logo

Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều

icon_facebook

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Mẫu 1

Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy là cặp câu được trích từ bài ca dao:

“Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Những câu lục bát này quả là ngọt ngào như những lời ru của mẹ. Ở hai câu trên, bài ca dao đang nói đến một hoàn cảnh trớ trêu. Đó là khi mẹ muốn bế con sang sông, nhưng không có một con đò nào. Bởi “đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo”. Hai câu tiếp theo, chính là cách thức mà người mẹ đã lựa chọn. Không có đò thì ta bắc cầu.

Nói đến đây cũng nên phân tích rõ từng lớp nghĩa của bài ca dao này. Thực tế thì người ta chỉ hay nhớ đến hai câu lục bát cuối cùng. Đó là câu Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Vì thế “sang” không chỉ là sang sông mà còn được hiểu là sang trọng. Bởi cầu Kiều khi xưa là loại cầu rất đẹp. Việc tồn tại của cầu Kiều trong vườn nhà như là một biểu tượng, một minh chứng về sự giàu sang, quyền quý. Tuy nhiên, dù chữ “sang” ấy nằm ở lớp nghĩa nào thì câu ca dao này vẫn giá trị nhất ở câu “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Chữ thầy chính là nhãn tự, là tâm điểm chính mà cả bài ca dao muốn hướng tới. Câu ca dao lấy hình ảnh người mẹ Việt Nam tần tảo, lam lũ. Dù khó khăn hay vất vả thế nào cũng tìm mọi cách để giúp con vượt sông. Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy thể hiện rất rõ ước muốn của người mẹ. Đó là ước mơ đứa con được sang bờ bên kia, thoát khỏi dòng sông mênh mông của đói nghèo, dốt nát. Và muốn vượt được dòng sông ấy không thể thiếu vai trò của người thầy. Bà mẹ đang đặt cả niềm tin vào vị thế người dạy con mình. Đó vừa là sự tôn vinh các thế hệ nhà giáo, vừa là lời nhờ cậy. Và đó cũng là lời nhắc nhở các thế hệ sau phải gìn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhắc nhở những người thầy về vai trò và trách nhiệm với nghề nghiệp của mình. Hình ảnh người thầy trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam vừa gần gũi cũng vừa cao quý. Họ có sứ mệnh giúp cho các thế hệ học trò có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Câu ca dao còn như một lời nhắc nhở về mối quan hệ giữa phụ huynh và thầy cô giáo. “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” cũng mang ý nhắc nhỏm quý phụ huynh phải dành sự quan tâm đến những thầy cô giáo đang dạy dỗ con mình. Xưa kia, cha mẹ ai muốn thầy nhận dạy con mình đều mang biếu ông giáo gói xôi, con gà. Đó vừa là hình thức xin học vừa thể hiện mong muốn ông chỉ dạy con mình cái chữ cái câu. Người thầy rất được yêu mến và kính trọng. Dân gian ta cũng từng có câu: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Người thầy có vị thế ngang với cha mẹ. Vì thế muốn có “hay chữ” thì phải yêu mến, kính trọng thầy. Đó cũng là hành động tốt đẹp thể hiện rõ truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Cha mẹ tin tưởng và tôn trọng thầy cô thì con cái mới noi theo mà kính thầy, mến bạn.

Câu ca dao còn thể hiện sự cần thiết của việc trao đổi và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Bởi nuôi dạy một đứa trẻ không phải là một việc dễ dàng. Chỉ cần có một vài hành động sai lệch sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Để có thể nắm bắt được thế mạnh và tâm lý của từng cá nhân, thì thầy cô rất cần có sự cộng tác nhiệt tình của cha mẹ.

Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Mẫu 2

Tôn sư trọng đạo” không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào “Tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh. Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mỗi người “Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bởi vậy, “tôn sư trọng đạo” không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một. Trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó. ”Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học. Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩ thì vấn đề “tôn sư trọng đạo” càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa. Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.

