logo

Tác giả Bình Nguyên

icon_facebook

Câu hỏi: Tác giả Bình Nguyên là ai?

Trả lời: 

Là tác giả của tác phẩm À ơi tay mẹ.

Bình Nguyên: Tên thật là Nguyễn Đăng Hào, sinh ngày 25 tháng 1 năm 1959. Quê quán xã Ninh Phúc, Tp Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông vừa là nhà thơ vừa là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện nay tác giả Bình Nguyên đang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. 

Cùng Top lời giải tìm hiểu về tác giả, tác phẩm này nhé!


I. Tác giả Bình Nguyên

    Bình Nguyên: Tên thật là Nguyễn Đăng Hào, sinh ngày 25 tháng 1 năm 1959. Quê quán xã Ninh Phúc, Tp Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông vừa là nhà thơ vừa là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện nay tác giả Bình Nguyên đang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. 

Tác giả Bình Nguyên

    Nói đến nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, bạn đọc nhớ ngay đến những câu thơ lục bát hay của anh. Nhà thơ của cố đô Hoa Lư này đã nhận tới hai giải “Thơ lục bát” (Giải A-2003; Giải Ba-2010) trên báo Văn Nghệ. Hơn nữa, những bài thơ được giải thưởng của anh trong các cuộc thi mới đây nhất (năm 2013 và năm 2015) cũng thuộc thể thơ này. Quả đây là trường hợp hiếm có trên văn đàn thi ca...


II. Tác phẩm À ơi tay mẹ

1. Hoàn cảnh sáng tác: 2003, bài thơ được tác giả gửi dự thi Thơ lục bát trên báo Văn Nghệ.

2. Thể loại: thơ lục bát

3. Bố cục

Khổ 1: 2 câu đầu.

Khổ 2: 4 câu tiếp.

Khổ 3: 4 câu tiếp.

Khổ 4: 4 câu tiếp.

Khổ 5: 2 câu tiếp.

Khổ 6: 4 câu tiếp.

4. Giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Giá trị nội dung

     À ơi tay mẹ là bài thơ bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: tần tảo, chắt chiu, yêu thương, hi sinh...đến quên mình. 

b. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ lục bát nhịp nhàng như lối hát ru con.

- Phối hợp hài hòa các biện pháp tu từ: ẩn dụ, điệp từ, điệp cấu trúc.


III. Một số tác phẩm khác tiêu biểu của tác giả Bình Nguyên

 Lãng đãng thơ

(Gửi một người thơ )

Con đường ta đã dấn thân

Thì xin đi tận bước chân cuối cùng 

Thì xin đi tận bão bùng

Thì xin đi tận chập trùng khói mây 

Ngổn ngang trăm nỗi đời này

Câu thơ trả nợ biết ngày nào vơi 

Con đường của bước chân ơi

Muôn sau bước đến con người là đâu 

Bước nào gọi bước mai sau

Bước nào nhấn bước cho nhau nhói lòng 

Ngỡ bầu bạn của ta đông

Tan sương mới thấy trống không con đường. 

11/2005

(Trích tập thơ Đi về nơi không chữ)

Chợ Cát 

Vẫn là sương gió ngày xưa

Vẫn là tiếng của nắng mưa đồng làng

Bao nhiêu cái phận mỏng tang

Bấy nhiêu cái vội cái vàng trao nhau

Sơn hào hải vị gì đâu

Mà sao kẻ trước người sau ngọt lời

Bầy ra những thứ vàng mười

Răng đen ngồi cạnh bên người tóc mun 

Cầm đồng xu lấm vị bùn

Như cầm lên cái run run phận người. 

(1/2006) 

Khúc ru xa

(Gửi Hàn ) 

Cái hôm tiễn bạn lên tầu

Ngùi trông đôi ngả một mầu gió mây 

Bọt bèo chìm nổi bấy nay

Ta như trôi giữa lòng tay đất trời 

Cứ thăm thẳm mãi đường đời

Càng đi càng thấy cõi người xa xôi 

Chốc mà như đá lạc đôi

Như sông lạc bể mây trôi lạc đàn 

Sinh sôi tự những úa tàn

Mấy ai như cỏ xanh tràn đến sau 

Biết là xa có xa đâu

Mà sao như cắt ngang nhau tháng ngày. 

(1/2006)

Một thoáng trở về

Tôi về với sóng đồng chiêm

Chiều chưa xuống cái trăng liềm đã lên

Bãi Giang mấy độ thau phèn

Sông Giang mấy khúc lửa đèn chênh chao 

Tôi về bông súng cầu ao

Nở như chưa biết chiêm bao chị buồn

Bước chân lại gặp lối mòn

Sân rêu cây cỏ che tròn bóng nhau 

Tôi về năm cũ em đâu

Mùa xưa chẳng hẹn lá dâu đợi tằm

Đi trong nắng lửa mưa dầm

Mà thương vạt áo ướt đầm hôm qua 

Tôi về bến Cát phù sa

Ngược xuôi con nước chảy qua mùa màng

Bóng tre phủ kín ngõ làng

Bao năm tay mẹ dần sàng khổ đau. 

Với sông 

Tôi tìm về bến thời gian

Đêm con sóng gọi hồn tan vào bờ

Bể dâu có tự bao giờ?

Phù sa như giọt mắt chờ cuối sông 

Chìm thì đục nổi thì trong

Biết đâu sóng lặng lại không triều cường

Bến bờ khuất mấy mùa thương

Một đời sông tự làm gương soi mình 

Qua bao chìm nổi bóng hình

Muốn trong thì gạn lấy mình mà trong... 

Tôi về lở một bên sông

Dõi theo em cả ngày không còn mình. 

(9/2005) 

Bình Nguyên


IV. Phân tích bài À ơi tay mẹ

   Tình mẹ - tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Đã có biết bao lời thơ, câu hát nói về tình cảm đó. Một trong những bài thơ đó là “À ơi tay mẹ” của nhà thơ Bình Nguyên.

  Tác giả đã sử dụng hình ảnh “đôi bàn tay” để nhắc về người mẹ. Đôi bàn tay đã tạo ra những phép màu:

"Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chắn bão qua mùa màng"

   Đôi bàn tay của người mẹ thật bình thường, nhưng lại ẩn chứa những điều phi thường. Điều đó xuất phát từ tình yêu sâu sắc mà người mẹ dành cho đứa con của mình. Mẹ đã bảo vệ, che chở con qua “mưa sa”, “bão mùa màng”.

  Tiếp đến, tác giả đã đem lời ru của người mẹ vào những câu thơ trong bài:

"Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi...

Bàn tay mẹ thức một đời
À ơi này cái Mặt Trời bé con
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru"

    Đôi bàn tay của mẹ bế bồng con trong giấc ngủ yên bình.Người mẹ gọi con “vầng trăng” và “mặt trời bé con”. Cách gọi đó cho thấy tình cảm yêu thương của mẹ đối với con. Với mẹ, con chính là ánh trăng hay mặt trời, bất kể là đêm hay ngày đều đem lại nguồn sống cho mẹ. Và dù thời gian có trôi qua, vạn vật có thay đổi, đôi bàn tay của mẹ vẫn sẽ ôm lấy con, lời ru của mẹ vẫn cất lên. Tình yêu của mẹ là không có gì thay đổi.

    Lời ru ngọt ngào đó đã cho con giấc ngủ êm đềm, đã tác động đến vạn vật trong cuộc sống:

“Ru cho mềm ngọn gió thu
Ru cho tan đám sương mù lá cây”

    Những thứ vốn trường tồn cùng với thiên nhiên, nay đã “mềm lòng”, đã “tan chảy” trước lời ru ngọt ngào của tình mẫu tử. Lời ru ngọt ngào biết bao, chan chứa tình yêu sâu nặng:

“Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau”

    Đôi bàn tay mẹ đã làm nên phép nhiệm màu, không những là ru con vào giấc ngủ yên lành mà còn nâng niu con trên từng bước đường đời. Bàn tay ấy phải chắt chiu biết bao sương gió mới tạo ra phép màu như vậy:

“Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi”

    Đôi bàn tay của người mẹ đã làm lụng vất vả, chăm sóc cho đứa con suốt cả một cuộc đời. Bởi vậy với đứa con thì đó là đôi bàn tay chứa đựng những phép nhiệm màu được chắt chiu từ những khó khăn, vất vả đó. Hai câu thơ rất ngắn gọn, nhưng đã khẳng định được tình mẫu tử cao cả có sức mạnh to lớn, tạo nên những điều kì diệu. Cũng như chúng ta phần nào thấu hiểu hơn được sự khó nhọc của người mẹ.

    Bài thơ “À ơi tay mẹ” đem đến những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử. Đó là thứ tình cảm đáng trân quý nhất trong cuộc sống của mỗi người.

icon-date
Xuất bản : 28/12/2021 - Cập nhật : 28/12/2021

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads