logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình

Tuyển chọn những bài văn hay Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình - Mẫu số 1

Nước ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp có những giá trị độc đáo về văn hóa tâm linh của người Việt như: chùa Hương, chùa Yên Tử,…. Một trong số đó phải kể đến chùa Bái Đính – nét đẹp tâm linh giữa lòng cố đô Hoa Lư.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình

Chùa Bái Đính là khu du lịch tâm linh xác lập nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam, là công trình của doanh nghiệp  Xây dựng Xuân Trường, nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An. Có thể nói đây là ngôi chùa lớn nhất và nhiều kỷ lục nhất của Việt Nam. Chùa được hình thành từ hơn nghìn năm trước, trên đất Ninh Bình trong khoảng từ thời nhà Đinh đến nhà Lý bởi ba triều đại này đều rất quan tâm đến Phật giáo và đưa Phật giáo lên làm quốc sách hàng đầu cùng với việc xây dựng nhiều chùa chiền. Quần thể chùa Bái Đính hiện nay gồm hai khu: khu chùa cổ và khu chùa mới, nằm trên núi Tràng An.

Trải qua hàng ngàn năm đổi thay với những biến động lịch sử, chùa cổ Bái Đính vẫn giữ nét đẹp kiến trúc độc đáo của các triều đại xưa. Nơi đây nằm cách điện Tam Thế của khu chùa Mới  800m về phía Nam, mặt chùa quay về hướng chính Tây,  gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn_ vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm, là một trong ba đền thờ thần của Hoa Lư tứ trấn ra đời dưới triều Đinh, ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian: đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Đặc biệt phải kể đến đền thờ thánh Nguyễn_ người sáng lập chùa Bái Đính Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không, ông là là một thiền sư, pháp sư tài danh của thời đại nhà Lý. Sử cũ kể lại, ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra hang động đẹp, liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Không chị vậy ông còn có nhiều đóng góp lớn như có công trong việc chế tạo “ tứ đại khí”, tổ sư nghề đúc đồng,.. vì thế mà ông được nhân dân lập đền thờ xưng thánh, đền nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng. Ngoài ra còn có giếng ngọc được xác nhận là giếng lớn nhất Việt Nam, tương truyền Nguyễn Minh Không đã lấy nước nơi đây để chữa bệnh cho dân và cho vua Lý Thần Tông. Có thể nói, khu chùa cổ Bái Đính có lịch sử hình thành từ nhà Đinh nhưng đến thời nhà Lý chùa cổ mới được hoàn thiện, mang đậm nét kiến trúc thời Lý.

Khu chùa mới được xây dựng vào năm 2003, có những nét đẹp kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. Kiến trúc nơi đây nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng, sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm… Đặc biệt chùa mới có vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng tạo nên sự khác biệt với  mái vòm thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết kiến trúc nơi đây mang dấu ấn của những làng nghề truyền thống Việt Nam bởi chúng là sản phẩm của 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm… các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng… tạo nên vẻ đẹp thuần Việt cho chùa mới. Chùa gồm cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp (ông Thiện và ông Ác), hành lang La Hán với 500 tượng đá mang những vẻ mặt khác nhau,  các điện chính như điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, tháp chuông, đây là nơi thờ Phật. Ngoài ra còn có tượng Di Lặc_ tượng lớn nhất Việt Nam nằm trên một ngọn đồi của chùa và  Bảo Tháp trưng bày xá lợi Phật linh thiêng từ Ấn Độ và Miến Điện.

Lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Không chỉ có những nét đẹp kiến trúc đồ sộ, độc đáo mà nơi đây còn có những giá trị đặc sắc về lịch sử phong kiến xưa, về văn hóa tâm linh, đời sống tâm linh của người Việt và giá trị du lịch cao, thu hút nhiều du khách tứ phương cũng như người dân bản địa đến tham quan, cúng thờ, thắp hương cầu may. Với những giá trị đó, Ninh Bình chính là niềm tự hào của người dân cố đô Hoa Lư nói chung và người Việt Nam nói riêng, quảng bá vẻ đẹp của một nền văn hóa  tâm linh của Việt Nam đến với các bạn bè quốc tế.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình - Mẫu số 2

Nằm trên địa bàn 15 xã giáp ranh thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương nổi lên như một “hòn ngọc xanh” giữa một vùng dân cư đông đúc bao bọc xung quanh. Vườn quốc gia Cúc Phương – nơi còn lưu giữ được một hệ sinh thái với quần thể động, thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, với những giá trị văn hóa lịch sử, độc đáo của cộng đồng người Mường bản địa, cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ. Nhờ đó, từ lâu Cúc Phương là điểm đến nổi tiếng được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn.

Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập năm 1962, là Vườn đầu tiên trong hệ thống các Vườn quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Trong suốt quá trình thành lập và phát triển VQG Cúc Phương, người dân xã Cúc Phương nói riêng và đồng bào các xã giáp ranh nói chung luôn sát cánh cùng VQG Cúc Phương để bảo vệ rừng, bảo vệ “kho báu” của tổ quốc, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bản địa. Cộng đồng các dân tộc 14 xã vùng đệm rừng Cúc Phương có đến 86% là đồng bào dân tộc Mường, với nét văn hóa mang đậm bản sắc, gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình ra đời cách đây hàng ngàn năm.

Việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn kết chặt chẽ với bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc đó chính là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Nhờ thế mà Cúc Phương tiếp tục xứng đáng với danh hiệu “Vườn quốc gia hàng đầu châu á” hai năm liền (2019, 2020) do World Travel Awards (Giải thưởng du lịch Thế giới) bình chọn.

Những du khách ưa vận động di chuyển, chọn tuyến đi bộ xuyên rừng, vượt qua, những dốc đá, những cây đại thụ ngàn năm tham quan các bản làng Mường sinh sống quanh vùng đệm của Vườn quốc gia. Tuyến ngủ lại bản Mường, du khách sẽ có buổi tối tìm hiểu nét văn hóa bản địa, chương trình văn nghệ dân tộc, thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng cùng men rượu nồng của dân tộc Mường,…sẽ đưa du khách chìm vào giấc ngủ êm đềm trên ngôi nhà sàn truyền thống.

Còn những du khách yêu thích động vật hoang dã thì có tuyến tìm hiểu công tác cứu hộ, bảo tồn, chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm; các loài rùa cạn và rùa nước ngọt; các loài hươu, nai, chim; các loài thú ăn thịt và tê tê. Yêu thích lịch sử văn hóa có tuyến tham quan đình Quèn lá, đình Mống – di tích lịch sử, nơi thành lập Đại Đoàn đồng bằng.

Tháng tư, tháng năm cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm khi về với rừng đại ngàn Cúc Phương. Bởi, đây là giai đoạn bướm thôi ngủ đông, chợt tỉnh giấc sau những cơn mưa, hàng vạn vạn con bướm đủ màu sắc đồng loạt bay ra đón những tia nắng đầu mùa hạ. Chúng thoải thê thêu dệt lên những cành cây, đám lá, quấy quyện lên tóc, lên vai các du khách. Đến chiều tối, du khách lại được chiêm ngưỡng không gian đẹp ảo diệu, đầy mê bởi hàng triệu con đom đóm thi nhau khoe sắc, nhảy múa…

Mang trong mình vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ mà mẹ thiên nhiên ban tặng, vẻ đẹp Cúc Phương có sức hấp dẫn mời gọi khách du lịch. Nhờ đó, hàng năm, Vườn quốc gia Cúc Phương đón từ 100 đến 120 nghìn lượt du khách, học sinh, sinh viên các nhà khoa học tới du lịch, học tập nghiên cứu.

