logo

Thơ tự do là gì?

Đề bài: Thơ tự do là gì?


Trả lời:

    Thơ tự do (tiếng Pháp: vers libre) là hình thức cơ bản của thơ, phân biệt với thơ cách luật ở chỗ không bị ràng buộc vào các quy tắc nhất định về số câu, số chữ, niêm đối,… Nhưng thơ tự do lại khác thơ văn xuôi ở chỗ văn bản có phân dòng và xếp song song thành hàng, thành khổ như những đơn vị nhịp điệu, có thể có vần.

    Thơ tự do là thơ phân dòng nhưng không có thể thức nhất định và không quy định số lượng từ trong một câu, cũng như không cần có vần liên tục.

Cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về loại thơ này nhé:


1. Cấu trúc thế giới hình tượng trong thơ tự do

    Hình tượng nghệ thuật là phương thức để nhà thơ nhận thức và phản ánh đời sống. Trong sáng tác văn học, hình tượng là toàn bộ thế giới khách quan được nhà thơ chắt lọc, phản ánh vào tác phẩm của mình. Để xây dựng hình tượng trong thơ, nhà thơ phải đi từ chi tiết, hình ảnh của cuộc sống đến tứ thơ, ngôn ngữ thơ. Cấu trúc hình tượng trong thơ  tự do đặc biệt chú ý đến tứ thơ. Giữa tứ thơ và thể thơ có một mối quan hệ mật thiết. Nhà thơ Huy Cận có lần viết: “Không phải tứ thơ nào cũng có thể khuôn vào bất cứ hình thức thể loại nào. Trong  đời làm thơ của tôi, tôi phải thay áo mấy lần cho thơ, phải đổi thể loại thì tứ thơ mới hiện ra được”. Như vậy tứ thơ phải đầu thai đúng thể loại thì mới làm sống dậy thế giới hình tượng thơ. Là một thể thơ mang đậm cảm xúc chủ quan, trong thơ tự do, tứ thơ bao giờ cũng được nảy sinh trên cơ sở cảm xúc và có chức năng biểu hiện cảm xúc ấy qua hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật. Do vậy, tiếp cận tác phẩm thơ tự do là cần phải xác định tứ thơ và sự vận động của hình tượng thơ, có như vậy mới có thể chiếm lĩnh được toàn bộ bài thơ trong tính chỉnh thể của nó.

[Chuẩn nhất] Thơ tự do là gì ngắn gọn, chính xác nhất
Học thơ tự do với những phương pháp riêng

2. Nhịp điệu 

    Thơ là một thể loại thể hiện nhịp điệu tâm hồn và nhịp điệu cuộc sống một cách hữu hiệu nhất. Nhịp điệu cuộc sống là cơ sở để khơi gợi nhịp điệu cảm xúc trong tâm hồn nhà thơ. Thường khi nói đến nhịp điệu thơ, chúng ta thường nghĩ tới cách tổ chức câu thơ đoạn thơ, tiết tấu, âm thanh… trong bài thơ. Tuy nhiên nhịp điệu không thuần túy chỉ là hình thức ngắt nhịp ngôn từ có tính chất hình thức mà còn là nhịp điệu của cảm xúc, nhịp điệu bên trong của tâm hồn nhà thơ. Thơ tự do tạo điều kiện nhiều nhất để thơ có vẻ riêng về nhịp điệu. Vẻ riêng trong nhịp điệu của thơ tự do có sự hòa điệu giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan, do vậy nó vừa là nhịp điệu của hình thức bên ngoài, vừa là nhịp điệu bên trong, là nhịp điệu của cảm xúc, của những rung động của nhà thơ trước bức tranh đời sống. Do vậy, nhịp điệu trong thơ tự do không có sự định tính trước như trong thơ cách luật mà luôn có sự co giãn theo cảm xúc chủ quan của nhà thơ.


3. Ngôn ngữ thơ tự do

    Ngôn ngữ là nơi kí thác của hình tượng thơ. Ngôn ngữ thơ là một kiểu cấu tạo đặc biệt của ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ thơ tự do và ngôn ngữ thơ cách luật đều là ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng điểm khác nhau là ở chỗ, nếu ngôn ngữ thơ cách luật là ngôn ngữ phải tuân theo vần luật, thanh bằng trắc thì ngôn ngữ thơ tự do gần hơn với ngôn ngữ, lời nói của đời thường, ngôn ngữ văn xuôi. Có nghĩa là ngôn ngữ thơ tự do mang vẻ đẹp giản dị, chân chất, mang hơi thở của đời sống. Điều này xuất phát từ chỗ thơ tự do luôn có xu hướng đi gần về với cuộc sống.