>>> Xem thêm: Nghị luận về câu nói: “Học tập là cuốn vở không có trang cuối”


Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Mẫu 3

Dân tộc ta có truyền thông tôn sư trọng đạo. Đó là một truyền thống tốt đẹp của một dân tộc văn hiến và hiếu học. Từ xa xưa đã có câu ca:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Hoặc thâm thúy hơn, ông cha ta cũng từng nhắc con cháu: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).Tôn sư là đề cao, tôn vinh, coi trọng người thầy. Vì sao vậy? Người thầy dạy chữ, dạy kiến thức cho ta, đem đến cho ta những hiểu biết để ta sống tốt hơn, có ích hơn. Người thầy lại dạy ta đạo lí, nhân cách để ta biết làm người trong xã hội. Vai trò người thầy là hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với bất cứ một quốc gia, dân tộc nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thế thì sao lại không tôn vinh, đề cao người thầy? Đây là tôn vinh một con người đã góp phần đem lại lợi ích cho cả một dân tộc. Sự tôn vinh này xuất phát từ chức năng cao quý và trách nhiệm lớn lao của người thầy. Trọng đạo là gì? Trong kết câu hai vế cân đối tôn sư/trọng đạo, nếu tôn sư là tôn vinh người thầy thì trọng đạo là coi trọng nghề dạy học. Đạo ở đây là đạo làm thầy, là nghề dạy học. Nghề dạy học là nghề đáng được coi trọng vì sản phẩm nó đào tạo ra chính là con người, như ai đó đã nói: “Trong các nghề thì nghề dạy học là nghề cao quý nhất”. Nhân dân ta “trọng đạo” chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những “kĩ sư tâm hồn”.

Tôn sư trọng đạo hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc. Trước hết, đó là sự suy nghĩ nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ cùa nhân dân ta về một nghề đáng được coi trọng và một con người đáng được tôn vinh. Nó chứng tỏ dân tộc ta là một dân tộc văn hiến và hiếu học, bởi coi trọng nghề dạy học là một biểu hiện sâu sắc của một dân tộc văn hiến và tôn vinh người thầy là bằng chứng hùng hồn của một dân tộc hiếu học. Nhưng ý nghĩa sâu xa của tôn sư trọng đạo chính là nó gắn bó mật thiết với sự nghiệp trồng người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. bồi dưỡng nhân lưc; bồi dưỡng nhân tài làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội phát triển tốt đẹp. Xưa, ông cha ta đã nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”; nay, ta lại khẳng định “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” – những điều đó không thể không liên quan đến truyền thông tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Tôn sư trọng đạo đã trở thành một đạo lí, một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta chính là như thế. Nó là sức mạnh tinh thần, tình cảm lớn lao và bền vững của dân tộc để góp phần xây dựng nên một nước Việt Nam văn hiến và giàu mạnh. Truyền thống tốt đẹp đó đã được nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Trên khắp đất nước, ở đâu cũng vậy, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng ông thầy, đều dành cho thầy những tình cảm ưu ái nhất, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc thầy, đã dạy con cái họ nên người. Trong hoàn cảnh nước nhà còn nghèo, đời sống thầy giáo còn nhiều khó khăn, họ đã tận tình giúp đỡ thầy một cách chân thành và cảm động. Các dân tộc vùng cao đã coi các thầy giáo, cô giáo miền xuôi lên dạy học như người con của quê hương minh. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, và ngày 20 - 11 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân đế tôn vinh người thầy và nghề dạy học cao quý. Hình ảnh cha mẹ học sinh tặng hoa các thầy, cô giáo trong ngày 20- 11 và cả những cán bộ cấp cao của Đàng và Nhà nước đến thăm thầy giáo cũ đã nói lên sâu sắc truyền thông và đạo lí cao đẹp đó. Từ một đạo lí truyền thống của dân tộc, tôn sư trọng đạo đã mang một ý nghĩa cách mạng mới trong thời đại ngày nay gắn liền với tư tưởng “trồng người” cua Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó không chỉ là đạo lí, tình cảm mà còn là tinh thần, sức mạnh, hành động cách mạng để đưa đất nước đi lên ngày càng giàu mạnh, văn minh. Đó là nét mới của truyền thống tôn sư trọng đạo trong cuộc sống hiện nay của nhân dân ta. Bước sang thế kỉ XXI, cuộc sống có nhiều đổi mới kéo theo sự đổi mới của giáo dục, của vai trò người thầy và nghề dạy học. Trên cơ sở kế thừa, giữ gìn những mặt tốt đẹp của truyền thống, chúng ta cần biết phát huy và vận dụng đạo lí tôn sư trọng đạo một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng mới để đạt kết quả tốt đẹp nhất.


Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Mẫu 4

Trong đời sống tinh thần của dân tộc ta có những tình cảm đã thành truyền thống trong đạo lí làm người như: tình yêu quê hương, đất nước; lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ; lòng thủy chung, son sắt trong đạo vợ chồng và “tôn sư trọng đạo" cũng là một nét đẹp trong truyền thống đạo lí của con người Việt Nam ta.

Thật vậy, ngày trước người thầy có một vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội. Người thầy đươc mọi người kính trọng và đề cao tuyệt đối: “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy". Và tổ tiên ta đã từng răn dạy:

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy

Truyền thống ấy được lưu truyền từ nghìn xưa đến hôm nay. Trong cuộc sống hôm nay người thầy không còn được kính trọng như xưa, bởi một số người trong xã hội hiện nay có xu hướng chạy theo đời sống vật chất, sống bằng hình thức, ít coi trọng những giá trị tinh thần, đạo đức suy đồi. Hơn nữa, đời sống vật chất của người thầy chân chính hiện nay quá khó khăn đã làm giảm đi các vị trí cao đẹp của người thầy trong xã hội. Người thầy trong xã hội hiện nay không còn được trọng vọng như ngày xưa. Nói như thế không phải là trong xã hội hiện nay cái đạo lí “tôn sư trọng đạo" đã hoàn toàn mất đi. Bên cạnh đó có một nguyên nhân khác làm mất đi vẻ đẹp của người thầy, người cô là do đồng lương không đủ sống nên có nhiều thầy, cô phải dạy thêm để kiếm sống. Nếu thầy cô nào dạy ngay thẳng, với cái tâm của một người thầy thì không có gì để nói. Nhưng có những thầy cô thiếu lương tâm nghề nghiệp, đã gây khó khăn những học sinh không chịu học thêm, gây nên sự bất bình của phụ huynh và học sinh. Chính những người thầy, người cô đó đã tự đánh mất cái phẩm chất cao quý của người thầy. Nói như thế không phải là trong xã hội hiện nay đạo lí “tôn sư trọng đạo" đã hoàn toàn mất đi, mà vẫn còn trong tâm trí và hành động của những người học trò chân chính, những người còn biết đặt giá trị tinh thần lên trên giá trị vật chất. Ngày nhà giáo Việt Nam 20 - 11, không phải là ngày toàn xã hội tri ân những người thầy, người cô đó ư? Tri ân và tôn vinh những người thầy, người cô có lương tâm trong sáng, đạo đức sáng ngời, tất cả vì học sinh thân yêu.

“Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta mà ngày nay chúng ta cần phải kế thừa và phát huy, bởi cha mẹ sinh ra ta, nuôi nấng ta, cho ta cuộc sống, thầy cô cho ta bao kiến thức, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thanh cao trong sáng, chắp cánh cho ước mơ chúng ta bay cao và bay xa hơn, trang bị cho chúng ta hành trang để mai này chúng ta vững bước vào đời. Công ơn của thầy cô đối với chúng ta thật vô cùng to lớn chẳng khác nào công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, nên người ta thường nói thầy, cô là người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta.


Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Mẫu 5

Việt Nam chúng ta được biết đến với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về những truyền thống đó như : "Bán tự vi sư, nhất tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên"… Nhưng câu ca dao mà đa số mọi người dân đều biết là:

"Muốn sang thì bắt cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Ấy vậy mà giá trị của câu ca dao đã bị mai một dần trong quá trình phát triển của con người, tại sao vậy?
Câu ca dao trên rất phổ biến trong cộng đồng những người làm công tác giáo dục. Nó mang ý nghĩa động viên to lớn cho họ rằng họ - những con người đào tạo ra lớp trẻ tài năng cho đất nước. Bản đầy đủ hơn của câu ca dao này là:

"Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.

Muốn sang thì bắc Cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Ở câu trên, câu ca dao là một lời ru nói lên những ngậm ngùi của người mẹ đối với đứa con. Mẹ bồng con đi dọc trên bờ sông vắng để tìm một chuyến đò qua sông, thế nhưng lại không có. "Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo" thì làm sao qua được. Qua câu sau, ta thấy rõ được "biện pháp" của người mẹ, tức là phải xây cầu để qua. Và khi đó, trong lời ru của người mẹ đã thấy được hình ảnh người thầy : "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Từ xưa, quan niệm học tốt gắng liền với hình ảnh ông giáo-tiền thân của giáo viên sau này. Cha mẹ ai muốn con mình học giỏi đều mang biếu ông giáo gói xôi, con gà chỉ mong ông dạy con mình cái chữ cái câu.

Bây giờ xã hội đang ngày càng phát triển, sự tiên tiến của công nghệ thông tin khiến cho học sinh, sinh viên và cả phụ huynh tiếp xúc nhiều với nền văn hóa của các nước khác. Vì thế nên họ đã dần lãng quên hình ảnh người thầy luôn tận tụy giúp đem con chữ đến cho những đứa học trò của mình. Họ mải mê chạy theo những xu hướng hiện nay như tư tưởng tự học ở nhà, tự học bằng internet nhưng họ nào biết muốn giỏi thì cần phải có người chỉ dẫn, hướng cách học theo một con đường đúng.

Và điều điển hình trong việc xem nhẹ nghề giáo của nước ta đó là lương. Nghề giáo là một nghề đào tạo nhân tài cho đất nước trong tương lai nhưng lại với mức lương ít ỏi dưới ba triệu. Còn đối với những nước phát triển, nghề nhà giáo luôn được xem trọng và được hưởng mức lương hằng tháng từ 50.000 USD đến 70.000USD.
Vấn đề là tầng lớp học sinh hiện nay đang dần bị cuốn theo những trào lưu của nước ngoài như chơi game, xem phim bạo lực , văn hóa phẩm đồi trụy 18+… Nhưng thường những thói quen đó sẽ dẫn đến hậu quả xấu như bỏ học chơi game, đánh giáo viên, xem nhẹ việc học…Tuy nhiên phần lỗi không hoàn toàn thuộc về học sinh mà phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc quản lí việc học và việc chơi của con em mình, cần hướng chúng theo một con đường đúng đắn, và việc đầu tiên phải làm là dạy cho chúng biết tôn trọng và yêu thương thầy cô.

Tóm lại, nghề nhà giáo cần được giữ vững và phát huy hơn nữa. Học sinh và phụ huynh cũng cần có ý thức trong việc " Yêu lấy thầy". Hơn thế nữa, bản thân những người giáo viên cần phải khắc phục những khuyết điểm của mình, nâng cao chất lượng dạy học để học sinh có hứng thú trong việc học tập hơn. Có thế thì câu ca dao

"Muốn sang thì bắt cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

mới còn nguyên bản chất thật của nó là truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt ta.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Nghị luận về Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/06/2022 - Cập nhật : 19/11/2022

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads