logo

Sống như ngày mai sẽ chết Đọc hiểu

Tuyển tập Bộ đề Sống như ngày mai sẽ chết Đọc hiểu hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Sống như ngày mai sẽ chết Đọc hiểu đầy đủ nhất.


Sống như ngày mai sẽ chết Đọc hiểu - Đề số 1

Gia đình, bạn bè, sự nghiệp, tình yêu… đều là những thứ quan trọng, đáng để ta phấn đấu và trân trọng. Nhưng đó chỉ là các nhân tố phụ và bạn không thể để một trong số chúng chi phối cả cuộc đời mình. Trong một vài trường hợp thì được nhưng cả cuộc đời thì không. Bạn nên lựa chọn nguyên tắc sống đúng đắn để làm trọng tâm cuộc sống của mình. Vì không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả. Những nguyên tắc sống đúng đắn giống như ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi dù là trong công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình. Chúng dẫn bạn đi đúng hướng, không lầm đường lạc lối và đi tới đích đến mong muốn. Hãy đặt nguyên tắc sống cho cuộc đời bạn: sự nghiệp, tình yêu, gia đình, con cái, bạn bè… và tuân theo chúng. Dùng nó như kim chỉ nam soi lối mọi hành động và quyết định của bạn. Bạn cũng có thể thay đổi các nguyên tắc phù hợp với từng tình huống, không nhất thiết một nguyên tắc buộc phải được duy trì mãi mãi. Ví dụ hôm nay nguyên tắc của bạn là không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân thì ngày mai bạn có thể sẽ đổi thành không tin những lời người khác nói nhưng đặt niềm tin vào việc họ làm…

 (Trích sách Sống như ngày mai sẽ chết - Phi Tuyết - Nxb Thế Giới, 2017) 

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. 

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Những nguyên tắc sống đúng đắn giống như ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi dù là trong công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình. 

Câu 3. Việc tác giả đưa Ví dụ trong văn bản có tác dụng gì? 

Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả hay không? Vì sao?

Lời giải

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

- Biện pháp tu từ: So sánh "Những nguyên tắc sống đúng đắn giống như ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi"

- Tác dụng:

+ Tăng tính gợi hình, gợi tả, gợi cảm cho câu văn

+ Nhấn mạnh tầm quan trọng của những nguyên tắc sống đúng đắn trong cuộc sống của mỗi con người.

Câu 3:

- Việc tác giả đưa ví dụ trong văn bản có tác dụng:

+ Tăng tính thuyết phục, chân thực cho vấn đề mà tác giả đề cập đến

+ Khẳng định giá trị của những nguyên tắc sống đối với mỗi con người.

Câu 4:

- Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm "Không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả".

- Vì:

+ Quan điểm trên đã đề cập đến một nội dung vô cùng to lớn, đó là: Sẽ chẳng có bất kì ai phải hối hận hay dằn vặt khi làm những điều đúng đắn.

+ Thật vậy, điều đó là hoàn toàn đúng.

+ Khi bạn làm điều tốt, làm những điều đúng, phù hợp, bạn sẽ chẳng bao giờ phải ân hận thậm chí bạn có thể cảm thấy tự hào vì điều đó.

+ Ngược lại, khi bạn làm điều xấu, mang tính tiêu cực, bạn mới nên dằn vặt, ân hận và trách bản thân.


Sống như ngày mai sẽ chết Đọc hiểu - Đề số 2

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi sau:

