logo

Phân tích Vợ nhặt học sinh giỏi

Tuyển chọn những bài văn hay, nâng cao Phân tích Vợ nhặt  học sinh giỏi. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn tại các lớp chuyên và thi học sinh giỏi. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Phân tích Vợ nhặt học sinh giỏi

1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

– Kim Lân là một nhà văn có nhiều trang viết gắn liền vơi hơi thở của người nông Bắc bộ Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm viết về con người và mảnh đất này như: “Làng”, “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí”,…

– “Vợ nhặt” được trích từ tập truyện “Con chó xấu xí”, đây là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân. Tác phẩm vừa là bức tranh hiện thực về nạn đói khủng khiếp năm 1945 vừa là bài ca ca ngợi vẻ đẹp tình người và khát vọng sống, niềm tin vào tương lai của người lao động nghèo.

2. Thân bài

a) LĐ1: Khái quát

“Vợ nhặt” là tác phẩm xoay quanh tình huống truyện anh Tràng nghèo khổ, xấu xí ế vợ giữa nạn đói năm Ất Dậu, chỉ một câu nói bông đùa, bốn bát bánh đúc, hai hào dầu mà Tràng có được vợ. Nói đúng hơn là có vợ theo mà không tốn tền cưới xin. Sau đêm tân hôn của đôi vợ chồng son, cuộc sống gia đình Tràng bắt đầu nhen lên ngọn lửa của niềm tin. Bà cụ Tứ – mẹ Tràng thì rạng rỡ hẳn lên. Người vợ nhặt thì hiền hậu đúng mực khác với vẻ chao chát ngoài chợ. Kết thúc tác phẩm là chi tiết lá cờ đỏ cùng đoàn người đi phá kho thóc Nhật.

b) LĐ2: Nội dung phân tích

* Nhân vật Tràng

– Tràng là người dân ngụ cư nghèo, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng, sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói.

– Trong hoàn cảnh khốn cùng, vẫn khát khao hạnh phúc, có ý thức tạo dựng mái ấm gia đình.

– Khát vọng sống mãnh liệt, tin vào tương lai tươi sáng

* Nhân vật người “vợ nhặt”

– Nạn nhân của nạn đói với cuộc sống trôi nổi, bấp bênh

– Ngoại hình, tính cách

– Lòng ham sống mãnh liệt phía sau cảnh trôi dạt, vất vưởng

– Sau vẻ nhách nhác, dơ dáy là một người rất ý tứ và biết điều

c) LĐ3: Những đặc sắc nghệ thuật

– Cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn và cảm động.

– Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, giản dị mà chặt chẽ, khéo léo làm nổi bật sự nổi bật giữa hoàn cảnh và tính cách nhân vật.

3. Kết bài

Tổng kết lại nội dung phân tích


Phân tích Vợ nhặt  học sinh giỏi - Bài mẫu 1

       Kim Lân là nhà văn của làng quê Việt Nam với cách viết chân chất, mộc mạc và những hình ảnh nhân vật điển hình cho làng quê. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa nghĩa tình. Tác phẩm “Vợ nhặt” là một “kiệt tác” của văn học hiện thực Việt Nam, tái hiện thành công xã hội nghèo khổ, cùng cực, bế tắc của người nông dân. Bằng bút pháp tả thực Kim Lân đã xây dựng thành công tuyến nhân vật đại diện cho cuộc sống bần cùng giai đoạn đó.

       Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân ra đời trong thời kỳ đất nước đang rơi vào nạn đói năm 1945, đời sống nhân dân bần cùng, kẻ sống người chết nham nhảm, ”người chết như nga ra, không buổi sáng nào người trong làng đi chợi, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vấn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Khung cảnh xóm ngụ cư ấy đã diễn tả được cái đói đang hoành hành, đời sống nhân dân thê thảm.

