logo

Soạn bài: Thành ngữ (chi tiết)

Ngoài các bản Soạn Văn 7 ngắn nhất và siêu ngắn, các thầy cô giáo tại TOPLOIGIAI đã biên soạn thêm bản Soạn văn 7 chi tiết để giúp các bạn học sinh hiểu kĩ hơn, sâu sắc hơn nội dung bài học. Cùng tham khảo phần soạn bài Thành ngữ dưới đây nhé


I. THẾ NÀO LÀ THÀNH NGỮ?


Câu 1. Nhận xét cấu tạo cụm từ “Lên thác xuống ghềnh”

Cụm từ “Lên thác xuống ghềnh” được cấu tạo từ hai từ trái nghĩa là “lên” và “xuống” tạo thành một phép đối

a. Khả năng thay thế

Ta không thể sử dụng những từ khác để thay thế cho một vài từ trong cụm từ này, không thể chêm một vài từ khác vào trong các từ đã cho và cũng không thể thay đổi vị trí của những từ đã có sẵn trong từ. Tóm lại, ta không thể thực hiện bất cứ thay đổi nào liên quan đến cấu tạo và cấu trúc của cụm từ này vì cấu tạo của cụm từ này đã cố định và hoàn chỉnh.

b. Đặc điểm cấu tạo cụm từ ‘Lên thác xuống ghềnh”

Từ đó có thể thấy cụm từ trên đã sở hữu một cấu tạo cố định về mặt câu từ và hoàn chỉnh về mặt nghĩa.


Câu 2. Nghĩa của thành ngữ

a. Nghĩa của “Lên thác xuống ghềnh” là:

- Nghĩa đen: Thể hiện hành động di chuyển theo chiều ngược lại những nơi có địa thế hiểm trở, khó khăn.

- Nghĩa bóng: Thể hiện những vất vả, khó nhọc

b. Nhanh như chớp

- Nghĩa đen: Thể hiện tốc độ nhanh, thần tốc của hiện tượng tự nhiên là chớp

- Nghĩa bóng: Thể hiện diễn biến mau lẹ, nhanh chóng của một hành động, sự việc nào đấy.


II. SỬ DỤNG THÀNH NGỮ


Câu 1. Vai trò ngữ pháp của thành ngữ trong các câu

- Thành ngữ “Bảy nổi ba chìm”: Làm vị ngữ trong câu

- Thành ngữ “Tối lửa tắt đèn”: Làm bổ ngữ cho “phòng” (động từ)


Câu 2. Cái hay của việc dùng các thành ngữ ở câu trên

Về bản chất ở vị trí của các thành ngữ trong câu có thể không cần dùng thành ngữ mà thay bằng các từ/cụm từ cùng nghĩa cũng không thay đổi nghĩa của câu nhưng việc lựa chọn sử dụng thành ngữ sẽ đem đến hiệu quả nghệ thuật cao hơn. Thành ngữ trong câu đem đến cách biểu đạt ngắn gọn nhưng cô đọng, biểu thị được nhiều sắc thái nghĩa.


III. LUYỆN TẬP


Câu 1. Tìm và giải thích nghĩa của thành ngữ

a. Thành ngữ có trong câu đó là:

- “Sơn hào hải vị”: các món ăn ngon, quý hiếm được lấy từ rừng, biển

- “Nem công chả phượng”: các món ăn ngon, có hình thức trình bày lạ, độc đáo và đẹp mắt

b. Thành ngữ có trong câu đó là:

- “Khỏe như voi”: Sức khỏe hiếm có, hơn người

- “Tứ cố vô thân”: Không còn người thân thích, gia cảnh nghèo khổ

c. Thành ngữ có trong câu là

“Da mồi tóc sương”: Chỉ tuổi già, sự lão hóa trên cơ thể


Câu 2. Kể truyện tương ứng với các thành ngữ

- “Con Rồng cháu Tiên”

Lạc Long Quân là thần nòi ròng của Lạc Việt. Trong một lần giúp dân diệt trừ yêu quái trên cạn, Lạc Long Quân đã gặp và đem lòng yêu nàng Âu Cơ. Âu Cơ thuộc dòng tiên sống ở núi cao phương Bắc. Hai người kết duyên cùng nhau. Sau đó Âu Cơ có mang rồi sinh ra một bọc trăm trứng và trăm trứng nở ra trăm người con. Ít lâu sau Lạc Long Quân không quen sống trên cạn nên hai người đã chia nhau mỗi người mang theo năm người con đến nơi mình sống. Vậy nên 50 người con sẽ theo cha xuống biển và năm mươi người còn lại theo mẹ lên rừng. Người con trưởng theo mẹ làm vua, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu và đặt tên nước là Văn Lang.

- “Ếch ngồi đáy giếng”

Có một con ếch sống trong giếng trong thời gian dài. Hằng ngày nó đứng dưới miệng giếng nhìn bầu trời nên bầu trời trong mắt nó chỉ vừa bằng cái vung. Môi trường sống xung quanh của ếch chỉ gồm những con vật bé nhỏ nên ếch tự coi mình là chúa tể của giếng đó. Bỗng một ngày mưa to, nước ngập giếng khiến ếch có cơ hội ra ngoài. Vốn quen với thói tự phụ và huênh hoang như khi ở trong giếng, ếch không chú ý đến bên ngoài và vô tình bị con trâu đi qua dẫm bẹp.

- “Thầy bói xem voi”

Nhân một ngày ế hàng, năm ông thầy bói mù rủ nhau xem voi. Tuy nhiên không ai nhìn được tổng thể con voi mà chỉ sờ được những bộ phận khác nhau. Vậy nên mỗi người đều quả quyết con voi có hình dáng giống như mình sờ được. Không ai chịu ai nên xảy ra tranh cãi và xô xát.


Câu 3. Điền thêm từ

Lời ăn tiếng nói

Một nắng hai sương

Ngày lành tháng tốt

No cơm ấm áo

Bách chiến bách thắng

Sinh cơ lập nghiệp


Câu 4. Sưu tầm và giải nghĩa mười thành ngữ

Chậm như sên: chỉ tốc độ di chuyển, hành động chậm chạp

Nhà tranh vách đất: cảnh sống bần hàn, giản dị

Ruột để ngoài da: tính cách, hành xử vô tâm

Mèo mù vớ cá rán: may mắn ngoài dự liệu và khả năng

Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng: Chỉ kết quả không xứng đáng với những gì đã bỏ ra

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra: không có gì là giấu được mãi

Nhắm mắt làm ngơ: cố tình không nhận ra, lảng tránh

Có tật giật mình: người làm việc xấu thường có tâm lý sợ hãi và dễ lo sợ người khác sẽ nhận ra lỗi lầm của mình

Hữu danh vô thực: có danh tiếng nhưng không có hoặc không đủ thực lực

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây: lối sống tình nghĩa, biết ơn với cội nguồn, với người đã giúp đỡ mình

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác