logo

Tác giả Nguyễn Du

Giới thiệu về Tác giả Nguyễn Du qua các phần Tiểu sử, Sự nghiệp sáng tác, các tác phẩm xuất sắc và các giải thưởng đạt được của Tác giả Nguyễn Du

Tác giả Nguyễn Du

I. Vài nét về tiểu sử cuộc đời Nguyễn Du

     Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc –Bắc Ninh. .Nguyễn Du ra đời trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất đương thời.

     Thuở nhỏ Nguyễn Du sống trong nhung lụa, nhưng cuộc sống này kéo dài không quá mười năm. Vì 10 tuổi đã mồ côi cha, năm 13 tuổi, mồ côi mẹ, ông và các anh em ruột phải đến sống với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản (khi ấy ông Khản đã hơn Nguyễn Du 31 tuổi)).

     Năm 1780 , khi ấy Nguyễn Du mới 15 tuổi thì xảy ra “Vụ mật án Canh Tý”: Chúa Trịnh Sâm lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử, thay cho con trưởng là Trịnh Tông. Ông Khản giúp Trịnh Tông, việc bại lộ, bị giam. Đến khi Trịnh Tông lên ngôi, ông Khản được cử lên làm Thượng thư Bộ Lại và Tham tụng. Quân lính khác phe (sử gọi là “kiêu binh”) không phục, kéo đến phá nhà, khiến ông Khản phải cải trang trốn lên Sơn Tây sống với em là Nguyễn Điều rồi về quê ở Hà Tĩnh . Thế là anh em Nguyễn Du từ bấy lâu đã đến nương nhờ ông Khản, mỗi người phải mỗi ngã.

     Năm 1783 , Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường (tú tài), sau đó không rõ vì lẽ gì không đi thi nữa. Trước đây, một võ quan họ Hà (không rõ tên) ở Thái Nguyên , không có con nên đã nhận ông làm con nuôi. Vì thế, khi người cha này mất, Nguyễn Du được tập ấm một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên.

     Năm 1786 , Tây Sơn bắt đầu đưa quân ra Bắc Hà .

     Năm 1789 , Nguyễn Huệ , một trong ba thủ lĩnh của nhà Tây Sơn đã kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi mấy vạn quân Thanh sang tiến chiếm Đại Việt . Nguyễn Du cũng chạy theo vua Lê Chiêu Thống (1766-1793) nhưng không kịp, đành trở về quê vợ , quê ở Quỳnh Côi ở Thái Bình , sống nhờ nhà người anh vợ là danh sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?).

     Được vài năm, Nguyễn Du về Nghệ An. Năm 1796 , nghe tin ở Gia Định , chúa Nguyễn Ánh (1762-1819) đang hoạt động mạnh, ông định vào theo, nhưng chưa đi khỏi địa phận Nghệ An thì đã bị quân Tây Sơn do tướng Nguyễn Thuận chỉ huy, bắt giữ ba tháng. Trở về Tiên Điền (Hà Tĩnh), ông sống chật vật một thời gian dài cho đến mùa thu năm 1802 , khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long , thì ông được gọi ra làm quan cho nhà Nguyễn.

     Năm 1802, ông nhậm chức Tri huyện tại huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên ). Tháng 11 cùng năm, đổi làm Tri phủ Thường Tín ( Hà Tây , nay thuộc Hà Nội ).

     Kể từ đó, Nguyễn Du lần lượt đảm đương các chức việc sau:

Năm 1803 : đến cửa Nam Quan tiếp sứ thần nhà Thanh , Trung Quốc .

Năm 1805 : thăng hàm Đông Các điện học sĩ.

Năm 1807 : làm Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương.

Năm 1809 : làm Cai bạ dinh Quảng Bình .

Năm 1813 : thăng Cần Chánh điện học sĩ và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc.

     Sau khi đi sứ về vào năm 1814 , ông được thăng Hữu tham tri Bộ Lễ.

     Năm 1820 , Gia Long mất, Minh Mạng (1791-1840) lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột (trong một trận dịch khủng khiếp làm chết hàng vạn người lúc bấy giờ) ở kinh đô Huế vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn tức 18 tháng 9 năm 1820 . Lúc đầu (1820), Nguyễn Du được táng ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền , tỉnh Thừa Thiên . Bốn năm sau mới cải táng về Tiên Điền (Hà Tĩnh).

     Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965) . Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.


Về gia đình và dòng họ

     Thời Lê sơ, họ Nguyễn của Nguyễn Du vốn ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Bấy giờ họ này có một người là Nguyễn Thiến, đậu trạng nguyên dưới thời nhà Mạc (1532), sau theo giúp nhà Lê, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, Đông các đại học sỹ, được phong tước Thư Qụân Công. Ông có hai người con trai là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn, đều được phong tước công. Gặp hoạ, Nguyễn Nhiệm, con Nguyễn Miễn trốn được, chạy vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mai danh ẩn tích và sinh cơ lập nghiệp ở đấy. Bấy giờ vùng này còn hết sức hoang vắng. Người địa phương không biết tên, gọi ông là Nam Dương công. Đó là ông tổ của họ Nguyễn làng Tiên Điền. Từ đời Nam Dương công đến đời Nguyễn Nghiễm, ông thân sinh của Nguyễn Du, tất cả là sáu đời.

     Nguyễn Nghiễm, cha Nguyễn Du sinh ngày 14 tháng 3 nhuận năm Mậu tý, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư, tức ngày 14/5/1708. Ông thông minh học rộng, làm quan từng giữ chức Tể tướng trong triều đình. Lúc ấy người con đầu của ông là Nguyễn Khản được bổ chức Nhập thị bồi tụng, hai cha con cùng ở trong chính phủ. Ông mất ngày 17 /11 năm Ất mùi, tức ngày 07/0/1776, có cả thảy tám người vợ và hai mươi mốt người con, cả trai lẫn gái.

     Mẹ Nguyễn Du là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, tên là Trần Thị Tần, con gái một ông làm chức câu kê (kế toán), người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bà sinh ngày 03 tháng 7 năm Canh thân, niên hiệu Cảnh Hưng, tức ngày 24/8/1740, trẻ hơn chồng mười hai tuổi. Mẹ Nguyễn Du sinh được tất cả năm người con, bốn trai một gái. Năm 1775 người con đầu của bà là Nguyễn Trụ mất mới mười tám tuổi, năm sau chồng mất. Hai cái tang kế tiếp nhau trong hai năm liền làm cho bà đau buồn, lâm bệnh, và hai năm sau khi chồng mất, bà cũng qua đời ngày 06/7 năm Mậu tuất, tức ngày 17/8/1778, mới ba mưoi chín tuổi.

     Gia đình cũng như dòng họ Nguyễn Du có rất nhiều người làm quan dưới triều Lê - Trịnh. Người địa phương có câu ca dao nói về dòng họ này:

“Bao giờ ngàn Hống hết cây,

Sông Rum hết nước, họ này hết quan”.

     Nhưng gia đình Nguyễn Du không phải chỉ có nhiều người làm quan, mà còn có nhiều người viết sách, làm văn, nghĩa là một gia đình có truyền thống về văn học. Nguyễn Quỳnh ông nội Nguyễn Du là một nhà triết học chuyên nghiên cứu Kinh Dịch. Nguyễn Nghiễm một sử gia, đồng thời là một nhà thơ. Nguyễn Khản anh cả Nguyễn Du giỏi thơ Nôm, hay làm thơ đối đáp với Trịnh Sâm. Tương truyền Nguyễn Khản là một trong những người có dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra tiếng Việt. Rồi Nguyễn Đề anh cùng mẹ với Nguyễn Du, Nguyễn Thiện cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột, Nguyễn Hành em ruột Nguyễn Thiện đều là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.

     Vốn nổi tiếng thông minh, lại được kế thừa truyền thống của một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có nhiều người sáng tác văn chương, kết hợp với những trải nghiệm cuộc đời từng sống sung túc cũng như từng nếm trải thăng trầm, bôn ba vất vả, rồi trải nghiệm của lần đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã hoàn thiện và nâng tầm khái quát trong tư tưởng về xã hội và thân phận con người trong các sáng tác văn chương, ông luôn cảm thấy đau lòng vì nhân tình thế thái, tâm hồn nghệ sĩ của ông quá nhạy cảm trước nỗi đau khổ lớn lao của con người trong xã hội chuyên chế, nên nhà thơ đã hướng ngòi bút vào hiện thực vừa t rải qua một cuộc bể dâu để ghi lại những điều trông thấy mà đau đớn lòng .

        Với các yếu tố quê hương, gia đình, thời đại đã tác động rõ rệt đối với sự hình thành thiên tài văn học ở Nguyễn Du. Nguyễn Du để lại cho hậu thế vốn liếng văn chương đồ sộ: gồm ba tập thơ chữ Hán với 249 bài: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục ; và những sáng tác bằng chữ Nôm tiêu biểu: Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn), Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai Phường Nón và Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh). Toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Du đều chứa chan tình yêu thương đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ.

        Giáo sư Nguyễn Lộc nhận định: “Có thể tìm thấy một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du từ thơ chữ Hán đến Truyện Kiều, Văn Chiêu hồn. Nguyễn Du trở thành vĩ đại chính vì Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa. Mặc dù xuất thân từ giai tầng quý tộc, nhưng Nguyễn Du đã lăn lộn nhiều trong cuộc sống của quần chúng, đã lắng nghe được tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng… Thơ Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán đều đạt đến trình độ điêu luyện…”.

        Năng khiếu văn chương, vốn sống phong phú kết tinh ở một trái tim yêu thương vĩ đại đối với con người trong một bối cảnh lịch sử cụ thể đã tạo nên thiên tài Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới./.


II. Sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du

     Nguyễn Du là người có trình độ học vấn cao, ông có thể thành thục rất nhiều thể thơ của Trung Quốc từ thơ lục bát, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành… Chính vì vậy thơ văn của ông chứa đầy những cảm xúc và thể thơ nào ông cũng có bài ấn tượng sâu sắc với nhân loại.


Những nghệ thuật trong thơ Nguyễn Du

     Sống trong cuộc đại chiến khi đất nước hoạn nạn và gặp nhiều khó khăn, thơ văn Nguyễn Du phản ánh khái quát được bản chất tàn bạo của xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Bằng ngòi bút sắc bén ông đã vẽ ra cho chúng ta thấy sự bất công, chà đạp lên người lao động, quyền sống của con người.

     Là một người có đủ nghề cầm, kỳ, thi, họa ông đã khắc lên một bức tranh đầy cảm xúc cho người đọc bằng tình thương, đề cao quyền sống, quyền tự do và khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội trọng nam của triều đại ngày ấy.

     Nguyễn Du là người đầu tiên trong thời trung đại có thể nhìn thấu được thân phận người phụ nữ có sắc, có tài mà bạc phận khi phải sống trong cuộc sống đầy sự mưu mô toan tính.

     Dòng văn của ông chủ yếu bao quát về nhân sinh - thế sự, ít có bài nào nói về quốc gia.


Những tác phẩm văn học nổi tiếng

     Nguyễn Du nổi tiếng với tác phẩm Truyện Kiều mà trong chúng ta ai cũng đã từng đọc qua và ghi nhớ một vài câu thơ.

     Tác phẩm Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác dựa trên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vào những năm 1814-1820 khi ông đi Trung Quốc. Truyện gồm có 3254 câu thơ viết ở thể thơ Lục bát

     Năm 1871 và 1872 ở thời vua Tự Đức 2 bản in truyện Kiều được phát hành và được sự đón nhận của cộng đồng nhân dân lúc này.

     Hiện nay, tác phẩm Truyện Kiều được xem là một trong những cuốn truyện thơ nổi tiếng và kinh điển nhất trong văn học Việt Nam.

     Truyện kể về cuộc đời của Thúy Kiều, từ cô gái xinh xắn nết na, tài sắc vẹn toàn vì phải cứu cha và em trai mà cô phải bán thân. Không may gặp Sở khanh và bị bán và ép làm kỹ nữ cuộc đời cô bước sang trang sách mới. Chúng ta có thể đọc “Truyện Kiều” để hiểu chi tiết hơn.

     Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm để đời như Thanh Hiên thi tập ( tập thở của Thanh Hiên, gồm 78 bài ông viết trong những năm 1786-1804), Nam Trung tạp ngâm ( ngâm nga lặt vặt lúc ông ở miền Nam gồm 40 bài), Bắc hành tạp lục (ghi chép lung tung khi ông hành sứ sang phương bắc, gồm 131 bài thơ), văn chiêu hồn, văn tế sống Trường Lưu nhị nữ.

     Những tác phẩm mà ông để lại xứng đáng sánh ngang tầm với văn học nước ngoài, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều. Ở bất cứ tầng lớp nào, mọi người cũng có thể cảm nhận được tình người, thấy rõ được xã hội đồng tiền và vật chất quan trọng như thế nào trong những câu thơ.

     Nguyễn Du là một nhà thi hào dân tộc, ông luôn sống hết mình vì đất nước, chất chứa tình thương yêu với con người, khát khao mãnh liệt cuộc sống bình yên cho dân tộc, đất nước.

     Hiện nay, Nguyễn Du là một trong những danh nhân dân tộc được thế giới tôn vinh. Để tưởng nhớ đến ông, ngày nay mọi người lấy tên ông đặt tên trường và các con đường lớn để khắc sâu và ghi nhớ về ông.


Vài nét về tác phẩm truyện Kiều – tác phẩm tiêu biểu nhất của đại thi hào Nguyễn Du

     Đoạn trường tân thanh, thường được biết đến với cái tên đơn giản là Truyện Kiều là một truyện thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3254 câu.

     Câu chuyện dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một thi sĩ thời nhà Minh, Trung Quốc.

     Tác phẩm kể lại cuộc đời, những thử thách và đau khổ của Thúy Kiều, một phụ nữ trẻ xinh đẹp và tài năng, phải hy sinh thân mình để cứu gia đình. Để cứu cha và em trai khỏi tù, cô bán mình kết hôn với một người đàn ông trung niên, không biết rằng anh ta là một kẻ buôn người, và bị ép làm kĩ nữ trong lầu xanh.

     Tác phẩm Truyện Kiều có thể nói là đỉnh cao của ngôn từ Việt, sự kết tinh từ những tinh hoa nhất của văn học Việt Nam. Người ta vẫn thường nói truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn. Bởi vậy Nguyễn Du là đại diện xuất sắc cho nên văn học nước nhà.

     Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới, là vì sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam.

icon-date
Xuất bản : 18/09/2021 - Cập nhật : 20/09/2021