       Ngay từ nhan đề của tác phẩm, Kim Lân đã dẫn người đọc khám phá cuộc sống của những điều khốn khổ, bần hàn nhất. Là “vợ nhặt”, là chi tiết và là tình huống truyện thắt nút làm nên cuộc đời của từng nhân vật.

       Mở đầu truyện ngắn, tác giả đã phác họa hình ảnh nhân vật anh cu Tràng “hắn bước đi ngật ngưỡng, vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai bên quai hàm bạnh ra…” Chỉ với vài chi tiết đó, người đọc cũng đã hình dung được diện mạo xấu xí của một anh nông dân nghèo rách mùng tơi. Từ ngày nạn đói hoành hành, đám trẻ con không buồn trêu tràng nữa, vì chúng đã không còn sức lực. Khung cảnh buồn thiu, đầy ám ảnh bao phủ lên xóm nghèo. Trong khung cảnh chiều tà, suy nghĩ của Tràng được tái hiện “hắn bước đi từng bước mệt mỏi, cái ao nâu tàng vắt sang một bên cánh tay. Hình như những lo lắng, cực nhọc đè nặng lên cái lưng gấu của hắn”.

       Với vài chi tiết tiêu biểu, Kim Lân đã vé lên trước mặt người đọc hình ảnh người nông dân nghèo đói, xơ xác, bộn bề lo lâu đến cùng cực.

       Tác giả đã thật khéo để xây dựng nên tình huống truyện độc đáo, mới lạ, làm thay đổi cuộc đời của một con người. Tình huống Tràng “nhặt” được vợ. Là “nhặt” được chứ không phải lấy được. Người đọc nhận ra sự thê thảm, bước đường cùng và đầy éo léo của con người trong xã hội bấy giờ.

       Hình anh vợ anh cu Tràng dần dần hiện ra dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn đầy ám ảnh “ thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén,e thẹn”. Một người đàn bà nghèo khổ, không còn thứ gì giá trị đi cạnh một người đàn ông nghèo khổ, cùng cực đúng là một đôi trời sinh.

       Giữa cái đưa vợ “nhặt” được về nhà, Kim Lân đã xây dựng nên khung cảnh đìu hiu, ảm đảm của xóm nghèo “từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp sụp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ kêu trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Không còn gì thê thảm và hiu hắt hơn khung cảnh chiều tàn nơi xóm nghèo như vậy. Mọi thứ dường như bị cái đói, cài nghèo đè nén đếm chìm nghỉm. Bằng ngòi bút tả thực sinh động, Kim Lân đã gieo vào lòng người đọc nhiều chua xót, đắng cay cho những phận nghèo long đong.

       Điều đáng chú ý chính là cách những người hàng xóm hỏi thăm Tràng về người đàn bà đi bên cạnh tràng. Thực ra thấy lạ nên người ta mới hỏi, thì cũng hiểu ra, có lẽ là vợ Tràng, “nhìn chị ta thèn thẹn hay đáo để”. Người đàn bà bắt không còn chua ngoa, đanh đá nữa mà trở nên thẹn thùng khi quyết định theo Tràng về làm vợ.

       Làm vợ một cách bất ngờ, giữa cảnh đói như ngả rạ. Có lẽ cái nghèo đói đã đẩy hai con người đến với nhau, không phải tình yêu nhưng là tình thương. Hẳn người đọc sẽ cảm thông và xót thương cho những mảnh đời dật dờ nơi xóm ngụ cư.

