nhất của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 17, mang lại không biết bao nhiều thành tựu vĩ đại, làm thay đổi tận gốc bộ mặt xã hội loài người.

"Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói

"Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói - Bài mẫu 3

Sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ đã giúp loài người chế tạo được các robot rất hiện đại, rất giống với con người. Chúng có thể học hỏi nhanh hơn con người rất nhiều lần, làm việc hiệu quả hơn con người rất nhiều lần, chúng không cần ăn uống, nghỉ ngơi, hay đòi hỏi nhiều như con người mà chỉ cần một ít điện năng để hoạt động.

Sự ra đời của các robot như thế đã khiến nhiều người lo lắng và đặt ra câu hỏi, rằng vậy chúng ta là gì, chúng ta khác gì so với các robot, và chúng ta ưu việt hơn những robot đó ở điểm nào… Những câu hỏi sẽ giúp chúng ta nhìn nhận được thế mạnh thực sự của mình để không bị thay thế bởi các robot trong tương lai.

Bây giờ, chúng ta hãy thử nhìn nhận lại câu trả lời của mình nhé. Chúng ta là ai? Bạn là ai? Và tôi là ai?

Ai đó sẽ trả lời rằng tôi là một học sinh, một sinh viên, một kỹ sư, một bác sĩ, một doanh nhân, một nhà giáo hay một con người – công việc nào đó. Ai đó sẽ trả lời rằng tôi là chủ của một căn nhà, một chiếc ô tô, một doanh nghiệp, hay một khối tài sản nào đó… Ai đó sẽ nói rằng tôi là một người thông minh, nhân hậu, xinh đẹp, tài giỏi… hay một con người – tính cách nào đó… Nhưng hỡi ôi, tất cả những đặc điểm đó các robot đều có thể được lập trình để thay thế chúng ta được. Vậy chúng ta còn là gì? Con người còn là gì?

"Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói (ảnh 2)

Đi tìm câu trả lời này hẳn sẽ là một công việc khó khăn, một hành trình dài. Và mỗi hành trình ấy sẽ dẫn đến những câu trả lời khác nhau, và từ đó tạo ra những con người khác nhau. Không ai có thể trả lời giúp chúng ta được. Nhưng có một giải pháp chung dành cho chúng ta, đó là tìm hiểu về quá trình nhận thức bản thân của loài người nói chung, và nhìn nhận lại quá trình nhận thức của chính mình nói riêng.

Một đứa trẻ mới ra đời, chúng không có khái niệm “tôi” trong đầu, không biết gì về mình, chúng chỉ tìm hiểu về những gì diễn ra xung quanh chúng. Lớn lên một chút, chúng biết về chúng qua những gì trực quan chúng sở hữu hay thuộc về, đó là cái tên, là độ tuổi, là một giọng nói, là đôi bàn tay, hay một gia đình, một nhà trường, một miền quê nào đó… Ở độ tuổi vị thành niên, con người để ý hơn đến nội tâm của mình. Chúng phác họa về mình thông qua một số đặc điểm tư duy, cảm xúc, tính cách hay hình tượng của chúng. Và đến khi trưởng thành, con người hiểu về mình như là một thứ yếu tố quyết định, lựa chọn, sắp đặt, đại diện hay mưu cầu tất cả những yếu tố kia – đó chính là tư duy của họ. 

Thế nhưng, để mỗi chúng ta hiểu được mình như vậy cũng không phải là một điều dễ dàng, mà cần phải trải qua một quá trình tiến hóa rất dài về nhận thức của nhân loại. Có thể hàng vạn năm trước đây con người còn chưa có khái niệm “tôi” hay “mình”, có thể hàng ngàn năm trước đây con người vẫn chỉ hiểu về mình như là cơ thể của chính họ. Và phải đợi mãi cho đến thế kỷ XVII, một nhà triết học lớn người Pháp – Descartes - mới phát hiện ra một cái “tôi” khác làm nên mỗi chúng ta – cái “tôi” của tư duy. Ông đã phát biểu một câu nói rất nổi tiếng được chúng ta truyền tụng đến mãi tận bây giờ “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”. Câu nói ấy được hiểu như là tư duy của chúng ta tự phát hiện ra chính nó, tự cảm nhận sự tồn tại của chính nó, và tự coi chính nó là “tôi”, là thứ mà chúng ta vẫn nghĩ mình là, là thứ làm nên sự khác biệt của chúng ta với những người khác, giữa loài người với các sinh vật khác, hay giữa những thực thể sống với những vật vô tri.

Phát hiện này tưởng đơn giản và nhỏ bé là thế, nhưng nó đã gợi mở rất nhiều cho những nhà triết học, nhà tư tưởng sau này. Nó là một minh chứng cụ thể và hùng hồn cho sự tiến hóa về nhận thức của con người, một sự tiến hóa từ siêu hình đến biện chứng, từ trực quan đến trừu tượng, từ hình thức đến bản chất… Và từ đó, con người biết rằng mình có quyền lựa chọn được chính mình, có quyền trở thành thứ mình muốn là thay vì chỉ là thứ mình đang thuộc về hay đang sở hữu.

Cho các bạn trẻ đang đọc những nội dung này. Các bạn có thể và có trách nhiệm đi xa hơn Descartes rất nhiều trong việc nhận thức được bản chất của mình, của cái “tôi” mà chúng ta vẫn thường sử dụng. Nhưng dù có đi xa đến đâu, các bạn cũng cần phải đi qua những gì mà nhân loại đã đi qua, đi qua Descartes, đi qua một thời kỳ coi mình là những gì mình đang suy nghĩ, coi mình là tư duy của mình. Vậy thì, hãy tạm quyên đi những gì bạn đang sở hữu hay đang thuộc về, hãy dành thời gian chăm sóc cho tư duy của mình nhé, để có một tư duy mạnh mẽ, sắc sảo và vẹn toàn. Với một tư duy như thế, cái tôi – tư duy của bạn sẽ tự cảm thấy rằng nó – và chính bạn – là một con người mạnh mẽ, sắc sảo và vẹn toàn. Có ai lại không muốn như thế chứ, đúng không? 

Hãy thể hiện về bạn – cái tôi tư duy của bạn nhé!

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" nghị luận câu nói do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 29/05/2022 - Cập nhật : 19/11/2022

Tham khảo các bài học khác