…Bạn muốn tương lai sẽ trở thành người như thế nào? Bạn muốn cuộc sống mình mai này sẽ ra sao? Ngôi nhà bạn muốn ở sau này trông tuyệt vời chứ? Hãy tưởng tượng đi! Hãy mong muốn đi! Hãy ước ao đi! Nếu như ngay cả việc tưởng tượng đến tương lai của mình mà bạn còn không làm được hay không muốn làm vì lười biếng thì thật xin lỗi nhưng tôi phải nói rằng, bạn sẽ chẳng làm được trò trống gì cả. Không! Bạn không thể thờ ơ với cuộc sống của chính mình như vậy.
Rất nhiều người trong chúng ta vẫn luôn tin vào số phận và cho rằng mọi thứ trên đời đều đã được sắp đặt, đều đã được an bài và ta không có cách nào để thay đổi. Theo tôi, con người hoàn toàn có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách chủ động chứ không hoàn toàn bị động như mọi người vẫn nghĩ. Người thất bại thường đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh và số phận thường bị đem ra đổ lỗi nhiều nhất. Thực chất điều này chỉ là để thanh minh cho sự yếu kém và hèn nhát của bản thân mà thôi.
            (...)

(Trích Sống như ngày mai sẽ chết, Phi Tuyết, NXB Thế giới, năm 2017, trang 53)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, con người có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách  nào?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu: Người thất bại thường đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh và số phận thường bị đem ra đổ lỗi nhiều nhất?    

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm của tác giả: con người hoàn toàn có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách chủ động chứ không hoàn toàn bị động như mọi người vẫn nghĩ hay không? Vì sao?

Lời giải

Câu 1: 

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận

Câu 2: 

Theo tác giả, con người có thể tạo nên cuộc sống mà ta mong muốn theo cách chủ động chứ không hoàn toàn bị động như mọi người vẫn nghĩ.

Câu 3:

Ý nghĩa của câu: Người thất bại thường đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh và số phận thường bị đem ra đổ lỗi nhiều nhất:
   Tác giả nhấn mạnh quan điểm không đồng tình việc đổ lỗi cho số phận, đó chỉ là ngụy biện cho sự yếu kém, hèn nhát, không có gì là an bài, là không thể. Vấn đề quan trọng là chính mình có quyết tâm, phấn đấu, nỗ lực để thành công.

Câu 4:

Học sinh có thể trả lời theo những cách khác nhau: đồng tình/không đồng tình…miễn là hợp lí, thuyết phục.


Sống như ngày mai sẽ chết Đọc hiểu - Đề số 3

Đọc đoạn trích dưới đây:

(1) Cuộc sống này vốn không chỉ có hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó còn có cả những phút giây bị gai hoa hồng đâm đến ứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết. Bên cạnh những niềm vui là những khó khăn và cạm bẫy luôn chực chờ chỉ cần bạn lơ là mất cảnh giác chúng sẽ xô tới. Chính những khó khăn thử thách ấy sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.

(2) Sẽ có những lúc bạn hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt cuộc thi mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đời mình. Đó là khi người bạn thân nhất quay lưng đi sau khi đâm vào lưng bạn một vết dao.

[...]

(3) Để vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, mỗi người hãy tìm kiếm cho mình một điểm tựa. Có một loại điểm tựa như thế, thường được gọi là “trọng tâm cuộc đời”.

(Phi Tuyết Sống như ngày mai sẽ chết, NXB Thế giới, 2017, tr.37-39) 


Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, cuộc sống này có những gì ? (0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và gọi tên các phép liên kết về hình thức được sử dụng trong đoạn (2). (1,0 điểm)

Câu 4. Theo em, vì sao tác giả cho rằng: Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không ? (1,0 điểm)

Lời giải

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, cuộc sống này vốn không chỉ có hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó còn có cả những phút giây bị gai hoa hồng đâm đến ứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết.

Câu 3. Phép liên kết về hình thức được sử dụng trong đoạn (2):

Phép thế: "đó" = "những lúc bạn hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng."

Phép lặp: "là khi", "bạn"

Câu 4.  

Gợi ý: Tác giả cho rằng: Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, vì:

+ Điểm tựa là thứ vững chắc, nó chính là niềm tin xuất phát từ trong tâm mỗi chúng ta.

Chỉ cần có điểm tựa mọi khó khăn sẽ không làm ta gục ngã.

+ Điểm tựa sẽ giúp ý chí của ta thêm vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.

=>Qua câu nói này, tác giả muốn nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của điểm tựa.

icon-date
Xuất bản : 01/06/2021 - Cập nhật : 01/06/2021