       Khi trở về nhà, hình ảnh bà cụ Tứ, mẹ Tràng được Kim Lân khắc họa diễn biến và sự chuyển đổi trong tâm tinh thật tài tình và sâu sắc. Người đọc sẽ hiểu hơn tấm lòng một người mẹ bao dung và hiền hậu. Chi tiết “bà lão phấp phỏng bước theo con vào nhà, đến giữa sân bà sững lại vì thaayscos một người đàn bà ở trong…” Sự băn khoăn lo lắng của bà cụ bắt đầu hiển lên. Nhưng rồi bà cũng nhận ra, cũng hiểu “bà lão cúi đầu nín lặng, bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán, vừa xót xa cho số kiếp con mình. Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là trong lúc làm ăn nên nổi, còn mình…” Những suy nghĩ chua xót của bà lão được Kim Lân diễn tả qua một loạt động từ tình thái khiến cho cái khổ, cái đói lại vồ vập và hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

       Bà đã chấp nhận người “vợ nhặt” của con trai. Tình huống khiến người đọc nhớ mãi, hình ảnh khiến người đọc khi nhắc đến tác phẩm này đều không quên là hình ảnh “nồi cháo cám” trong buổi bữa cơm đón dâu dầu tiên. Hình ảnh “nồi cháo cám” là hiện thân của cái đói nghèo đến cùng cực trong một gia đình “không còn gì giá trị nữa”. Bà cụ Tứ hôm nay thay đổi tâm trạng, toàn nói những chuyện vui trong nhà, vì bà muốn mang lại không khí vui tươi hơn giữa cái nghèo. Hình ảnh “nồi cháo cám” hiện lên bình dị, đầy chua xót và nước mắt của người mẹ nghèo. Ai cũng muốn có một bữa cơm đón dâu có mâm cao, cỗ đầy trong ngày rước dâu nhưng gia cảnh nghèo nàn, “nồi cháo cám” là thứ duy nhất đong đầy yêu thương bà có thể mang lại cho con.

       Đây là một chi tiết vô cùng đắt giá trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân khiến người đọc nhớ mãi. Bên cạnh đó hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện của cuối truyện ngắn đã mang đến chút niềm tin và hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

       Bằng ngòi bút miêu tả chân thực, sinh động, cách khắc họa tâm lý nhân vật sắc sảo,độc đáo và cốt truyện đầy bất ngờ Kim Lân đã vẽ lại trước mắt người đọc khung cảnh đói nghèo tràn lan của xã hội Việt Nam những năm 1945. Qua đó tác giả cũng nhấn mạnh tình yêu thương giữa người với người luôn bất diệt.


Phân tích Vợ nhặt  học sinh giỏi - Bài mẫu 2

       Kim Lân là một nhà văn có nhiều trang viết gắn liền với hơi thở của người nông Bắc bộ Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm viết về con người và mảnh đất này như: “Làng”, “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí”,…Tác phẩm “Vợ nhặt” được trích từ tập truyện “Con chó xấu xí” là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân. Tác phẩm vừa là bức tranh hiện thực về nạn đói khủng khiếp năm 1945 vừa là bài ca ca ngợi vẻ đẹp tình người và khát vọng sống, niềm tin vào tương lai của người lao động nghèo.

       “Vợ nhặt” là tác phẩm xoay quanh tình huống truyện anh Tràng nghèo khổ, xấu xí ế vợ giữa nạn đói năm Ất Dậu, chỉ một câu nói bông đùa, bốn bát bánh đúc, hai hào dầu mà Tràng có được vợ. Nói đúng hơn là có vợ theo mà không tốn tền cưới xin. Sau đêm tân hôn của đôi vợ chồng son, cuộc sống gia đình Tràng bắt đầu nhen lên ngọn lửa của niềm tin. Bà cụ Tứ – mẹ Tràng thì rạng rỡ hẳn lên. Người vợ nhặt thì hiền hậu đúng mực khác với vẻ chao chát ngoài chợ. Kết thúc tác phẩm là chi tiết lá cờ đỏ cùng đoàn người đi phá kho thóc Nhật.

       Tìm hiểu vào tác phẩm ta thấy Tràng là người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng, sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp. Tràng là dân ngụ cư nghèo khổ, làm nghề đẩy xe bò thuê. Anh sống với mẹ già, gia cảnh nghèo túng. Cái được gọi là “nhà” thì luôn “vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhộn những búi cỏ dại”. Đã vậy Tràng lại có ngoại hình xấu xí, thô kệch. Ngay đến cả tên gọi cũng là tên gọi của một loại đồ vật dùng trong nghề mộc. Với vài nét bút phác họa đơn giản, Tràng hiện lên có phần giống với những thằng đần, thằng ngốc trong truyện cổ tích. Nhưng Kim Lân không có ý định viết truyện cổ tích với thằng đần, thằng ngốc mà ông đang kể về một sự thật, một sự thật đắng lòng về cái đói và tình người năm đói. Thật ra hôm đầu Tràng không chủ tâm tìm vợ. Tràng cũng biết, người như hắn thì không thể có vợ. Khi đẩy xe bò mệt mỏi anh chỉ hò một câu cho vui “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò cùng anh”. Tràng hò để xua đi nỗi mệt nhọc trong người và chẳng có ý trêu ghẹo ai cả. Ai ngờ có người đàn bà đói đến xông xáo đẩy xe thật.  Nhưng vì đùa vui nên Tràng đã không giữ đúng thỏa thuận với câu hò. Nhưng Tràng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi gặp lại cái “cười tít mắt của Thị” bởi “từ xưa đến giờ có ai cười với hắn một cách tình tứ như vậy đâu”.

       Hôm sau gặp lại khi Tràng đang ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ có người đàn bà sầm sập chạy đến, cong cớn, sưng xỉa với hắn “điêu, người thế mà điêu”. Tràng không nhận ra người đàn bà ngày trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người đàn bà thảm hại đã bị cái đói tàn hại cả nhan sắc lẫn nhân cách: “Thị gầy sọp hẳn đi, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày hốc hác, quần áo rách như tổ đỉa”. Thấy người đàn bà rách rưới thảm hại, Tràng động lòng thương. Có ai ngờ được rằng trong con người thô kệch ấy lại có một tấm lòng thương người cao cả. Thế rồi Tràng cho người đàn bà kia ăn, không chỉ ăn mà còn ăn rất nhiều “bốn bát bánh đúc”. Vốn tính hay đùa, Tràng lại tầm phơ tầm phào “Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuôn đồ lên xe rồi về”. Nói đùa thế thôi ai ngờ Thị về thật. Lúc đầu Tràng phảng phất lo sợ về cái đói và cái chết “thóc gạo này đến cái thân mình chẳng biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Đó là nỗi sợ hãi có thật nhất tại thời điểm đói kém như thế này. Nhưng có lẽ tình thương người và khát vọng hạnh phúc đã lớn hơn nỗi sợ hãi nên sau đó anh chặc lưỡi “Chậc kệ”. Chỉ một từ “kệ” thôi, Tràng như đã bỏ sau lưng mình tất cả nỗi sợ hãi, mọi lo nghĩ để vun vén cho hạnh phúc gia đình.

       Trong hoàn cảnh khốn cùng, Tràng vẫn khát khao hạnh phúc và có ý thức tạo dựng mái ấm gia đình. Khi người phụ nữ chấp nhận làm vợ, Tràng đã có ý thức chăm sóc “bỏ tiển ra mua cho thị cáo thúng con để đựng vài thứ lặt vặt”, Tràng con hào phóng “mua hai hào dầu để thắp sáng”. Trên đường về, hôm nay Tràng có niềm vui lạ, một niềm hạnh phúc tràn ngập khiến mặt Tràng cứ “phớn phở khác thường”. Thỉnh thoảng lại còn cười nụ một mình. Lúc thì hắn đi sát người đàn bà, lúc lại lùi ra sau một tí, hai tay cứ xoa vào vai nọ vai kia, lại muốn nói đùa một câu, lại cứ thấy ngường ngượng. Kim Lân đã cho người đọc thấy được sự biến chuyển tâm lí của Tràng. Khi về đến nhà, lúc đầu Tràng thấy “ngượng nghịu” rồi cứ thế “đứng tây ngây ra giữa nhà, chợt hắn thấy sờ sợ”. Nhưng lúc đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc lớn lao quá khiến Tràng lấy lại được thăng bằng nhanh chóng. Lúc sau tràng lại tủm tỉm cười một mình với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt, không dám tin đó là sự thật “hắn đã có vợ rồi đấy ư?”. Đó là sự ngạc nhiên trong sung sướng.

