logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị. Các bài văn mẫu được Top lời giải biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ nhất là tài liệu học tập môn Ngữ Văn hay và bổ ích. Mời các bạn cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị - Mẫu 1

“Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa.
Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ…”

Nói đến Quảng Trị ta không thể không nhắc đến thành cổ Quảng Trị, danh lam thắng cảnh cũng như di tích lịch sử và là nơi tưởng niệm về những anh hùng liệt sĩ của “một thời máu đổ”.

Thành cổ Quảng Trị tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, là di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Thành được xây dựng bằng đất dưới triều vua Gia Long, ban đầu thành cổ Quảng Trị nằm ở phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị).

Không chỉ ghi lại dấu tích về một sự kiện đẫm máu mà bi thương của dân tộc, mà thành Cổ Quảng Trị còn mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian.

Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc của mỗi cổng thành xây bằng gạch, gồm hai tầng: tầng dưới là phần nền với bộ phận chính là cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”; tầng trên là một vọng lâu có kiến trúc độc đáo theo lối vọng lâu xây bằng gạch, mái cong, lợp ngói âm dương.

Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Hành cung là công trình trọng yếu, là nơi để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.

Ngoài những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn còn lại như Hành cung, Dinh Tuần phủ, dinh Án sát, ngục thất, khám đường…, Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn… khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ.

Có thể nói thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa to lớn về mặt quân sự, cung cấp tư liệu nghiên cứu lịch sử về thời Nguyễn và là một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử, đồng thời nơi đây còn có giá trị về lịch sự bởi thành chính là chứng nhân của một lịch sử đen tối, đầy biến động, bi thương của cả dân tộc, nó chứng kiến sự suy thoái và sụp đổ của nhà Nguyễn và chứng kiến tội ác của thực dân Pháp cũng như Đế quốc Mỹ, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã bóc lột, hành hạ nhân dân ta qua hàng chục thập kỷ.

Như vậy, thành cổ Quảng Trị đã và đang chiếm giữ một vị trí quan trọng với người dân đất Quảng nói chung và người Việt Nam nói riêng. Những giá trị của nơi đây cần được bảo tồn, duy trì và phát huy, lưu truyền lại cho thế hệ nay và mai sau để những thế hệ ấy có cơ hội tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về lịch sử nước nhà từ đó thêm trân trọng nền hòa bình của đất nước bởi nó đã được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của ông cha ta và để có thêm động lực, có thêm lý do mục tiêu cố gắng học tập để cống hiến cho quê hương, đất nước.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị hay nhất

Qua bao thăng trầm lịch sử, thành cổ Quảng Trị vẫn ở đó, nhưng người đã mãi ra đi không thể quay về. Là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Nơi những người anh hùng đã nằm xuống vì sự tàn bạo của chiến tranh.

Qua bài thuyết minh về Thành cổ Quảng Trị, chúng ta sẽ phần nào thấu hiểu nổi đau của sự mất mát, sự khốc liệt của chiến tranh đã để lại. Đồng thời cũng đề cao ý chí chiến đấu của dân tộc ta, đánh đổi xương máu để giành lấy hòa bình.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị - Mẫu 2

Thánh Địa La Vang tọa lạc tại xã Hải Lăng, tỉnh Quảng trị. Cách thành phố Đông Hà 20km về phía Nam cách thành phố Huế 60km về phía bắc. La vang hiện nay là một thánh địa và là trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam, thuộc tổng giáo phận Huế.

Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế – 1998, khi một số các tín hữu đang ẩn trốn ở nơi núi rừng La Vang, vào một hôm đang khi cùng nhau lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, Đức Mẹ Maria hiện thân bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn. Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ.

Theo truyền thuyết thì ngày trước trong lúc lánh nạn tại vùng núi hẻo lánh tỉnh Quảng Trị. Nơi đây rừng thiêng nước độc và vô cùng heo hút, mọi người khi muốn gọi nhau hoặc cảnh báo có thú giữ. Thì người ta “la” lớn lên từ đó tạo ra các tiếng “vang” từ đó ra đời tên “La Vang”. Cũng có câu chuyện kể lại rằng lúc người dân vừa chạy trốn đến vùng này thì bị dịch bệnh. Lúc này đức mẹ hiển linh và chỉ cho giáo dân loại cây “Lá Vằng” sẽ chữa khỏi bệnh. Cái tên “La Vang” bắt nguồn từ đó.

Nơi Đức Mẹ hiện ra, một Thánh đường đã được xây kính Mẹ, nhưng bị tàn phá vì chiến tranh năm 1972. Chỉ còn lại di tích tháp chuông của vương cung thánh đường, phía trước tháp chuông là một quảng trường rộng. Trong khuôn viên thánh địa được trồng rất nhiều cây xanh tỏa bóng mát.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị hay nhất (ảnh 2)

Ngoài ra còn có giếng nước Đức Mẹ Lang vang, mỗi tín đồ khi đến đây đều uống một ngụm. Thứ nhất là để tỏ lòng thành kính, và mọi người tin rằng nước có thể chữa mọi bệnh tật trong cơ thể. Tại vị trí được cho là nơi Đức Mẹ hiện ra gần gốc cây đa cổ thụ, một tượng đài đã được xây dựng với hình tượng ba cây đa với Đức Mẹ La Vang ở chính giữa. Và Tượng Đức Mẹ La Vang cũng được đặt ở nhiều nơi trong Thánh địa.

Mãi đến ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời 15/8/12, Lễ Đặt Viện Đá Xây Vương Cung Thánh Đường theo kiến trúc Á Đông mới được thực hiện. Đây là công trình độc đáo và lớn nhất của giáo hội Việt nam từ trước đến nay.

Thánh địa La Vang là địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Quảng Trị. Đến đây bạn dường như quên hết mọi lo ưu, muộn phiền trong cuộc sống. Cảm nhận sự yên bình đến dịu dàng như trong vòng tay mẹ.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị - Mẫu 3

Đây là vùng bãi biển đẹp nổi tiếng trải dài từ cửa sông Minh Lương (Cửa Tùng Luật - nơi sông Hiền Lương đổ ra biển ở địa phận hai làng Cát Sơn (Phía Nam), An Hòa (Phía Bắc) đến mũi Hàu). Xưa, đây là địa phận của phường Vĩnh An - Tổng An Du - phủ Vĩnh Linh - tỉnh Quảng Trị. Cửa Tùng vừa có những dải cát dài, những mũi đá, và cả những đồi đất đỏ... rất hiếm có trên dọc suốt 3.260km bờ biển Việt Nam.

Nguyên xưa, địa danh Cửa Tùng bao gồm một vùng rộng lớn của các vùng phía Đông huyện Minh Linh (Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay). Các phát hiện về khảo cổ học cho thấy: Cửa Tùng có nền văn hóa lâu đời hình thành từ thời kì Đại Đá Mới. Từ thế kỉ thứ XI đến cuối thế kỉ XIX, Cửa Tùng là một cảng thị sầm uất có vai trò to lớn, trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của xứ Đàng trong...

Sau Hiệp ước Patơnốt (1884) cùng với việc củng cố chính quyền thống trị thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa. Chính quyền người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp kỳ thú nên thơ của Cửa Tùng. Alaborde - một người Pháp rất am tường về Đông Dương và Quảng Trị đã mô tả: "Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi cao nguyên xanh tươi ở độ cao 20m... Từ trên đồi con dốc người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời... Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát".

Năm 1896, Khâm sứ Trung Kỳ Briere đã cho xây dựng nhà nghỉ ở đây. Đến thế kỉ thứ XX, các cha cố, chủ đồn điền, vua quan nhà Nguyễn cho xây dựng nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà dây thép... tại đây. Và từ đó, bãi tắm Cửa Tùng được mệnh danh là Nữ hoàng của các bãi tắm, Bà chúa của bãi tắm, Hòn ngọc của biển Thừa Lương...

Thật vậy, từ sắc thái đổi màu trong ngày đến cảnh quan khá đặc biệt đã tạo nên một vẻ hấp dẫn. Phía Nam là những dải cát dài (mà Lê Quý Đôn gọi là đại Trường sa). Phía Tây là những làng quê đất đỏ mướt xanh hồ tiêu, mít, chè. Phía Bắc là mũi Hàu, mũi si Giống như những con khủng long khổng lồ phơi mình cho sóng biển vuốt ve. Cửa Tùng là một bãi tắm đẹp và an toàn, độ thoải mái của bãi tắm khá đặc biệt: từ trong bờ lội ra đến 400 - 500m nước chỉ sâu 1,5 - 1,7m. Độ mặn của nước biển vừa phải: nhạt hơn các vùng biển phía Nam, đậm đà hơn các bãi tắm Nhật Lệ, Cửa Lò... Đặc biệt, Cửa Tùng tọa lạc trên một cùng cách xa các khu công nghiệp nên môi trường nước và không khí không bị ô nhiễm. Mặc dù là bãi tắm mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9) song Cửa Tùng lồng lộng gió đông nam (mà dân địa phương gọi là gió nồm), vì thế cái nóng, bốc lửa của gió lào về cách Cửa Tùng từ 6 -7m bị "vô hiệu hóa" hoàn toàn. Nhà văn Nguyễn Tuân viết: "Thiên nhiên tháng bảy trên biển Cửa Tùng càng về chiều càng như một bà thợ nhuộm quảng cáo dần cho cái tủ thuốc màu bách biến vạn hóa của mình." Tất cả những cánh buồm nước ngọt buồm nước mặn trên bể đêm, ửng lừ một sắc mai cua vỏ tôm nguội lửa. Ngoài khơi xa, nằm trên ngấn Thái Bình Dương, đảo Hòn cỏ bập bềnh đỏ: một hòn than hoa chưa vạc hết ruột đá. Trên chỏm những đụn cát hồng, đông sa sâm của những em bé đang đào cho đồng y rực lên cái đằm thắm của ráng chiều...

Do đặc điểm cấu tạo của địa chất Cửa Tùng vừa là bãi ngang vừa là chân rạn. Đặc điểm này không thuận lợi phát triển các ngư trường lớn, nhưng lại thuận tiện để phát triển nhiều loại hải sản quý hiếm và ngon nổi tiếng như: Chim, Thu, Nhụ, Đé, cá Cam, tôm Hùm; các loại, cua, ốc, hầu gai, tảo biển, hến... nói chung ở đây có đủ điều kiện, để đảm bảo nhu cầu ẩm thực của du khách bốn phương.

Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Cửa Tùng được đầu tư xây dựng khá quy mô và đẹp. Người Pháp cho xây đường xá (tỉnh lộ 70) đặt trạm bưu biện, ngân hàng và nhà nghỉ cho các quan chức thực dân, nơi cách li ru ngủ vua Duy Tân. Hệ thống nhà nghỉ nguy nga tráng lệ.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị hay nhất (ảnh 3)

Tại đây vị vua yêu nước Duy Tân đã tô nạp những nhân sĩ, trí thức bàn luận về việc nước. Ông đã nói một câu khẳng khái: "Tay nhớp lấy nước mà rửa, nước nhớp lấy máu mà rửa?".

Cửa Tùng là bảo vật của thiên nhiên ban tặng, qua dặm dài lịch sử đất nước Cửa Tùng là một "điểm nhấn" trong một không gian văn hóa du lịch nổi tiếng. Sông Bến Hải - cầu Hiền Lương; Làng địa đạo Vịnh Mốc; Bãi Cửa Tùng; rừng nguyên sinh Rú Lịnh.

Nếu được quy hoạch và đầu tư thích hợp, khu danh thắng Cửa Tùng chắc chắn sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Đó là một việc làm rất cần thiết trong phát triển kinh tế, xã hội; văn hóa - du lịch trên vùng đất Quảng Trị anh hùng.

Với các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quảng Trị do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/04/2022 - Cập nhật : 11/06/2022