logo

Tác giả Nguyễn Đổng Chi - Thánh Gióng trang 6 Ngữ Văn 6 (HCST, tóm tắt, nội dung, sơ đồ tư duy)

Khái quát Tác giả - Tác phẩm: Thánh Gióng bao gồm Giới thiệu tác giả Nguyễn Đổng Chi và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật, sơ đồ tư duy của tác phẩm Thánh Gióng - SGK Văn 6 Kết nối tri thức

Tác giả - Tác phẩm: Thánh Gióng

I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Đổng Chi

* Tiểu sử

- Ông sinh tại Phan Thiết; Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước. 

- Từ năm 1923 đến 1930, ông theo học các trường tiểu học ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, học trung học tại Vinh và học chữ Hán, chữ Nôm tại nhà.

- Năm 1934, ông theo anh trai lên Kon Tum nghiên cứu và cùng viết sách về tộc người Ba Na.

- Năm 1935, ông làm phóng viên cho tờ Thanh – Nghệ – Tĩnh, một tuần báo ở Vinh, cộng tác với nhiều báo chí trong Nam ngoài Bắc, bắt đầu viết truyện với biệt hiệu Nguyễn Trần Ai. Đồng thời viết phóng sự Túp lều nát nổi tiếng (1937) bị Mật thám Pháp theo dõi, nghiên cứu sử học và văn học, xuất bản nhiều công trình gây tiếng vang trong các học giả, trong đó có công trình Đào Duy Từ được giải khuyến khích của Học hội Alexandre de Rhodes năm 1943.

- Từ 1939 ông tham gia phong trào dân chủ phản đế, tham gia lãnh đạo Đoàn thanh niên cứu quốc Can Lộc, tổ chức Đội vũ trang cướp chính quyền Can Lộc thành công ngày 15-8-1945 sớm nhất trong toàn quốc. Cuối năm này ông làm Trợ bút báo Kháng địch, Chủ bút báo Truyền thanh và giữ chức Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An.

- Cuối 1946 ông ra Hà Nội và tham gia Đội tự vệ tại Khu phố Triệu Việt Vương, cầm cự với quân Pháp ở mặt trận Nam Hà Nội trong vòng 2 tháng.

- Từ tháng 3-1947 ông trở về công tác kinh tế tài chính ở Khu IV, làm Chánh văn phòng Đồn điền Bà Triệu (Phủ Quỳ), Chánh văn phòng Ban Kinh tài Liên khu IV, làm báo Cứu quốc Liên khu IV và Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới Liên khu IV. 

- Từ 1955 đến 1975, ông lần lượt công tác ở Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, Viện Sử học, là thành viên Ban Cổ sử và Trưởng phòng Tư liệu Thư viện, khởi đầu việc xây dựng hệ thống thư mục chuyên đề về sử học và cùng các học giả khác hiệu đính nhiều công trình dịch thuật Hán Nôm quan trọng của Viện.

- Sau 1975, ông từng là Trưởng ban Hán Nôm (tiền thân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1978), rồi Quyền Viện trrưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, cho đến 1981 thì xin chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu của Ban Văn hóa dân gian (tiền thân của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian).

- Ông mất ngày 20 tháng 7 năm 1984 tại Hà Nội.

- Năm 1984, ông được phong học hàm Giáo sư. Ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.

- GS Nguyễn Đổng Chi đã bắt tay nghiên cứu thần thoại từ khá sớm bằng công trình Lược khảo về thần thoại Việt Nam. 

- Trong hai năm 1982-1983, ông đã hoàn thành nhiệm vụ chủ biên bộ sách dày Địa chí - Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh mà ông chấp bút phần lớn nhất. Ông lại đảm nhiệm việc viết và làm chủ biên bộTừ điển thuật ngữ văn hóa dân gian".


II. Khái quát tác phẩm Thánh Gióng


1. Thể loại

Truyện truyền thuyết 


2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Theo Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập I.


3. Phương thức biểu đạt

Tự sự. Người kể chuyện: Ngôi thứ ba 


4. Bố cục

Gồm 4 phần: 

+ Phần 1 (từ đầu đến “cứ đặt đâu thì nằm đấy”): Sự ra đời của Thánh Gióng

+ Phần 2 (tiếp theo đến “giết giặc, cứu nước”): Gióng đòi đi đánh giặc và sự lớn lên kì lạ

+ Phần 3 (tiếp theo đến “bay lên trời, biến mất”): Gióng cùng nhân dân đánh thắng giặc Ân và bay về trời

+ Phần 4 (còn lại): Nhân dân ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng

Tác giả Nguyễn Đổng Chi - Thánh Gióng trang 6 Ngữ Văn 6 (HCST, tóm tắt, nội dung, sơ đồ tư duy)

5. Giá trị nội dung

Hình tượng Thánh Gióng với nhiều sắc màu thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm.


