Khái niệm Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là gì? Đặc trưng Ngôn ngữ sinh hoạt ngắn gọn, đầy đủ, bám sát nội dung chương trình học.
– Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức. Giao tiếp ở đây thường với tư cách cá nhân nhằm để trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè,…
– Là lời ăn tiếng nói hằng ngày dùng để trao đổi thông tin, ý nghĩ, tình cảm,…đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
– Có 2 dạng tồn tại:
+ Dạng nói
+ Dạng viết: nhật kí, thư từ, truyện trò trên mạng xã hội, tin nhắn điện thoại,…
1. Tính cụ thể:
- Ngôn ngữ sinh hoạt có tính cụ thể, biểu hiện ở các mặt sau đây:
+ Có địa điểm và thời gian cụ thể.
+ Có người nói cụ thể.
+ Có người nghe cụ thể.
+ Có đích lời nói cụ thể.
+ Có cách diễn đạt cụ thể.
- Dấu hiệu tính cụ thể là về hoàn cảnh, về con người, cách nói riêng, từ ngữ, diễn đạt.
2. Tính cảm xúc:
- Tính cảm xúc gắn liền với một thái độ, tình cảm nhất định được biểu hiện:
a). Lời nói đều biểu hiện thái độ, tình cảm qua giọng điệu (thân mật, quát nạt hay yêu thương, trìu mến, giục giã).
b). Những từ ngữ có tính khẩu ngữ tăng thêm cảm xúc (gì, gớm, lạch bà lạch bạch, chết thôi).
c). Loại câu giàu sắc thái biểu cảm (cảm thán, cầu khiến, gọi, đáp, trách mắng).
- Dấu hiệu đặc trưng thứ hai của ngôn ngữ sinh hoạt là cảm xúc, bất cứ lời nói nào đều mang tính cảm xúc.
3. Tính cá thể:
- Là đặc điểm riêng của người nói về giọng điệu, cách lựa chọn từ ngữ, diễn đạt biểu hiện:
+ Mỗi người có một giọng nói khác nhau, có thói quen dùng từ khác nhau.
+ Qua giọng nói, có thể biết được người nói, đoán được tuổi tác, giới tính, địa phương… của họ.
- Lời nói là vẻ mặt thứ hai của con người. Bởi vậy, việc sử dụng từ ngữ của từng người cho thấy nhân cách, trình độ văn hoá của mỗi người.
- Dấu hiệu đặc trưng thứ ba của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là tính cá thể.