logo

Các thành phần biệt lập là gì? Sơ đồ tư duy, Ví dụ


Các thành phần biệt lập là gì?

Thành phần biệt lập là những bộ phận tách rời khỏi nghĩa sự việc của câu. Nó được phân loại làm 4 thành phần chính gồm: Thành phần tình thái, thành phần cảm thán, thành phần gọi – đáp và thành phần phụ chú.

Ví dụ:

Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi.

                         (Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)

Ô! Cô còn quên chiếc khăn mùi soa đây này.

                            (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Các thành phần biệt lập là gì?

1. Thành phần tính thái

a. Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.

b. Tác dụng của thành phần tình thái

- Thành phần tình thái không tham gia diễn đạt nghĩa của sự việc trong câu. 

- Thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá sự việc, sự vật của người nói và giúp câu văn thêm tính truyền cảm, diễn đạt, thu hút người đọc, người nghe.

c. Cách nhận biết thành phần tình thái trong câu:

Trong giao tiếp những yếu tố tình thái thể hiện độ tin cậy cao hay thấp của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu như:

- Chắc chắn, chắc là, chắc hẵn… chỉ độ tin cậy cao.

Ví dụ: Chắc chắn, tôi làm đúng bài tập này.

- Hình như, dường như, hầu như, có vẻ như, có lẽ… chỉ độ tin cậy thấp.

Ví dụ: Dường như, tôi đã làm sai bài tập này.

- Những yếu tố tình thái gắn với ý kiến của người nói như:

  • Theo tôi, theo mình, theo anh ấy, theo chị ấy, theo ông ấy, theo thầy…

Ví dụ: Theo anh, anh thấy sự việc ấy như thế nào?

Những yếu tố tình thái chỉ thái độ của người nói đối với người nghe như:

  • Nhé, nhỉ, à, á, ạ, a, hả, hử, đây, đấy… và các từ này thường nằm ở cuối câu.

Ví dụ: Ngày mai đi xem phim lúc 6 giờ nhỉ?


2. Thành phần cảm thán

a. Định nghĩa 

Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói như buồn, vui, giận, hờn… 

b. Tác dụng của thành phần cảm thán

- Thành phần cảm thán không tham gia diễn đạt nghĩa của sự việc trong câu.

- Bộc lộ tâm lý xúc động của người nói.

- Bộc lộ tâm lý tiếc nuối của người nói.

c. Cách nhận biết thành phần cảm thán trong câu.

Thành phần cảm thán có thể do một thán từ đích thực đảm nhận, có khi là thán từ đi kèm với thực từ.

- Ví dụ: Trời ơi, sinh giặc làm chi. Để chồng tôi phải ra đi diệt thù.

Khi thành phần cảm thán tách ra bằng một câu riêng theo kiểu câu đặc biệt thì nó là câu cảm thán.

- Ví dụ: Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu.

Phần cấu trúc cú pháp của câu thường đứng sau thành phần cảm thán nói rõ nguyên nhân của cảm xúc.

- Ví dụ: Trời ơi, chỉ còn năm phút.


3. Thành phần gọi - đáp 

a. Định nghĩa

Thành phần gọi đáp dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp.

b. Tác dụng của thành phần gọi – đáp

- Thành phần gọi đáp không tham gia diễn đạt nghĩa của sự việc trong câu.

- Để tạo lập, thiết lập một cuộc nói chuyện, trò chuyện mới.

- Để duy trì cuộc trò chuyện trong một khoảng thời gian.

c. Cách nhận biết thành phần gọi đáp trong câu

- Thành phần gọi đáp thường đứng ở đầu câu.

- Lời gọi, lời đáp thể hiện quan hệ của người tham gia giao tiếp.

Ví dụ: Thưa ông, cháu đã về nhà rồi ( quan hệ trên – dưới).

Ừ, 9 giờ sáng chúng mình đi chơi ( quan hệ ngang hàng).

