Mảnh đất Phú Yên hiền hoà, thơ mộng với những con người chân chất, thật thà, dễ thương và dễ mến. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tháp Nhạn Phú Yên - một trong những danh lam thắng cảnh đẹp cực kỳ nổi tiếng. Cùng trải nghiệm vẻ đẹp của nơi này qua bài thuyết minh về tháp Nhạn Phú Yên cùng chúng tôi nhé.
1, Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tháp Nhạn Phú Yên
- Cảm nhận chung về nơi này: công trình kiến trúc có giá trị và ý nghĩa lịch sử sâu sắc
2, Thân bài
- Vị trí địa lý, nguồn gốc lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của tháp Nhạn.
- Điểm nổi bật của kiến trúc nơi đây
- Các hoạt động lễ hội sinh hoạt văn hoá của người dân nơi đây.
- Giá trị ý nghĩa lịch sử, tinh thần văn hoá của Tháp Nhạn
3, Kết bài
- Khẳng định giá trị của tháp Nhạn
- Giải pháp bảo tồn và quảng bá du lịch của nơi đây
"Phú Yên có đỉnh Cù Mông, có hòn tháp Nhạn, có dòng sông Ba”
Câu ca dao phần nào đã nói lên được tầm quan trọng của Tháp Nhạn trong đời sống văn hoá, tinh thần cuả người Phú Yên. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tháp Nhạn vẫn bền bỉ, kiên cường cùng thời gian, trở thành một trong những địa điểm du lịch thu hút của du khách mỗi khi có dịp đặt chân đến Phú Yên.
Tháp Nhạn nằm ở phía Bắc sông Đà Rằng, cách trung tâm thành phố Tuy Hoà, Phú Yên khoảng 4km. Nó thuộc địa phận phường 1 của thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Về cái tên của Tháp Nhạn thì cũng có khá nhiều giai thoại khác nhau, có người cho rằng do nơi đây có rất nhiều nhạn về sinh sống và làm tổ nên tên gọi của tháp được lấy theo tên của loài chim. Cũng có truyền thuyết kể rằng do tháp được xây đắp trên đỉnh núi Nhạn nên mới có tên gọi là tháp Nhạn.
Truyền thuyết về tháp Nhạn cũng khá ly kỳ với nhiều giai thoại lịch sử. Tương truyền rằng khi chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây quá khó khăn nên nàng tiên nữ đã hạ phàm xuống nơi đây để dạy dân làm nghề nông, cấy cày, dệt vải, kéo sợi.. để giúp người dân có cơm no, áo ấm. Sau khi dạy dân thành thạo các nghề xong nàng quay trở lại tiên giới. Vì để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ công lao của nàng nên người dân quyết định xây dựng ngọn tháp Nhạn để thờ phụng nàng. Ngoài ra còn có một truyền thuyết khác xoay quanh tháp Nhạn là trước kia ở vùng đất Tuy Hoà là nơi đầm lầy trũng thấp nên có nhiều quỷ quái yêu ma đến quấy phá nhân dân. Chứng kiến cảnh dân chúng lầm than Ngọc Hoàng đã cho người khổng lồ xuống để đánh bại yêu ma, đắp đất hết những vùng trũng, giúp dân xây dựng cuộc sống. Khi sắp hoàn thành xong công việc người khổng lồ đắp nhiều đá quá nên khiến đòn gánh bị gãy, đất đá rơi xuống hai bên từ đó hình thành núi Chóp Chài, đá trên gánh còn lại thì rơi trên đỉnh núi Nhạn đó chính là tháp Nhạn.
Tháp Nhạn nằm sừng sững trên đỉnh ngọn núi có chiều cao hơn 60m so với mực nước biển, tương truyền tháp được xây dựng từ rất lâu, khoảng thế kỷ 12. Đây là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc nhất nhất hiện nay, phản ánh sự tài hoa và khéo léo của người dân từ thời xa xưa, khi chưa có sự giúp sức của các phương tiện, máy móc hiện đại. Tháp có tổng diện tích là 120m2, chiều cao gần 24m, quang quanh là tường đá bao quanh kiên cố. Dưới nền đều được lát bằng mảnh gạch ngói. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao và mang đậm đặc trưng văn hoá của của người Chăm .
Tháp gồm ba phần: bệ tháp, chân tháp và mái tháp tượng trưng cho ba cõi trong xã hội là phàm tục, tâm linh, thần linh. Dù vậy tổng thể tòa tháp được xây dựng một cách liền mạch, kiên cố, vững chắc và rất uy nghi. Cụ thể phần chân tháp được ốp toàn bộ bằng đá sa thạch, có hình vuông lớn, được xây dựng phân tầng từ dưới lên trên. Nếu quan sát từ dưới lên sẽ thấy chân tháp được xây dựng thu hẹp dần từ chân lên đến đỉnh, càng lên cao tháp càng nhọn và hẹp. Thân tháp thẳng đứng, cao và đồ sộ được xây dựng theo khối chắc chắn với các trụ lớn, thẳng đứng tạo sự vững chãi cho tháp. Nóc của tháp có bốn cửa sổ nhìn ra bốn hướng ứng với các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Đỉnh tháp được đặt bức tượng đá Linga. Tượng đá Linga là biểu tượng tâm linh và là nét quen thuộc trong cấu trúc đền chùa của người dân Chăm pa, với mong muốn có cuộc sống đầy đủ, ấm no và hạnh phúc.
Toàn bộ tháp được xây dựng bằng những viên gạch với nhiều hình thù khác nhau. Đặc biệt độ bền, cứng cáp và vững chãi tốt hơn rất nhiều so với những loại gạch thông thường. Thứ dùng để kết dính viên gạch với nhau không bằng xi măng, vôi vữa là là một hợp chất đặc biệt mà đến nay vẫn còn là một ẩn số. Quan sát kỹ sẽ thấy các viên gạch được kết dính chặt chẽ, không có bất kỳ đường hở nào lộ ra. Tương truyền rằng hợp chất kết dính đó được làm hoàn toàn từ tự nhiên. Từ xa xưa người Chăm đã biết sử dụng những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên để kết dính gạch ngói ở các công trình xây dựng. Sau khi bào mòn những viên gạch sao cho bề mặt của mỗi viên khớp với nhau chúng sẽ được phết keo và đưa vào xây dựng.
Hàng năm ở Tháp Nhạn đều tổ chức hội đêm thơ Nguyên tiêu. Các thi sĩ bất kể tuổi tác, giới tính, quê quán, nghề nghiệp sẽ tụ họp với nhau dưới chân tháp Nhạn để đàm đạo thơ ca và chia sẻ với nhau những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Tháng 11 năm 1988 Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của Tháp Nhạn trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân Phú Yên nói riêng và của người miền Trung nói chung. Trong tương lai nếu được khai thác hợp lý chắc chắn tháp Nhạn sẽ là địa chỉ du lịch nổi tiếng được nhiều người biết đến.
----------------------------------------
Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn viết bài Thuyết minh về tháp Nhạn Phú Yên. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.