logo

Soạn bài: Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học (chi tiết)


Soạn bài: Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học (chi tiết)

Câu 1 (trang 93 sgk Văn 12 Tập 1):

1. Mở bài: Giới thiệu về văn chương và dẫn dắt đến ý kiến của Thạch Lam.

2. Thân bài:

- Giải thích ý nghĩa câu nói của Thạch Lam: Câu nói đề cập đến chức năng của văn học, đó là một công cụ đặc biệt để tố cáo, vạch trần những cái xấu xa, ghê tởm, đồng thời ngợi ca những điều tốt đẹp, đem đến những giá trị chân thiện mỹ, bồi đắp tâm hồn con người.

- Bình luận: Đây là một ý kiến đúng, bởi:

+ Văn chương bao giờ cũng là công cụ để truyền tải tâm tư, tình cảm, tư tưởng của nhà văn. Nên lẽ tất nhiên, mỗi tác phẩm bao giờ cũng phải tự chứa đựng trong nó một (vài) tư tưởng nhất định. Tùy thuộc vào cái tâm và cái tầm của mỗi nhà văn, mà tác phẩm của anh ta có thể đóng góp nhiều hay ít vào đời sống tình thần của con người.

+ Văn chương phản ánh hiện thực nên nhận thức là một chức năng cơ bản của văn chương. Nhờ có văn chương mà ta biết đến thế giới rộng lớn ở ngoài kia, thế giới rộng lớn ở trong chính tâm hồn người mà mình chưa thể tự lí giải. Từ chức năng nhận thức, bồi đắp thế giời quan, nhân sinh quan ấy mà văn chương có tác dụng giáo dục, hướng con người đến chân thiện mỹ. Từ việc nhận thức được thế giới, nhận thức được bản thân, người ta biết đâu là phải trái đúng sai,…

- Chứng minh ý kiến: Nên lấy những tác phẩm lớn, ở đó, nó vừa tố cáo, thay đổi hiện thực, vừa giúp lòng người trong sáng và hướng thiện hơn. Ví dụ: Truyện Kiều, Chí Phèo, Hai đứa trẻ, Thuốc (Lỗ Tấn),… Người viết có thể tùy chọn tác phẩm, tuy nhiên nên lấy những tác phẩm Việt Nam cũng như văn học nước ngoài, văn học thuộc các thời đại khác nhau để làm phong phú thêm cho bài viết và tăng sức thuyết phục. Không nhất thiết phải phân tích toàn bộ tác phẩm, có thể lấy ra một vài chi tiết mà người viết cho là đặc sắc để chứng minh cho các chức năng trên của văn học. Ví dụ như sau:

+ Truyện Kiều của Nguyễn Du đã xây dựng lại một xã hội đảo điên “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Nhà thơ đã vạch trần bộ mặt giả dối của các tầng lớp khác nhau: từ kẻ buôn tơ, tên giám sinh ở trường quốc học, mụ tú bà chốn lầu xanh, đến cả quan phụ mẫu, quan tổng đốc trọng thần,.. tất cả đều là những phường bất lương, vì tiền bạc, danh vọng mà dám làm tất cả. Người đọc thấy ghê tởm tuyến nhân vật này bao nhiêu thì lại càng thương xót cho cô Kiều bấy nhiêu, thương xót cho kiếp phận những người tài hoa mà bạc mệnh.  Đó chính là tác dụng to lớn mà truyện Kiều mang lại cho mỗi người đọc.

- Đánh giá vấn đề:

+ Văn chương phải cống hiến cho đời sống của con người thì mới có giá trị tồn tại.

+ Tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh cá nhân,… mà việc tiếp cận tác phẩm văn chương cũng khác nhau, cho nên giá trị của văn chương đối với mỗi người cũng khác.

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

Câu 2 (trang 93 sgk Văn 12 Tập 1):

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về Tố Hữu và phong cách thơ của ông. Trích dẫn ý kiến của Hoài Thanh.

2. Thân bài:

- Giải thích ý nghĩa câu nói của Hoài Thanh: Điều làm nên sự thành công của thơ Tố Hữu chính là thái độ toàn tâm toàn ý đối với cách mạng, hay nói cách khác, thơ Tố Hữu chính là sự bày tỏ trực tiếp, chân thành, nồng cháy lí tưởng cách mạng.

- Bình luận: Đây là ý kiến đúng, nói chính xác phong cách thơ trữ tình cách mạng của Tố Hữu.

- Chứng minh qua các chặng đường thơ của Tố Hữu, chặng đường nào cũng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

+ Tập thơ Từ ấy, đánh dấu con đường đi đến cách mạng của Tố Hữu, nhà thơ như bừng tỉnh sau đêm dài nô lệ khi được tiếp xúc với ánh sáng cách mạng “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim”.

+ Tập thơ Việt Bắc viết về những ngày tháng gian khổ mà hào hùng nơi chiến khu với những con người kiên trung, bất khuất, với tình cảm quân dân như cá với nước.

+ Tập thơ Gió lộng viết về những ngày tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, và chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Nhà thơ đau đớn xót xa khi đất nước bị chia cắt đôi miền.

+ Tập thơ Ra trận, Máu và hoa lại là âm vang hào hùng của bước đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, là khí thế, sức mạnh của tuổi trẻ Việt Nam.

+ Tập thơ Một tiếng đờn, Ta với ta lại được viết khi đất nước đã thống nhất, là tập thơ đánh dấu bước mới trong chặng đường sáng tác của nhà thơ Tố Hữu.

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Xem thêm các bài cùng chuyên mục

Tham khảo các bài học khác