logo

Soạn bài: Chí Phèo - Phần 2. Tác phẩm (chi tiết)

Trong phần 1 các em đã được tìm hiểu về nhà văn Nam Cao, tác giả của truyện Chí Phèo, một tác phẩm đương đại nổi tiếng. Cùng TOPLOIGIAI đến với phần Soạn bài Chí Phèo - Phần 2. Tác phẩm để hiểu rõ hơn về nội dung tác phẩm, số phận của những con người ở thế kỉ trước


Khái quát truyện Chí Phèo - Phần 2. Tác phẩm

Soạn văn 11: Chí Phèo - Phần 2. Tác phẩm


Bố cục

- Phần 1 (từ đầu … cả làng Vũ Đại cũng không ai biết): Cảnh xuất hiện của nhân vật chính - Chí Phèo

- Phần 2 ( tiếp … không bảo người nhà đun nước mau lên): Sự tha hóa của xã hội áp đặt lên một con người được thể hiện

- Phần 3 (còn lại): Sự thức tỉnh về cuộc đời bi kịch của chính mình.


Soạn bài Chí phèo

Câu 1 (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

- Nhiều nhà phê bình vẫn khen cách vào truyện của Nam Cao độc đáo. Cũng dễ hiểu thôi bởi ông không giới thiệu nhân vật theo trình tự thời gian tuyến tình bình thường, ông mở đầu bằng một câu chửi, lạ lùng thay, nó thật gây ấn tượng. Chỉ bằng tiếng chửi, dù không ai đáp lời hắn vẫn chửi, người đọc đã nhận ra cái tính lưu manh ăn vạ của tên đòi nợ thuê ấy.

- Ý nghĩa tiếng chửi đầu truyện của Chí Phèo:

Chửi om xóm làng, chửi banh ngõ ngách, không một ai lên tiếng, tự hắn chửi tự hắn nghe. Ai đâu rỗi hơi quan tâm tiếng chửi của hắn. Bởi nó quen thuộc quá rồi. Tác giả miêu tả như thế ngay những câu mở đầu là một cách mở truyện ấn tượng, bất ngờ. Tiếng chửi của kẻ say rượu tưởng vu vơ nhưng thật ra chỉ là giả say rượu để nói lên cái tỉnh táo của hắn: mượn rượu chửi đời.

Đến cả cái đối tượng đưa ra chửi ở đây cũng mơ hồ, mơ hồ nhưng lại có thứ tự: chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, rồi cuối cùng là chửi chính người đẻ ra hắn. Đối tượng của tiếng chửi là cả cái xã hội đã sinh ra kiếp sống ất ơ của hắn – cái thằng Chí Phèo chuyên rạch mặt ăn vạ. Đó cũng là tâm trạng cùng cực bi phẫn của Chí.

Câu 2 (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Quá nhiều tích truyện sau này thường lấy hình ảnh bát cháo hành như là hình ảnh thức tỉnh. Có lẽ nó xuất phát từ nguồn cơn Chí Phèo. Nàng Thị Nở ai ai cũng chê, ai ai cũng bỏ vì nàng xấu quá, vì nàng ngẩn ngơ dở hơi quá, lại nghèo, con nhà mả hủi.

Gặp chàng Chí Phèo lưu manh chuyên đi rạch mặt ăn vạ, chàng ta cũng bị cả làng Vũ Đại ấy hắt hủi. Đó có chăng chính là một cặp xứng đôi trong xã hội cùng hắt hủi họ như vậy. Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên trong đêm trăng nơi bụi chuối làng quê Việt đã thức tỉnh cái tâm lương thiện, bản chất hiền lành bấy lâu nay bị chính hắn quên đi bởi những vết sẹo không thể xóa. Lòng thương yêu chân thành, sự đồng cảm của hai con người cùng bị xã hội xa lánh, họ đến với nhau như một cơ hội hồi sinh hiếm có.

Sau đêm yêu thương tình cờ ấy, Chí thức dậy muộn hơn mọi ngày, hắn tỉnh rượu, lần đầu sau khi ra tù hắn tỉnh rượu và cũng là lần đầu hắn biết bâng khuâng buồn. Ngẫm rồi mới thấy, hắn đang là một bộ não rỗng, một cơ thể rỗng, hắn chẳng có gì. Không vợ, không con, không nhà cửa, không tương lai, thứ duy nhất ở lại với hắn là sự đơn độc.

Ấy là lúc bát cháo hành đơn giản mà đầy ắp tình cảm đem đến cho kẻ không có gì một hương vị mới, hương vị của tình thương, hương vị của nhân gian, của hạnh phúc. Hạnh phúc ấy là tình yêu chân thành, giản dị.

Nam Cao như đã nói luôn đồng cảm, luôn truyền tải một giá trị vừa hiện thực vừa nhân đạo tới người đọc. Ông cho chúng ta thấy bản chất lương thiện bị vô tình hay cố ý giấu dưới lớp vỏ lưu manh, khi tình yêu, xúc cảm mãnh liệt đến thì tình thương ấy mới hiện ra rõ ràng.

Câu3 (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Nam Cao thật tình là một tác giả biết miêu tả nội tâm nhân vật một cách sâu sắc. Sau sự biến chuyển từ con người lưu manh sang bản chất lương thiện, ông cũng miêu tả hết sức sâu sắc về Chí Phèo khi ước mong trở về làm người lương thiện bị cự tuyệt.

- Nguyên nhân của điều này được nói đến và phản ánh chính là những định kiến xã hội nửa phong kiến áp đặt lên bà cô của thị Nở. Bà cô cay nghiệt chê trách tên chuyên rạch mặt ăn vạ Chí Phèo để thị Nở từ chối chung sống, từ chối cái nguyện vọng được làm người lương thiện của Chí.

