logo

Soạn bài: Vợ nhặt

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Vợ nhặt chi tiết, đây là phiên bản soạn văn 12 chi tiết được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích giúp các bạn học sinh tiếp cận tác phẩm một cách kĩ lưỡng nhất, đầy đủ nhất.


Khái quát về tác giả Kim Lân

Soạn văn 12: Vợ nhặt


Khái quát về tác phẩm Vợ nhặt

Tóm tắt:

Truyện xoay quanh tình huống nhặt được vợ của anh cu Tràng đầy hài hước nhưng cũng cay đắng và nghẹn ngào. Chỉ với dăm bát bánh đúc và mấy câu hò bông đùa mà một thanh niên nghèo khó đã được một người phụ nữ xa lạ theo không về nhà. Cuộc sống của anh Tràng cũng như Thị cùng nhau bước sang một trang mới, tuy còn gặp nhiều khó khăn, đến miếng ăn cái mặc hay sự chuẩn bị cho một đám cưới đều không được vẹn toàn, nhưng ta vẫn thấy sáng lên trong tác phẩm một tình người ấm áp.

Bố cục:

- Phần 1 (từ đầu ... tự đắc với mình): Tràng đưa được người vợ nhặt về nhà

- Phần 2 (tiếp ... đẩy xe bò): chuyện hai vợ chồng gặp nhau, thành vợ thành chồng

- Phần 3 (tiếp ... nước mắt chảy ròng ròng): tình thương của người mẹ nghèo khó

- Phần 4 (còn lại): niềm tin vào tương lai


Soạn bài: Vợ nhặt

Câu 1 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

Dựa vào mạch truyện có thể chia tác phẩm thành 4 phần như sau:

Phần 1: Từ đầu đến “tự đắc với mình”: Nội dung chính của phần này là chặng đường Tràng đưa Thị về nhà.

Phần 2: Tiếp đến “đẩy xe bò về”: Lí giải lại nguyên do vì đâu mà Tràng có được cô vợ này.

Phần 3: Tiếp đến “len vào tâm trí mọi người”: Sự gắn bó, tình thương của những người nghèo khó.

Phần 4: đoạn còn lại: niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn.

Mạch truyện được dẫn dắt một cách khéo léo thông qua tình huống trung tâm của tác phẩm là anh Tràng nhặt được vợ. Từ đó truyện lí giải nguyên nhân làm sao lại có chuyện lạ lùng như vậy. Tiếp đó thì xoay quanh diễn biến tâm trạng của các nhân vật trước tình huống này. Cuối cùng thì đưa ra một giải pháp, một hướng đi cho những con người nghèo khổ ấy.

Câu 2 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

Soạn bài: Vợ nhặt (chi tiết)

- Những người dân xóm ngụ cư nơi Tràng sống cảm thấy ngạc nhiên khi anh đưa một người đàn bà lạ về nhà là bởi vì:

+ Thứ nhất, Tràng tuy là một thanh niên nhưng tính tình lại chẳng khác nào bọn trẻ con trong xóm, thường xuyên chơi đùa cùng bọn chúng. Đã thế người lại còn xấu xí, ngờ nghệch, chẳng ai tin là anh có thể lấy được vợ.

+ Thứ hai: Tràng đưa Thị về giữa lúc cơn đói hành hạ người ta ghê gớm, một mình thân anh cu Tràng còn lo chưa xong, nay lại còn đèo bòng thêm thị nữa thì biết xoay sở như thế nào.

- Tình huống truyện độc đáo đã được thể hiện cụ thể thông qua sự ngạc nhiên, bất ngờ của bà cụ Tứ và chính bản thân anh cu Tràng. Đây là một tình huống vừa kì lạ lại vừa éo le và vô cùng oái oăm.

+ Kì lạ ở chỗ, chỉ với mấy bát bánh đúc và một vài câu nói chuyện bông đùa mà một người phụ nữ có thể theo không một người đàn ông về làm vợ.

+ Oái oăm ở chỗ giữa lúc người ta quay cuồng vì cơn đói mà Tràng và Thị vẫn ao ước đến một gia đình nhỏ và hạnh phúc lứa đôi.

+ Éo le ở việc kết hôn vốn là chuyện trọng đại cả đời người, nay chỉ được tổ chức một cách hết sức đơn sơ, lấy lệ. Thân phận người vợ, người phụ nữ được định giá chỉ qua mấy bát bánh đúc.

- Tình huống truyện trên mang giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc.

+ Truyện đã phản ánh chi tiết nạn đói năm 45, con người ta quay quắp vì miếng ăn và cái đói, qua đó thể hiện niềm thương cảm sâu sắc của tác giả dành cho số phận những con người nghèo khổ.

+ Tác phẩm phê phán bè lũ thực dân phát xít, những kẻ đã trực tiếp đẩy người dân nghèo đến cảnh khốn cùng như vậy.

+ Không chỉ thế, truyện còn ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn. Đó là vẻ đẹp của tình người, của sự đùm bọc, sẻ chia, gắn bó yêu thương gần gũi.

Câu 3 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

- Nhan đề Vợ nhặt có thể được hiểu như sau:

+ Vợ là người quan trọng trong cuộc đời mỗi người đàn ông, gắn với những điều quí giá, thiêng liêng, cần được nâng niu, trân trọng.

+ Nhặt lại là hành động đi liền với những thứ nhỏ nhoi, giá trị thấp.

=> Lấy vợ vốn là một việc làm quan trọng, có ý nghĩa cả đời người, nay lại trở nên rẻ dúm như nhặt bó rau con cá ngoài chợ.

- Từ nhan đề này ta có thể thấy được thân phận khốn khó của những người dân nghèo trước nạn đói 1945. Họ sẵn sàng vì mưu sinh mà phải xem nhẹ đi lòng tự trọng, giá trị, bản giá của mình.

Câu 4 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

- Niềm khao khát tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng được thể hiện cụ thể thông qua 3 trường đoạn: lúc quyết định lấy vợ, khi dẫn Thị qua xóm ngụ cư và đặc biệt là vào buổi sáng sau đêm tân hôn.

- Lúc quyết định lấy vợ: Xuất phát từ mấy lời bông đùa không thực tâm, nhưng khi thấy quyết tâm theo mình về nhà của Thị, Tràng đã quyết định gắn đời mình với người đàn bà này. Đã có lúc anh thấy lòng mình đầy lo sợ về một tương lai bất định, nghèo đói, nhưng rồi anh vẫn tặc lưỡi cho qua, và kiên định với quyết định của mình. Không chỉ vậy, Tràng còn chăm chút cho người vợ, cho tổ ấm của anh ngay từ lúc quyết định lấy vợ. Anh mua cho Thị mấy đồ dùng cần thiết, càng không quên mua ít dầu để thắp cho đêm tân hôn thêm sáng sủa.

- Khi dẫn Thị đi qua xóm ngụ cư: anh cu Tràng phớn phở lạ thường, mặt vênh lên đầy tự hào ta đây bây giờ đã có vợ. Chính vì thế, mặc kệ những sự true đùa của đám nhóc, cảm thấy mình đã trở thành người có vợ, Tràng mặc kệ chúng, chứ không đáp lại như lúc trước nữa.

- Buổi sáng sau đêm tân hôn, Tràng thấy khoan khoái lạ thường như vừa từ một giấc mơ đi ra vậy. Anh sống với một tư cách mới, tư cách của người đã có gia đình, vì thế anh cảm thấy trách nhiệm, nghĩa vụ mà mình đang gánh trên vai. Anh ý thức sâu sắc hơn về bổn phận của mình.

Câu 5 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

Tâm trạng buồn vui xen lẫn của bà cụ Tứ:

- Bà vui vì con giai mình đã có vợ, vui vì nhà có thêm con dâu lo toan đỡ đần.

- Nhưng buồn thì vì nhiều lẽ hơn thế:

+ Trước hết bà tủi vì với tư cách là một người mẹ mà không lo cho con được một đám cưới đàng hoàng, mà phải làm đám cưới một cách tạm bợ, sơ sài như thế.

+ Bà lo lắng cho tương lai trước mắt, không biết rồi hai vợ chồng sẽ làm gì để đùm bọc, sống qua ngày đây.

- Qua tâm trạng ấy của bà, ta thấy bà cụ Tứ hiện lên với tình yêu thương con sâu sắc, tấm lòng nhân hậu, bao dung, bà không vì hành động theo không của Thị mà tỏ ra coi thường, khinh miệt người phụ nữ ấy, trái lại bà rất trân trọng và càng cảm thấy thương Thị hơn. Bà còn rất lạc quan vào một tương lai tươi sáng hơn của 2 đứa con mình.

Câu 6 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

Nghệ thuật viết truyện của Kim Lân:

- Nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, cuốn hút người đọc.

- Tâm lí nhân vật cũng được xây dựng nhất quán, có chiều sâu.

- Trong tác phẩm có nhiều kiểu ngôn ngữ, lúc thì đối thoại, lúc lại độc thoại nội tâm khiến cho tâm lí nhân vật càng trở nên rõ nét hơn.

- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày nhưng không hề thô tục.


Luyện tập

Câu 1 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

Chi tiết gây ấn tượng sâu đậm nhất chính là chi tiết bát cháo cám, với cái tên gọi đầy mĩ miều “chè khoán”.

Thông qua một chi tiết nhỏ nhưng nhà văn đã khái quát được những vấn đề vô cùng lớn lao, truyền tải được những tư tưởng cốt lõi của tác phẩm. Nạn đói đã lên đến mức thảm khốc đến nỗi người ta phải ăn thức ăn của gia súc, có những nhà còn không có thứ cháo cám đấy để ăn. Thật đúng là miếng ăn là miếng nhục. Nạn đói khiến nhân cách người ta trở nên rẻ mạt.

Bát cháo cám cũng đã thể hiện được đặc trưng tính cách của các nhân vật:

Bà cụ Tứ thì hết mực lo lắng cho các con, muốn có một bữa ăn tươm tất hơn cho cô dâu mới về nhà chồng.

Tràng thì cảm thấy thẹn với vợ vì không lo được cho Thị một bữa ăn đúng chất, đủ đầy.

Thị lúc đầu tuy có ngạc nhiên vì nồi cháo, nhưng thị vẫn điềm nhiên và hết bát cháo. Điều đó cho thấy sức chịu đựng, Thị không hề chê nhà chồng, một khi đã quyết định theo Tràng, Thị sẽ sống đúng nghĩa vụ, bổn phận của một người con dâu.

Câu 2 (trang 33 sgk Văn 12 Tập 2):

 Đoạn kết của tác phẩm xuất hiện hình ảnh lá cờ Việt Minh. Đó là một chi tiết mới, cho thấy cái nhìn bám sát thời cuộc của nhà văn Kim Lân. Trong lúc một số nhà văn cùng thời đang loay hoay không biết tìm hướng giải thoát nào cho nhân vật của mình, thì Kim Lân đã phát hiện ra, không còn con đường nào khác con đường đi theo cách mạng.

Chi tiết đầy lạc quan đó thắp sáng cuộc đời tăm tối của những người nông dân, mở ra cho họ một con đường đầy niềm tin vào sự tự do, độc lập ở tương lai phía trước.


Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác