logo

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng

Để nắm được các kiến thức cơ bản về bài thơ Ánh trăng, mời các em tham khảo phương pháp hệ thống lại kiến thức khoa học qua sơ đồ tư duy bài Ánh trăng. Hy vọng rằng bài viết này giúp các em nắm nội dung bài học một cách chi tiết nhất


Tóm tắt tác giả, tác phẩm trước khi vẽ sơ đồ tư duy bài Ánh trăng

I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Duy

- Nguyễn Duy (1948) tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ

- Quê quán: Xã Đông Vệ huyện Đông Sơn(nay là phường Đông Vệ-Thanh Hóa)

- Sự nghiệp sáng tác:

+ Nguyễn Duy làm thơ từ rất sớm, từ khi học cấp ba

+ Năm 1973, ông đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo văn nghệ với chùm thơ vô cùng xuất sắc.

+ Ngoài việc sáng tác thơ ông còn viết tiểu thuyết và bút kí

+ Năm 2007, Nguyễn Duy đã được Giải thưởng Nhà nước danh giá về Văn học Nghệ thuật

+ Những tác phẩm tiểu biểu: “Đãi cát tìm vàng”, “ Bụi”, “Mẹ và em”…

- Phong cách sáng tác: Thơ Nuyễn Duy giàu chất triết lí, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt và suy tư.

II. Tìm hiểu bài thơ Ánh trăng

A. Tìm hiểu chung

1. Hoàn cảnh sáng tác

“Ánh trăng” là một bài thơ hay viết vào năm 1978, 3 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, được nhà thơ viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. In trong tập “Ánh trăng”.

2. Bố cục (3 phần)

- Đoạn 1 (3 khổ thơ đầu): Kí ức về vầng trăng trong quá khứ của tác giả và vầng trăng trong hiện tại

- Đoạn 2 (Khổ 4): Tình huống bất ngờ khiến kí ức ùa về

- Đoạn 3 (2 khổ cuối): Sự hối hận của tác giả vì đã lãng quên vầng trăng

3. Giá trị nội dung

Bài thơ Ánh trắng là sự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước rất bình dị, hiền hậu. Qua đó nhắc nhở người đọc phải có một thái độ sống “ Uống nước nhớ nguồn”, thủy chung ân tình với quá khứ, nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là biết thức tỉnh lương.

4. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ bố cục rõ ràng, mạch lạc. “Ánh trăng” có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và tự sự, hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa sinh động vừa khát, giàu tính biểu cảm, giọng điệu tâm tình tự nhiên như lời tâm sự của nhân vật trữ tình.

B. Phân tích chi tiết

1. Vầng trăng trong quá khứ (khổ 1+2) của tác giả và vầng trăng trong hiện tại (khổ 3)

- Khổ 1: Dòng hoài niệm mở ra

+ “Hồi nhỏ…hồi chiến tranh” : đánh dấu mốc thời gian

+ Phép liệt kê tăng cấp “ đồng, sông , bể”: Tuổi thơ gắn bó với sông nước, trăng sao đầy ắp kỉ niệm. ⇒ Chỉ thứ tự từ hẹp đến rộng, từ quê hương đến đất nước, mở rộng hơn là sự gắn bó giữa những con người ở quê hương đến đồng đội nhân dân

⇒ Như vậy khi còn nhỏ nhân vật trữ tình sống chan hòa với thiên nhiên

+ “vầng trăng thành tri kỉ”: đất nước có chiến tranh, con người lên đường tham gia chiến đấu, ở rừng là những năm tháng khó khăn gian khổ, trăng được nhân hóa trở thành người bạn tri kỉ không thể nào quên.

- Khổ 2:

+ Phép so sánh sánh “trần trụi, hồn nhiên” kết hợp với phép liệt kê “ thiên nhiên, cây cỏ”: lối sống đơn giản, mộc mạc mọi buồn vui sướng khổ đều gắn bó với trăng.

+ Ngỡ: nghĩ là, tưởng là, vậy mà kết quả lại ngược lại

+ Nhân hóa “cái vầng trăng tình nghĩa”: khẳng định mối quan hệ giữa người và trăng là bền vững mãi mãi

⇒ Mạch thơ biến đổi đánh dấu một sự thay đổi lẽ ra phải trân trọng.

- Khổ 3: Vầng trăng trong hiện tại

+ Khi chiến tranh kết thúc, người lính từ giã núi rừng trở về với thành phố nơi đô thị hiện đại.

+ Nhân hóa liệt kê “ánh điện cửa gương”- cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Mặc dù vậy trăng vẫn tròn đầy lặng lẽ đi qua thành phố nhưng người bạn năm xưa chỉ coi trăng như một vật chiếu sáng

+ Hình ảnh so sánh “vầng trăng đi qua ngõ- như người dưng qua đường”: thể hiện một sự bội bạc vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày: có mới nới cũ

⇒ Hoàn cảnh sông thay đổi kéo con người đổi thay, quên đi ân tình trong quá khứ

2. Tình huống bất ngờ xuất hiện (khổ 4)

- Phép đảo ngữ từ láy “thình lình”, “ đột ngột “ được đưa lên đầu câu: nhấn mạnh sự việc bất ngờ là mất điện

- Ba động từ “vội, bật, tung” đặt liền nhau: diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương của nhân vật trữ tình đi tìm nguồn sáng

- Ngay lúc đó trăng hiện ra “đột ngột” khiến con người bàng hoàng xúc động.

⇒ Vầng trăng đến bất ngờ làm sáng lên những góc tối trong tâm hồn, thức tỉnh sự ngủ quên trong diều kiện sống đã hoàn toàn đổi khác.

3. Vầng trăng thức tỉnh con người và sự hối hận của tác giả (khổ 5+6)

- Khổ 5: Tâm trạng, cử chỉ của con người khi đối diện với vầng trăng

+ Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt”: là tư thế trực tiếp đối mặt

+ Phép nhân hóa, từ mặt thứ hai chỉ vầng trăng tròn, đó là thiên nhiên hồn nhiên tươi mát, đó còn là quá khứ bạn bè tươi đẹp.

+ So sánh, liệt kê, điệp ngữ, lặp cấu tứ “ như là đồng là bể- như là sông là rừng”: diễn tả dòng hoài niệm ùa về và con người thấy trăng là thấy người bạn tri kỉ ngày nào.

⇒ Cảm xúc chừng như nén lại nhưng cứ trào ra thổn thức

- Khổ 6: Bài thơ khép lại ở hình ảnh sâu lắng

+ Trăng tròn đầy vành vạnh có hai lớp nghĩa: nghĩa tả thực về sự tròn đầy lung linh của trăng, thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng, gợi quá khứ bạn bè tươi đẹp chẳng thể phai mờ

+ Trăng còn được nhân hóa “kể chi người vô tình- ánh trăng im phăng phắc” gợi thái độ bao dung, nhân hậu

+ Trăng tròn vành vạnh-con người vô tình, trăng im phăng phắc- con người vô tình.

⇒ Câu thơ cuối mang ý nghĩa nhân văn, cái giật mình thức tỉnh của con người từng bội bạc trở nên đáng trân trọng bởi nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là biết thức tỉnh lương tâm.


Cách vẽ sơ đồ tư duy môn văn đẹp và hiệu quả nhất

Để vẽ sơ đồ tư duy môn Văn hiệu quả, bạn cần chú ý các bước quan trọng sau:

- Tạo ý tưởng chính (ý tưởng trung tâm) cho bài

- Tạo các nhánh cho bản đồ tư duy

- Thêm các hình ảnh trong sơ đồ

Mindmap như một phương thức trực quan và hiệu quả trong việc ghi nhớ những tác phẩm, những ý chính trong văn học, chúng được dùng để thay thế rất hiệu quả cho những con chữ dài lê thê trong Văn học

Ngoài ra, bạn cũng nên thêm thắt những hình ảnh gợi nhớ trong Mindmap môn Văn. Khi sử dụng hình ảnh có tác dụng kích thích thị giác khiến não bộ tiếp nhận thông tin nhanh hơn, qua đó giúp bạn tiết kiệm thời gian học bài mà vẫn không quên các nội dung chính cần nhớ.


Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng - Mẫu số 1

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng lớp 9 ngắn gọn nhất

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng - Mẫu số 2

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng lớp 9 ngắn gọn nhất (ảnh 2)

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng - Mẫu số 3

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng lớp 9 ngắn gọn nhất (ảnh 3)

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng - Mẫu số 4

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng lớp 9 ngắn gọn nhất (ảnh 4)

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng - Mẫu số 5

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng - Mẫu số 6

 

Sơ đồ tư duy Cảm nhận bài Ánh trăng

Bài văn mẫu Cảm nhận bài thơ Ánh trắng hay nhất


Mẫu số 1

     Trăng vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca truyền thống để giãi bày tâm sự, vẻ đẹp thánh thiện, sự chiêm nghiệm... và trong mỗi thể loại thơ trăng lại mang một nét đẹp riêng, độc đáo: thể thơ năm chữ ngắn gọn, giản dị mà có sức chứa đến lạ kì, Nguyễn Duy đã mở đầu bài thơ bằng một hồi ức xa xăm về trăng:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

     Chất thơ mộc mạc tự nhiên như lời.kể chuyện tâm tình thủ thỉ điệp từ hồi cứ mồi lần nhắc đến là một kỉ niệm thân thương lại hiện về trong miền kí ức của tác giả. Nguyễn Duy nhớ về tuổi thơ êm đềm hạnh phúc nơi ruộng đồng, nhớ về những năm tháng chiến tranh gian khổ nơi núi rừng - những thăng trầm, vui buồn cua cuộc sống, sự trưởng thành lớn lên của một con người ở mọi nơi, mọi lúc đều có sự chia sẻ của Trăng người bạn tri kỉ.

     Tri kỉ vì trăng hiểu người; trăng đồng cảm với người trong cảnh hàn vi cơ cực, và những tình cảm thủy chung son sắt mà trăng và người đã có trong lúc đắng cay, những khi ngọt bùi; tình cảm ấy thật bền chặt, sâu sắc; không phô trương hoa mĩ mà bình dị, tự nhiên, không chút vụ lợi toan tính:

Trần trụi với thiên thiên

hồn nhiên như cây cỏ

     Trăng và người - hai hình tượng thơ cứ sóng đôi nhau trong một tứ thơ nhưng trăng thì hiển hiện cụ thể con người lại bị che khuất, giấu đi. Cứ ngỡ cái hiển hiện phải lên tiếng vậy mà Nguyễn Duy để cho cái bị che khuất, cái ẩn lên tiếng trước. Và tứ thơ không phải là lời kể mà chuyển thành độc thoại từ nội tâm con người, lời hối lỗi muộn màng. Trăng gắn bó với người là thế tri kỉ là thế vậy mà nhà thơ phải thảng thốt lên: ngỡ không sao quên được cái vầng trăng nghĩa tình. Cuộc sống còn có bao điều ta không ngờ đến được, cái hạnh phúc bình dị, giản đơn ta đã có đôi khi lại để tuột khỏi tay, tự mình đánh mất mình, đánh mất cả những gì thiêng liêng quý giá nhất. Con người trước dòng đời đua chen xô đẩy, cái hào nhoáng, hoa mĩ, tráng lệ trước mắt ánh điện cứa gương đã khiến họ quên đi những hạnh phúc bình dị thuở nào; quên đi những ki niệm một thời vất vả khó khăn và cũng vô tình lãng quên đi một người bạn tri kỉ ân tình:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

     Hình ảnh vầng trăng ở hai khổ thơ trên không được so sánh ví von như một con người mà chỉ để người đọc ngầm hiểu, sang khổ thơ thứ hai này, hình ảnh vầng trăng được nhân cách hóa thành một con người cụ thể. Cứ ngờ vẫn là con người ấy - tri kỉ và nghĩa tình lắm, vậy mà... không! Trăng vẫn tri kỉ, nghĩa tình đấy chứ, chỉ có lòng người không còn tri kỉ với trăng, chỉ coi trăng như một người qua đường, người dưng, nước lã: xa lạ, lạnh nhạt như chưa hề quen biết, chưa hề gặp mặt; một sự thật phũ phàng bởi lòng người thay đổi khôn lường, nào ai đoán trước được.

     Quỹ đạo của cuộc sống và dòng đời trong đục khiến con người cứ tất bật, hối hả, chìm trong nhịp sống gấp gáp làm ăn. Nhưng cuộc đời lại là một chuỗi những quy luật nhân - quả nối tiếp nhau, con người có lúc may, lúc rủi, lúc thành công, khi thất bại, lúc vui buồn và sự đổi ngôi là tất yếu để mỗi người tự hoàn thiện mình hơn: Thình lình đèn điện tắt/ Phòng buyn đinh tối om. Một sự kiện bình thường, ngẫu nhiên trong cuộc sống hiện đại được Nguyễn Duy đưa vào trong thơ và sử dụng tài tình thành điểm thắt nút, đẩy bài thơ lên đến cao trào: bởi nếu như không có cảnh hôm ấy chắc mấy ai đã nhìn lại mình mà suy xét bản thân để nhận ra sự thay đổi vô tình của mình.

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

     Cả khổ thơ là một chuỗi những hành động liên tục, kế tiếp nhau, nhanh, dồn dập gấp gáp để rồi ngỡ ngàng, ngạc nhiên không nói thành lời: Đột ngột vầng trăng tròn.

     Ta bỗng dưng tự hỏi tại sao lại là trăng tròn mà không là trăng khuyết? Một câu hỏi thật khó trả lời bởi tròn khuyết vốn là quy luật của tự nhiên. Còn trăng ở đây đã được nhân cách hóa với những suy nghĩ, tâm tư rất con người, rất đời thường vậy mà: Trăng vẫn tròn vành vạnh / Kể chi người vô tình. Cái khuyết trong tâm hồn con người bỗng trở nên ngại ngùng xấu hổ trước trăng, trước sự vẹn tròn; chung thủy trước sau như một của trăng. Phải chi trăng cứ khuyết đi cho lòng người đã ân hận, đỡ hổ thẹn với trăng:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

     Một khoảng khắc im lặng trong hiện thực nhưng trong nội tâm con người nỗi xúc động trào dâng đến đỉnh điểm. Mọi ký ức của một thời xa xăm, một thời gian khó, gắn bó thuở nào bỗng dội về trước mặt:

     Trăng! Đó là những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm hạnh phúc.

     Trăng! Đó là đồng là bể, là quê hương làng xóm và những người thân yêu ruột thịt.

     Trăng! Đó còn là sông là rừng, là những người đồng chí anh em.

     Trăng! Đó là những vui buồn - hạnh phúc, những đắng cay ngọt bùi một thuở. Thế mà lòng người đã sớm quên mau để bây giờ chợt giật mình, chợt sực tỉnh, xót xa ân hận, để phải rưng rưng không nói thành lời.

     Lại một lần nữa hình ảnh trăng được nhân hóa. Đó không phái là mặt trăng bình thường nữa. Đó là khuôn mặt của một người bạn đã từng tri kỷ với những người đang sống, đang hiển hiện trước trăng. Qua bao nhiêu biến động thăng trầm, người bạn ấy vẫn thủy chung son sất, bao dung độ lượng, nhân ái như thuở nào.

     Nhà thơ Nguyễn Duy đã tìm được một điểm nhìn vừa thông minh vừa sắc sảo; tinh tế mà cụ thể, chi tiết. Tại sao không phải là trăng chênh chếch; trăng xa xa hay trăng lấp ló mà lại là trăng trên đỉnh đầu để phải ngửa mặt lên nhìn mặt?

     Phải chăng đó cũng là dụng ý của tác giả? Bởi trăng bao dung, độ lượng là thế. Từ điểm nhìn của nhà thơ, ánh trăng cứ lan tỏa ra mênh mông; soi rọi chiếu sáng. Một không gian mênh mông rộng lớn phủ đầy ánh trăng, ngập chìm trong ánh trăng - thứ ánh sáng ngọc ngà tinh khiết. Thời gian và không gian (trăng rọi đỉnh đầu) trong khổ thơ đã khiến ta nhận thấy nó không phải là sớm nhưng cũng chưa đến nỗi muộn để không nhận ra mọi thứ. Phải chăng nhà thơ đã đồng nhất thời gian trong hiện thực và thời gian trong tâm tưởng con người? Hình ảnh trăng ở đây đã lên đến đỉnh điểm thành công của tác giả. Nó chứa đựng một ý nghĩa thật lớn lao sâu sắc, một giá trị nhân văn to lớn. Trăng không còn là trăng của thiên nhiên; không phải là trăng ví như một con người mà nó mang ý nghĩa tượng trưng cho cả một lớp người, một thế hệ. Một thế hệ với bao cống hiến hi sinh trong những thời khắc gian khó, ác liệt; những năm tháng cam go thử thách khi đất nước lâm nguy để đến khi trở về cuộc sống đời thường - đất nước thanh bình, họ lại bình dị đến đạm bạc, không chút đòi hỏi, bon chen danh vọng. Trong số họ có những người không may mắn được trở về; có những người còn gửi lại nơi chiến trường một phần cơ thể và những di chứng chiến tranh cho thế hệ con cái; có những người được Tổ quốc quê hương biết đến song vẫn còn có những người tài sản chỉ là chiếc ba lô sờn vai vì trận mạc và cuộc sống của họ chỉ diễn ra âm thầm lặng lẽ bình dị như bao người bình thường khác nhưng họ vẫn sống và giữ trọn nghĩa tình với quê hương, đất nước, với những người đồng chí đồng đội của mình. Một tấm lòng cao cả, bao dung, độ lượng, một niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Tình cảm của họ vẫn tròn vành vạnh, trước sau như một đâu kể cho những người vô tình, những người lãng quên.

     Trăng lại trở về với chính nó; giản dị tự nhiên, mộc mạc:

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

     Nghệ thuật láy khiến hình ảnh thơ được khắc sâu, in đậm trong tâm tưởng con người, khiến con người phải tự vấn lại lương tâm, tự suy xét lại bản thân. Hai câu cuối bài là lời kết nhẹ nhàng nhưng khá sâu sắc, tạo nên sức lắng cho bài thơ. Cái giật mình của tác giá hay cũng chính là điều Nguyễn Duy muốn gửi gắm, nhắn nhủ mỗi chúng ta: cuộc sống hôm nay dẫu ồn ào náo nhiệt; dẫu cho mỗi con người chi có một chút khoảnh khắc để giật mình sực tỉnh nhìn lại chính mình nhưng điều đó sẽ làm cho cuộc sống có ý nghĩa và giá trị biết bao.

     Lời thơ không triết lý, chau chuốt nhưng đã để lại trong lòng người đọc dòng suy nghĩ về nhân tình thế thái; quá khứ và hiện tại luôn song hành nhắc nhở hoàn thiện mỗi con người; chính nghệ thuật dùng sự hồi tưởng, tự đấu tranh, suy nghĩ trong nội tâm con người đã làm nên thành công, khiến bài thơ còn mãi với thời gian.


Mẫu số 2

Nguyễn Duy là một nhà thơ gắn bó với cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Thơ Nguyễn Duy dung dị, hồn nhiên, trong sáng và mang màu sắc triết lí. “Ánh trăng” là một trong những bài thơ đặc sắc của Nguyễn Duy. Bài thơ viết về câu chuyện của một người lính đã lãng quên quá khứ rồi thức tỉnh bất ngờ khi bắt gặp lại ánh trăng.

Hai khổ thơ đầu bài thơ là sự hồi tưởng về một quá khứ đẹp, khó quên:

“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”

Hai khổ thơ gợi về hình ảnh quá khứ, khi con người, vầng trăng sống chan hòa, tình nghĩa. Trong khoảng thời gian từ thuở ấu thơ đến khi chiến đấu, trăng luôn gắn bó và đồng hành cùng con người. Cả một hệ thống đồng, sông, bể, rừng gợi về không gian gợi mở và quen thuộc, một khoảng thời gian đầy khó khăn, gian khổ nhưng luôn ngập tràn niềm vui. Trăng và con người trở thành tri kỉ, tri âm. Trăng hóa thành biểu tượng đẹp của tuổi thơ, của thiên nhiên về quê hương, về quá khứ, về những năm tháng không thể quên.

Nhưng hoàn cảnh sống đã thay đổi:

“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”

Người lính đến với thành phố, quen với ánh sáng của vật chất, ánh điện, cửa gương. Khổ thơ đã đề cập đến quy luật của cuộc sống: quan hệ tri kỉ tưởng như không bao giờ quên đã trở thành quan hệ người dưng. Đến với thành phố là đến với tiện nghi vật chất, nó khiến con người ta ích kỉ, chạy theo cuộc sống tầm thường, vầng trăng “như người dưng qua đường”. Quên vầng trăng tức là con người đã quên đi quá khứ, phủ nhận tình nghĩa và quên đi chính mình.

Con người dường như đã quên đi tất cả để chạy theo nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại. Thế nhưng một tình huống bất ngờ bất ngờ xảy ra:

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”

Tình huống thường gặp trong cuộc sống hàng ngày – mất điện, nhưng lại tạo ra một biến cố lớn. Mất điện, phòng tối om, mở cửa sổ và người lính gặp lại vầng trăng tròn. Con người đã gặp lại năm xưa và bao nhiêu quá khứ dội về khi con người đối mặt với vầng trăng. Con người đối diện với vầng trăng cũng là lúc đối diện với chính mình, lương tâm mình. Đây là sự đối diện quá khứ và hiện tại, giữa chung thủy và bội bạc và thật bất ngờ, vầng trăng tròn với thứ ánh trăng tinh khiết, dịu nhẹ đã trả lại cho con người những cảm xúc nguyên xơ, những quá khứ đã đánh mất. Không gì có thể ngăn được quá khứ ùa về và qua hình ảnh “như là đồng là bể / như là sông là rừng”. Trong cái “rưng rưng” không chỉ làm cho con người nghẹn ngào mà còn là nỗi ân hận, xót xa.

Ý nghĩa của vầng trăng tri kỉ càng thể hiện rõ nét hơn ở khổ thơ cuối:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”

Cho dù cuộc sống, lòng người có thay đổi thì ánh trăng vẫn mãi sáng, vẫn mãi đẹp, một vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn. “Cứ” có nghĩa là vẫn như xưa, chưa bao giờ thay đổi, rực rỡ và vĩnh hằng. Trăng là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình, quê hương, thiên nhiên, đất nước. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên và quá khứ luôn tràn đầy, bất diệt như vầng trăng. Trăng còn bao dung, độ lượng, chung thủy của những mảnh đất, những con người nơi kháng chiến cũ. Trăng càng tròn đầy thì người lính càng thấy sự thiếu hụt, vô tình của mình. Trăng không một lời trách móc, không một chút giận dữ nhưng đứng trước cái im phăng phắc của vầng trăng, con người cảm thấy giật mình. Giật mình khi nhận ra mình là kẻ vô tình, bạc nghĩa, giật mình khi nhận ra mình đang chạy theo cuộc sống vật chất tầm thường và ích kỉ. Ánh trăng giúp con người nhận ra sự bội bạc, lệch lạc nhân cách của bản thân. Thật đáng quý biết bao cái thức tỉnh giật mình sám hối ấy. “Ánh trăng” là câu chuyện nhỏ của một người lính sau chiến tranh, thể hiện khát vọng tự hoàn thiện mình, vươn lên cuộc sống thanh cao, tốt đẹp dù đã mắc sai lầm. Cuộc đấu tranh hương thiện âm thầm, quyết liệt đòi hỏi sự dũng cảm ở mỗi người. Lẽ sống cao đẹp nhất trong bài thơ mà nhà thơ muốn nói đến là lẽ sống ân nghĩa, thủy chung.

Bài thơ như một câu chuyện riêng, có nhân vật, có tính huống, có sự kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình. Kết cấu, giọng điệu của bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo nên tính chân thực. Bài thơ viết bằng thể thơ năm chữ với giọng điệu tâm tình, nhỏ nhẹ, sâu lắng, nhịp thơ khi thì trôi chảy, tự nhiên, nhẹ nhàng theo lời kể, khi thì ngân nga cảm xúc, lúc lại trầm lắng, suy tư. Các chữ đầu dòng không viết hoa tạo sự liền mạch cho ý tưởng. “Ánh trăng’ không chỉ là chuyện của một người mà còn có ý nghĩa với cả thế hệ, thế hệ đã trải qua những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên chung thủy, giờ sống trong cuộc sống hiện đại tiện nghi vật chất. Hơn thế, bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều thời khi nó đặt ra vấn đề: thái độ với quá khứ, với những người đã khuất và với chính mình.

“Ánh trăng” nằm trong mạch cảm xúc “Uống nước nhớ nguồn”, gợi lên đạo lí sống thủy chung đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Qua bài thơ, ta nhận ra lẽ sống ân nghĩa, thủy chung với quá khứ, trân trọng những giá trị của cuộc sống.

Trên đây là Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng do Top lời giải tổng hợp và biên soạn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt bộ môn Văn. Tham khảo thêm nhiều bài Văn mẫu 9 được cập nhật liên tục tại toploigiai.vn em nhé.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 23/06/2022