logo

Tác giả - Tác phẩm: Mẹ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

Khái quát Tác giả - Tác phẩm: Mẹ bao gồm giới thiệu tác giả Đỗ Trung Lai và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật tác phẩm Mẹ - SGK Văn 7

Mẹ


I. Giới thiệu tác giả Đỗ Trung Lai

Nhà thơ, nhà báo Đỗ Trung Lai, tuổi Canh Dần (1950), quê Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây (cũ). Ông tốt nghiệp khoa Vật Lý Đại học Sư phạm HN, vào lính sư 338; sau dạy học trong quân đội về làm báo Quân đội ND, Phó TBT Thường trực báo Tiếng nói Việt Nam. Ngoài làm báo, làm thơ, vẽ tranh ông còn dịch thơ Đường, cuốn “100 nhà thơ Đường” đồ sộ gần 1.000 trang của ông là một công trình lớn. Ông được giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1994 với tập thơ “Đêm sông Cầu”. Thơ Đỗ Trung Lai là giọng thơ truyền thống trữ tình đằm thắm nhưng gửi gắm nhiều tâm sự, triết lý nhẹ nhàng, tự nhiên.

Tác giả - Tác phẩm: Mẹ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

Ông nổi tiếng với bài thơ đầu tiên trong đời "Đêm sông Cầu" (được nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ thành bài hát "Tình yêu bên dòng sông quan họ"). "Đêm sông Cầu" cũng là tên một tập thơ đã mang về cho Đỗ Trung Lai giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1994.


II. Khái quát tác phẩm Mẹ


1.Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được in trong tập thơ Đêm sông Cầu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2003.


2. Thể loại 

Bài thơ được viết theo thể thơ 4 chữ

Thơ tứ ngôn (Thơ 4 chữ): Là loại thơ có thể gọi là đơn giản nhất về niêm luật, bởi vì luật bằng trắc chỉ được áp dụng cho chữ thứ 2 và chữ thứ 4 trong câu mà thôi. Tuy nhiên, nếu người viết không biết vận dụng ngôn từ một cách khéo léo thì rất dễ trở thành 1 bài vè. Bởi vậy, thơ 4 chữ là thể thơ dễ làm nhưng khó hay.


3. Bố cục

Bố cục bài thơ Mẹ:

+ Câu 1 - Câu 14: Hình ảnh người mẹ trong sự đối sánh với hình ảnh cau.

+ Câu 15 - Câu 20: Cảm xúc của người con.


4. Giá trị nội dung

Bài thơ mượn hình ảnh cây tre quen thuộc để khắc họa mẹ. Qua đó, bài thơ thể hiện sự vất vả của cuộc đời mẹ, tình yêu thương chân thành của con dành cho mẹ và sự đau đớn, buồn tủi khi quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, dường như ngày con xa mẹ đang đến gần.

Tác giả - Tác phẩm: Mẹ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

5. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ sử dụng thể thơ 4 chữ hàm súc, kiệm lời mà hàm chứa bao tình ý sâu xa; lời thơ dung dị, tự nhiên; biện pháp nghệ thuật đối lập được sử dụng một cách hiệu quả.


III. Câu hỏi vận dụng kiến thức  bài thơ Mẹ

Câu hỏi 1: Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập (trái ngược) nhau về nghĩa. Hãy chỉ ra điều đó và cho biết cách bố trí như vậy có tác dụng gì?

Lời giải:

Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập nhau về nghĩa:

- “Còng” với “thẳng”

- “Xanh rờn” với “bạc trắng”

- “Cao” với “thấp”

- “Giời” với “đất”

→ Các cặp từ đối góp phần làm nổi bật sự tương phản giữa hình ảnh người mẹ và hàng cau quen thuộc. Qua đó, càng thấy rõ hơn tuổi già và sự gầy mòn của người mẹ theo năm tháng

Câu hỏi 2: Câu hỏi “Sao mẹ ta già?” trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện tình cảm của tác giả?

Lời giải:

Câu hỏi "Sao mẹ ta già?" trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) là một câu hỏi tu từ mang ý trách cứ cùng khát vọng mẹ được trẻ mãi, sống bên cạnh chủ thể trữ tình.

Tuy nhiên, ý trách cứ ở đây có nhiều hơn khát vọng mẹ được trẻ mãi. Ý trách cứ này trong câu hỏi bề ngoài có sự gai góc khi dám xưng với giời là "ta". "Ta" ở đây không chỉ là ngôi thứ nhất, chỉ bản thân người nói, mà còn là một sự khẳng định mang tính tự tôn. "Ta" thể hiện cho người khác biết cần có sự tôn trọng. Ấy vậy mà sự tôn trọng mong có được ấy đổi lại vẫn là mẹ phải già đi. Ẩn đằng sau sự gai góc trong câu thơ là một nỗi buồn, sự xúc động. Cái gai góc của chữ "ta" tưởng che đậy được nỗi buồn, nhưng lại càng làm cho nỗi buồn trở nên nổi bật, càng cho thấy được tình cảm mà chủ thể trữ tình dành cho mẹ. Vì thương mẹ mà buồn, mà trách cứ ông giời dù cho ai chẳng biết sinh, lão, bệnh, tử vốn là lẽ thường của đời người.

Câu hỏi 3: Nêu tác dụng miêu tả, biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong khổ thơ dưới đây:

"Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ"

(Đỗ Trung Lai)

Lời giải:

Trong khổ thơ "Một miếng... được lệ", tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh để miêu tả hình ảnh người mẹ. Hình ảnh mẹ không được miêu tả trực tiếp theo cách: "Mẹ khô gầy", mà là miêu tả gián tiếp bằng cách so sánh. Cụ thể ở đây là so sánh cau với hình ảnh của mẹ. Như vậy mẹ đã trở thành thước đo của sự "khô gầy". Tính từ "khô gầy" cho thấy dáng vẻ già nua, thiếu sức sống. "Khô gầy" hoàn toàn đối lập với "tươi tắn". Hình ảnh mẹ già khiến người con thấy bùi ngùi, xúc động. Nhưng nếu nói thẳng ra là "mẹ đã già" thì thật không còn là thơ và cũng chẳng cho thấy sự tế nhị của người con. Cách so sánh cau "khô gầy như mẹ" là một cách so sánh mang tính miêu tả, để nói rằng người mẹ có dáng vẻ "khô gầy", dáng vẻ đã già đi nhiều rồi. Cái ý tác giả muốn truyền đạt ở đây ẩn đằng sau câu chữ và biện pháp tu từ so sánh. Sự ẩn giấu ấy làm cho khổ thơ trở nên ý tứ và xúc động.

>>> Xem trọn bộ: Tác giả - Tác phẩm Văn 7 

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - Tác phẩm: Mẹ trong bộ SGK Văn 7 theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 11/07/2022 - Cập nhật : 26/07/2022