logo

Tại sao nói văn minh phương đông là văn minh nông nghiệp

Câu hỏi: Tại sao nói văn minh phương đông là văn minh nông nghiệp?

Lời giải: 

Nói văn minh phương đông là văn minh nông nghiệp vì:

       - Tính chất nông nghiệp, sông nước là đặc điểm nổi bật nhất, là bản sắc dễ thấy nhất của văn minh phương Đông. Đặc điểm này thuộc về loại hình văn minh: Văn minh phương Đông chủ yếu là văn minh gốc nông nghiệp, trong khi văn minh phương Tây chủ yếu thuộc loại hình gốc du mục và thương nghiệp. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là trong văn minh phương Đông không có các yếu tố du mục và thương nghiệp nhưng nhìn một cách tổng thể thì tính chất nông nghiệp, tính sông nước là nét chủ đạo.

Cùng Top lời giải tìm hiểu chi tiết về văn minh phương đông nhé


1. Điều kiện địa lí tự nhiên của các quốc gia phương Đông

[CHUẨN NHẤT] Tại sao nói văn minh phương đông là văn minh nông nghiệp

       - Nói chung đều thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Biểu hiện rõ nhất của các điều kiện này là sự có mặt của những con sông lớn: Sông Nile ở Bắc Phi; sông Tigrơ, sông Ơphơrat ở Tây Á; sông Ấn (Hindus), sông Hằng (Gangga) ở Ấn Độ; sông Hoàng Hà, sông Dương Tử (Trường Giang) ở Trung Quốc; sông Mekong ở bán đảo Trung - Ấn, sông Menam ở Thái Lan, sông Hồng ở Trung Quốc, Việt Nam, v.v. Lưu vực các con sông này tạo ra những đồng bằng rộng lớn, vựa lúa của phương Đông và thế giới. Và cũng chính từ các dòng sông ấy đã xuất hiện các nhà nước cổ đại – các nền văn minh phương Đông. 

       - Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đưa ra các cụm từ như “văn minh sông Nile”, “văn minh sông Hoàng Hà, Trường Giang”, “văn minh sông Ấn-sông Hằng”, v.v. Có thể nói, ngay từ đầu, văn minh phương Đông đã là văn minh nông nghiệp. Và đặc điểm này “đeo đuổi” văn minh phương Đông cho đến tận ngày nay.

       - Như vậy rõ ràng là sản xuất nông nghiệp gắn chặt với các quốc gia phương Đông, và đó là cơ sở tạo ra tính chất nông nghiệp- sông nước của văn minh phương Đông.


2. Tính chất nông nghiệp 

       - Được  thể hiện ở rất nhiều bình diện văn minh và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của các nền văn minh phương Đông.

       - Những biểu hiện của tính chất nông nghiệp-sông nước của văn minh phương Đông rất đa dạng. Có thể nêu ra ở đây một vài ví dụ.

       - Trước hết xin nói về văn hoá vật chất liên quan đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, đó là ăn, mặc, ở, đi lại.

       - Nguồn lương thực chính của người phương Đông chủ yếu là lúa gạo và các loại ngũ cốc do nền sản xuất nông nghiệp tạo ra. Người phương Đông thường ăn cơm với các loại thực phẩm mang tính tự cung tự cấp như rau, cá và một số loại thịt gia cầm. Các loại gia vị, hương liệu như ớt, tiêu, rau thơm, cari, v.v. vốn là sản phẩm của sản xuất nông nghiệp cũng được dùng phổ biến ở nhiều nơi.

       - Cách ăn mặc của cư dân phương Đông cũng phù hợp với công việc sản xuất nông nghiệp: Nói chung mặc ấm về mùa lạnh (hoặc ở xứ lạnh) và mát mẻ về mùa nóng (hoặc ở xứ nóng); mặc gọn gàng, tiện lợi (khố, váy, v.v.).

       - Nói chung, trừ một số khu vực dân cư theo loại hình kinh tế du mục nên ở lều di động, đa số cư dân còn lại sống trong một ngôi nhà cố định. Đó có thể là nhà “nửa nổi nửa chìm”, tức là đào sâu xuống lòng đất một chút, hoặc là ngôi nhà sàn tiện lợi về mọi mặt.

       - Trong số các phương tiện đi lại thì thuyền phổ biến ở nhiều nơi, và hình thức di chuyển này ở phương Đông rõ ràng trước hết gắn với sông nước, sau đó mới đến yếu tố thương mại.

       - Tính chất nông nghiệp của văn minh phương Đông còn được biểu hiện ở các tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá dân gian rất độc đáo của cư dân phương Đông.

       - Có thể nói bao trùm lên đời sống cư dân nông nghiệp phương Đông là niềm tin tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hoá dân gian như lễ hội... Tín ngưỡng là cội nguồn của lễ hội. Lễ hội vừa là dịp tiến hành các nghi lễ có tính ma thuật để cầu xin thần linh giúp đỡ, xua đuổi tà ma, vừa là dịp để người dân vui chơi giải trí.

       - Trong số các loại tín ngưỡng tồn tại ở phương Đông, phổ biến nhất là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ở thời kì sơ khai khi khoa học kĩ thuật chưa phát triển, gần như tất cả đều phụ thuộc vào thiên nhiên, vào ý Trời. Vì vậy, ở khắp nơi, từ Đông Bắc Phi-Tây Á đến lưu vực sông Hoàng Hà rộng lớn v.v. đâu đâu người ta cũng thờ cúng các vị Thần liên quan đến sản xuất nông nghiệp như Thần Mặt trời, Thần Đất, Thần Nước, Thần Lúa, Thần Gió, Thần Sông...

       - Gắn liền với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên là hàng loạt các lễ hội nông nghiệp như lễ hội té nước, lễ hội cầu mưa, cầu nắng, hội đua thuyền, lễ tịch điền, lễ hội mừng được mùa...

       - Nông nghiệp gắn liền với nông thôn. Tính chất nông nghiệp của phương Đông được nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển trong một mô hình xã hội đặc biệt: mô hình làng xã. Các công xã nông thôn, theo cách nói của K. Marx, có ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống của cư dân nông nghiệp phương Đông.


3. Những đặc điểm mang màu sắc Phương Đông

       - Do các quốc gia cổ đại phương Đông ra đời ở thời kì mà sức sản xuất xã hội đang còn ở trình độ thấp kém, tức là ở giai đoạn cuối của thời đại đồ đá mới, nên xã hội chiếm hữu nô lệ không thể phát triển nhanh chóng, khiến các quốc gia đó, nói chung, không trở thành những xã hội chiếm hữu nô lệ phát triển thành thục và điển hình.

       - Sự tồn tại dai dẳng và ngoan cố của các tổ chức công xã nông thôn, tàn tích của xã hội thị tộc thời nguyên thuỷ, và sự phát triển rất yếu ớt của chế độ tư hữu về ruộng đất trong các xã hội cổ đại phương Đông.

       - Sự bảo tồn lâu dài của chế độ nô lệ gia trưởng và của các hình thức áp bức, bóc lột kiểu gia trưởng, việc sử dụng lao động của nô lệ chưa được phổ cập trong các ngành sản xuất xã hội và vai trò của nô lệ trong sản xuất kinh tế chưa chiếm vị trí chủ đạo. Nô lệ phương Đông không phải là lực lượng chính làm ra của cải vật chất. Tuyệt đại đa số nô lệ được sử dụng để hầu hạ, phục dịch trong các gia đình quan lại, chủ nô quyền quý. 

       - Sự xuất hiện và phát triển mạnh của một hình thức tổ chức nhà nước đặc biệt - nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền – gọi là chủ nghĩa chuyên chế phương Đông. Các quốc gia phương Đông sở dĩ thiết lập được thiết chế chính trị này bởi vua các nước đó nắm được quyền sở hữu tối cao về ruộng đất và về thần dân trong cả nước. 

       - Tóm lại, với bộ máy bạo lực to lớn, với việc đề cao đến mức thần thánh hoá nhà vua, các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã phục vụ đắc lực cho giai cấp chủ nô, bảo vệ quyền lợi và tài sản của giai cấp thống trị, đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân, giữ vững địa vị thống trị của chủ nô. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng các nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông đã làm nòng cốt cho nhân dân xây dựng, phát triển được những nền văn hoá đa dạng, độc đáo, với nhiều thành tựu rực rỡ về chữ viết, văn học nghệ thuật, khoa học tự nhiên, triết học, v.v. và hàng loạt những công trình văn hoá vật chất đồ sộ vẫn sống mãi với thời gian. Những thành tựu văn hoá rực rỡ ấy đã làm cho các quốc gia cổ đại phương Đông trở thành những trung tâm của các nền văn minh thế giới cổ đại.

icon-date
Xuất bản : 15/08/2021 - Cập nhật : 15/08/2021