Câu hỏi:
Tại sao quy luật giá trị lại có tác động kích thích lực lượng sản xuất phát triển và làm cho năng suất lao động tăng lên?
Lời giải:
– Hàng hóa được sản xuất ra có giá trị cá biệt khác nhau, nhưng trên thị trường lại được trao đổi mua bán theo giá trị xã hội của hàng hóa.
– Trong điều kiện đó, người sản xuất, kinh doanh muốn không bị phá sản, đứng vững và chiến thắng trên thương trường để thu được nhiều lợi nhuận, họ phải tìm cách cải tiến kĩ thuật, nâng cao tay nghề của người lao động; hợp lí hóa sản xuất, thực hành tiết kiệm.
– Việc cải tiến kĩ thuật lúc đầu còn lẻ tẻ, về sau mang tính phổ biến trong xã hội. Kết quả là làm cho kĩ thuật, lực lượng sản xuất và năng suất lao động xã hội được nâng cao.
Cùng Top lời giải tìm hiểu thêm nhé!
– Giá trị sử dụng là một trong hai thuộc tính của hàng hóa, là công dụng của hàng hóa đó có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người. Ví dụ: áo để mặc, gạo để ăn, xe để đi lại,…
– Giá trị là thuộc tính thứ 2 của hàng hóa, là lao động xã hội của người sản xuất kết tinh trong hàng hóa đó.
– Giá trị trao đổi là mối quan hệ tỷ lệ về lượng mà giá trị sử dụng này trao đổi với giá trị sử dụng khác.
– Giá cả là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị.
– Thời gian lao động cá biệt là thời gian lao động của một cá nhân hay một tổ chức sản xuất để tạo ra một đơn vị hàng hóa.
– Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa trong điều kiện bình thường của xã hội với trình độ thiết bị kỹ thuật trung bình, trình độ tay nghề trung bình và cường độ lao động trung bình.
Giá trị hàng hóa được đo bằng lượng lao động kết tinh trong hàng hóa đó.
Còn lượng lao động thì được đo bằng thời gian lao động, thời gian lao động thì được đo bằng các thành phần nhất định của thời gian như: giờ, ngày, tháng…
Các-Mác (1818 – 1883) – nhà triết học Mác-Xít lỗi lạc, là người đầu tiên phát hiện ra Quy luật giá trị và trình bày quy luật này trong tác phẩm “Góp Phần Phê Phán Môn Chính Trị Kinh Tế Học” vào tháng 6/1859.
Dưới nền sản xuất tự cung tự cấp thì quy luật giá trị chưa xuất hiện.
Nhưng khi phân công lao động xã hội xuất hiện, đồng thời sự tách biệt tương đối về kinh tế giữa những người sản xuất hình thành, tạo điều kiện cho nền sản xuất hàng hóa ra đời thì cũng là lúc Quy luật giá trị xuất hiện, hình thành và phát triển cho đến ngày nay.
Khác với nền sản xuất tự cung tự cấp thì nền sản xuất hàng hóa ra đời với mục đích là trao đổi, mua bán hàng hóa.
Vì việc trao đổi và mua bán hàng hóa dựa trên giá trị và giá cả của hàng hóa nên sẽ chịu sự chi phối của quy luật giá trị.
Quy luật giá trị là một trong những quy luật kinh tế quan trọng cơ bản của nền kinh tế hàng hóa, ở đâu có sản xuất trao đổi hàng hóa thì ở đó có sự tác động của quy luật giá trị.
Nếu các chủ thể kinh tế hiểu rõ và vận dụng linh hoạt quy luật này vào trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình thì không những mang lại lợi nhuận cho bản thân mình mà còn góp phần nâng cao chất lượng của lực lượng sản xuất, đảm bảo lợi ích cho nền kinh tế và toàn xã hội.
* Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa
Điều tiết sản xuất tức là điều hoà, phân bổ các yếu tố sản xuất giữa các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Tác lộng này của quy luật giá trị thông qua sự biến động của giá cả hàng hoá trên thị trường dưới tác động của quy luật cung - cầu.
* Nếu cung nhỏ hơn cầu, thì giá cả lớn hơn giá trị, nghĩa là hàng hóa sản xuất ra có lãi, bán chạy. Giá cả cao hơn giá trị sẽ kích thích mở rộng và đẩy mạnh sản xuất để tăng cung; ngược lại cầu giảm vì giá tăng.
* Nếu cung lớn hơn cầu, sản phẩm sản xuất ra quá nhiều so với nhu cầu, giá cả thấp hơn giá trị, hàng hóa khó bán, sản xuất không có lãi. Thực tế đó, tự người sản xuất ra quyết định ngừng hoặc giảm sản xuất; ngược lại, giá giảm sẽ kích thích tăng cầu, tự nó là nhân tố làm cho cung tăng.
* Cung cầu tạm thời cân bằng; giá cả trùng hợp với giá trị. Bề mặt nền kinh tế người ta thường gọi là “bão hòa”.
Tuy nhiên nền kinh tế luôn luôn vận động, do đó quan hệ giá cả và cung cầu cũng thường xuyên biến động liên tục.
Như vậy, sự tác động trên của quy luật giá trị đã dẫn đến sự di chuyển sức lao động và tư liệu sản xuất giữa các ngành sản xuất khác nhau. Đây là vai trò điều tiết sản xuất của quy luật giá trị.
+ Điều tiết lưu thông của quy luật giá trị cũng thông qua diễn biến giá cả trên thị trường. Sự biến động của giá cả thị trường cũng có tác dụng thu hút luồng hàng từ nơi giá cả thấp đến nơi giá cả cao, do đó làm cho lưu thông hàng hoá thông suốt.
Như vậy, sự biến động của giả cả trên thị trường không những chỉ rõ sự biến động về kinh tế, mà còn có tác động điều tiết nền kinh tế hàng hoá.
* Kích thích lực lượng sản xuất phát triển và năng suất lao động tăng lên
Người sản xuất, kinh doanh muốn thu nhiều lợi nhuận phải tìm cách cải tiến kĩ thuật, tăng năng suất lao động, nâng cao tay nghề của người lao động, hợp lí hóa sản xuất, thực hành tiết kiệm…làm cho giá trị hàng hóa cá biệt của họ thấp hơn giá trị xã hội của hàng hóa à làm cho kĩ thuật, lực lượng sản xuất và năng suất lao động xã hội được nâng cao.
* Phân hóa giàu – nghèo giữa những người sản xuất hàng hóa
- Trong nền sản xuất hàng hóa, điều kiện sản xuất của từng người là khác nhau.
- Những người có điều kiện sản xuất thuận lợi, có trình độ, kiến thức cao, trang bị kĩ thuật tốt nên có hao phí lao động cá biệt thấp hơn hao phí lao động xã hội cần thiết => giàu lên => tiếp tục mở rộng sản xuất.
- Những người không có điều kiện sản xuất thuận lợi, năng lực quản lí sản xuất kém, gặp rủi ro nên bị thua lỗ dẫn tới phá sản => nghèo khó.
=> Đây là một trong những mặt hạn chế của quy luật giá trị cần được tính đến khi vận dụng nó ở nước ta hiện nay.