logo

Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (chi tiết)


Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (chi tiết)


I. Những nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Thống kê các kiểu văn bản đã học và những yêu cầu cơ bản của chúng

- Văn tự sự: hiểu đơn giản là loại văn kể chuyện. Nhưng đó không phải là kể chuyện một cách đơn thuần, tự do thoải mái không theo khuôn mẫu nào, mà trong thể loại văn bản này, ta sẽ cần phải trình bày lại các sự kiện, chi tiết của câu chuyện, cho thấy được mạch liên kết logic giữa chúng, để rồi cuối cùng rút ra một bài học, một ý nghĩa nhân sinh nào đó.

- Văn thuyết minh thì khám phá sự vật, vấn đề một cách chi tiết, cụ thể đến từng khía cạnh nhỏ nhất. Người viết cần trình bày những hiểu biết của mình về đặc điểm ngoại hiện cũng như cấu tạo bên trong của hiện tượng, sự vật. Từ đó giúp người đọc có cái nhìn khái quát, toàn diện về vấn đề được thuyết minh.

- Văn nghị luận cũng xuất phát từ những chi tiết, vấn đề nhỏ, nhưng không dừng lại ở việc khám phá chi tiết vấn đề ấy, mà văn nghị luận còn rút ra những suy nghĩ, thái độ, đánh giá của người viết.

- Văn bản nhật dụng thì lại là loại văn bản thông dụng trong cuộc sống hàng ngày.

2. Để viết được một văn bản cần thực hiện những công việc:

- Nắm vững được những kiến thức cơ bản về các thể loại văn bản và cách vận dụng nó.

- Tìm hiểu đề bài để xem loại văn bản nào được áp dụng.

- Viết văn bản theo những yêu cầu của thể loại văn bản ấy.

3. Ôn tập về văn nghị luận

a) Đề tài cơ bản của văn nghị luận trong nhà trường:

- Đề tài của văn nghị luận trong nhà trường gồm 2 nhóm chính là: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

- Cả 2 dạng nghị luận này đều đòi hỏi người viết phải đưa ra được những suy nghĩ, quan điểm của mình về vấn đề được nghị luận. Điểm khác biệt chính là ở vấn đề được nghị luận: một bên thì nghị luận về một hiện tượng có thật được đặt ra trong đời sống xã hội; còn một bên lại yêu cầu nghị luận về những vấn đề đặt ra trong các tác phẩm văn học. Từ khác biệt về đối tượng nghị luận này dẫn đến những khác biệt về phạm vi kiến thức cần sử dụng, cách thức triển khai vấn đề,…

b) Lập luận trong văn nghị luận:

- Lập luận gồm luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận.

- Luận điểm là những quan điểm được trình bày trong bài văn nghị luận. Luận cứ là những lí lẽ, dẫn chứng chứng minh cho quan điểm trên. Phương pháp lập luận là cách thức nêu luận điểm, trình bày luận cứ sao cho thuyết phục, hấp dẫn. Luận điểm là mạch chính xuyên suốt toàn bài còn luận cứ những mạch phụ bổ sung ý nghĩa cho mạch chính. Không có luận cứ thì luận điểm không thể đứng vững, không có luận điểm thì luận cứ mông lung không giải quyết được vấn đề gì cả.

- Các yêu cầu cơ bản và cách thức xác định luận cứ cho luận điểm:

+ Lí lẽ phải có căn cứ xác thực, dựa trên những chân lí, những sự thật đã được đúc rút.

+ Dẫn chứng cũng cần phải chính xác, chân thực phù hợp với lí lẽ thì mới tạo được thuyết phục.

+ Luận điểm và luận cứ đều cần phải phù hợp với vấn đề nghị luận, như thế bài viết mới tập trung đi đúng hướng, tránh được lan man.

Các thao tác lập luận cơ bản:

+ Giải thích: dùng lí lẽ để làm sáng tỏ những điều khó hiểu.

+ Chứng minh: làm cho người ta tin rằng những điều mình nói là đúng hoặc sai.

+ Phân tích: mổ xẻ vấn đề thành từng phần để tìm hiểu rồi cuối cùng lại tổng hợp lại để kết luận.

+ So sánh: Tìm ra điểm giống nhau và khác biệt.

+ Bác bỏ: loại bỏ một sự việc.

+ Bình luận: đưa ra cách nhìn, đánh giá.

=> Để bài văn nghị luận cuốn hút, thuyết phục, người viết thường phải sử dụng kết hợp nhiều thao tác.

- Các lỗi thường gặp khi lập luận:

+ Luận điểm không phù hợp với yêu cầu của đề bài.

+ Dẫn chứng không rõ ràng, thiếu thuyết phục.

+ Cách trình bày, liên kết giữa các luận điểm, luận cứ thiếu logic.

c. Bố cục trong văn nghị luận

- Mở bài là phần nêu lên vấn đề nghị luận. Vì thế cần mở bài ngắn gọn nhưng nêu đúng trọng tâm vấn đề, tránh lan man vào những nội dung không liên quan. Có 2 cách mở bài chính: mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp. Mở bài trực tiếp là nêu luôn vào vấn đề nghị luận. Mở bài gián tiếp là thông qua một câu chuyện, một đoạn thơ, một hiện tượng tương đồng để nêu lên vấn đề nghị luận.

- Thân bài là phần chính, dùng để trình bày luận điểm và luận cứ. Thân bài gồm nhiều luận điểm. Trong mỗi luận điểm lại có nhiều luận cứ.

- Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

d. Diễn đạt trong văn nghị luận

- Cần diễn đạt logic, chặt chẽ, thuyết phục cả lí và tình.

- Có thể sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, nhiều cấu trúc ngữ pháp khác nhau để bài viết linh hoạt, hấp dẫn.

- Một số lỗi diễn đạt như: thừa từ, lặp từ, từ ngữ không phù hợp với bài nghị luận, sử dụng câu sai ngữ pháp,…


Luyện tập

2. Yêu cầu luyện tập

a. Tìm hiểu đề:

Đề 1.

- Là kiểu bài nghị luận xã hội, cụ thể là nghị luận về vấn đề rút ra từ một câu chuyện.

- Thao tác lập luận: giải thích, bình luận, chứng minh.

- Những luận điểm cơ bản:

+ Giải thích ý nghĩa của câu chuyện => Rút ra vấn đề cần nghị luận.

+ Giải thích vấn đề nghi luận là đúng hay sai.

+ Chứng minh cho lí lẽ ở trên.

+ Bài học nhận thức cho bản thân.

 Đề 2.

- Là kiểu bài nghị luận văn học, cụ thể là phân tích một đoạn thơ.

- Thao tác lập luận: phân tích, so sánh.

- Những luận điểm cơ bản:

+ Lựa chọn đoạn thơ cần phân tích.

+ Chỉ ra những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.

+ So sánh đoạn thơ với những đoạn khác trong bài, hoặc với bài thơ khác.

b. Lập dàn ý

Đề 1.

Mở bài: dẫn dắt, trích câu chuyện và khái quát nội dung chính.

Thân bài:

- Tóm tắt lại câu chuyện và đưa ra sự lựa chọn về câu nói của Xô-cơ-rát: “Vậy nên anh không cần phải nói gì nữa đâu”.

- Vấn đề rút ra từ câu chuyện: Cần suy nghĩ kĩ trước khi nói chuyện.

- Những yêu cầu để có thể giúp suy nghĩ kĩ là:

+ Không nói những lời giả dối hay những điều không chắc là có thật.

+ Không nên nói những lời khiến người khác tổn thương chỉ để thỏa mãn nhu cầu được nói của mình.

+ Chỉ nên nói những điều mà người nghe thực sự quan tâm.

=> Những lưu ý này sẽ giúp mỗi người có một cuộc trò chuyện lành mạnh, không tạo ra những năng lượng tiêu cực không đáng có.

=> Nói điều gì, nói lúc nào, nói với ai là những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không cẩn thận những lời nói tưởng chừng nhỏ bé ấy lại có sức sát thương vô cùng lớn.

- Dẫn chứng chứng minh

Kết bài: Bài học thực tế cho bản thân.

Đề 2:

Mở bài: dẫn dắt vào đoạn trích bản thân lựa chọn.

Thân bài:

- Khái quát về tác giả và tác phẩm.

- Phân tích đoạn trích trên cơ sở giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Đánh giá về vị trí của đoạn trích.

Kết bài: Khái quát lại về tác phẩm.

c. Tập viết phần mở bài

Đề 1: Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu ca dao là lời nhắc nhở về cách ứng xử, nói năng sao cho văn minh, lịch sự, thể hiện tinh thần tôn trọng đối phương trong cuộc trò chuyện. Cách nói năng tưởng như là việc nhỏ, nhưng việc nhỏ mà không làm được thì chẳng thể nào làm nên chuyện lớn. Câu chuyện Ba câu hỏi dưới đây sẽ gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ và bài học quí giá về vấn đề nói trên.

Đề 2: Đất nước là cảm hứng bất tận để các nhà văn, nhà thơ khai thác. Nhiều người viết về đất nước với những cảm hứng hùng vĩ, hào hùng, lớn lao nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã chọn cho mình một hướng đi riêng, viết về một đất nước hết sức bình dị, đất nước thân thương đời thường với một tư tửng nổi bật xuyên suốt bài thơ, tư tưởng “đất nước của nhân dân”. Tư tưởng này được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích: “…”

d. Viết thành ý một ý trong dàn ý:

Phần sau của đoạn trích tác giả tập trung làm nổi bật tư tưởng “đất nước của nhân dân”. Tư tưởng này đã đem đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lí, lịch sử, văn hóa của đất nước ta, cụ thế như sau:

- Nhân dân ta chính là chủ thể làm nên địa lí của đất nước:

+ Mỗi một địa danh, một vùng đất trên đất nước này đều lưu giữ những nét đẹp, những dấu ấn của người dân đất Việt, đó là: đất tổ Hùng Vương, là Hạ Long, là đền Ông Đốc, Ông Trang,…

+ Những vùng đất không tên khi gắn liền với cuộc sống con người, gắn liền với bàn tay lao động tài hoa của cha ông ta, đã trở thành những thắng cảnh nổi tiếng.

- Lịch sử kéo dài mấy ngàn năm của dân tộc cũng là do nhân dân ta góp máu xương mà thành. 4000 lớp người tuy không tên không tuổi, tuy chẳng được ai nhớ mặt gọi tên, nhưng chính họ là những người đã làm ra đất nước/

- Không chỉ lịch sử, địa lí mà nhân dân còn lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc. Nhân dân ta truyển từ đời này sang đời khác không chỉ những giá trị vật chất, mà còn cả những giá trị tinh thần. Lớp cha đi trước, lớp con sau, từng người, từng thế hệ lưu giữ những nét đẹp của dân tộc, lưu giữ từ lời ăn tiếng nói, cách lao động, làm việc, cách sống sao cho đúng nghĩa, đúng tình,..

Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện ra, đất nước không thể được tạo thành từ một vị anh hùng duy nhất, đất nước không phải là sản phẩm của một nhóm nhỏ người nắm quyền, mà đất nước chính là của nhân dân, do nhân dân mà thành. Tư tưởng này vừa mới lạ so với văn học trung đại trước kia vốn đề cao đạo nghĩa vua tôi, tôn sùng người đứng đầu đến mức mù quàng, lại vừa phù hợp với tinh thần mới của dòng chảy văn học và thời đại, phù hợp với tinh thần cách mạng.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác