logo

Soạn sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

Soạn sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

Trong bài học này Top lời giải sẽ cùng các bạn tóm lược kiến thức cơ bản của Bài 14. Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất trong sách giáo khoa Lịch sử 9 đồng thời chúng ta sẽ cùng nhau đi đến phần Soạn sử 9 bài 14 ngắn nhất bằng việc trả lời toàn bộ câu hỏi trong nội dung bài. Cuối cùng sẽ là các câu hỏi mở rộng và các bài tập trắc nghiệm áp dụng trong đề kiểm tra.

Vậy bây giờ chúng ta cùng nhau bắt đầu nhé:

Mục tiêu bài học

Sau khi học xong bài, học sinh

- Trình bày được nguyên nhân và những chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

- Biết được những nét chính về chính sách chính trị, văn hoá, giáo dục của thực dân Pháp.

- Chỉ ra được sự chuyển biến về kinh tế, xã hội Việt Nam dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai.

- Xác định nguồn lợi của tư bản Pháp ở Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ hai trên lược đồ.

- So sánh với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp ở Việt Nam về mục đích, quy mô.


Kiến thức lý thuyết Bài 14: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

I. CHƯƠNG TRÌNH KHAI THÁC LẦN THỨ HAI CỦA THỰC DÂN PHÁP

a. Nguyên nhân:

Nước Pháp bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ.

b. Mục đích:

Bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra.

c. Nội dung:

- Tập chung đầu tư vốn vào nông nghiệp (chủ yếu là đồn điền cao su) và khai mỏ (chủ yếu là mỏ than).

Soạn sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất (ảnh 2)

Đồn điền cao su trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai

- Mở thêm một số cơ sở công nghiệp như các nhà máy sợi Nam Định, các nhà máy rượu ở Hà Nội, Nam Định, Hà Đông, nhà máy xay sát Chợ Lớn,..

- Thương nghiệp: tư bản độc quyền Pháp đánh thuế nặng hàng hóa các nước nhập vào nước ta. Nhờ đó hàng hóa của Pháp nhập vào Việt Nam tăng lên rất nhanh.

- Giao thông vận tải được đầu tư phát triển, nhiều tuyến đường sắt được xây dựng.

- Ngân hàng Đông Dương nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế ở Đông Dương.

Soạn sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất (ảnh 3)

Ngân hàng Đông Dương

=> Chính sách khai thác thuộc địa không thay đổi: hạn chế công nghiệp phát triển, tăng cường vơ vét tiền của nhân dân bằng cách đánh thuế nặng.

II. CÁC CHÍNH SÁCH CHÍNH TRỊ, VĂN HÓA, GIÁO DỤC

- Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam vẫn được giữ nguyên.

- Về chính trị:

+ Mọi quyền hành nằm trong tay người Pháp; nhân dân không được hưởng quyền tự do, dân chủ; đàn áp, khủng bố những hành động yêu nước.

+ Thi hành chính sách “chia để trị”, chia đất nước làm ba kì với ba chế độ khác nhau.

Soạn sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất (ảnh 4)

Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

+ Thực hiện chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo.

+ Triệt để lợi dụng bộ máy địa cường hào, địa chủ ở nông thôn vào việc củng cố uy quyền và bảo vệ sự thống trị của Pháp.

- Về văn hóa, giáo dục:

+ Thi hành chính sách văn hóa nô dịch nhằm gây tâm lí tự ti, khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội.

+ Hạn chế việc mở trường học.

+ Lợi dụng sách báo đẻ tuyên truyền chính sách “khai hóa” và gieo rắc ảo tưởng hòa bình và hợp tác với Pháp và tay sai.

III. XÃ HỘI VIỆT NAM PHÂN HÓA

Phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc.

- Giai cấp địa chủ phong kiến cấu kết chặt chẽ với Pháp, bóc lột kinh tế, đàn áp chính trị đối với nông dân. Bộ phận địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước, tham gia các phong trào yêu nước khi có điều kiện.

- Tầng lớp tư sản: ra đời sau chiến tranh thế giới thứ hai, số lượng ngày càng đông đảo, phân hóa thành hai bộ phận:

+ Tư sản mại bản: có quyền lợi gắn với đế quốc nên cấu kết chặt chẽ về chính trị với chúng.

+ Tư sản dân tộc: ít nhiều có tinh thần dân tộc, dân chủ, chống đế quốc và phong kiến, nhưng thái độ không kiên định, dễ thỏa hiệp.