Trong cái xã hội ấy, Chí đã hoàn toàn bị vứt bỏ khiến khát vọng làm người lương thiện của cậu rơi vào bi kịch, đau đớn thay Chí không thể quay đầu làm người lương thiện trong cái xã hội ấy nữa.

- Khát vọng bị chối bỏ, Chí dữ dội hơn, điên dại hơn, hắn bất ngờ uống rượu, uống mãi, rồi hắn xách dao đòi giết Bá Kiến rồi tự sát. Hắn nói hắn đến nhà thị Nở, song hắn lại cầm dao đến cửa nhà Bá Kiến, hắn đòi lương thiện. Trong tâm thức của Chí, Bá Kiến mới chính là kẻ gây nên bi kịch đời hắn.

- Cái chết của Chí Phèo chính là lời tố cáo xã hội sâu sắc, đẩy con người vào bước đường cùng, bước đường của sự tha hóa người nông dân, kết cục của nó chính là cái chết.

- Từ cái chết và hình ảnh mơ hồ về cái lò gạch trong đầu thị Nở, Nam Cao cho ta thấy cảm quan hiện thực sâu sắc của ông, đó là thực trạng xung đột giai cấp trong xã hội nông thôn Việt lúc bấy giờ. Chí Phèo bị tha hóa, nhưng đó mới là điển hình cho những gì khốn khó tủi hổ nhất của những người nông dân còn điểm sáng sự lương thiện.

Câu 4 (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Chí Phèo, Bá Kiến là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật điển hình hóa nhân vật của Nam Cao. Về cái chung – riêng, cái độc đáo – khái quát, quen – lạ.

- Chí Phèo là điển hình cho những người nông dân bị tha hóa, bị xã hội kỳ thị xa lánh, có phần sợ hãi. Hắn tuy có nội tâm lương thiện, có cá tính song vẫn không thể thoát khỏi cái vỏ bọc của kẻ lưu manh trước mặt thiên hạ. Hắn chửi có thứ tự, hành động có logic chứ không phải ý chủ quan (hành động giết Bá Kiến). Những điều này còn thể hiện ở nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật, ở việc khắc họa tính cách nhân vật của Nam Cao.

Câu 5 (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả là ngôn ngữ trần thuật, chúng hết sức linh hoạt, phóng túng mà vẫn nhất quán. Giọng điệu trần thuật đa dạng, có kết hợp giữa đọc thoại, đối thoại, lời gián tiếp và trực tiếp. Với ngôn ngữ nhân vật, nó gần với đời sống, lời tiếng của người nông dân Việt Nam trong xã hội lúc ấy.

Câu 6 (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của Nam Cao được thể hiện qua việc tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo,cái xã hội đã cướp đi nhân tính con người và đẩy họ đến bước đường cùng của sự tha hóa – cái chết. Ông cũng phát hiện và luôn khẳng định cái bản chất lương thiện trong mỗi con người, dù cho người đó đã bị tha hóa thành một kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ, chuyên uống rượu đi đòi nợ thuê.


Luyện tập

Bài 1 (trang 156 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Quan điểm về sáng tạo văn chương mà Nam Cao viết trong Đời thừa đã gửi gắm những quan niệm sâu sắc của Nam Cao về sứ mệnh của người cầm bút chân chính. Ông hiểu và nhận thức sâu sắc về bản chất của văn chương, của nghệ thuật. Nghệ thuật cần sáng tạo, cái đáng khen của người làm nghệ thuật chính là sự đổi mới , sự tìm tòi, sự sáng tạo. Ngay cả nghệ thuật hiện đại bây giờ cũng chưa lúc nào dễ dãi với vấn đề ăn cắp bản quyền, với sự sao chép trong nghệ thuật, trong văn chương.

Văn chương cũng đặt ra những yêu cầu thật gắt gao, nghiêm túc đối với người sáng tác:Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có

Bài 2 (trang 156 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Một tác phẩm được coi là kiệt tác khi nó truyền đạt được tư tưởng vĩ đại, có nghệ thuật đặc sắc hoặc mới mẻ. Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao được coi làm một kiệt tác của nền văn chương hiện đại bởi nội dung và nghệ thuật.

- Về nội dung:

Truyện Nam Cao phản ánh hiện thực, khái quát vấn đề tha hóa trong xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: một bộ phận nông dân hiền lành lương thiện bị đẩy vào tình trạng lưu manh hóa.

+ Nhà văn kết án đanh thép cái xã hội bấy giờ tàn phá thể xác lẫn tâm hồn của nhân vật điển hình Chí Phèo - người nông dân lương thiện. Cùng với đó, ông khẳng định bản chất lương thiện ngay trong khi họ bị vùi dập trở thành kẻ mất cả nhân hình lẫn nhân tính trong mắt xã hội.

- Về nghệ thuật

Nam Cao là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực, nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình của ông vừa có tính chung vừa có tính riêng. Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật thật xuất sắc của Nam Cao cũng khiến người đọc cảm nhận sâu sắc về nhân vật. Nam Cao dùng giọng trần thuật để kể tả về sự việc một cách linh hoạt mà vẫn chặt chẽ, cách vào đầu truyện bằng tiếng chửi om trời đất của Chí cũng đã phần nào gây ấn tượng với người đọc. Giọng văn của tác giả cũng biến hóa vô cùng đa dạng.


Tổng kết truyện Chí Phèo

Soạn văn 11: Chí Phèo - Phần 2. Tác phẩm | Ngữ văn 11 chi tiết nhất

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác