Câu hỏi: Sưu tầm tư liệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám để giới thiệu với thầy cô và các bạn cùng lớp
Lời giải:
Thời Lý chính sách khuyến học được thể hiện rõ nét nhất là sự kiện xây dựng Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long vào năm 1070 làm nơi thờ các vị Tiên thánh, Tiên hiền Nho học và cho Hoàng Thái tử đến học. Năm 1075 vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi tuyển “Minh kinh bác học” đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Một năm sau ông lại cho mở Quốc Tử Giám dạy học cho con em quý tộc. Quốc Tử Giám là Trung tâm giáo dục – đào tạo nhân tài lớn nhất Việt Nam thời quân chủ. Lớp lớp các thế hệ Giám sinh đã từ đây bước ra lập nghiệp, đem tài năng cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
* Tư liệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Địa chỉ: Văn Miếu nằm ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội, ngay giữa 4 phố chính gồm Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu và Quốc Tử Giám
Lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám
+ Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc.
+ Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Tới thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập Huế. Văn miếu Thăng Long được sửa sang lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
* Đặc điểm kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám
+ Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học.
+ Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc, tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.
+ Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh. Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ Mã”, xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa. Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau.
* Ý nghĩa lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ý nghĩa lịch sử của Văn miếu được gắn liền với những tên tuổi như Khổng tử, Chu Văn An … Đây là những người có thành tích học tập hơn người. Văn miếu Quốc Tử Giám là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của nước ta. Văn Miếu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi được rất nhiều sĩ tử; học trò tới đây để cầu may mắn trong thi cử, học hành.
Văn miếu Quốc Tử Giám là một di tích lịch sử, một công trình kiến trúc cổ có tuổi đời gần ngàn năm. Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tiêu biểu như các hội thảo khoa học, triển lãm chuyên đề; tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học; học viện trên địa bàn Hà Nội; trao giấy chứng nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hay tổ chức thường niên Hội sách, Ngày thơ Việt Nam…