       Trong lúc chờ mẹ về, tràng nóng ruột đi đi lại lại. Chưa bao giờ người ta thấy hắn nôn nóng như thế. Khi mẹ về hắn mừng rỡ ríu rít như trẻ con, Tràng nóng lòng thưa chuyện với mẹ, bắt mẹ ngồi lên giường để thư chuyện. Đến đây ta thấy Tràng hiện lên không còn nông cạn nữa, Tràng đã ý thức được việc lấy vợ là việc hệ trọn của cả một đời. Với hắn đây là giây phút thiêng liêng và trọng đại. Khi được mẹ đồng ý Tràng thở đánh phào một cái nhẹ nhõm người. Thế là Tràng đã có gia đình, có vợ, không tốn tiền cưới hỏi, Tràng lấy vợ thật hiển hách.

       Tràng có khát vọng sống mãnh liệt, có niềm tin vào tương lai tươi sáng. Từ một anh phu xe cục mịch, sống vô tư, chỉ biết trước mắt, Tràng đã là người quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi đời. Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm, biết suy nghĩ chín chắn. Nhà văn đã mang đến cho người đọc hơi thở mới của Tràng vào sau cái đêm tân hôn. Tràng thức dậy, thoạt tiên đó là cảm giác dễ chịu “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Đó là tâm trạng hạnh phúc. Tràng cảm động khi thấy vợ và mẹ dọn dẹp lại nhà cửa, nhất là khi nghe tiếng chổi tre quét từng nhát sàn sạt trên sân. Một nỗi lòng yêu thương, một niềm vui sướng, phấn trấn đột ngột tràn ngập trong lòng “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của nhà lạ lùng”. Khi tiếng trống thuế ngoài đình vang lên rộn rã, thúc giục, Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi và phút chốc trong đầu Tràng vụt lên suy nghĩ “Cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên con đê Sộp” cùng hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” đi phá kho thóc của Nhật như dẫn Tràng mở đường vào một bước ngoặt mới trong cả nhận thức tưởng tượng và con đường đi lên.

       Xây dựng nhân vật Tràng, nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để từ đó toát lên vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của nhân vật. Đó là tình thương yêu, niềm khát khao hạnh phúc, niềm lạc quan tin tường vào tương lai tươi sáng.

       Người “vợ nhặt” là nạn nhân của nạn đói với số phận trôi nổi, bấp bênh. Dưới ngòi bút của Kim Lân thị là người phụ nữ không tên không tuổi, không quê hương, không quá khứ. Thị xuất hiện vừa bằng ngoại hình vừa bằng tính cách của một con người năm đói. Lần thứ nhất Thị xuất hiện là khi ngồi lẫn trong đám con gái chờ nhặt hạt rơi hạt vãi trước cổng chợ tỉnh. Khi nghe Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc, Thị “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng”. Thị đẩy xe với hi vọng được ăn, anh Tràng lại không giữ đúng lời thỏa thuận của câu hò. Lần thứ hai Thị xuất hiện với ngoại hình kém hấp dẫn, nếu như không muốn nói là xấu. Chân dung của thị được gợi lên bởi những nét “không dễ nhìn”. Đó là một người phụ nữ gầy vêu vao, “quần áo tả tơi như tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt” nổi bật với “hai con mắt trũng hoáy”. Có thể nói cái đói đã khiến thị ngày càng trở nên nhếch nhác và tội nghiệp. Cái đói không chỉ tàn hại dung nhan của thị mà nó còn tàn hại cả tính cách, nhân phẩm. Vì đói mà thị trở nên “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa, đanh đá”. Thị “cong cớn, xưng xỉa” khi giao tiếp. cái đói khiến thị quên đi cả viễ giữ ý tứ, lòng tự trọng của người con gái. Được cho ăn, thị sẵn sàng “sà xuống cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Thị đã đặt sự tồn tại của mình, đặt miếng ăn lên trên nhân cách.

       Phía sau cảnh trôi dạt vất vưởng, người vợ nhặt lại có một lòng ham sống mãnh liệt. Thị đồng ý theo Tràng là để sống chứ chẳng phải lẳng lơ. Thị bất chấp tất cả để được ăn, ăn để được tồn tại. Đó là ý thức bám lấy sự sống, khao khát được sống. Cận kề bên cái chết, người đàn bà không hề buông xuôi sự sống, trái lại thị vượt lên trên cái thảm cảnh để dựng xây mái ấm gia đình. Niềm lạc quan yêu sống của thị chính là một phẩm chất đáng quý. Nói như Kim Lân “Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết về một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, vẫn tin tưởng vào tương lai.”

       Kim Lân đã miêu tả thật tinh tế và cảm động những bước chân ngượng ngập, e thẹn trên đường về nhà chồng của Thị. Cái dáng điệu khép nép trước mẹ chồng, rồi tiếng chào “u” lúng túng và cả những lời đối đáp. Cái hạnh phúc ấy đã đem lại sự đổi thay thật sựu trong tính cách của thị. Thị dậy sớm, cùng mẹ chồng nấu nướng, thu dọn quét tước nhà cửa. Ngôi nhà sạch sẽ, quang đãng, Thị trở thành người phụ nữ hiền hậu chăm chỉ đến nỗi làm cho Tràng phải ngạc nhiên: “Tràng nom Thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài tỉnh”. Thật kì diệu, hạnh phúc, lòng nhân ái đã làm cho người ta đổi thay, tự tin vượt lên tắm tối của thực tại, vươn tới những ngày tươi sáng.

       Trong bữa cơm đầu đón nàng dâu, dù bữa ăn chỉ có “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được lưng hai bát cháo đã hết nhẵn”, lại phải ăn cháo cám nhưng thị vẫn vui vẻ bằng lòng. Thị đã đem sinh khí mới trong gia đình.

       Thân phận vợ nhặt nhưng không bị khinh bạc, ngược lại Thị được đón nhận trong vòng tay yêu thương của những con người cùng khổ. Thị đã đem đến âm thanh, màu sắc, hơi ấm cho ngôi nhà vẹo vọ, hoang vắng, giá lạnh của hai mẹ con Tràng. Hình ảnh của Thị trong tác phẩm đã đem đến một ý nghĩa: bên bờ vực của cái đói và chết chóc, con người chỉ có thể vươn lên, vượt qua khi được sống trong tình yêu thương của đồng loại. Chỉ có tình yêu thương mới đem lại hạnh phúc cho con người.

       “Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân. Thành công đó được thể hiện trong cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn và cảm động. Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, giản dị mà chặt chẽ, khéo léo làm nổi bật sự nổi bật giữa hoàn cảnh và tính cách nhân vật.

       Tóm lại, Vợ nhặt là một sáng tạo của Kim Lân. Thông qua tác phẩm nhà văn đã thể hiện một ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Con người Việt Nam dù sống trong hoàn cảnh khốn cùng nào cũng luôn hướng về tương lai với niềm tin vào cuộc sự sống. Đồng thời Kim Lân cũng bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc đối với những số phận con người bé nhỏ của nhân dân ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.

---/---

Với  các bài văn mẫu Phân tích Vợ nhặt học sinh giỏi do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về  tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 10/05/2021 - Cập nhật : 10/05/2021