  • Lời gọi đáp thể hiện văn hóa giao tiếp nên phải lựa chọn cho phù hợp.

Ví dụ: Ê, em ơi, lại đây anh bảo ! ( sự thân thiện).

Ê, thằng kia, bán cho tôi gói thuốc ( sự vô lễ).

  • Khi thành phần gọi đáp tách thành câu riêng nó sẽ trở thành câu đặc biệt.

Ví dụ: Hồng Diễm! mấy giờ em đi học?


4. Thành phần phụ chú

a. Định nghĩa

Thành phần phụ chú được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.

b. Tác dụng của thành phần phụ chú

Nó giúp bổ sung, giải thích thêm nghĩa cho câu nói, lời nói trong giao tiếp. Nó giúp người đọc, người nghe hiểu rõ hơn nghĩa mà người viết, người nói muốn truyền đạt.

c. Cách nhận biết thành phần phụ chú

Thành phần phụ chú thường được đặt giữa:

- Hai dấu gạch ngang.

- Hai dấu phẩy.

- Hai dấu ngoặc đơn.

- Một dấu gạch ngang với một dấu phẩy .

- Nhiều khi thành phần phụ chú thường được đặt sau dấu 2 chấm.


Mẹo ghi nhớ thành phần biệt lập

1. Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu

VD: Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.

2. Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói (vui, mừng, buồn, giận…)

VD: Ồ, sao mà độ ấy vui thế!

3. Thành phần gọi- đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp

VD: Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ.

4. Thành phần phụ chú: được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.

VD: Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh- và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.

5. Điểm giống nhau và khác nhau giữa thành phần tình thái và cảm thán

Hai thành phần biệt lập là tình thái và cảm thán có nhiều điểm giống nhau và khác nhau, các bạn rất dễ nhầm lẫn giữa 2 thành phần này. 

- Điểm giống nhau:

+ Đều không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu.

+ Đều không tham gia vào cấu trúc ngữ pháp của câu.

- Điểm khác nhau:

+ Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.

+ Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tâm lý của người nói trong câu.


Sơ đồ tư duy thành phần biệt lập

Sơ đồ tư duy thành phần biệt lập

Ví dụ thành phần biệt lập

Tìm các thành phần biệt lập trong các ví dụ dưới đây:

a, Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

b, Chắc hẳn trận đấu tối nay giữa tuyển Việt Nam với tuyển Thái Lan sẽ thu hút đông đảo người xem và cổ vũ.

c, Chúng tôi, mọi người- kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.

d, Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)

g, Thưa bác, con mới từ Hà Nội về thăm gia đình ta ạ!

h, Này, chuyện lớp mình đạt giải nhất là thế nào vậy?

e, Trời ơi, chỉ còn có năm phút!

Lời giải:

a, Thành phần tình thái (hình như) diễn đạt trạng thái mơ hồ, chưa xác định được trong khoảnh khắc giao mùa

b, Thành phần tình thái: diễn đạt sự phỏng đoán chưa chắc chắn ở trận đấu bóng

c, Thành phần phụ chú, từ kể cả anh được thêm vào làm rõ cho tập hợp “mọi người” được nói đến trong câu

d, Thành phần phụ chú: diễn đạt trạng thái bất ngờ, ngỡ ngàng khi cô bé hàng xóm là thanh niên xung phong (có ai ngờ) và cảm xúc khâm phục, yêu thương của nhân vật trữ tình trước vẻ đẹp của cô gái.

g, Thành phần gọi đáp: diễn đạt sự lễ phép trong giao tiếp với người hơn tuổi (thưa bác)

h, Thành phần gọi đáp: thu hút sự chú ý từ người nghe (này)

e, Thành phần tình thái: diễn tả sự nuối tiếc, vội vã của nhân vật khi thời gian ngắn ngủi sắp kết thúc

icon-date
Xuất bản : 25/06/2021 - Cập nhật : 07/08/2023