- Tầng lớp tiểu tư sản thành thị tăng nhanh về số lượng bị tư bản Pháp chèn ép. Bộ phận tri thức, học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp xúc với các tư tưởng tiến bộ nên có tinh thần hăng hái cách mạng.

- Giai cấp nông dân: bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề,bị bần cùng hóa, phá sản, là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.

- Giai cấp công nhân:

+ Ra đời trước chiến tranh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Công nhân bị ba tầng áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, tư sản người Việt.

+ Có quan hệ gắn bó mật thiết với nông dân.

+ Giai cấp công nhân vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng.


Trả lời Câu hỏi thảo luận Sử 9 bài 14 ngắn nhất

Câu hỏi trang 57 Sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Tại sao thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông Dương ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất

Trả lời:

- Nước Pháp bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế kiệt quệ.

- Để bù lại những thiệt hại do chiến tranh, Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Câu hỏi trang 57 Sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Dựa vào lược đồ (Hình 27, SGK, trang 56) để trình bày chương trình khai thác Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp tập trung vào những nguồn lợi nào?

Soạn sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất (ảnh 5)

Trả lời:

Chương trình khai thác thuộc địa ở Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp tập trung chủ yếu vào:

- Nông nghiệp: Chủ yếu là đồn điền cao su.

- Khai mỏ: Chủ yếu là mỏ than. Ngoài ra, Pháp còn khai thác thiếc, chì, kẽm...

- Mở thêm một số cơ sở công nghiệp như các nhà máy rượu ở Hà Nội, nhà máy sợi Hải Phòng, Bến Thủy (Vinh), nhà máy xay xát gạo ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Câu hỏi trang 57 Sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành ở Việt Nam những thủ đoạn chính trị, văn hóa, giáo dục nào?

Trả lời:

- Về chính trị:

+ Thực hiện các chính sách "chia để trị": Chia nước ta làm ba kì với ba chế độ chính trị khác nhau.

+ Chia rẽ giữa các dân tộc đa số và thiểu số, chia rẽ tôn giáo.

+ Triệt để lợi dụng bộ máy cường hào, địa chủ ở nông thôn để củng cố uy quyền và bảo vệ sự thống trị của chúng.

- Về văn hóa:

+ Thi hành chính sách văn hóa giáo dục nô dịch, khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội,…

- Về giáo dục:

+ Hạn chế mở trường học.

+ Xuất bản các sách báo để tuyên truyền cho chính sách “khai hóa” của thực dân và gieo rắc ảo tưởng hoà bình, hợp tác với thực dân cướp nước và vua quan bù nhìn bán nước.

Câu hỏi trang 57 Sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Mục đích của các thủ đoạn đó là gì?

Trả lời:

- Ngăn cản nước ta thống nhất, phục vụ cho việc cai trị, đẩy mạnh khai thác, bóc lột và củng cố bộ máy chính trị của thực dân Pháp ở thuộc địa.

- Gây tâm lí tự ti, làm suy thoái giống nòi Việt Nam.

- Thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.


Soạn phần Câu hỏi và bài tập Sử 9 bài 14 ngắn nhất

Bài 1 trang 58 Sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã phân hóa như thế nào?

Trả lời:

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc:

- Giai cấp địa chủ phong kiến:

+ Đại địa chủ làm tay sai cho Pháp và áp bức bóc lột nhân dân.

+ Trung và tiểu địa chủ có tinh thần yêu nước yêu nước.

- Tầng lớp tư sản:

+ Tư sản mại bản.

+ Tư sản dân tộc.

- Tầng lớp tiểu tư sản: Tăng nhanh về số lượng.

- Giai cấp nông dân: Chiếm trên 90% dân số.

- Giai cấp công nhân: Ra đời trước chiến tranh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.

Bài 2 trang 58 Sử 9 Bài 14 ngắn nhất: Em hãy cho biết thái độ chính trị và khả năng cách mạng các giai cấp trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh.

Trả lời:

- Giai cấp địa chủ phong kiến:

+ Đại địa chủ: Cấu kết chặt chẽ với thực dân Pháp, đàn áp, bóc lột nhân dân, chống lại cách mạng.

+ Trung và tiểu địa chủ: Có tinh thần chống đế quốc, tham gia phong trào yêu nước khi có điều kiện.

- Giai cấp tư sản:

+ Tư sản mại bản có quyền lợi gắn với đế quốc, nên cấu kết chặt chẽ về chính trị với chúng.

+ Tư sản dân tộc: Ít nhiều có tinh thần dân tộc, dân chủ chống đế quốc, phong kiến, nhưng lập trường không kiên định, dễ dàng thỏa hiệp.

- Tầng lớp tiểu tư sản: Có tinh thần hăng hái cách mạng và là một lực lượng quan trọng trong cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta.

- Giai cấp nông dân: Bị áp bức, lóc lột nặng nề nên có tinh thần chống đế quốc và phong kiến, là lực lượng hăng hái và đông đảo của cách mạng.

- Giai cấp công nhân: Là giai cấp yêu nước, là lực lượng chính của cách mạng và họ là giai cấp lãnh đạo cách mạng.


Câu hỏi củng cố kiến thức Sử 9 bài 14

Câu 1: Nội dung khai thác Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, công thương nghiệp?

Trả lời 

* Nông nghiệp 

- Pháp tập trung vốn đầu tư vào nông nghiệp, chủ yếu là trồng và khai thác cao su

- Năm 1927, số vốn đầu tư vào nông nghiệp lên tới 400 triệu phrăng, gấp nhiều lần vào thời kì trước chiến tranh.

- Diện tích trồng cao su tăng từ 15 ngàn hecta năm 1918 lên 120 ngàn hecta năm 1930.

- Nhiều công ty cao su ra đời.

* Công, thương nghiệp 

- Tư bản Pháp chú trọng đến khai mỏ, chủ yếu là mỏ than.

- Các công ty than có từ trước đều được bỏ vốn thêm và hoạt động mạnh hơn.

- Nhiều công ty than mới nối tiếp nhau ra đời.

- Mở thêm một số cơ sở công nghiệp như các nhà máy sợi Hải Phòng, Nam Định, nhà máy rượu Hà Nội, Nam Đinh, Hà Đông, nhà máy diêm Hà Nội, Hàm Rồng, Bến Thủy, nhà máy đường Tuy Hòa, nhà máy xay xát gạo Chợ Lớn....

- Thương nghiệp phát triển hơn trước thời kì chiến tranh. Để năm chặt thị trường Việt Nam và Đông Dương, tư bản độc quyền Pháp đánh thuế nặng hàng hóa các nước nhập vào nước ta, chủ yếu là của Trung Quốc, Nhật Bản. Nhờ đó, hàng hóa của Pháp nhập vào Việt Nam tăng lên rất nhanh.

Câu 2: Vì sao Pháp tập trung vốn đầu tư nhiều nhất vào việc khai thác cao su và than?

Trả lời 

Pháp tập trung vốn đầu tư nhiều nhất vào việc khai thác cao su và than vì sau Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước tập trung vào khôi phục, phát triển kinh tế nên cao su và than là hai mặt hàng có nhu cầu lớn tại thị trường Pháp và trên thế giới.

Câu 3: Hãy cho biết nội dung khai thác Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng?

Trả lời 

Ngân hàng Đông Dương, đại diện thế lực của tư bản tài chính Pháp, có cổ phần trong hầu hết các công ty và xí nghiệp lớn, đã nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế ở Đông Dương

Câu 4: Chương trình khai thác lần thứ hai của Pháp trong các lĩnh vực?

Trả lời 

- Tăng cường đầu tư vốn mở rộng sản xuất

- Nông nghiệp : chủ yếu là đồn điền cao su

- Công nghiệp : chủ yếu là khai thác than đá, mở rộng một số cơ sở công nghiệp chế biến  : nhà máy sợi Nam Định, rượu Hà Nội, nhà máy xay xát gạo ở Chợ Lớn,...

- Thương nghiệp : để nắm chặt thị trường Việt Nam và Đong Dương, tư bản Pháp đánh thuế nặng hàng hóa các nước nhập vào nước ta.

- Giao thông vận tải : đầu tư phát triển thêm đường sắt xuyên Đông Dương, nối liền nhiều đoạn : Đồng Đăng - Na Sầm (1922); Vinh - Đông Hà ( 1927)

- Tài chính : ngân hàng Đông Dương nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế

- Thuế khóa : Đánh thuế nặng và đặt nhiều thứ thuế.

Câu 5: Em có nhận xét gì về chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp so với lần thứ nhất?

Trả lời 

Điểm mới trong chương trình khai thác lần thứ hai so với trước là tăng cường đầu tư vốn, kĩ thuật và mở rộng sản xuất để kiếm lời. Tuy nhiên, về cơ bản, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp không thay đổi so với trước kia : vẫn hạn chế công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp nặng; tăng cường thủ đoạn bóc lột, vơ vét tiền của của nhân dân ta bằng cách đánh thuế nặng như thuế ruộng đất, thuế thân, thuế rượu, thuế muối, thuế thuốc phiện và hàng trăm thứ thuế khác.

Câu 6: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp có tác dụng như thế nào với nền kinh tế Việt Nam?

Trả lời

- Kinh tế tư bản thực dân được tiếp tục mở rộng, song vẫn duy trì nền kinh tế phong kiến.

- Các ngành kinh tế Việt Nam có bước phát triển mới trong phạm vi hạn hẹp của nền kinh tế tư bản thực dân, song thực dân Pháp hết sức hạn chế công nghiệp phát triển, nhằm cột chặt kinh tế Việt Nam vào kinh tế Pháp và biến Việt Nam thành thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.

Câu 7: Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của đế quốc Pháp đã tác động đến tình hình xã hội Việt Nam như thế nào?

Trả lời 

Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của đế quốc Pháp đã tác động đến tình hình xã hội Việt Nam :

- Đẩy mạnh sự phân hóa các giai cấp trong xã hội Việt nam và làm nảy sinh những giai cấp mới; giai cấp công nhân ra đời trong cuộc khai thác lần thứ nhất đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong công cuộc khai thác lần thứ hai còn có tiểu tư sản và tư sản trở thành giai cấp.

- Mỗi giai cấp trong xã hội có địa vị kinh tế và quyền lợi xã hội khác nhau nên thái độ chính trị và khả năng cách mạng cũng khác nhau.

Câu 8: Vì sao giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta?

Trả lời 

Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam còn có những đặc điểm riêng : bị ba tầng áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, tư sản người Việt; có quan hệ tự nhiên gắn bó với giai cấp nông dân; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc. Trên cơ sở đó, giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.


Phần Câu hỏi trắc nghiệm Sử 9 Bài 14

Câu 1. Nguyên nhân thúc đẩy cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp là gì?

A. Chuẩn bị cho chiến tranh thế giới.

B. Bù đắp những thiệt hại do chiến tranh thế giới gây ra.

C. Phát triển thuộc địa.

D. Biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ của Pháp.

Đáp án: B

Giải thích: Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp là nước thắng trận nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ. Tư bản Pháp vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa đẩy mạnh khai thác thuộc địa để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh thế giới gây ra.

Câu 2. Tư bản Pháp đầu tư vốn nhiều nhất vào lĩnh vực nào?

A. Nông nghiệp.

B. Công nghiệp.

C. Giao thông vận tải.

D. Khai mỏ

Đáp án: A

Giải thích: Tư bản Pháp đầu tư vốn nhiều nhất vào lĩnh vực nông nghiệp (chủ yếu là đồn điền cao su). Năm 1927, số vốn đầu tư vào nông nghiệp lên đến 400 triệu phrăng.

Câu 3. Tại sao tư bản Pháp tập trung vốn vào việc lập đồn điền cao su và khai thác than?

A. Cao su và than có giá trị cao.

B. Việt Nam nhiều cao su và than.

C. Cao su và than là hai mặt hàng thị trường Pháp và thế giới có nhu cầu lớn.

D. Cao su và than dễ khai thác.

Đáp án: C

Giải thích: Tư bản Pháp tập trung vốn vào việc lập đồn điền cao su và khai thác than vì cao su và than là hai mặt hàng thị trường Pháp và thế giới có nhu cầu lớn. Cao su và than được sủ dụng trong nhiều ngành công nghiệp.

Câu 4. Trong chính sách thương nghiệp, vì sao thực dân Pháp đánh thuế nặng các hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam?

A. Tạo sự cạnh tranh giữa hàng hóa các nước nhập vào Đông Dương.

B. Không cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.

C. Tạo điều kiện cho thương nghiệp Đông Dương phát triển.

D. Muốn độc chiếm thị trường Việt Nam và Đông Dương.

Đáp án: D

Giải thích:

Thực dân Pháp đánh thuế nặng các hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là hàng Trung Quốc và Nhật Bản để nắm chặt muốn độc chiếm thị trường Việt Nam và Đông Dương. Nhờ đó hàng hóa Pháp nhập vào Đông Dương tăng lên rất nhanh.

Câu 5. Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

A. Nền kinh tế Việt Nam Phát triển độc lập.

B. Nền kinh tế Việt Nam vẫn lạc hậu, không phát triển.

C. Nền kinh tế Việt Nam phát triển thêm một bước nhưng bị kìm hãm, lệ thuộc vào nền kinh tế Pháp.

D. Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế Pháp.

Đáp án: C

Giải thích: Dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, nền kinh tế Việt Nam phát triển thêm một bước nhưng bị kìm hãm, lệ thuộc vào nền kinh tế Pháp. Do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chính quốc và sử dụng những mặt hàng nhập khẩu từ Pháp.

Câu 6. Vì sao tư bản Pháp tăng cường đầu tư phát triển giao thông vận tải?

A. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Việt Nam.

B. Để đáp ứng việc chuyên chở hàng hóa.

C. Để phục vụ nhu cầu đi lại của tư bản Pháp.

D. Phát triển ngành dịch vụ vận tải.

Đáp án: B

Giải thích: Để đáp ứng yêu cầu của cuộc khai thác thuộc địa, ngành giao thông vận tải được tăng cường đầu tư vốn và trang thiết bị. Thực dân Pháp xây dựng hệ thống giao thông để đáp ứng việc chuyên chở hàng hóa giữa những cơ sở khai thác nguyên liệu, các bến cảng, nhà kho, bến bãi.

Câu 7. Thủ đoạn thâm độc nhất về chính trị của thực dân Pháp để nô dịch lâu dài nhân dân ta là gì?

A. Thực hiện chính sách “chia để trị”

B. Thâu tóm quyền hành trong tay người Pháp.

C. Cấu kết với vua quan Nam triều để đàn áp nhân dân.

D. Tăng cường khủng bố, đàn áp nhân dân.

Đáp án: A

Giải thích: Thực dân Pháp thực hiện chính sách “chia để trị”: chia đất nước ta làm ba kì: Bắc kì, Trung kì, Nam kì với ba chế độ chính trị khác biệt nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, dễ bề cai trị nước ta.

Câu 8. Giai cấp nào có tinh thần cách mạng triệt để, có ý thức tổ chức kỉ luật gắn với nền sản xuất hiện đại, có quan hệ mật thiết với giai cấp nông dân.

A. Giai cấp tiểu tư sản.

B. Giai cấp tư sản.

C. Giai cấp nông dân.

D. Giai cấp công nhân.

Đáp án: D

Giải thích: Giai cấp công nhân ra đời trước chiến tranh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, có ý thức tổ chức kỉ luật gắn với nền sản xuất hiện đại. Họ bị ba tầng áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và tư sản người Việt nên có tinh thần cách mạng triệt để. Giai cấp công nhân có quan hệ mật thiết với giai cấp nông dân, kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng của dân tộc.

Câu 9. Lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng Việt Nam là giai cấp nào?

A. Giai cấp tiểu tư sản.

B. Giai cấp tư sản.

C. Giai cấp nông dân.

D. Giai cấp công nhân.

Đáp án: C

Giải thích: Giai cấp nông dân chiếm hơn 90% dân số, bị thực dân Pháp, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề. Họ bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn. Đây là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng Việt Nam.

Câu 10. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xã hội Việt Nam tồn tại nhiều mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn cơ bản nhất là gì?

A. Mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ.

B. Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp.

C. Mâu thuẫn giữa công dân và tư bản.

D. Mâu thuẫn giữa tư sản Pháp và tư sản dân tộc.

Đáp án: B

Giải thích:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, xã hội Việt Nam tồn tại nhiều mâu thuẫn. Trong đó mâu thuẫn cơ bản, bao trùm lên tất cả là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp cướp nước và phản động tay sai

Vậy là chúng ta đã cùng nhau soạn xong Bài 14: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất trong SGK Lịch sử 9. Mong rằng bài viết trên đã giúp các bạn nắm thật chắc kiến thức lí thuyết, soạn được các câu hỏi trong nội dung bài học dễ dàng hơn qua đó vận dụng để trả lời câu hỏi trong đề kiểm tra và các câu hỏi tình huống khác.

Mời các bạn xem thêm các bài Giải Lịch sử 9 trong Sách bài tậpVở bài tập tại đây nhé:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021