logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang. Các bài văn mẫu được Top lời giải biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ nhất là tài liệu học tập môn Ngữ Văn hay và bổ ích. Mời các bạn cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang - Mẫu 1

Tiền Giang không chỉ có những miệt vườn trái cây, phong cảnh sông nước hữu tình mà còn là vùng đất tập trung nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng linh thiêng, thu hút đông đảo du khách thập phương. Mới đây, giới trẻ lại ‘phát sốt’ bởi một điểm check – in lên hình cực lung linh. Đó là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, một trong những thiền viện lớn nhất nước ta.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tọa lạc tại ấp 1 xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa được xây dựng năm 2012 theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử trực thuộc danh bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ khi khánh thành, bên cạnh việc trở thành trung tâm tu học, Thiền Viện còn tạo điểm nhấn quan trọng nhằm thu hút khách tham quan du lịch Tiền Giang, góp phần làm thay đổi diện mạo một xã nghèo của huyện Tân Phước.

Để đến được Thiền viện, xuất phát từ trung tâm tỉnh Tiền Giang, du khách di chuyển theo hướng từ ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ 1A, theo hướng Tây 6km, đến Long Định, di chuyển tiếp đến thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước. Sau đó, tiếp tục đi tkhoảng 10km nữa thì tới được Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Trên đường đi luôn có những bảng chỉ dẫn để vào Thiền viện, đường đi không có trở ngại, vô cùng thuận tiện.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được thiết kế gần giống Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt. Trong suốt quá trình xây dựng, ngôi chùa này được tạo nên bởi công sức của nhiều vị Phật tử trong chùa. Thiền viện có tổng diện tích 50 hecta, khuôn viên rộng lớn với nhiều cây đại thụ, nhiều khối đá tảng khổng lồ.

Thiền viện có 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Trong đó khu ngoại viện bao gồm nhiều hạng mục: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông,… với tổng diện tích hơn 47.000m vuông. Trong đó, Chánh điện của Thiền Viện có sức chứa lên đến hơn 3.000 người.

Đặc biệt nhất phải kể đến pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được tạc bằng đá ngọc, thếp vàng, cao 4,5m, nặng trên 30 tấn, do đích thân các nghệ nhân Myanmar chế tác.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác sở hữu một vẻ đẹp trang nghiêm, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và hiện đại. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một thiền viện có kiến trúc độc đáo, hiếm có nhất tại Việt Nam. Không chỉ vậy, nơi đây còn mang đến cảm giác thanh bình, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, an nhiên. Điểm nhấn quan trọng trong toàn thể kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác này là bốn Thánh tích (hay còn gọi là Tứ động tâm) được xây dựng theo tỉ lệ 6/10 với thánh tích nguyên mẫu bên Ấn Độ và Nepal.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang hay nhất

Bốn thánh tích này gồm vườn Lâm Tì Ni nơi Phật đản sinh, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi Phật chuyển pháp luân, Câu Thi Na nơi Phật nhập diệt. Một trong những công trình nổi bật được mệnh danh “Tiểu Ấn Độ” đó chính là bảo tháp chính cao 31m.

Vào ngày Chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng, Thiền viện Trúc Lâm Giác Chánh thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt dành cho Phật tử. Mọi người có thể cúng viếng, tụng kinh, sám hối, nghe giảng pháp, ngồi thiền hay chỉ đơn giản là đến vãn cảnh, tìm chút bình yên giữa cuộc sống thường nhật bộn bề.

Với thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã hiện diện ở vùng đất miền Tây hiền hòa của đất nước trở thành điểm du lịch Miền Tây hấp dẫn. Như dòng sông Mêkông chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng Cửu Long, ngôi thiền viện mới ra đời này, cùng với các tự viện khác hiện hữu trước đó theo dòng thời gian, sẽ làm phong phú thêm đời sống tâm linh của người dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ giàu tình người.

Ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, không chỉ để thưởng ngoạn kiến trúc đẹp đẽ của ngôi chùa, ta còn cảm nhận được tấm lòng thành kính hướng đến Phật tổ của người dân miền Tây chân chất, thật thà. Thiện Viện Trúc Lâm Chánh Giác có địa thế cạnh Khu Bảo Tồn thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười và những cánh đồng khóm bát ngàn bạn nên kết hợp tham quan những điểm đến thú vị này.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang - Mẫu 2

Không chỉ mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, Chợ nổi Cái Bè còn là điểm du lịch hấp dẫn giúp du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu tập quán văn hóa mua bán truyền thống của người dân miền Tây Nam Bộ.

Được hình thành từ thế kỉ thứ XVIII, chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang – nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang sớm có tiếng tăm cả về thương mại lẫn du lịch. Giao thông ở đây hoàn toàn bằng đường thủy với các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập. Chợ nổi Cái Bè chính là minh chứng sinh động nhất cho một nét văn hóa đặc sắc của phương Nam; trở thành một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, là trạm trung chuyển trái cây và các sản vật đi khắp mọi miền Tổ quốc. 

Cái Bè mang một vẻ đẹp đậm chất thôn quê, thấm đẫm chất miệt vườn. Bên cạnh sự tấp nập, nhộn nhịp của đời sống buôn bán, Cái Bè vẫn giữ được vẻ nên thơ với những kênh rạch và vườn cây xanh mướt ngút tầm mắt. Đêm đến, ánh đèn từ những ghe thuyền và dãy phố nằm dọc bên bờ sông soi xuống đáy nước huyền ảo, tạo nên vẻ đẹp mê hoặc khó quên.

Có thuận lợi về vị trí địa lý, là nơi tiếp giáp của ba tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long nên chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui, tấp nập người mua bán. Hàng hoá ở đây vô cùng đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,… nhưng nổi bật nhất là trái cây bởi Cái Bè là nơi có nhiều vườn trái nhất tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh những hàng hoá mua bán, trao đổi, thì chợ Cái Bè cũng cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm và các dịch vụ cho cư dân chợ nổi.

Chợ Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm, mỗi phiên chợ thường họp trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 8 giờ sáng với hàng trăm chiếc ghe thuyền buôn bán đủ mọi loại mặt hàng. Nét độc đáo chung của các chợ nổi là “sào nào, rau củ - trái ấy”, tức là trên ghe thuyền bán loại trái cây, nông phẩm nào thì treo lên sào cho người mua dễ nhận biết, và không phải rao mời. Ngoài những mặt hàng thông thường, du khách có thể tìm thấy các loại trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè… hay những đặc sản như kẹo dừa, cốm nổ, mật ong,... Với giá cả phải chăng cùng sự gần gũi, thân thiện của những người bán hàng luôn mang đến cho người mua, đặc biệt là những du khách cảm giác dễ chịu và thích thú.

Nếu có dịp đến du ngoạn chợ nổi Cái Bè thì bình minh và hoàng hôn chính là thời gian thích hợp nhất. Đây được xem là hai thời điểm đông đúc và đẹp nhất ở chợ nổi với rất nhiều hoạt động nhộn nhịp. Ngồi trên thuyền, du khách có thể vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức ngay những tô hủ tiếu nóng hổi hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng.

Điểm đặc biệt, khi đến với chợ nổi Cái Bè, du khách có thể dễ dàng hòa nhập cùng không khí nhộn nhịp nơi đây và tham gia các hoạt động mua bán bởi chợ được phân chia ra thành từng khu buôn bán riêng vô cùng thuận tiện.

Khu vực bán các loại củ, quả chạy dài từ ngã ba Nhà Thờ đến cửa Vàm Long Hải. Khu này thường có loại ghe lớn có trọng tải từ 5-10 tấn từ các tỉnh khác chở hàng đến mua bán. Khu bán gạo, cám thì nằm riêng biệt ở một khúc sông. Nét độc đáo của chợ nổi là ghe thuyền bán thứ gì thì treo thứ ấy lên đầu ngọn sào để người mua biết, không phải rao mời.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang hay nhất (ảnh 2)

Mỗi nơi một vẻ, trên bến dưới thuyền, du khách sẽ thấy toàn cảnh khu chợ như một bức tranh tả thực sống động, nhiều màu sắc. Màu sắc từ các loại rau củ, hoa quả; màu của những chiếc áo bà bà phất phơ trong gió; những chiếc ghe lớn, nhỏ, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược nhộn nhịp; âm thanh náo động cả một vùng sông nước. Buổi chiều, khi mặt trời khuất sau rặng cây cũng là lúc “thành phố nổi” lên đèn. Chợ nổi lúc về đêm nổi bật với những chiếc đèn lồng nho nhỏ treo ở phía trước mũi thuyền nhấp nháy. Những chiếc ‘nhà ghe” nằm im lìm trong buổi chiều tà. Văng vẳng tiếng hát vọng cổ nghe thật nôn nao, bâng khuâng.

Mùa nào của quả ấy, chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui và tập nập. Với những nét duyên vốn có và đặc trưng nổi bật của miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Cái Bè sẽ là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Bởi vậy, nếu có dịp đến Tiền Giang, hãy đừng bỏ lỡ cơ hội để trải nghiệm những điều thú vị tại vùng quê xinh đẹp này


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang - Mẫu 3

Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) hay còn gọi là xí nghiệp dược phẩm Quân khu 9, nằm bên bờ sông Tiền, có diện tích khoảng 30ha, không gian xanh mát thoáng đãng. Đây là một trong những trại nuôi rắn lớn nhất Việt Nam với rất nhiều chủng loài khác nhau, và được xem như một bảo tàng về rắn đầu tiên ở Việt Nam, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Hiện trại rắn Đồng Tâm có khoảng 400 loài rắn cho bạn tận mắt chiêm ngưỡng, từ những loài rắn hiền lành không độc cho đến các loài rắn cực độc. Rắn ở đây được nuôi thả tự do, gồm 3 khu vực phù hợp với tính chất mỗi loài rắn.

Khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước: bốn bề xây tường cao ngang ngực người lớn, có một cửa ra vào. Bên trong, đáy hồ sâu khoảng 30 - 40cm, xăm xắp nước. Giữa hồ là tiểu đảo, có mấy chòm cây xanh cao ngang tường hồ, trên chòm cây là cả đám rắn quấn lấy nhau đông đúc. Khu này nuôi các loài rắn điển hình như rắn nước, rắn gáo, rắn ri cá...

Khu nuôi rắn độc: như rắn hổ ngựa, cạp nong, mai gầm... đặc biệt là rắn hổ mang chúa cực độc, được xếp bậc E trong sách đỏ Việt Nam. Chúng được nuôi trong những chiếc chuồng xây riêng biệt, bên trong mô phỏng các hang hốc làm chổ ẩn nấp, mặt ngoài được che chắn cẩn thận chỉ vừa đủ để du khách ngắm nhìn mà không gây nguy hiểm.

Khu nuôi trăn: được đặt trong nhà lồng có mái che, bên trong là các dãy lồng sắt, cao đến ngang hông, sàn bằng gỗ, mỗi lồng là từng chú trăn riêng biệt đang nằm cuộn tròn với kích thước dễ sợ... vui mắt là có loài trăn lại cuộn tròn trong các chậu hoa cỡ lớn thay vì nằm trên sàn gỗ, khoe các hoa văn rằn ri uốn lượn. Loài trăn thì có vẻ im lìm, chỉ trừ lúc được cho ăn.

Để nuôi được các loài rắn và trăn này, đặc biệt các loài rắn dữ là cả một kỳ công và đầy nguy hiểm. Các nhân viên ở trại rắn Đồng Tâm khi mở cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để con rắn đang đói không phóng ra ngoài, hoặc cắn vào người. Chăm sóc rắn cũng chẳng khác nào chăm sóc một đứa trẻ, bởi phải thường xuyên theo dõi để phát hiện con nào có dấu hiệu bất thường hoặc bị bệnh để điều trị kịp thời.

Mục đích của trại rắn Đồng Tâm là nuôi rắn lấy nọc xuất khẩu, kết hợp trồng cây dược liệu, và bảo tồn những loài động vật quý hiếm khác như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu... Đặc biệt, đây còn là nơi chữa trị rắn cắn rất hữu hiệu cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang hay nhất (ảnh 3)

Trong chiến tranh, bộ đội ta bị rắn cắn rất nhiều, do đó năm 1977 hình thành Tổ điều trị rắn độc cắn, đến năm 1998 có quyết định của Bộ Quốc phòng cho thành lập cơ sở cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Từ đó trại rắn Đồng Tâm ra đời.

Từ năm 2008 trở về trước, trung bình hàng năm trại rắn Đồng Tâm điều trị 800 ca bị rắn độc cắn. Từ năm 2009 đến nay, trung bình chữa trị 1.000 ca/năm. Bệnh nhân đến đây chữa trị rắn cắn, đa số được miễn tiền viện phí, bởi chính sách hổ trợ người nghèo.

Thế giới về loài rắn vẫn luôn kỳ bí, mà trong trí tưởng tượng của đa số chúng ta là rất nguy hiểm, không thể đến gần. Nhưng khi đến thăm trại rắn Đồng Tâm, bạn sẽ có suy nghĩ khác hơn, vì vẫn có nhiều loài rắn hiền lành, không độc... và dù chúng rất độc đi nữa nhưng nếu biết cách khai thác thì vẫn mang lại lợi ích to lớn cho con người.

Với các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Tiền Giang do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/04/2022 - Cập nhật : 11/06/2022