    Tuy nhiên ngôn ngữ thơ tự do gần gũi chứ không phải là ngôn ngữ đời thường, bởi đó là thứ ngôn ngữ đã được chắt lọc, được kết tinh từ cuộc sống, là thứ ngôn ngữ được viết ra từ độ chín của cảm xúc. Do vậy nó luôn đòi hỏi phải có độ căng của cảm xúc, chứa đựng những âm vang của sự sống.

    Thơ tự do không phải là một hình thức định trước trong quá trình sáng tác mà đó là sự tìm đến tất yếu khi tâm hồn nhà thơ đạt đến độ nhuần chín, ở đó độc giả như được trải lòng trong những trạng thái cảm xúc tế vi của người nghệ sĩ. Không chỉ tự do trong hình thức câu thơ, thể thơ này còn kéo dài biên độ của đoạn thơ, bài thơ. Đó là khi cái tôi có nhu cầu bộc bạch đến cạn cùng nguồn cảm xúc thẩm mĩ, khi tiếng nói bức bối của chủ thể trữ tình gần như không thể kiềm nén.


4. Một bài “Thơ Tự Do hay” đòi hỏi những gì ?

a. Phải tinh gọn :

- Không được thừa những gì “dư thừa”, tuyệt đối tránh những từ “thì, và, là, mà, cũng, vẫn, để, nhưng, vì, vì thế, dù, dẫu ....v.v.....”

- Không được trùng lặp về cả từ lẫn ý ( Xin lưu ý là Điệp Ngữ là một thủ thuật Mỹ từ pháp như ánh sao trên trời, còn Trùng lặp chỉ là một cách diễn đạt tầm thường , như chân vịt trên mặt bùn vậy : Cả hai thứ “sao trên trời” và “chân vịt trên mặt bùn” đều có 5 cánh, nhưng khác nhau nhiều, nhiều lắm !!!)

- Không sử dụng những từ “lạc lõng” trong một tổng thể thống nhất.

b. Phải phong phú:

- Không được thiếu những thứ không thể thiếu : hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ẩn dụ, dẫn suy v.v....

- Phải phối trí hài hoà trong một bố cục linh động không định trước

- Những hình ảnh, âm thanh, màu sắc ấy khó hơn nữa, không chỉ là những hình ảnh, âm thanh, màu sắc thông thường, mà còn phải là biểu tượng cho một khái niệm trừu tượng, vô hình, siêu thực nào đó nữa (Con nhện, chẳng hạn, không những là một con nhện ..., mà còn phải đại diện cho một ý tưởng nào đấy phù hợp với mạch thơ nữa !)

c. Âm thầm đòi hỏi một tiết tấu phù hợp với bài thơ, ý thơ :

- Tiết tấu nhanh chậm, hoặc thúc hối, hoặc thư thả : mỗi tiết tấu đòi hỏi một thủ pháp riêng biệt.

- Tiết tấu liền lạc, du dương : Dù không có quy tắc cố định về vần (gieo vần ở đâu cũng được, tuỳ ý người viết), nhưng tính chất của một bài thơ vẫn âm thầm đòi hỏi phải có tiết tấu liền lạc, du dương. Nghĩa là các câu vẫn phải ăn vần với nhau ở ... chỗ thích hợp (!). Chỗ nào là ... chỗ thích hợp ? Chỉ những người có năng khiếu về thơ ca, hoặc những người đã từng lăn lóc với thơ nhiều năm mới biết được chỗ nào là chỗ thích hợp nhất để gieo vần mà thôi ! Và điều này cũng chẳng có một nguyên tắc nào để tổng kết được cả, thường là chỉ dựa trên ... “cảm nhận” mà thôi.

- Tiết tấu bổng trầm : Để câu thơ không vấp phải lỗi “khổ độc” (khó đọc) , cũng như để đạt được mức độ “êm tai, thánh thót”, mỗi câu thơ dù không tuân theo quy luật nào đi nữa, vẫn phải âm thầm chấp nhận quy tắc “DẠNG SÓNG”, tức “HÌNH SIN”, nói theo kiểu cũ thì đó là luật “Nhị Tứ Lục đảo thanh phân minh”. Nghĩa là nếu chữ thứ hai vần Trắc, thì chữ thứ tư vần Bằng, chữ thứ sáu lại vần Trắc; và ngược lại


5. Phân Loại các thể loại Thơ Tự Do

   Dù là dựa trên hình thức hiển thị hay nội dung hàm chứa, thì Thơ Tự Do nói chung có thể tạm phân chia thành 3 loại :

- Thơ Tự Do hướng cổ điển

- Thơ Tự Do hướng hiện đại

- Thơ Tự Do hướng tạp lục

icon-date
Xuất bản : 25/09/2021 - Cập nhật : 27/02/2022