6. Giá trị nghệ thuật

Xây dựng nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo tạo nên sức hấp dẫn cho truyền thuyết


III. Sơ đồ tư duy tác phẩm Thánh Gióng

Tác giả Nguyễn Đổng Chi - Thánh Gióng trang 6 Ngữ Văn 6 (HCST, tóm tắt, nội dung, sơ đồ tư duy)

IV. Một số mẫu tóm tắt tác phẩm Thánh Gióng

Mẫu 1

Ở một làng nọ, có hai vợ chồng ông hiền lành mà vẫn chưa có nổi một mụn con. Một lần nọ, người vợ ra đồng, nhìn thấy một vết chân rất to liền ướm thử, về nhà liền mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra một câu con trai. Cậu bé tuy đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười. Ít lâu sau, giặc Ân đến xâm lược nước ta. Nhà vua muốn tìm người tài đánh giặc cứu nước. Sứ giả đi đến làng Gióng thì kì lạ thay, cậu bé bỗng cất tiếng nói: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Cậu yêu cầu sứ giả về tâu với vua sắm cho một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt để đánh giặc. Từ sau hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo mặc mấy cũng không vừa. Giặc đến nơi cũng vừa lúc sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt đến, cậu bé vươn vai biến thành tráng sĩ đánh tan quân giặc. Tráng sĩ đánh giặc xong cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời. Để tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng, vua cho lập đền thờ ở quê nhà và phong là Phù Đổng Thiên Vương.

Mẫu 2

Thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng chăm chỉ nhưng vẫn chưa có con. Một lần nọ, người vợ đi ra đồng trông thấy một vết chân rất to liền đặt bàn chân mình lên ướm thử, về nhà thì mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra được một cậu con trai. Lên ba tuổi nhưng cậu bé vẫn không biết nói biết cười. Giặc Ân đến xâm lược nước ta. Nhà vua sai người đi khắp nơi để tìm người tài. Nghe thấy tiếng sứ giả, cậu bé bỗng cất tiếng nói: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Cậu nói với sứ giả về tâu với vua sắm cho một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt để đánh giặc. Từ sau hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo mặc mấy cũng không vừa. Giặc đến, vừa lúc sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt đến, cậu bé vươn vai biến thành tráng sĩ đánh tan quân giặc. Tráng sĩ một mình cưỡi ngựa lên đỉnh núi, cởi bỏ áo giáp rồi bay về trời. Vua Hùng tưởng nhớ công ơn nên đã cho lập đền thờ. Ngày nay, chúng ta thấy vẫn còn những dấu vết xưa.

Mẫu 3

Vào thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão hiền lành, phúc đức nhưng vẫn chưa có một mụn con. Một hôm, bà vợ ra đồng ướm chân vào một vết chân lạ, về nhà thì mang thai. Mười hai tháng mới sinh ra một cậu bé khôi ngôi, tuấn tú. Cậu bé lên ba mà vẫn không biết nói biết cười. Bấy giờ, giặc Ân sang xâm lược nước ta. Vua Hùng sai sứ giả đi tìm người tài giúp nước. Đến làng Gióng, cậu bé nghe thấy tiếng của sứ giả thì cất tiếng nói xin được đánh giặc. Kể từ đó, cậu bé bỗng lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng chẳng no, áo mặc mấy cũng không vừa. Dân làng phải góp công nuôi lớn. Giặc đánh đến nơi, cậu bé bỗng vươn vai thành tráng sĩ. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt và cầm roi sắt xông ra diệt giặc. Roi sắt gãy, Gióng bèn nhổ cả những bụi tre bên đường để quét sạch giặc thù. Giặc tan, tráng sĩ một mình một ngựa lên đỉnh núi Sóc Sơn rồi bay thẳng về trời. Nhân dân lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn.


V. Câu hỏi vận dụng

Câu hỏi: Nêu thời gian, địa điểm, hoàn cảnh diễn ra các sự việc trong câu chuyện.

Lời giải:

- Thời gian: đời Hùng Vương thứ sáu.

- Địa điểm: ở làng Phù Đổng, nước Văn Lang

- Hoàn cảnh: Giặc Ân đến xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh, nhà vua lo sợ bèn truyền sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước.

Câu hỏi: Gióng đã ra đời một cách kỳ lạ như thế nào?

Lời giải:

- Đời Vua Hùng thứ sáu, ở làng Gióng, có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn nổi tiếng là sống phúc đức nhưng vẫn chưa có một mụn con.

- Một hôm, bà lão đi ra đồng trông thấy một bàn chân to, liền ướm thử vào để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà lão mang thai, sau mười hai tháng thì sinh ra một câu bé.

- Cậu bé lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, đặt đâu thì nằm đấy.

Câu hỏi: Chiến công phi thường mà Gióng đã làm nên là gì? Em hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Gióng.

Lời giải:

- Chiến công phi thường của Gióng là đánh tan giặc Ân xâm lược.

- Ý nghĩa hình tượng Gióng:

Gióng là biểu tượng cho vẻ đẹp của người anh hùng dân tộc với trách nhiệm cứu nước cứu dân.

Sức mạnh của Gióng chính là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt.

Thể hiện niềm tin của nhân dân luôn có một người anh hùng phi thường đứng ra bảo vệ đất nước nhân dân.

Câu hỏi: Theo em, chủ đề của truyện Thánh Gióng là gì?

Lời giải:

Truyện Thánh Gióng đã ca ngợi truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Điều đó không chỉ thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết của dân tộc ta.

>>> Xem trọn bộ: Tác giả - tác phẩm Ngữ văn 6 (Kết nối tri thức)

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - Tác phẩm: Thánh Gióng trong bộ SGK Ngữ Văn 6 Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Toploigiai đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 17/10/2022 - Cập nhật : 17/10/2022