Cúc Phương tự hào là một trong những Vườn quốc gia có truyền thống và thành tích hàng đầu trong khối các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, phấn đấu giữ vững danh hiệu “Vườn quốc gia hàng đầu châu á” đã được Giải thưởng du lịch Thế giới trao tặng.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình - Mẫu số 3

Có một nhà thơ đã từng viết về Tràng An:

"Lững lờ mây nước Tràng An

Thuyền con soi bóng dặm ngàn núi sông

Mái chèo khua nhịp nỗi lòng

Mây trời xa cũng chung dòng thế gian."

Tràng An, một địa điểm có giá trị cao về vẻ đẹp thiên nhiên cùng những nét đặc sắc văn hóa. Vẻ đẹp nơi đây hoang sơ giản dị, rất đỗi mộc mạc nhưng cũng có những nét tinh tế đến vô cùng. Không phải ngẫu nhiên khi nói quần thể danh thắng Tràng An chính là "Bảo tàng địa chất ngoài trời".

Danh lam thắng cảnh Tràng An là vùng non nước mây trời hòa quyện với nhau tạo nên một địa điểm có nhiều giá trị về nhiều mặt: cảnh quan, địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa và cả lịch sử. Tràng An ở vị trí cách cố đô Hoa Lư 3km về hướng Nam, cách thành phố Ninh Bình khoảng 7km theo hướng tây dọc đại lộ Tràng An, cách thành phố Tam Điệp 16km theo hướng bắc qua Tam Cốc, cách Hà Nội 96km theo hướng nam. Tổng diện tích của khu di sản Tràng An - Tam Cốc là 6.172 ha. Trong quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An, trung tâm cố đô Hoa Lư ở phía bắc, khu Tam Cốc - Bích Động ở phía nam và khu du lịch sinh thái Tràng An ở vị trí trung tâm. Ba địa điểm này được nối với nhau bằng khu rừng Hoa Lư trên núi đá vôi cùng với hệ thống sông, hồ, đầm.

Giá trị lịch sử của Tràng An gắn liền với sự kiện vua Đinh Tiên Hoàng chọn nơi đây làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỉ X và sau đó nhà Trần đã sử dụng địa điểm này làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đây cũng là nơi còn lưu giữ rất nhiều những di tích lịch sử thời nhà Đinh và thời nhà Trần.

Tràng An là một vùng non nước, trời mây hòa quyện. Làn nước trong xanh cùng với những vách núi đá sừng sững trùng trùng điệp điệp. Tại đây bao gồm 31 hồ, 48 hang động nối thành các đầm nước, có hang dài đến tận 2km. Hệ thống hang động nơi đây đều vô cùng đa dạng, phong phú về hình thái cũng như chủng loại. Mỗi hang động đều có những vẻ đẹp huyền diệu và sắc thái riêng với những tên gọi vô cùng thú vị như hang tối, hang sáng, địa linh, nấu rượu hay giọt bia...Trong các hang đều có những khối đá thạch nhũ tuyệt đẹp, từ trần hang có những giọt nước tinh khiết chảy ra làm cho không khí trong các hang động nơi đây vô cùng tuyệt diệu, lung linh và huyền ảo. Vào trong các hang động, ngồi trên những chiếc thuyền chèo, bạn sẽ được tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp tuyệt vời của các hang động nơi đây. Những khối đá lung linh với thạch nhũ đầy hình khối đem lại một cảm giác vô cùng thư giãn, mát mẻ, dễ chịu. Ta như được tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc an yên mà một hang động tuyệt đẹp mang lại. Đến với hang Tối, du khách được đi đến những lòng hang động rộng hẹp vô cùng bất ngờ. Hang Sáng lại đem đến một vẻ đẹp mang đúng như cái tên của nó với những nhũ đá óng ánh, lung linh huyền ảo. Hang Nấu Rượu hay Hang Cơm lại là những hang động có cái tên thật ấn tượng. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu và cơm mang ra núi ngồi ăn. Theo truyền thuyết, con người đã vào đây để lấy nước nấu rượu cung tiến cho vua. Khi nghiên cứu khảo cổ đã tìm thấy trong đó rất nhiều những dụng cụ để nấu rượu. Ngoài ra, Tràng An còn có những hang động thú vị rất đáng khám phá khác như hang núi Cơm, hang Vồng, hang Láng, hang Ao Trai...Nơi đây có nhiều hang động được công nhận là di tich khảo cổ học. Các nhà nghiên cứu trên thế giới nghiên cứu di tich hang Trống với nhiều di vật, có vết tích của người tiền sử từ 3000-30000 năm về trước mang đậm nền văn hóa Tràng An. Di tích hang Bói hay Mái đá, hang Mo, hang Cò, hang Trầu, Hang Chợ...đều gắn liền với những gí trị khảo cổ lịch sửvới những nền văn hóa lâu đời tại Tràng An.

Tràng An có hai dạng hệ sinh thái lớn là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thủy vực. Đây là nơi có môi trường thiên nhiên kết hợp hài hòa giữa sinh vật, núi rừng, hang động và thủy vực, toát lên cảnh non xanh nước biếc hòa quyện với nhau tạo thành những khu vực kì vĩ hiếm có trên thế giới. Tràng An còn có những loài sinh vật trên cạn rất phong phú với hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật với rất nhiều những loài động vật quý hiếm khác nhau. Tràng An có khoảng 310 loài thực vật bậc cao cấp với đá vôi, sưa, lát, nghiến, phong lan, rau sắng...cùng với các loài chim thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng...Chính sự phong phú, đa dạng của thảm thực vật cũng như các loài động vật nơi đây đã tạo nên sự đặc biệt của vùng đất thắng cảnh này.

Tràng An được coi như một "Vịnh Hạ Long trên cạn" với nhiều giá trị về cả địa chất, địa mạo. Cảnh quan nơi đây chứa đựng một hình khối hoàn chỉnh với các dạng đá vôi địa hình điển hình bao gồm có tháp, lũng, thung lũng, hang động. Địa chất, thủy văn nơi đây là những điều vô cùng đặc biệt. Hướng mắt từ thuyền bồng bềnh trên sông nước Tràng An, du khách có thể phóng tầm mắt của mình nhìn lên những dãy núi đá vôi vô cùng đẹp. Những vách núi sừng sững cao vút với nhiều hình thù khác nhau xen lẫn những thảm thực vật cùng với những chú dê leo trên vách núi tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp và đầy thơ mông.

Du khách có thể tham quan Tràng An với tuyến du lịch kéo dài khoảng 3 giờ và một tour du lịch leo núi cho những du khách ưa thích sự mạo hiểm, thử thách. Bên cạnh việc tham quan quần thể danh thắng Tràng An chủ yếu bằng đường thủy với những con thuyền lênh đênh ngắm cảnh sông nước thì du khách có thể tham quan nơi đây bằng đường bộ bắt đầu từ đền Trần, đặc biệt là trải nghiệm leo núi đầy thú vị.

Lễ hội Tràng An diễn ra trong vòng 3 ngày, từ 17 đến 19/3 âm lịch hàng năm với mục đich tôn vinh hai vị thần lớn là Qúy Minh, Cao Sơn trấn giữ Hoa Lư tứ trấn và các vua đầu Nhà Trần lập ra hành cung Vũ Lâm. Phần lễ với rất nhiều những hoạt động diễn ra trên sông nước như rước kiệu, rước nước và rồng để thể hiện sự biết ơn với những người đã có công với đất nước. Lễ hội Tràng An được tổ chức rất quy mô với những tiết mục văn nghệ biểu diễn cùng các trò chơi vô cùng đặc sắc bên dòng sông trong suốt các hành trình rước.

Không phải ngẫu nhiên mà Tràng An trở thành nguồn cảm hứng lớn đối với nghệ thuật trong đó có thi ca, nhạc họa và mới đây nhất là điện ảnh. Chính vẻ đẹp tự nhiên cùng với khung cảnh hoang sơ hữu tình đã tạo thành nguồn cảm hứng lớn đối với nhiều tác giả. Tràng An trong thơ ca được tái hiện một cách đầy ấn tượng. Trong thi phẩm "Sơn thủy Tràng An" có tác giả đã viết:

"Thả hồn theo nắng Tràng An

Mái chèo gõ nhịp mênh mang dưới trời

Non xanh, nước biếc đẹp tươi

Nắng chùa, gió động...mây trời Tràng An

Ra về, nỗi nhớ miên man

Một tà áo tím lướt ngang đò mình..."

Tràng An những năm gần đây đã trở thành một trong những điểm đến đáng chú ý trong các danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Chính vẻ đẹp tôn tạo của Tràng An đã khiến nơi đây mang lại vinh dự về cho đất nước khi trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam với việc đáp ứng được các tiêu chí di sản thiên nhiên thế giới và một tiêu chí của một di sản văn hóa thế giới cùng các tiêu chí về thẩm mĩ, địa chất-địa mạo và văn hóa. Chính thành tựu quan trọng này đã thu hút vô cùng nhiều những loại hình nghệ thuật cả trong nước và quốc tế. Trong đó, điển hình nhất là vào năm 2016, Kong: Skull Island là bộ phim bom tấn Hollywood Mỹ đã quay nhiều cảnh quay tại danh thắng Tràng An. Skull Island đã trở thành ông vua kỉ lục phòng vé khi đã vượt qua mọi kỉ lục trước đó và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Bối cảnh phim trường làng thổ dân trong phim nằm tại khu du lịch Tràng An cũng là một trong những điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài nước. Trên bộ phim, danh thắng Tràng An được hiện lên với đầy đủ những vẻ đẹp tinh khôi tự nhiên cùng với những kĩ xảo điện ảnh hiện đại đã mang đến một hiệu ứng tuyệt vời cho người xem.

GS. Richard Rngelhardt, Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ trong cuộc hội thảo về Tràng An đã nhận định: "Tràng An như một khối nam châm khổng lồ giữa đất trời Ninh Bình. Tôi nghĩ các bạn hãy đánh thức những giá trị ngoại hạng của khu danh thắng này để hút mọi người về với nó". Vẻ đẹp tựa như nàng thơ của Tràng An đã, đang và sẽ là điểm đến của rất nhiều du khách, tạo nên tiềm năng du lịch lớn cho Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Tràng An, điểm đến đẹp cảnh, đẹp lòng người!


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình - Mẫu số 4

Ninh Bình là tỉnh ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng làm say lòng du khách thập phương. Trong đó, không thể không nhắc đến khu "Tam Cốc-Bích Động". Đây là danh thắng được ngợi ca là "Nam thiên đệ nhị động" (tức Động đẹp thứ nhì trời Nam)
Tam Cốc - Bích Động thuộc xã Ninh Hải, cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây cách quốc lộ 1A 2km, cách thủ đô Hà Nội 100km về phía Nam, cách thành phố Ninh Bình 7km về phía Nam. Nơi đây có diện tích 350,3 ha. Thiên nhiên Tam Cốc-Bích Động được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn" là điểm du lịch nổi tiếng cho những du khách muốn tẩy sạch bụi trần.
Cái thú là ta đến với Tam Cốc bằng thuyền con. Tam cốc gồm 3 hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả 3 hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Hang nào cũng lung linh huyền ảo sắc màu với hàng nghìn nhũ đá và bao huyền tích. . Cảnh rồng cuộn hổ quỳ, cảnh tiên nga tắm mát, cảnh tiều phu gánh củi, cảnh ngư ông râu tóc bạc phơ ngồi ở trên thạch bàn câu cá, cảnh đàn công vũ hội,... thấp thoáng ẩn hiện trên vòm hang vách động, như dẫn hồn du khách vào chốn Bồng Lai. Sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, vào vách hang lúc nghe rì rào, róc rách, lao xao hòa cùng tiếng gió thì thầm thì thào như tiếng thần Núi từ cõi linh thiêng ngàn xưa vọng về.
Hang Cả là hang đẹp nhất của Tam Cốc, còn được gọi là hang Ngoài, hang Lớn, có chiều dài khoảng 180m, chiều rộng ước chừng 30m. Tràn hang cao hơn 5m. Đây là hang có nhiều nhũ đá đẹp rủ xuống. Do có vòm hang cao nên vào mùa lũ nước hầu như koong lên tới trần hang ít có sự bào mòn các nhũ đá. Bởi vậy, trong hang có nhiều nhũ đá hơn hẳn so với hai hang còn lại. Về mùa hè không khí trong hang mát lạnh, ai cũng cảm thấy khoan khoái, thư thái tâm hồn.
Hang Hai còn được gọi là hang Giữa, hang Trung dài khoảng 90m. Miệng hang phía ngoài rộng khoảng 30m, phía trong hơn 30m, phần giữa của hang hơi thắt lại. Trần hang cao khoảng 3,5m có nhiều nhũ đá rất đẹp.
Hang Ba còn được gọi là hang Bé có chiều dài hơn 80m. Miệng hang phía ngoài rộng khoảng 20m phía trong hơi loe ra rộng khoảng hơn 30m. Độ cao của trần hang dưới 3m. Hang thường xuyên bị ngập nước khi mưa nhiều dẫn đến các nhũ đá bị bào mòn, nhiều chỗ thành vệt nhẵn. Từ hang Ba trở vào là cảnh sông, suối, rừng, núi.
Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2km có nghĩa là "động xanh". Xanh trời, xanh ruộng, xanh suối, xanh núi, xanh hang, xanh động mênh mông. Đây là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của Nguyễn du đặt cho động năm 1773, chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông. Chùa được xây dựng đầu đời nhà Hậu Lê. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh chùa và động Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kì thú của hang động, núi non với sự tài hoa khéo léo của con người... Các kiến trúc ở đây chủ yếu dựa vào vách đá tạo thành một khối thống nhất vững chắc. Toàn cảnh chùa được bố cục theo kiểu "tam tòa" phía dưới là chùa Hạ, tiếp đến là chùa Trung, trên cùng là chùa Thượng. Bên cạnh đó người xưa đã lợi dụng hang tối để đặt tượng phật và những vách đá để dựng những ngọn tháp khiến vẻ linh thiêng cổ kính của ngôi chùa được tăng thêm nhiều phần.
Các chùa ở Bích Động có nhiều mộ tháp bàn đá nhấp nhô trong vườn chùa, có nhiều tượng phất rất cổ kính quý giá. Vườn chùa xanh um cây ăn trái, hàng trăm loài hoa đẹp đua sắc khoe hương quanh năm. Bích Động có năm ngọn núi bao quanh, chầu về gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Chỉ một tiếng chuông chùa ngân lên tức thì có năm tiếng chuông từ vách núi Ngũ Nhạc Sơn vọng lại nghe thật êm ái, du dương..
Tóm lại, giữa sông nước mênh mông của núi non hùng vĩ ở Tam Cốc-Bích Động con người như bé nhỏ lại. Tới đây, mỗi du khách như được hòa mình vào thiên nhiên tận hưởng không khí trong lành, tâm hồn được thư thái. Không chỉ là một danh lam thắng cảnh, Tam Cốc-Bích Động còn là một điểm du lịch tâm linh ở Ninh Bình sẵn sàng chào đón du khách thập phương!

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình - Mẫu số 5

“Ai là con cháu Rồng Tiên

Tháng hai nhớ hội Trường Yên mà về

Về thăm đất cũ Đinh, Lê

Non xanh nước biếc bốn bề như xưa”

Ninh Bình, miền đất cố đô Hoa Lư ngày trước, nổi tiếng với nhiều nét đẹp văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, lưu giữ những giá trị lịch sử trường tồn như khu di tích cố đô Hoa Lư, di sản văn hóa thiên nhiên Tràng An, … Một trong số đó phải kể đến chùa Bái Đính.

Chùa Bái Đính là một quần thể du lịch tâm linh của doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình, nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An và là ngôi chùa lớn nhất, xác lập nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam. Chùa được ra đời trong khoảng thời gian từ triều Đinh đến triều Lý bởi ở giai đoạn này nhà nước vô cùng quan tâm đến Phật giáo, đưa Phật giáo lên làm quốc sách, xây dựng nhiều công trình chùa chiền, kiến trúc mang hơi hướng Phật giáo, trong đó có chùa Bái Đính.

Điểm đặc biệt làm nên vẻ đẹp Bái Đính nằm ở nét kiến trúc đặc sắc, độc đáo, chùa gồm hai khu: khu chùa cổ và khu chùa mới. Khu chùa cổ nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới  800m về phía Nam, mặt chùa quay về hướng chính Tây,  gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn_ vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm, là một trong ba đền thờ thần của Hoa Lư tứ trấn ra đời dưới triều Đinh, ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Chùa cổ Bái Đính có lịch sử hình thành từ thời Đinh nhưng những chi tiết kiến trúc, di vật cổ lại mang đậm dấu ấn thời Lý. Nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian: đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Đặc biệt phải kể đến đền thờ thánh Nguyễn_ người sáng lập chùa Bái Đính Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không, đền nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng. Nguyễn Minh Không là một thiền sư, pháp sư tài danh, đóng góp nhiều công lao cho nhà Lý.Theo các tài liệu sử học, ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra hang động đẹp, liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Ngoài ra còn có giếng ngọc được xác nhận là giếng lớn nhất Việt Nam, tương truyền Nguyễn Minh Không đã lấy nước nơi đây để chữa bệnh cho dân và cho vua Lý Thần Tông. Tiếp đến là khu chùa mời, được xây dựng vào năm 2003, nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng, sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm… Đặc biệt chùa mới có vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng tạo nên sự khác biệt với  mái vòm thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết kiến trúc nơi đây mang dấu ấn của những làng nghề truyền thống Việt Nam bởi chúng là sản phẩm của 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm… các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng… tạo nên vẻ đẹp thuần Việt cho chùa mới. Chùa gồm cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp (ông Thiện và ông Ác), hành lang La Hán với 500 tượng đá mang những vẻ mặt khác nhau,  các điện chính như điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, tháp chuông, đây là nơi thờ Phật. Ngoài ra còn có tượng Di Lặc_ tượng lớn nhất Việt Nam nằm trên một ngọn đồi của chùa và  Bảo Tháp trưng bày xá lợi Phật linh thiêng từ Ấn Độ và Miến Điện. Lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Lệ hội nơi đây gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian, tham quan hang động, thưởng thức những làn điệu Chèo, Xẩm.

Có thể nói chùa Bái Đính là sự kết hợp vô cùng hài hòa giữa xưa và nay, giữa cổ điển và hiện đại, có nhiều giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa tâm linh. Đến với nơi đây, tâm hồn ta như được giải tỏa, thư thái, nhẹ nhõm, những nỗi phiền lo, căng thẳng bị gác lại để hòa vào không khí linh thiêng, trầm lắng. Chùa Bái Đính chính là niềm tự hào của người dân cố đô Hoa Lư cũng như của bao người con đất Việt.

---/---

Trên đây là một số bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 29/03/2022 - Cập nhật : 09/06/2022