logo

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở địa phương em Cà Mau

Tuyển tập Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở địa phương em Cà Mau lớp 8 ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Seri văn mẫu 8 với hơn 1000 bài viết cực hay.


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở địa phương em Cà Mau - Bài mẫu 1

       Đảo Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền 14,6km, còn có tên gọi khác là Hòn Giáng Tiên, Hòn Giáng Hương hay Hòn Độc Lập.

       Hòn Khoai là một cụm đảo nhỏ gồm các đảo Hòn Khoai, Hòn Tương, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ, trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích 4,2km2. Đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc.

       Thời Pháp thuộc, người Pháp đặt tên là đảo Poulob - Obi. Hòn Khoai là tên gọi dân gian của đảo. Tên gọi này được giải thích theo hai cách, trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai.

       Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã.

       Đất ở trên đảo là thứ đất feralit màu đỏ vàng và vàng đỏ phát triển trên đá granit. Rừng nguyên sinh trên đảo đa dạng, phong phú với hơn 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật.

       Thực vật ở Hòn Khoai khá phong phú với các loại cây rừng nhiệt đới và có cả các loại cây rừng ngập mặn, có giá trị kinh tế rất cao. Cây ăn trái có xoài, quýt, dừa... Cây làm thuốc có quyết rồng, khoai mài, ngũ gia bì, quế quan…Cây lấy gỗ có bằng lăng, chiêu liêu, dầu rái, muỗng, lim, trám mạo, trâm trắng…

       Hệ thực vật trên đảo có khoảng 221 loài bậc cao thuộc 78 họ tạo nên một thảm thực vật phong phú, đa dạng. Đặc biệt trong hệ thực vật của đảo còn ghi nhận được 10 loài mới ở Việt Nam.

       Hệ động vật trên đảo có 29 loài thuộc 18 họ, gồm bò sát 7 loài, chim 20 loài, thú 2 loài. Động vật rừng còn tồn tại một số loài có giá trị và có số lượng cá thể đáng chú ý là kỳ đà, rắn mai gầm, rắn ráo, trăn hoa, sóc bụng xám.

       Đặc biệt loài bản địa của đảo như sóc bụng xám, kỳ đà, trăn hoa... đã và đang phát triển rất mạnh về số lượng. Có thể nói, ở bất kỳ nơi nào trên đảo cũng có thể gặp chúng.

       Các loài chim bay giỏi thuộc họ chim ưng, cắt, chim én, nhạn cũng có nhiều.

       Hòn Khoai có bãi biển rất nên thơ với rất nhiều đá cuội tròn như trứng ngỗng làm cho phong cảnh ở đây thật đẹp. Trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai có ngọn hải đăng do người Pháp xây dựng vào năm 1920. Ngọn hải đăng hình khối vuông mỗi cạnh dài 4m, cao 14,50m được xây bằng đá hộc và ximăng.

       Hải đăng Hòn Khoai được xem là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Từ trên ngọn hải đăng, du khách có thể chiêm ngưỡng mũi đất tận cùng của Tổ quốc.

       Hòn Khoai không những là danh lam thắng cảnh của tỉnh Cà Mau mà còn là di tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Tại đây, ngày 13/12/1940, người thầy giáo-chiến sỹ cách mạng Phan Ngọc Hiển đã chỉ huy nghĩa quân nổi dậy giết tên sếp đảo của thực dân Pháp, chiếm Hòn Khoai, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của quân và dân vùng đất cực Nam Tổ quốc.

       Hòn Khoai đang phát triển để trở thành khu du lịch sinh thái. Năm 2009, tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định quy hoạch khu du lịch sinh thái Hòn Khoai. Khu du lịch sinh thái này đang mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án như khu trung tâm dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, cắm trại, nghỉ dưỡng, khu thể thao, bãi tắm trên biển…  


Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở địa phương em Cà Mau - Bài mẫu 2

       Dọc dải bờ biển Duyên Hải đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có hai đảo biển tuyệt đẹp. Không to lớn như những đảo biển khác, Hòn Khoai và Hòn Đá Bạc là hai hòn đảo có diện tích khiêm nhường nằm ở biển đông và biển Tây của Cà Mau. Đây là những mảnh sót lại của tầng nham cổ sụt võng. Hai đảo này có từ hơn 180 triệu năm, là vùng có vị trí quan trọng trong việc khai thác biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nhất là khai thác du lịch.

       Hòn Đá Bạc thuộc ấp Đá Bạc B. Từ xa nhìn tới Hòn Đá Bạc trông sừng sững vươn lên trên dãy nhà xóm Kinh Hòa. Đây là cụm ba hòn đảo liền kề (Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi và Hòn Ngộ). Hòn Đá Bạc rộng khoảng 6,34ha, nơi cao nhất là 50m so với mặt nước biển, cách cửa biển Kinh Hòa chừng 700m. Những hòn đá granit chồng chất lên khắp hòn, được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kì lạ, tạo nên những Sân Tiên, Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên, Bàn Tay Năm Ngón, ở Sân Tiên một bên đỉnh hòn có bia chiến thắng ghi nhận công lao các anh hùng. Cạnh đó là tượng đài chiến thắng chuyên án CM 12. Trên đỉnh đối diện là đền thờ Cá Ông, nơi trưng bày bộ xương cá voi lớn nhất. Hằng năm vào ngày 23 tháng 5 âm lịch, cư dân vùng này đều đổ về Hòn Đá Bạc tham dự lễ Nghinh Ông và nhắc nhau câu chuyện cá voi cứu người đi biển gặp nạn.

       Với bóng cây bàng, tán bồ đề che rợp, Hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào tiếng lá do gió biển xa ra. Được thế là nhờ Hòn Đá Bạc còn giữ được rừng và thảm thực vật nguyên sinh rất quý. Nhiều cây họ Ficus dã có hàng trăm năm, hàng ngàn năm tuổi với nhiều kiểu dáng tuyệt đẹp.

       Những cây kiểng cổ thụ này rễ và thân cây ôm chặt vào đá để chịu đựng phong ba. Trên hòn có điểm phục vụ ăn uống các đặc sản như hàu nướng, mực nướng hoặc xào, cua đá…

       Trên những hòn đá gập ghềnh quanh hồn, nơi hằng hà sa số hàu bám vào chân đá, một vài ngư dân với nón lá đội trên đầu cần mẫn câu từng con cá. Cảnh quan đặc sắc giúp Hòn Đá Bạc trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, là nơi thư giãn tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng. Hòn Đá Bạc đã được ngành văn hóa thông tin Cà Mau hoàn thành hồ sơ đề nghị nhà nước xét công nhận di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

icon-date
Xuất bản : 19/04/2021 - Cập nhật : 19/04/2021
/* */ /* */
/*
*/