Tác phẩm Bến quê nói về hoàn cảnh nghịch lí của nhân vật chính - anh Nhĩ, từng đi rất nhiều nơi nhưng cuối cùng trên giường bệnh, anh mới phát hiện ra vẻ đẹp bình dị thân thuộc của bến quê nhà. Cùng soạn bài Bến quê để hiểu rõ hơn về nội dung và thông điệp sâu xa Nguyễn Minh Châu muốn đề cập đến trong văn bản
Câu 1. Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm thể hiện điều gì?
- Nhĩ ở trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, anh đã từng đi khắp các xó xỉnh trên thế giới nhưng đến cuối cuộc đời anh lại bị cột chặt vào giường bệnh, đến sinh hoạt, đi lại trong chính căn nhà của mình anh đều bất lực phó thác vào sự giúp đỡ của người khác. Trong lúc này nằm trên giường bệnh, anh mới đủ thời gian và tĩnh tâm để nhận ra nét đẹp của bãi bồi bên kia sông Hồng. Nhưng nghịch lí thay một người từng đi khắp các nơi trên thế giới nhưng lại chưa từng đặt chân sang bên kia bờ sông quê hương. Và càng đau xót hơn khi mà giờ sức khỏe không cho phép anh có cơ hội làm điều đó nữa.
- Xây dựng tình huống ấy, tác giả Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm tới bạn đọc thông điệp rằng: Cuộc sống này chứa đựng rất nhiều bất ngờ và nghịch lí, vượt quá những điều tiên liệu và mong ước của con người. Đôi khi những gì tinh túy nhất lại ở trong gang tấc trong khi con người cứ mãi theo đuổi những điều mộng ảo, xa xôi suốt cuộc đời. Để rồi sau tất cả, những gì con người quay đầu lại và nhìn thấy chỉ là hư vô, ảo ảnh
Câu 2. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi nằm trên giường bệnh, Nhĩ đã nhìn thấy những gì qua khung cửa sổ và anh khao khát điều gì? Vì sao Nhĩ có khao khát ấy và điều ấy có ý nghĩa gì?
- Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi Nhĩ nằm trên giường bệnh, anh nhìn ra khung cửa sổ. Anh thấy được nét đẹp nở rộ trong những đóa bằng lăng cuối mùa, con sông Hồng quê anh đỏ nặng phù sa, vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông. Đó đều là những cảnh rất quen, bao năm, bao tháng những cảnh ấy đều diễn ra nhưng bây giờ Nhĩ mới thấy, mới cảm để rồi mới tiếc.
- Ngắm nhìn những cảnh quen mà lạ, đẹp những chẳng thể với tới được, anh khao khát được một lần đặt chân sang bãi bồi bên kia sông.
- Lý do anh có những khao khát đấy
+ Đi hết cuộc đời, đặt chân đến bao mảnh đất phương xa xứ lạ nhưng lại chưa từng đến bãi bồi bên kia sông. Nhĩ biết anh sẽ chết nên anh coi đó là điều nuối tiếc nhất.
+ Nhĩ đã thức tỉnh, bây giờ trong cơn bạo bệnh anh mới đủ tỉnh táo để thấy được đâu mới là những giá trị đích thực cuộc sống xen lẫn với sự hối hận và xót xa.
Câu 3. Vì sao nói ngòi bút miêu tả tâm lý của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo? Phân tích sự miêu tả tâm lí nhân vật Nhĩ để thấy được điều đó.
* Lý do ngòi bút miêu tả tâm lý của Nguyễn Minh Châu rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo là bởi những yếu tố sau:
- Tình huống éo le: Nguyễn Minh Châu đã khai thác tình huống: xây dựng nhân vật Nhĩ được đặt trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Từ tình huống ấy nhà văn để nhân vật tự suy ngẫm, tự trải nghiệm về cuộc đời của mình với những suy nghĩ sâu sắc.
- Chọn chi tiết đắt giá: Những chi tiết được đan cãi trong tác phẩm không phải ngẫu nhiên mà được lựa chọn tỉ mỉ và mang dụng ý của nhà văn nhằm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm:
+ Chi tiết bãi bồi bên kia sông: ẩn dụ cho những giá trị vĩnh hằng bên cạnh mà con người dễ bỏ qua
+ Chi tiết người con trai sa vào đám cờ thế: phiên bản trẻ hơn của Nhĩ, ẩn dụ rằng ai cũng dễ mắc sai lầm, Nhĩ nằm trên giường bệnh nhận ra còn người con thì giống bố nó trong quá khứ. Nghĩa là con người khi đứng bên kia dốc cuộc đời, thì mới đủ tỉnh táo để nhận ra trong sự hối hận muộn màng.
* Phân tích sự miêu tả tâm lý nhân vật Nhĩ: Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ bây giờ hết sức cụ thể như người vợ, đứa con và về chính cuộc đời mình.
- Trong con mắt của một người sắp từ giã cõi đời, Nhĩ mới cảm nhận được tình cảm ấm áp của gia đình, hàng xóm: người vợ gầy gò nhưng tảo tần và hết mực thương chồng, sự ngoan ngoãn, lớn khôn của thằng con anh, tình người, tình hàng xóm…
- Anh cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, quê hương mình.
- Anh lo sợ khi đứa con bị cám dỗ bởi chính những vòng vèo, chùng chình trong cuộc sống giống mình trong quá khứ.
=> Đó chính là tình yêu đối với cuộc sống đã được trải nghiệm qua một cuộc đời nhiều thăng trầm, đang trải qua những giây phút hiểm nghèo.
Câu 4. Ở đoạn kết truyện, tác giả tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường. Giải thích ý nghĩa của chi tiết ấy.
- Hành động khác thường của Nhĩ ở cuối truyện: "Anh cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó".
⇒ Nhĩ muốn thúc giục cậu con trai. Anh muốn con rời khỏi đám chơi cờ phá, mau tới bến đò kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày.
- Ý nghĩa biểu tượng: Cái khoát tay khẩn thiết của Nhĩ muốn thức tỉnh mọi người hãy tỉnh táo, bởi cuộc đời ngoài kia luôn có những cám dỗ, những “vòng vèo, chùng chình” dễ khiến ta sa ngã, cứ mãi chạy theo nó để rồi lạc hướng lúc nào không hay. Chỉ khi đủ tỉnh táo mới có thể hướng đến những giá trị đích thực, giản dị, dễ khuất lấp nhưng rất bền vững trong cuộc sống.
Câu 5. Tìm 1 số hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng và nêu ý nghĩa biểu tượng.
- Bãi bồi, bến sông: nét đẹp bình dị mà quý giá của quê hương, xứ sở mà con người dễ lãng quên.
- Những “bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn”, “tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này đổ ụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng” => sự sống héo ú, tàn lụi của Nhĩ vào những ngày cuối cùng.
- Đứa con trai ham chơi => Là quá khứ của Nhĩ - sự chùng chình, vòng vèo trong cuộc sống của con người. Đồng thời cũng là tương lai mà Nhĩ muốn thức tỉnh
- Hành động, cử chỉ của Nhĩ ở cuối truyện: ( xem phân tích ở câu 4)
- Con đò chở khách trên sông Hồng => con đò sẽ đưa Nhĩ tới cõi hư không của một kiếp người...
Câu 6. Tìm trong văn bản đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề và nêu cảm nhận của em về đoạn văn.
- Đoạn văn thể hiện chủ đề: "Thì ra thằng con trai của anh chỉ mới đi được đến hàng cây bằng lăng bên kia đường… lời lẽ không bao giờ giải thích hết." (SGK Ngữ văn 9 – tập 2 – trang 105)
=> Diễn tả những suy nghĩ lo âu, tiếc nuối, trăn trở của Nhĩ khi thấy đứa con ham chơi, sa vào những cám dỗ mà quên mất điều quan trọng anh nhờ nó.
- Cảm nhân của em: Qua đoạn văn trên, nhà văn muốn gửi gắm thông điệp tới độc giả rằng:
+ Trong cuộc sống, con người thường khó tránh khỏi những điều "vòng vèo, chùng chình”, những điều đó như liều thuốc mê cuốn ta đi. Khiến ta say nhưng cũng vì thế mà ta lại vô tình lãng quên đi điều gì mới là đáng trân quí trong cuộc đời.
+ Có những điều mà con người cứ mải miết tìm kiếm cả cuộc đời nhưng nó lại ở ngay bên cạnh mà ta không hề hay biết.
+ Điều con người cần làm là phải thức tỉnh những giá trị và vẻ đẹp đích thực bằng sự chiêm nghiệm và suy nghĩ sâu sắc, yêu và gắn bó với cuộc sống hàng ngày.
Câu 1. Nhận xét nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong đoạn đầu
Đoạn 1 tác giả tập trung miêu tả những cành bằng lăng cuối mùa. Tác giả sử dụng nhiều từ láy “thưa thớt, nhợt nhạt”, câu phỏng đoán, thủ pháp tương phản
=> Con mắt quan sát tinh tế, mang hàm ý ẩn dụ sâu sắc: tả thiên nhiên tàn úa, rực rỡ trước khi đi vào lụi tàn như biểu tượng cho những phút giây ngắn ngủi còn lại của nhân vật Nhĩ.
Câu 2. Nêu cảm nhận về đoạn văn
Đoạn văn thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của Nhĩ khi anh thấy đứa con trai vì ham chơi mà quên lời bố nhờ. Đứa con chính là hiện thân của anh trong quá khứ. Tuổi trẻ ham chơi, bồng bột nên cũng sẽ không tránh khỏi việc sa những thú vui hời hợt, nông nổi trong cuộc sống mà đánh mất những giá trị đích thực của cuộc sống. Chỉ có khi rơi vào hoàn cảnh như Nhĩ- từng trải, từng va vấp và tỉnh ngộ trong cơn bất lực mới có thể nhìn thấu, nhận ra những giá trị ấy sau bao thời gian lãng quên, đánh mất.
Từ những câu chuyện nghịch lý của cuộc sống, từ những cảnh đời éo le “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu đã đưa ra cho ta những trải nghiệm, những giá trị triết lý sâu sắc. Mong rằng qua tác phẩm sẽ giúp thức tỉnh nhiều người đang mông lung trước cuộc sống muôn màu.
Câu 1. Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm thể hiện điều gì?
Nhĩ ở trong tình huống đặc biệt với căn bệnh hiểm nghèo, anh không thể di chuyển, nhích một chút trên giường bệnh cũng khiến toàn thân anh đau đớn. Cuộc sống của anh lúc này chỉ biết dựa vào sự giúp đỡ của người khác mà chủ yếu là vợ của anh – chị Liên. Anh đang sống những ngày cuối cùng của đời người mặc dù trước khi bị bệnh, hơn 1 năm trước anh là một cán bộ nhà nước có điều kiện đi rất nhiều nơi trên khắp thế giới.
⇒ Đó là tình huống nghịch lý, vì một người làm công việc đi nhiều nơi mà cuối đời lại bị căn bệnh quái ác lại buộc chặt anh vào giường bệnh và hành hạ anh hàng năm trời. Nhĩ muốn lại gần hơn cái cửa sổ một chút nhưng dường như cũng khó khăn cảm giác đi nửa vòng trái đất. Vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông hiện ra trước mắt anh, lạ mà quen nhưng anh không thể tới đó nữa dù chỉ một lần. Mong muốn cuối cùng của cuộc đời là đi sang bãi bồi bên kia sông nhưng có lẽ anh không thể thực hiện được với cơ thể bệnh tật của mình. Anh gửi gắm lại vào đứa con trai, nhưng cậu bé đã làm lỡ chuyện đó.
Câu 2. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ở cảnh ngộ bị buộc chặt vào giường bệnh, Nhĩ đã nhìn thấy những gì qua khung cửa sổ và anh khao khát điều gì? Vì sao Nhĩ lại có niềm khao khát ấy và điều đó có ý nghĩa gì?
Nhĩ cảm thấy thời gian sống của mình không còn được là bao nhiêu, anh đang phải đối mặt với hoàn cảnh bi đát. Nhĩ thấy Liên là người vợ tần tảo, anh đang ngày càng biết ơn vợ mình sâu sắc. Anh nảy sinh khao khát được đặt chân đến bãi bồi vì chợt nhận ra vẻ đẹp rất bình dị và gần gũi qua khung cửa sổ và anh cũng hiểu mình sắp từ giã cuộc đời. Có sự thức tỉnh về những giá trị bình thường mà ta đã bỏ qua trong cuộc sống khi ta còn trẻ ta mải say mê với những khao khát xa vời,… sự ân hận xót xa của Nhĩ với quê hương,…
Câu 3. Vì sao có thể nói ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu ở thiên truyện này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo? Phân tích sự miêu tả tâm lí nhân vật Nhĩ để khẳng định nhận xét ấy.
Nhân vật Nhĩ trong truyện là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn 1975. Qua nhân vật nhà văn đã gửi gắm vào đó những quan sát, suy ngẫm về cuộc đời và con người. Nhân vật tác giả xây dựng không là cái loa nói thay tác giả. Những chiêm nghiệm triết lý được chuyển hóa vào đời sống nội tâm của nhân vật với diễn biến tâm trạng của nhân vật dưới tác động của cảnh vật được miêu tả rất tinh tế. Nhân vật Nhĩ đã rút ra quy luật của cuộc đời thật khó tránh được những vòng vèo hoặc chùng chình thì đã đi hết cuộc đời và nhiều cái không thể lấy lại được nữa. Quy luật khác được rút ra là sự cách biệt giữa hai thế hệ, tuy là gần gũi yêu thương nhau nhưng không hiểu nhau làm thế nào để các thế hệ hiểu nhau, bổ sung cho nhau đem đến niềm vui cho nhau khi chưa quá muộn.
Câu 4. Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường. Hãy giải thích ý nghĩa của các chi tiết ấy.
“Anh đang cố thu chặt hết moi chút sức lực…” muốn qua sông nhưng không được nhờ con -> Không thực hiện được những việc đơn thường nhất của cuộc sống. Hối hả giục cậu con trai đang mải xem cờ thế -> Sợ con không kịp đò: không kịp đến giá trị đời thường. Vì thú vui bất ngờ cậu con trai đã lỡ chuyến đò -> ham muốn xảy ra ngoài dự định, bỏ qua cơ hội. Tất cả đã dẫn đến hành động kì quặc của Nhĩ. Đó là một sự đánh thức, đánh thức con người ta nên tránh những cái vòng vèo trên đường đời để hướng tới giá trị đích thực, bền vững.
Câu 5. Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện này mang tính biểu tượng. Hãy tìm một số hình ảnh, chi tiết như vậy và nêu ý nghĩa biểu tượng của chúng. (Gợi ý: hình ảnh bãi bồi bên kia sông, bờ sông bên này bị sụt lở, chi tiết anh con trai sa vào đám chơi phá cờ thế…)
- Hình ảnh bãi bồi, bến sông và khung cảnh thiên nhiên, hoa bằng lăng, vòm trời -> đó là nét đẹp của cuộc sống trong những cái gần gũi bình dị, thân thuộc của quê hương.
- Hoa bằng lăng cuối mùa, bãi bồi, bãi lở bên sông, con lũ đầu nguồn đổ về. -> như sự sống mong manh của nhân vật ở những ngày cuối cùng của cuộc sống.
- Đứa con trai xa vào đám cờ thế để lỡ chuyến đò qua sông -> sự chùng chình vòng vèo trên con đường đời khó tránh.
- Hành động cố nhoai người của Nhĩ -> khuyên mọi người hãy sống khẩn trương, sống có ích,…
Câu 6. Truyện ngắn này chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Tìm trong văn bản đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của truyện và nêu cảm nhận của em về đoạn văn.
Từ những hành động của Nhĩ, có cái giản dị có cái chân thật, nhưng đều mong muốn thức tỉnh mọi người sống khẩn trương, sống có ích, đừng la cà, đừng xa vào vòng luẩn quẩn, sự vô bổ để định hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị và gần gũi bên ta. Cần trân trọng vẻ đẹp bình dị ở quanh ta. Trong cuộc đời đừng nên chùng chình, dềnh dàng trước một sự việc nào đó. Hãy sống một cuộc sống đáng sống và cống hiến hết mình khi còn có thể.
*) Tổng kết: Từ tình huống truyện giản dị, bất ngờ tác giả muốn chúng ta trân trọng vẻ đẹp bình dị ở quanh ta. Trong cuộc đời đừng nên chùng chình, dềnh dàng trước một sự việc nào đó.
Các bài viết liên quan bài Bến quê: